Thứ Ba, 28 tháng 12, 2021

TỪ MỘT BÃI ĐÁ CỔ TRIỆU NĂM...

         

          Nhớ, một lần cách đây lâu lắm rồi, chúng tôi được đưa đến thăm một cái thác ở cái huyện mà đọc tên rất khó của tỉnh Gia Lai, huyện Kon Chro. Và đã sững sờ trước một cái thác đẹp đến mê hồn. Hồi cái thác Ia Ly còn nguyên sơ, chưa bị phá đi để làm thủy điện như bây giờ, có lẽ nó cũng chỉ hoành tráng đến như thế này. Là nói về độ cao, độ vĩ đại, còn cái mà nó hơn đứt thác Ia Ly là... đá. Cũng đá, nhưng thác Ia Ly là những vỉa đá ngang, còn ở đây là đá đứng, hình trụ, nó cứ lừng lững đứng, dựa vào nhau như có bàn tay người sắp xếp. Nhưng người thì không thể nào sắp được những tầng đá đều như thế, tăm tắp hàng lối thế được. Nên nó phải là tạo hóa. Và từng viên đá ấy cũng chằn chặn như nhau như từ một khuôn do... giời đúc.

          Sau mới biết, nơi đây là thế giới đá. Có những cái mỏ đá khổng lồ được cấp phép khai thác, mà khai thác dễ tới mức xe chỉ việc ngoắc cáp vào rồi kéo, từng cột đá như những cái cọc chống trời chằn chặn trên xe. Đá ở đây đẹp đến nỗi, nếu mới nhìn qua, tưởng nó vừa được lấy trong khuôn ra, nhẵn nhụi, tăm tắp, như đã được đánh bóng...

          Rồi liên tưởng, Tuy An, Phú Yên cũng có cái ghềnh đá đĩa, niềm tự hào của dân Nẫu, và cả miền Trung. Nhưng nó ở biển, còn đây là rừng, một huyện từng rất nhiều rừng, ở sâu và xa của Gia Lai.

          Nhưng lại cũng té ra, nếu tính đường chim bay, nó rất gần Phú Yên, dẫu cao hơn biển Phú Yên cả ngàn mét.

          Mấy ngày nay, dân tình xôn xao vì sự "mới phát hiện" một bãi đá cổ, ước tính cả triệu năm, ở làng Vân, thị trấn Ia Ly, nơi có cái nhà máy thủy điện Ia Ly tôi nhắc ở trên.

          Dẫu đã thức tới 4 giờ sáng để xem bóng đá, nhưng 6 giờ, hẹn với anh bạn, tôi vẫn lái xe chạy hơn 40 cây số lên để chiêm ngắm cái thứ mà cư dân mạng và báo chí xôn xao mấy hôm rày.

          Đường đẹp, dẫu có đoạn đường đất, nhưng rất ngắn, còn lại là quốc lộ và tỉnh lộ. Để xe lại đi bộ gần cây số nữa, đường đất đỏ, hai bên là cà phê đang ra quả xanh, cành trĩu vì quả. Dăm ba cái xe cọc cạch đang nổ máy để kéo nước dưới suối lên. Chính là cái suối mà có bãi đá chúng tôi đang tìm đến.

          Có thể triệu năm trước, hoặc vạn năm, thậm chí vài chục năm thôi, nơi đây từng là rừng già. Và cái con suối ấy nó ẩn hiện dưới những cánh rừng ấy, chứ giờ, nó tơ hơ ra dưới nắng, dưới những tán cà phê và cỏ dại.

          Và cái bãi đá ấy hiện ra. Không nhiều tiếng ồ à. Có thể bởi trước khi tới đây chúng tôi đã hình dung nó phải hùng vĩ như thế nào, đồ sộ như thế nào, tít tắp như thế nào?

          Giờ, nó khép nép chảy.

          Nhưng đá thì đẹp, rất đẹp.

          Và cũng như những bí ẩn mà thi thoảng tự nhiên lại bày ra để khiến con người choáng ngợp, nó cũng đầy sự khiêu khích bí ẩn?

          Rằng thì là, tại sao nó lại như thế? Cứ như có sự sắp xếp, sự phối màu phối cảnh, phối cho nó một trật tự mà tưởng lâu nay chỉ con người mới làm nổi. Trật tự đến im lặng, đến khắt khe, đến vô ngôn trước những đòi hỏi lý giải nhưng sẽ không hoặc chưa có giải đáp?

