Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

CHUYỆN NHỮNG CÁI CÂY BỊ CHẶT

 


          Hôm rồi một cô học trò cũ của tôi nhắn trên facebook: Thầy ơi thầy quen nhiều, có thể giúp trường em một cái dù ở sân trường không, nắng quá, mỗi khi các em học sinh tập trung ở sân trường rất khổ?

          Là tôi có thời gian thỉnh giảng môn Mỹ học cho một trường nghệ thuật ở Gia Lai, học trò môn nhạc họa giờ làm giáo viên khá nhiều. Cô này là một trường hợp.

          Và tôi xúc động. Tôi biết có một số giáo viên giờ chỉ lo tròn vai của mình, rồi về, dạy thêm mới là chính. Nhưng cô này, sau rất nhiều đắn đo, biết chắc chắn là tôi không nhớ cô ấy là ai trong rất đông học trò, nhưng vẫn đã nhắn tin cho tôi, đủ biết cô ấy có trách nhiệm và thương học trò thế nào?

          Tôi nhắn lại là tôi sẽ cố gắng dù biết là rất khó, đang cô vít cô veo thế này. Cô ấy động viên lại, dạ thầy cứ cố giúp trường em, thầy cố là được mà.

          Bẵng đi, một hôm cô ấy lại nhắc. Thực ra là tôi đang chờ cơ hội. Tôi cũng có thi thoảng giúp chỗ này chỗ kia, làm vài việc được coi là thiện nguyện, nhưng việc này thấy nó hơi mông lung nên ngại chưa xin, bởi nghĩ cho cùng, cái chuyện học trò bị nắng với lại khó khăn ấy, giờ đi đâu cũng gặp, cũng thấy. Nhưng rồi vì cô ấy giục nên tôi lên facebook viết lời xin.

          Kết quả rất khả quan, có thể có cả dù và cả sách vở và đồ cùng học tập cho các cháu nữa.

          Và một buổi sáng tôi lên trường khảo sát, vừa để đo đạc thực tế cái dù, vừa để xem là trường học giữa vùng rừng Tây Nguyên mà tại sao lại nắng thế?

          Đấy là ngôi trường ở xã vùng xa của huyện biên giới Ia Grai. Trường thuộc xã Ia Krăi. Nơi đây gần làng với anh hùng A Sanh, một trong 2 người lái đò được lưu trong sử sách và cả văn học nghệ thuật thời chiến tranh là mẹ Suốt và ông Puih San (A Sanh) này.

          90% là học sinh dân tộc thiểu số, người Jrai. Tất nhiên là các cháu không đầy đủ sung túc gì, nên giúp được gì cho các cháu thì là rất tốt, chuyện ấy không nói, và những công việc liên quan đang được triển khai trước khi các cháu trở lại khai giảng.

          Điều đáng nói là, sân trường có những gốc cây xà cừ rất to, vài người ôm, bị chặt ngang, giờ đang nứt lá non trở lại.

          Và cũng cần trở lại thời gian trước. Ở một ngôi trường, một cây phượng đổ, làm chết một cháu học sinh. Tất nhiên là đau đớn, là thương xót, là nước mắt, là phẫn nộ... và trong cơn phẫn nộ ấy, người ta trút một phần lớn vào những... cái cây.

          Thế là hàng loạt cây trên sân trường bị chặt. Nhiều nhất là phượng. Những cây phượng chở mùa hè, những cây phượng kỷ niệm. Những cây phượng mộng mơ, những cây phượng tình yêu...

          Nhưng mà quả đúng là, phượng rất giòn. Chưa kể, gốc nông và hay bị cụt rễ cọc, chưa kể nó mục hồi nào không biết. Những cây phượng đổ xuống, đa phần chỉ còn gốc trụi thùi lùi chứ không có rễ.

          Thế là hàng loạt sân trường như sân... bóng. Nắng chang chang. Hết ve kêu hết phượng nở.

          Và người ta quay lại phê phán các trường, các ông bà hiệu trưởng, là ác hơn... đồ tể, là tàn sát cây xanh là vân vân các kiểu.

          Thử quay trở lại ngôi trường tôi đang đến thăm này. Nó ở rất xa trung tâm. Và nhận những "khuyến cáo" từ cấp trên, tôi chưa nói là chỉ thị, mà là khuyến cáo, rằng các trường, các hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về việc cây gãy đổ vân vân các kiểu.

          Tôi, cái hồi cây bị chặt hàng loạt ở các sân trường ấy, cũng phẫn nộ lắm. Nhưng rồi gặp một cô hiệu trưởng, cô ấy bảo, trường em toàn nữ, có ai hiểu biết cây cối gì đâu, vác dao mé cành còn không nổi nữa. Thế là phải thuê. Mà ngay mấy ông thợ cưa cây cũng có biết cây nào sâu cây nào không đâu? Thế là để an toàn cho các cháu, cho cả... mình, cưa ngang vậy.

