Hôm nay Reatimes, tờ báo điện tử tôi cộng tác thường xuyên từ 3 năm nay, đầy 5 tuổi. Không phải ăn cây nào rào cây nấy, dù việc ấy là rất đúng, rất đạo lý, tôi cũng vẫn phải công nhận đây là một tờ báo có nhiều điều thần kỳ, thậm chí đến mức khó tin trong thời buổi báo chí chết như ngả rạ hiện nay, và nó có 5 tuổi thì đến 3 tuổi ngoi ngóp trong dịch, nhưng nó vẫn "ngạo nghễ", vẫn tử tế, vẫn sống đẹp, nói tóm lại là rất gì và này nọ, hihi.
Bài dưới đây viết cho sự kiện này của báo, và đã đăng trên Reatimes.
---------
Một ngày đẹp trời cách đây 3 năm, một cú điện thoại của nhà thơ Nguyễn Thành Phong tới tôi. Đại loại là giờ ông ấy làm cố vấn cho một tờ báo mới ra, có mục Reablog dành đất cho 7 ông nhà văn tung tẩy cho 7 ngày trong tuần. Thứ 2 là của ông Phạm Nguyễn Toan, nhưng ông ấy phải gánh trọng trách Tổng biên tập nên ông ấy rút, mời tôi "lấp" vào đấy. Ôi giời, tôi sướng điên. Chỉ đơn giản là bởi tôi quý ông Phong lâu nay. Là người phải như thế nào mà đến đi xem bóng đá cũng được ti vi lia máy vào cả đoạn dài đặc tả chứ. Chơi với ông này thì chỉ sang lây, biết đâu sẽ có ngày mình được đi xem bóng đá với ông ấy. Và tất nhiên là tôi "vui vẻ nhận lời". Được ông Phong "sai bảo" thì chỉ có từ cun cút nghe lời tới hân hoan nhận lãnh công việc. Ông Phong giao hẹn, trong 7 ngày phải có 4 bài cho 1 tháng đã, cho chắc ăn rồi chính thức giao việc.
Tôi
khi ấy đã có 37 năm ở Tây Nguyên. Tôi khác ông Phong là ông ấy ở Sơn La
thời bé, khi trưởng thành thì về Hà Nội và thành danh ở đấy. Tôi
hồi bé và sinh viên thì ở Thanh Hóa và Huế, thành cử nhân thì lên
Tây Nguyên sống, viết lách như một cơn rồ, chứ chả ý thức rằng là
sẽ viết về Tây Nguyên như một chuyên gia, bởi biết, mình còn mỏng
lắm, nhiều người sâu hơn, rộng hơn mình nhiều. Ông Phong được giao giữ
cái mục Reablog, mời các ông toàn hoành tráng và mỗi ông được Phong
đặt cho một biệt danh, như Tiến trọc, Tuấn cơm có thịt, Lão Tạ,
Thiều làng Chùa vân vân. Giờ ông ấy dí cho tôi cái biệt danh rất là
"xủng xoảng" là "Hùng Tây nguyên". Ban đầu tôi cũng
hãi, thấy to tát quá, nhưng sau nghĩ lại, nó chỉ là một thứ nickname
chỉ địa danh thôi, nhẽ lại Hùng trọc vì đã có ông Tiến trọc rồi.
Thế
thì tôi phải tò mò tìm hiểu.
Trước
hết là từ cái ông mà tôi vinh dự được thế chân ấy.
Té
ra ông ấy là nhà thơ Phạm Nguyễn Toan, tôi từng đọc thơ ông ấy và
thích. Thấy thơ thì có vẻ lãng tử miên du lắm, bồng bềnh mây gió
lắm, em út hồn nhiên lắm... nhưng làm Tổng biên tập một tờ báo từ
hai bàn tay trắng thì tôi không hình dung ra. Bởi tôi cũng từng cầm
một tờ văn nghệ cấp tỉnh, tôi hiểu nó vất vả khó khăn tới thế nào,
ấy là tờ của tôi còn được bao cấp. Tôi có tật ít thuộc thơ, đọc
thì ấn tượng rồi quên, tới khi đọc lại thì nhớ, và rất ít nhớ tên
tác giả. Thế nên khi search trên mạng gặp mấy bài thơ quen tôi từng
đọc mới biết nó là của ông Toan này.
Nói
thêm, ngay khi còn làm ở tờ báo văn nghệ địa phương, tôi đã nhận làm
thường trú cho vài tờ báo phía Bắc. Và tôi hiểu nó ngặt nghèo ra
làm sao. Mà nó còn là có truyền thống ba bốn chục năm, có quân tinh
nhuệ cơ sở khang trang, chỉ thiếu... tiền hiện tại. Có tờ nợ nhuận
bút, nợ lương cả năm trời. Có tờ giao nhiệm vụ làm quảng cáo và
bán báo nặng hơn viết báo cho phóng viên.
