Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

NHỮNG MẢNH RỜI TỪ MỘT CUỐN SÁCH


          Cách đây trên dưới hai chục năm, cái thời bắt đầu có những giọng văn "khác lạ" trên văn đàn, tôi đọc một cái truyện ngắn rất hay trên một tờ báo. Lạnh, gọn, sắc, thẳng băng và ấn tượng. Lần tìm tác giả thì ra một cái tên nữ là Hoàng Phương Nhâm, đã nể rồi. Tìm tiếp thì lại làm ở ban tuyên giáo Ninh Bình. Trời ạ, Ninh Bình là quê ngoại tôi, và hồi này, tuyên giáo là chuyên đi... tuýt còi các tác phẩm được coi là gai góc của văn nghệ sĩ, mà cái nhà chị nhà văn này lại trong cái dàn gai góc ấy. Tôi khi ấy đương ở Pleiku, thầm ghen tị với các bạn văn Ninh Bình. Bởi người có nhiệm vụ tuýt còi mà viết như thế thì anh em viết lách được "nở hoa" đến thế nào?



Bài trên Reatimes thứ 2, hôm nay ạ. Ở ĐÂY.

         


Hôm rồi gặp chị ở Sài Gòn. Thì ra cả gia đình chị đã vào neo ở Sài Gòn. Chị bảo: Có cái tập này, có rảnh đọc chơi nhé, chị sắp in đấy.

          Tôi tròn mắt, kinh nhỉ? Bởi biết nhà chị, cả 2 ông bà đều là nhà văn, mà cứ sòn sòn thế này, tôi hình dung mỗi ông bà một laptop, lặng lẽ níu mình vào đấy mà lao động, mà sáng tạo... thì không khí trong nhà nó như thế nào?

          Đêm đầu tiên bật máy tính lên đọc. Tôi ở một mình trong một căn phòng biệt lập rất rộng ở khu du lịch Một thoáng Việt Nam ở Củ Chi, xung quanh là cây rậm như rừng, có sóc, bìm bịp, cuốc, ếch nhái... và được chục trang thì... rởn tóc gáy lên, trùm chăn.

          Và nói thật, nếu yếu bóng vía, không thể đọc tiếp được.

          Bởi gặp toàn... hồn ma.

          Mà lạ, bà này nhỏ bé, có phần rụt rè nữa, mà sao viết về ma ngọt thế, sâu thế, ma thế.

          Nhưng mà những hồn ma hết sức nghĩa tình, nhân hậu, dẫu vẫn là hồn ma, là lạnh toát, là không rõ hình hài, là thoắt ẩn thoắt hiện... nhưng không làm điều ác, thậm chí biết ngăn chặn những hồn ma định làm điều ác.

          Chiến tranh mà. Vâng, cái cuốn "Sự đành hanh của số phận" này viết về chiến tranh. Mặt âm của chiến tranh, nên các nhân vật đa phần là... hồn ma.

          Những hồn ma khiến ta lạnh người, đọc ban đêm lại cứ phải... liếc về phía sau. Nhưng cũng lại khiến ta chảy nước mắt. Tôi đã khóc, khóc rất to trong phòng, một mình. Cũng có thể là các hồn ma bắt tôi phải khóc, để hóa thân vào chuyện, vào đường dây của các nhân vật.

          Lại nói về đường dây. Cuốn này hầu như chả có đường dây nào cả. Các nhân vật chệch choạc, chả ăn nhập gì với nhau. Từng đoạn, từng câu chuyện rời rạc, có tít phụ như các truyện ngắn. Cả không gian và thời gian của chuyện tãi hết cả ra trong một trường rất rộng, rất xa. Thế nhưng cuối cùng nó vẫn tụ về một mối, một phạm vi, một chủ đề, dù là rất rộng, nhưng lại rất cụ thể: Chiến tranh.

Ở đây, là những người lính, người tham gia trực tiếp, thậm chí là của 2 phe giờ cùng lơ lửng ở một cái hang nào đó, trở thành bạn thân, đi đâu, kể cả "chuyển nhà" là phải đi cùng nhau, không thì thà ở lại ở nơi chỉ có 2 người biết ấy. Và không chỉ là những người lính, mà còn hậu phương với tất cả các mối quan hệ dằng dịt ở quê, ở nông thôn. "Có lẽ bọn cháu chẳng bao giờ về được! Đến anh em ở đây cũng chưa biết hết tên của nhau. Đông lắm cô ạ! Một mét vuông đất ở đây bom đạn vùi xuống cày lên có đến hàng trăm lần. Nhiều anh em hình hài đã lẫn vào trong đất... Cô đừng khóc! Bọn cháu thấy ai vào đây cũng khóc làm chúng cháu buồn quá!". Một hồn ma của một liệt sĩ nói với cô gái từng "mượn lời chúc may mắn" khi liệt sĩ này qua làng và rồi hy sinh ở chiến trường Quảng Trị, và cô gái này, giờ là bà, mang cái "lời chúc may mắn" mà cô vô tình mượn ấy đi tìm để trả.

Khốc liệt, tất nhiên rồi. Chiến tranh mà. Mất mát, hy sinh, đau đớn, tiếc nuối, phí phạm, sai lầm... nhưng giờ, lùi lại, những hồn ma lại trở thành những điểm tựa để người sống tồn tại, sống và điều chỉnh hành vi.

Đọc, mà rồi cứ hoang mang. Những gì xảy ra đã xảy ra rồi. Những gì phải nếm trải đã nếm trải rồi, trả giá rồi... nhưng làm sao để không phải chứng kiến nữa, không phải tiếp tục trải qua nữa.

Con người không thể sửa được lịch sử, nhưng lại làm nên lịch sử.

Và văn chương không phải là lịch sử. Nhưng nó lại ám ảnh lịch sử và bị lịch sử ám ảnh.

Là khi đọc tập bản thảo mỏng này của nhà văn Hoàng Phương Nhâm tôi cứ lan man nghĩ thế.

Những câu chuyện, những nhân vật cứ lôi tôi đi, rồi thả tôi lãng đãng ở đâu đấy, kệ tôi loay hoay. Nó đạt đến được độ ám ảnh. Nó bắt mình đọc một hơi, để rồi ngẩn ngơ, rồi cứ thế mà mang mang buồn, đến không dứt ra được, đến không nỡ ngủ, bởi nó phí.

Và nó rất nhân nghĩa, rất công bằng.

Không thấy chị đặt tên thể loại cho cuốn sách này. Thì thôi, người đọc tự đặt vậy. Bỏ qua lối đọc sách thụ động, theo sự cầm tay chỉ... chữ của tác giả, chúng ta cùng tham gia vào cuốn sách này, như một đồng tác giả, như một nhân vật, chứ sao, tất nhiên không phải là nhân vật... hồn ma.






                                                  

 

 

1 nhận xét:

Dàn âm thanh đám cưới nói...

Những hồn ma trong câu chuyện này thật đáng yêu biết bao