          Những người dân ở đây có lẽ đã quá quen với con suối này, họ thản nhiên lội qua, kéo dây, nổ máy, dẫn nước tưới cà phê cho rẫy của họ. Có chăng, những ngày này, họ ngạc nhiên khi thấy từng nhóm người ở đâu cơm đùm cơm nắm kéo đến, xắn quần lội, ồ à, chụp ảnh, có người mang theo cả va li... váy, cả màn che để thay váy chụp ảnh.

          Chợt nhớ, tôi cũng vừa có loạt bài về những dòng sông Tây Nguyên. Ơ kìa, những con sông ấy cũng gắn với... đá.

          Ấy là những hòn đá tảng như những con voi chiến phủ phục giữa sông Ba đoạn qua thị xã An Khê, giơ lưng giữa mùa cạn, mà giờ mùa cạn của nó rất... mênh mông sau khi thủy điện An Khê Ka Nak hoàn thành đã bắt nước của nó chảy xuống sôn Côn. Là những bãi đá gan gà, xếp lớp dưới nắng chiều cũng trên sông Ba đoạn qua thị xã Ayun Pa, chiều chiều nó hắt lên một thứ ánh sáng đẹp sững sờ khiến dân ở đây gọi nó là Thung lũng hồng. Chưa hết, ở đây còn Suối đá, còn địa danh Chân trời tím... toàn liên quan tới đá. Không nhiều đá như xứ Hà Giang, nhưng đá ở đây có chỗ nhiều hơn... đất.

          Lại nói nơi đá nhiều hơn đất. Là ở xã H'bông huyện Chư Sê, Gia Lai, nơi đúng là đá nhiều hơn đất. Tôi đã đến vùng này, thấy đa phần dân trồng ngô, ớt, những loại cây rễ nông (lại nhớ ở Hà Giang, trên các hốc đá tai mèo dân toàn trồng ngô, và món mèn mén ăn với rau cải trở thành món quốc hồn quốc túy vùng này). Tính đường chim bay, H'bông cách mấy địa danh Thung lũng hồng, Chân trời tím, Suối đá... chừng hai chục cây số, và cách suối với mỏ đá Kon Chro cũng chừng ấy. Ở H'bông này, chỉ dưới 40 phân là đá. Đá dày đặc, đá kín bưng. Cây cổ thụ không thể mọc ở đây vì không có nơi cho rễ cắm.

          Từ nơi đây chiếu một đường thẳng, chừng trăm cây số, có cái suối đá cổ tôi đang tới tìm đây.

          Là cứ lan man thế khi vừa đi vừa ngắm những vườn cà phê trĩu quả, những mảnh ruộng như những miếng áo vá thuở nào vàng xanh lốm đốm, và cả những ngôi làng yên bình trong nắng sớm.

          Với du lịch bây giờ, khi sinh thái lên ngôi... thì đấy chả phải đất vàng cho du lịch ư?

          Đừng nghĩ chỉ bãi đá cổ, mà với những xóm làng như thế, ruộng đồng như thế, cà phê như thế, mùa nào màu ấy, hoa trắng tinh khiết, thơm ngào ngạt, quả xanh rồi quả chín, tím rịm, những ngôi làng, dẫu đã rất hiện đại tôn sáng lòa hoặc bầm chiều thì cũng vẫn là những thứ mà dân du lịch cần.

          Lại nhớ lần sang Thái Lan, đúng nghĩa đi du lịch, mua tour của một công ty du lịch lớn của TP HCM. Trong chương trình có... đi bè. Con sông Songkalia bao quanh khu du lịch có cái resort chúng tôi ở lượn quanh một khu rừng hoai hoải tuổi, tức không non cũng chưa già, chắc tương đương rừng khộp bên ta vì rất nhiều đá. Gọi là sông chứ có khi nó nhỏ hơn mấy con suối ở Tây Nguyên. Trên ấy có mấy cái bè tre để sẵn. Khách leo lên đấy ngồi theo hướng dẫn xong thì một con thuyền máy hình dáng như thuyền con én chạy đến, ngoắc cáp vào kéo, ngược nước. Khách ngồi trên ấy, ban đầu còn khép nép, sau thì... sướng quá, đứng lên hú hét, chụp ảnh tự sướng các kiểu, kể cả nhảy co chân lên như thể đang bay vào không gian, kiểu chụp ảnh mới phát sinh gần đây.  Chạy chừng 45 phút thì thuyền tháo dây, lúc này bè trôi xuôi nước trở lại nơi xuất phát, thuyền chạy về trước. Lúc này mới biết vai trò của mấy ông Thái địa phương lên bè ngồi từ lúc xuất phát: các ông ấy điều khiển bè. Khách ai thích các ông ấy cũng giao cho một cái mái chèo mà khua loạn xạ, chủ yếu để... chụp ảnh nuôi phây.