Thế
mà tờ này, không phải của chính quyền, của bộ ngành, chỉ của một
hiệp hội, rất ít tính báo chí, văn chương càng không, lại dám ra và
dám chơi, thì nể.
Thì
chơi là dám mời 7 ông, giờ thì đông hơn rồi, toàn loại nhớ nhớ quên
quên, toàn loại coi lời hẹn, thời gian là cái đít chai, thích thì
viết, không thì... ngủ. Lại còn thích gì viết nấy, chữ của các ông
ấy là vàng là kim cương là máu, đụng vào là chết, là ăn đủ...
Thế
mà tài, tất cả các ông bà ấy cứ thun thút nghe lời. Đúng hẹn là
có bài, đúng giờ là xuất bản,
đèo đẽo đã 5 năm.
Mà
không chỉ mục ấy.
Các
mục khác cũng rất phát triển, đọc rất vào, nhiều chuyên gia tham gia.
Và
báo phát triển. Thấy trụ sở ở Hà Nội đã hoành tráng rồi, một hôm
trên fb của mấy ông tòa soạn khoe khai trương văn phòng đại diện tại
Sài Gòn. Một cơ ngơi rất hoành tráng, một giấc mơ của nhiều tờ báo
khác. Mà hoàn toàn là "tự mình" chứ không được bao cấp, kể
cả đầu tư ban đầu.
Mà chưa hết,
cuối năm báo còn xuất bản những cuốn sách rất sang trọng, tập hợp
những bài tiêu biểu trên Reablog. Lại nhớ hồi đầu khi Nguyễn Thành
Phong "giao nhiệm vụ", ông bảo, cứ viết cho mục này, sau gom
lại in tập sách. Quả là tôi đang gom lại in một combo 3 cuốn: một thơ,
một chân dung văn học và một cuốn "về Tây nguyên" gom những
bài đã đăng trên Reablog.
Mà
đọc trên phây, thấy từ TBT tới các cán bộ khác đều rất thong dong.
TBT vẫn đăng thơ đều đều. Ông "cai" Nguyễn Thành Phong thì hết
cháu nội lại tới... ly và chai, tới tung tẩy bạn bè. Nhớ hôm rồi ở
Hà Nội, trước dịch đợt 4 bùng phát mấy ngày, tôi ngồi uống rượu
với nhà thơ Hữu Việt và nhà văn "trẻ" Bình Ca, họa sĩ
Nguyên trâu, nửa cuộc mới nhớ tới Phong, bảo Việt gọi hú họa vì lúc
ấy đã khuya và cũng xa, rượu ngon cũng gần hết, thế mà Phong vẫn phóng tới. Phó tổng, thư
ký tòa soạn tới các biên tập viên thì cũng thư sinh như... sinh viên
thực tập.
Mà
trừ mấy ông cố vấn nhất nhất được gọi là "thầy" như ông
Phong, ông Nguyễn Hoàng Linh, còn lại tất cả đều trẻ, rất trẻ nữa.
Tài thật.
Tờ
Tạp chí Du lịch thành phố Hồ Chí Minh bộ mới, ngay số thứ 2 đã đặt
tôi một bài "Hùng Tây Nguyên vẽ mình" chứng tỏ Reablog của
Reatimes cũng rất là gì và này nọ- nói theo ngôn ngữ phây bây giờ. Tờ
này cũng sinh ra, chính xác là... nối bản, từ hai bàn tay trắng, đang
lấy Reatimes làm "gương".
Thế
nên chả ngoa khi tôi nói rằng, Reatimes đã sinh ra "Hùng Tây
Nguyên" và tôi tự hào về điều ấy. Giờ trên facebook của tôi, sáng
thứ 2 hàng tuần, bạn đọc của tôi luôn đợi 7h để đọc "Hùng Tây
nguyên" trên reablog tôi dẫn link về.
Ngồi
nhà giãn cách, lại nhớ lần offline ở tòa soạn, lần ấy tôi xách tới
một can rượu đòng đòng của nhà thơ Trần Hồng Giang tặng báo. Là
Giang biết tôi sáng ấy lần đầu tiên tới thăm tòa soạn bèn ship cho tôi
một can 5 lít, loại rượu thượng thặng của Nam Định do chính tay mẹ
Giang làm với lời hẹn anh mang tới uống với anh em, quà của em cho tờ
báo em hay đọc. Nhẽ dịp 5 năm này sẽ lại được "tụ" nhưng
dịch dã, thôi đành từ xa mà vọng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét