Thứ Bảy, 31 tháng 7, 2021

QUÊ HƯƠNG ĐỂ TRỞ VỀ

          Những ngày này, rất nhiều hình ảnh làm chúng ta nhói lòng, trong đó không thể không nhắc tới những đoàn xe máy hàng trăm, vài trăm, thậm chí cả ngàn xe và người nối đuôi nhau trên các con đường từ TP HCM và Bình Dương, Đồng Nai tỏa về các tỉnh miền Trung, miền Tây.

          Trước đó một chút là đi... bộ, là xe đạp. Mà không phải đi gần, từ mấy trăm cây tới suýt soát cả ngàn cây số.

          Rồi các tỉnh thông báo sẽ tổ chức đón dón bà con về. Tỉnh máy bay, tỉnh tàu hỏa, tỉnh ô tô tùy tình hình từng tỉnh.

          Nhưng quả là, như muối bỏ bể, khi mà nhu cầu về lớn hơn rất nhiều khả năng vận chuyển và cả khả năng tiếp nhận của các tỉnh.

          Đến bây giờ, một số tỉnh lại thông báo không nhận bà con trở về nữa.

          Sáng nay tôi nhận được bức thư của một bạn ở một tỉnh miền Trung gửi trực tiếp cho chủ tịch hội đồng hương tỉnh ấy ở Sài Gòn, bức xúc về việc nhập nhòe trong việc chọn người để đưa về quê, rằng rất nhiều người già yếu cô đơn bệnh tật cần về, khẩn thiết phải đưa về, thì không có trong danh sách, mà trong số những người lên xe để về có những thanh niên sang trọng đi giày, xách va ly, cầm smartphone chụp ảnh khoe phây nữa. Bạn biết tôi là nhà báo nên chia sẻ. Tôi có nhắn lại là, quả thực, cái món hội đồng hương ấy, nó chỉ là một tổ chức tự phát, chả ai công nhận nó cả. Các tỉnh miền Trung hay có các hội đồng hương này. Những người được bầu vào lãnh đạo hội (thường là người có điều kiện kinh tế và uy tín trong cộng đồng, 2 điều này liên quan tới nhau) đa phần là ôm rơm dặm bụng, thậm chí là phạm luật vì luật chưa cho phép thành lập hội như thế. Bình thường họ lặng lẽ làm, thậm chí mang tiền nhà ra lo cho thiên hạ, đến khi hữu sự thì mới quan trọng, là cái "phao" cho cả 2 phía, chính quyền và dân, bám vào. Một số tỉnh yêu cầu rõ muốn về phải liên lạc với hội đồng hương, được hội đồng hương đồng ý. Thế là hội đồng hương từ chỗ đúng nghĩa là... hội đồng hương thành nơi tổ chức và cả quản lý cộng đồng. Thứ 2 nữa, một anh bạn tôi khi nghe chuyện bảo, chắc gì những người xách va ly cầm smartphone kia là giàu, là sinh viên đói cả tuần rồi thì sao. Thêm nữa, hàng vài chục ngàn tới mấy trăm ngàn người đăng ký nhưng khả năng vận chuyển chỉ vài ba trăm, chọn thế nào?

          Đúng là khổ hoàn khổ.

          Và cũng không biết giải thích thế nào?

          Các tỉnh không nhận bà con về nữa nêu lý do: Đã hết chỗ chứa người cách ly.

          Nghe rất có lý, nhưng nó cũng thể hiện một điều là, các tỉnh ấy đã không chuẩn bị sẵn sàng cho việc này, tới khi chẳng đặng đừng, phải đón bà con về, thì lúng túng, rồi cách dễ nhất là... đóng cửa.

          Cũng phải ghi nhận một điều, là trong hành trình bà con về quê ấy, rất nhiều cách ứng xử đẹp, của nhân viên công vụ, của người dân, với những người xuyên đêm về quê, khiến bà con rất ấm lòng. Hãy hình dung trên những cái xe máy, toàn là loại tã, rách rồi, cả một gia đình trên ấy, ít nhất là 2 người, nhiều là 5 người, 2 vợ chồng và 3 đứa con, cứ thế mịt mù chạy, không cần biết, hay chính xác là biết nhưng không có lựa chọn khác, những vất vả và nguy hiểm trước mắt. Nếu không có những tấm lòng hết sức sẻ chia, tận nghĩa bà con gặp trên đường thì con đường về nhà ấy còn xa lắm, cô đơn cực nhọc lắm...

          Sáng nay, phó chủ tịch tỉnh Gia Lai nhắn tin cho tôi: "Đêm qua 876 công dân về khu cách ly, khách sạn đầy hết anh ạ. Anh e chốt tiếp tế ko kịp, vẫn bánh chưng xôi, nước (hạn chế bánh mì vì sợ bà con đau bụng); Giờ thì tại chốt, tỉnh thống nhất quy trình bài bản, xăng do công ty xăng dầu hỗ trợ. Nay thêm đội sửa xe, thay lốp cơ động nữa. Sáng nay, lắp nhà bạt cho công dân nghỉ tạm; Đúng là chưa bao giờ rơi vô tình cảnh như này Anh ạ". Tỉnh Gia Lai là tỉnh đầu tiên tiếp tế xăng cho bà con "hành quân" trên đường. Trước đấy thì cảnh sát giao thông các tỉnh miền Trung tổ chức dẫn bà con qua địa phận tỉnh mình như dẫn đoàn quan trọng, xe dẫn đầu, đi giữa, khóa đuôi, tiếp tế bánh mì và nước. Việc dẫn đoàn, tiếp tế xăng, sửa xe... là lợi cả hai phía. Bà con đỡ vất vả là đương nhiên, và chính quyền thì quản lý được, để bà con không phải tạt ngang tạt ngửa đổ xăng, sửa xe, kiếm cái ăn vân vân... Có lẽ trong lịch sử lễ nghi cấp nhà nước, phải tới thời Covid này mới có chuyện dùng xe cảnh sát dẫn bà con một cách vừa hoành tráng vừa đau khổ như thế.

          Cũng sáng nay một tờ báo tường thuật chuyện 2 chị em sinh viên đi xe máy từ Sài Gòn về quê, cảnh sát ách lại không cho đi. Các cháu bảo ở lại thì chỉ còn 200 ngàn không đủ sống. Trước đấy đã vay 800 ngàn để test nhanh xác nhận âm tính. Họ khóc bảo chỉ về quê thì mới có thể sống chứ ở đây sẽ chết đói. Anh cảnh sát giao thông đã rút ví cho 2 chị em 500 ngàn và còn hẹn ghi số điện thoại có gì cần thì gọi, anh sẽ giúp chứ còn về quê thì không thể vì một mặt là thành phố phong tỏa, mặt nữa quê không nhận người về. Nhẽ ra đường không lý do như trường hợp này thì sẽ bị phạt, nhưng anh cảnh sát giao thông đã làm một nghĩa cử lay động lòng người như thế, dù đọc tin xong, vẫn cứ canh cánh, 2 chị em ấy sẽ sống như thế nào trong những ngày tiếp theo. Và không chỉ 2 chị em nhà ấy. Còn hàng chục ngàn, thậm chí nhiều hơn, trường hợp tương tự, và khổ hơn nữa.

          Dân tộc ta có truyền thống yêu quê, trở về quê. Tết, hàng triệu người rùng rùng về quê trong khi nhẽ ra họ phải ở lại để tận hưởng không khí tết ở nơi đô hội, của cái thành phố mà họ đầu tắt mặt tối làm ăn cả năm. Quê trở thành chốn trú ngụ cuối cùng của mỗi con người. Hay nói như một người khi được chọn về quê bằng tàu hỏa: Về quê, không có tiền chúng tôi vẫn có thể sống. Ở lại, không có tiền thì không thể sống, mà có tiền có khi cũng rất khó sống.