          Chỉ thế, và nó trở thành một điểm du lịch hấp dẫn trên đất Thái, dẫn dụ rất nhiều khách du lịch tới.

          Thế tức là, vấn đề là, không phải là anh có cái gì, mà là anh làm như thế nào?

          Chưa thể nói được gì nhiều về cái bãi đá cổ này, cũng như  mới hôm qua, lại cũng ở tỉnh Gia Lai, ở một địa điểm khác, người ta lại hân hoan khi phát hiện thêm một bãi đá nữa, ở gần một thủy điện (tất nhiên, giờ cứ chỗ nào có sông là có thủy điện) thuộc huyện Mang Yang.

          Và có thể sẽ còn nhiều phát hiện nữa, bên cạnh rất nhiều đã có, vấn đề là, làm thế nào để đánh thức nó, để nó trở thành tài nguyên. Gia Lai, cũng như cả nước, vẫn loay hoay việc khai thác tài nguyên, ví như việc biến cái đồi thông rất đẹp ở huyện Đăk Đoa thành sân Gôn (golf) hiện vẫn đang còn nhiều ý kiến dù quyết định đã ký. Thì cũng là làm kinh tế, lo cho dân cho nước, nhưng làm sao để môi trường tự nhiên không bị sứt mẻ gì, để con người sống yên ổn tự tin trên mảnh đất của họ đã là hạnh phúc rồi...

          Trong khi chờ những động thái tiếp theo về hướng xử lý, biến những bãi đá này thành tài nguyên như mong muốn, chúng tôi giới thiệu một số ảnh về hiện tượng thiên nhiên kỳ thú mới phát hiện này...

BOX:

Theo các chuyên gia khoáng sản của sở Tài Nguyên và Môi trường Gia Lai, thì Gia Lai có nhiều loại đá nhưng không liên quan tới nhau. Ví dụ đá Granit thì ở dưới sâu, đá Bazan thì do nham thạch phun trào ở trên mặt đất... Rồi còn đá Biến chất, đá Mác ma, Gabro vân vân...

Đá Bazan chiếm trữ lượng lớn ở Gia Lai. Và các loại đá Bazan nếu nhìn có dạng đĩa thì thực ra nó cũng chính là dạng cột, trụ, nhưng từ cách nhìn có vẻ như là đĩa.

Chưa thống kê hết trữ lượng đá ở Gia Lai nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung, bởi phải có máy móc, thời gian, rồi khoanh vùng vân vân các loại...

Mấy bãi đá cổ được coi là "mới phát hiện" có thể chỉ có một nhúm, một khoảnh rất nhỏ thôi, chứ nếu bóc ra chưa chắc toàn bộ đã là đá. Tuổi đá ở đây phải hơn một triệu tới vài triệu năm, hoặc có thể hơn...

Bài trên Tạp chí Du Lịch HCM số 4/ 12/2021







Bố con nhà cháu trên một bãi đá, ảnh chụp cách đây khoảng 30 năm

Và hình này chụp cách đây hơn 20 năm cũng trên một nơi toàn đá. Nhiều trẻ em trong này giờ đã... già. Bé con nhà cháu đi theo suất ăn theo đội mũ đứng sau lưng gã ở trần là... nhà cháu.

                                                                                 

2 nhận xét:

Tôn Thất Quỳnh Ái (Nhà báo Tôn Anh Giang) nói...

TUYỆT VỜI, CHÚC MỪNG TÁC GIẢ

Văn Công Hùng nói...

@Tốn Thất Quỳnh Ái: Hihi cám ơn cụ ạ.