          Thì ngay cây đường phố của công ty cây xanh quản lý ấy, có nhân viên kỹ thuật, kỹ sư cây xanh thăm khám liên tục mà thi thoảng nó còn gãy đổ đè xe đè cả người nữa kìa, huống gì trường học chúng em?

          Mà giờ, muốn chặt cái cây cũng không dễ. Trước nhà tôi có mấy cây khá to, phượng và hoa sữa, do bà con tự trồng, giờ nó lớn thì quản lý nó là thành phố chứ chúng tôi không có quyền nữa. Hôm cái cây phượng có mấy nhánh khô có hiện tượng gãy, rất nguy hiểm, chả ai biết làm sao, sau tôi phải lợi dụng quen biết với chủ tịch thành phố nhờ. Ông chủ tịch báo cho phòng quản lý đô thị. Phòng này cử người xuống khảo sát rồi báo cáo lại, rồi chuyển cho công ty cây xanh. Công ty này ngày trước thuộc thành phố, giờ đã cổ phần, tức là nó chỉ làm thuê cho thành phố. Họ cho xe và công nhân xuống cưa ngang thân, hẹn sẽ xuống cưa tiếp vì nó chết rồi. Nhưng chưa thấy xuống thì giờ từ cái thân chết ấy vươn ra mấy cành, và kỳ lạ, nó vẫn nở hoa, tưng bừng hoa. Để chặt mấy cành từ cây phượng ấy, công ty phải điều 1 xe thang và gần chục công nhân, chưa kể chuyên viên của phòng quản lý đô thị khảo sát rồi giám sát.

          Vậy, một trường ở vùng sâu vùng xa như cái trường tôi đang kể sẽ phải làm gì?

          Và phong trào chặt cây này nó có ở hầu hết các trường học trên cả nước, vì sự an toàn cho cả học sinh và thầy cô, như đã nói.

          Sự bất cập ở đây chính là, chưa có một sự nghiên cứu thấu đáo từ các chuyên gia cây xanh xem có thể trồng ở sân trường loại cây gì?, chăm sóc như thế nào, cách theo dõi chúng để biết lúc nào chúng gãy lúc nào chúng bật gốc... Điều này không chỉ ở trường học, mà cả trên đường phố. Trong khi đó các nhà thơ, nhạc sĩ (có tôi hihi) lại ca ngợi phượng quá tình quá đẹp quá mông lung quá kỷ niệm quá thơ mộng quá đáng yêu quá lãng mạn..., cứ như ai chưa qua mùa phượng nở thì chưa thành người ấy, nên phượng trở thành biểu trưng của sân trường, của học trò, của áo trắng...

          Cái dù che nắng chỉ là giải pháp nhất thời, trả lại cây xanh bóng mát cho sân trường mới là vĩnh cửu, là hợp quy luật, là chân lý... nhưng muốn thế, rất cần một hệ thống khoa học về cây, để nó an toàn và thân thiện với trường học, để không phải nơm nớp dưới nó, không nơm nớp vì trách nhiệm, và cả nơm nớp cưa cây xong nhận sự phẫn nộ của xã hội...

          Tức, cây xanh là một phần của trường học, cũng như, nó là một phần của đời sống, của trái đất. Không chỉ một phần, nó phải quan trọng và chủ yếu. Loài người chỉ là một bộ phận nhỏ nương nhờ bóng xanh ấy...

        Và để trồng, chăm sóc, nhất là bảo vệ cây và bảo vệ con người, bảo vệ học sinh thì rõ ràng không thể, không chỉ của nhà trường. Nó cần phải có chuyên môn sâu. Bộ giáo dục cần vào cuộc, có một hướng dẫn chung, một sự kết hợp với ngành lâm nghiệp trong việc ban hành một quy chuẩn về cây trong trường học?

Bài trên Reatimes Hùng Tây Nguyên ạ



Những cái cây trong sân trường bị cưa ngang để bảo đảm sự an toàn
Cây phượng trước nhà tôi, cưa xong vẫn trổ hoa, để cưa được là cả một quá trình tốn công và sức vượt quá khả năng và quyền hạn của người trồng
Vốn dĩ nó như thế này. Hàng xà cừ này phía ngoài khuôn viên trường

                                                                                 

1 nhận xét:

Hệ thống truyền thanh thông minh IP, dùng sim 4G nói...

Không thể vì một cây phượng bị ngả mà tất cả các cây khác bị đốn hết