          Cũng biết, mỗi tỉnh có những khó khăn riêng. Bởi công dân của tỉnh, trước mắt vẫn phải là những người ở tỉnh ấy đã. Như tỉnh Thừa Thiên Huế thống kê: Tổng sức chứa các khu cách ly của tỉnh hiện được khoảng 10.000 người, mà số cách ly hiện tại đã gần 8.000 người, những ngày qua mỗi ngày trung bình có hơn 1.000 người từ vùng dịch về phải cách ly. Mặc dù Tỉnh đã trưng dụng cả các trường học chưa đảm bảo đầy đủ yêu cầu phòng chống dịch để chuẩn bị cho việc cách ly, nhưng nếu tình trạng này kéo dài khoảng vài ngày nữa, sẽ không còn đủ chỗ để chứa người cần cách ly.

Vấn đề là, nếu bất ngờ có bùng phát dịch trên địa bàn tỉnh, người dân đang sinh sống tại quê nhà sẽ gặp rất nhiều khó khăn do không còn chỗ để cách ly.

          Hết sức hợp lý, và cũng đầy nghiệt ngã.

          Nhưng cũng như việc các xe chở hàng và quan niệm hàng thiết yếu thời kỳ đầu dịch ấy, khi các tỉnh tự điều hành thì rất khó khăn, rất bế tắc, tới khi cấp trung ương thống nhất thì nó mở ra ngay. Tới giờ các xe chở hàng không phải liên tục bị quay đầu như tuần trước, tháng trước, và hàng thiết yếu thì cũng không còn cấm... bánh mì như anh phó chủ tịch phường ở Nha Trang đã làm.

          Dân thì của một tỉnh, nhưng nó liên quan tới nhiều tỉnh, và họ là công dân Việt Nam, dẫu nước Việt của chúng ta vẫn đang oằn mình chống dịch. Thủ tướng chính phủ cũng đã từng yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi để người dân từ tp HCM trở về địa phương.

          Nếu biết cách tổ chức, quản lý, điều phối, nhiều người vẫn cho rằng chính quyền tạo điều kiện để bà con về quê một cách hợp lý, an toàn sẽ vẫn tốt hơn nhiều cho cả 2 phía...

Bài in mục Kính đa tròng ở đây ạ

Cháu bé 10 ngày tuổi, theo mẹ sinh xong chưa cắt chỉ ngồi xe máy của bố vượt hàng ngàn cây số về tới Đà Nẵng được cộng đồng mạng phát hiện và giúp, thuê xe cứu thương đưa về Nghệ An. Cũng là một cách hồi hương.



                                                                        

2 nhận xét:

Quế Sơn nói...

Đang lúc thực hiện giãn cách xã hội ở TPHCM, các tỉnh ven đô, một số tỉnh miền Trung, và Hà Nội, thì, đùng một phát, Chính phủ có công văn chỉ đạo UBND các tỉnh cần phối kết hợp với TPHCM, tạo điều kiện để đưa đón công dân của mỗi tỉnh hồi hương, tránh dịch. Lãnh đạo chống dịch cả nước, trong tình hình dịch bệnh bùng phát dữ dội, mà vội vội vàng vàng chỉ đạo một cách quá non tay như thế thật đáng phê phán nghiêm khắc. Chưa nói đến mầm dịch bệnh dễ lây lan khắp nước, nhìn cảnh 'tùy nghi di tản' trên QL1A của hàng vạn dân, bộ mặt của hệ thống chính trị có phần méo mó thế nào. May mà liền sau đó, kịp thời chấn chỉnh,'đâu ở yên đấy' bằng các công điện hỏa tốc! Dập dịch là một hoạt động đặc thù, khoa học. Nó không phải cứ quen dùng võ mồm, 'tấn công, tấn công quyết liệt'. Thậm chí những câu chữ chính trị sáo rỗng đưa vào trong lúc này gây phản cảm, vô duyên.
Trong lúc khốn nguy, tình càm đồng bào đã và sẽ được thể hiện hết cỡ. Bạn bè quốc tế đứa vàng đứa chì đã tỏ. Dịch rồi sẽ qua đi và ngoài tác hại của dịch, nhiều bài học quí và lạ, trên nhiều lĩnh vực xuất hiện, giúp chúng ta suy ngẫm.

Văn Công Hùng nói...

@Quế Sơn hihi cám ơn cụ