Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

CHUYỆN NHỮNG ĐỐM LỬA VĂN HÓA

           Nó có một thực tế như thế này, ấy là trong khi nghị quyết, rồi chủ trương rồi chỉ thị rồi rất nhiều tài liệu của Đảng và nhà nước, rồi chính quyền các cấp khẳng định rằng, để xã hội phát triển, văn hóa phải là then chốt, phải là động lực, phải là mục tiêu, là mục đích vân vân. Rồi là bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc lại vân vân...

          Và thực tế là, văn hóa ngày càng thiếu tính văn hóa, là tôi nói cho nó nhẹ, chứ nhiều người kêu còn kinh hơn, nào là lệch chuẩn, mất chuẩn, tới văn hóa đang khủng hoảng, đang mất...

          Mà bản sắc văn hóa Việt là gì, đừng nói đại trà, ngay các cán bộ làm trong ngành văn hóa có khi cũng... lúng túng.

          Và vì thế, trong xã hội xảy ra nhiều chuyện đau lòng liên quan tới cái phông văn hóa của mỗi người. Con người không đủ lòng tự trọng để bớt tham, không đủ lòng nhân để yêu thương tha thứ, không đủ lương thiện để tự  mình sống đẹp, không đủ cả năng lực thẩm mỹ để hướng tới cái đẹp, loại trừ cái xấu... văn hóa bị hiểu một cách hời hợt là cờ đèn kèn trống, là tuyên truyền thô thiển, làm văn hóa theo kiểu cưỡng ép quy luật, áp đặt tư duy...

          Có một người đàn bà, luôn đau đáu với văn hóa của đất nước, với sự khủng hoảng trong đời sống tinh thần của con người hiện đại khi cứ phải căng mình ra để đau đáu kiếm tiền, bằng mọi giá. Con người lao về phía thực dụng, căng như một dây đàn, không có khúc tĩnh lặng để thư giãn, để chiêm nghiệm, để suy nghĩ, để hoàn hồn, để tường tận: tóm lại ta là ai trong cuộc đời này, và ta sẽ làm gì để cuộc đời này có ý nghĩa hơn, có ích hơn? Có cách gì níu con người lại ở bến bờ của yêu thương, thắp lên từ mỗi trái tim một đốm lửa, và giúp con người "trở về"...

          Khu du lịch "Một thoáng Việt Nam" ra đời trong tâm thế ấy.

"Đây là công trình nghiêm túc, chuẩn mực kể về đất nước của mình, với bề dày văn hoá, lịch sử 4.000 năm dựng nước, giữ nước, xây dựng và phát triển, của một dân tộc đã vượt qua bao hiểm nguy, bao khó khăn thử thách, để có một Việt Nam hôm nay.

Và chúng tôi cũng muốn, như một số bạn bè nước ngoài đánh giá, phục sinh ở đây những giá trị cơ bản của văn hóa Việt, là nơi gặp gỡ của những tâm hồn Việt, đồng thời cũng mở cửa ra thế giới, đón nhận sự khác biệt trong mối quan hệ tôn trọng và tương hỗ.

"Một thoáng Việt Nam" là một không gian xanh, sạch, đẹp, không hoá chất độc hại, cố gắng giới thiệu đến các bạn một góc sống của người Việt nam, có xưa, có nay, có truyền thống, có hiện đại với nhiều hoạt động đa dạng, đa chiều để đáp ứng nhu cầu nhiều mặt của khách đến tham quan.

Chỉ là "một thoáng" thôi, và chắc chắn còn  khiếm khuyết, chúng tôi sẽ tiếp tục học hỏi, bổ túc để công trình xứng đáng với tên gọi "Một thoáng Việt Nam" của nó, nhưng xin các bạn hãy tin rằng, công trình này xứng đáng để các bạn quan tâm, sắp xếp thời gian đến thăm thú, thư giãn giữa không gian trong lành, sạch sẽ, không khói bụi mịt mù đầy ô nhiễm của đường phố hiện nay. Gia đình, cơ quan, các em học sinh sinh viên... có thể tìm thấy ở đây nhiều hoạt động tương tác , trải nghiệm để rèn luyện kỹ năng sống của mình, bổ sung một cách cụ thể các kiến thức khoa học thường thức đã được học ở trường và trong cuộc sống". Bà Trần Tuyết Nga, giám đốc khu du lịch Một thoáng Việt Nam bộc bạch.

Thôi tôi chả kể về người đàn bà thuộc loại... kỳ cục này, khi mà suốt 30 năm qua nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ, đổ vào cái khu nguyên là bưng biền, đầy hố bom năn lác rắn rết này, để làm cho nó thành như hôm nay. Nhiều người bảo chị này... khùng, khi chỉ với một phần nhỏ những gì chị đổ vào đây, chị đã có thể sống một đời vương giả, số còn lại đi làm từ thiện, làm bao việc cụ thể giúp cho biết bao thân phận còn cơ nhỡ ngoài kia. Chị có một đức tin không lay chuyển: lấy văn hóa làm mục tiêu, mục đích, làm cơ hội cứu rỗi, làm đòn bẩy thúc đẩy xã hội. Con người tốt lên, nhân bản lên, hướng thiện lên... thì xã hội cũng sẽ lên như thế, bởi xã hội là tập hợp những con người... Và hãy tự mình đốt lên một đốm lửa, rồi lửa sẽ lan truyền, sẽ ấm áp...

Có thể hình dung thế này, khu du lịch Một thoáng Việt Nam nó là một cái làng, làng Việt Cổ, với đầy đủ không gian sống của nó. Nó không phải là làng làm để du lịch, mà nó đang sống, đang tồn tại hàng ngày. Các nghệ nhân được mời về sống ở đấy, đúng với cuộc đời của họ. Họ ăn ngủ, họ quét dọn, họ lau bàn thờ, thắp hương hàng ngày. Và không chi làng Việt với không gian nhà Bắc, nhà Nam bộ, nhà Huế, nhà Bình Định, mà còn cả một khu Tây Nguyên rất... Tây Nguyên chứ không phải giả Tây Nguyên, giống Tây Nguyên.

Cũng bởi, có lẽ tại những người điều hành kỹ tính, cái gì cũng phải thật, cũng phải tới tận cùng bản chất, cũng hướng tới cái đẹp cái thiện, cái tốt cho con người, vì con người, vì cuộc sống tốt đẹp, chứ không chụp giật, không được chăng hay chớ.

Tôi đã từng vào thăm vài khu du lịch và gặp họ trưng bày, phục dựng Tây Nguyên, và tôi đã hết sức thất vọng thốt lên, rằng đây hoàn toàn không phải Tây Nguyên, đây là trí tưởng tượng của những người chưa từng đặt chân lên Tây Nguyên, chưa biết Tây Nguyên là gì, làm méo mó sai lệch hết Tây Nguyên. Có nơi tôi góp ý, và họ đồng ý bỏ hết những gì không Tây Nguyên ở đấy, một sự tiếp thu rất đáng yêu. Nhận ra một điều, họ rất phục thiện và nghiêm túc trong việc tiếp nhận sự thật, dù đã bỏ ra rất nhiều tiền để làm và giờ là... phá, và dẫu đây không phải bảo tàng để phải chi li từng chút một, nhưng du lịch chính là bộ mặt của cuộc sống ấy, sự thật ấy, không thể nhân danh du lịch mà qua loa đại khái, mà cẩu thả được...

Tôi cũng từng tham gia giảng dạy vài khóa bồi dưỡng hướng dẫn viên cho một khu du lịch nổi tiếng dù mình... chả biết gì du lịch, học trò toàn loại có sạn trong đầu về du lịch. Nhưng chúng lại cần mình, chúng bảo, nhờ thầy chúng em biết thêm, du lịch không chỉ là... du lịch. Cái gốc của nó là văn hóa. Ăn cũng là văn hóa, ngủ, mặc, tắm, đi lại, xỉa răng, húp canh, gắp miếng thịt, ngắt cọng hành, bẻ quả ớt... cũng là văn hóa. Tứ khoái là văn hóa, và tất nhiên nó thay đổi theo... thời điểm. Chỉ nguyên việc "nhất quận công" thì yếu tố thời gian, vùng miền, điểm rơi, địa thế, tài chính... cũng can thiệp vào rất nhiều, chỉ để làm một cái việc là, khoan khoái mỗi buổi sáng (cũng chả hiểu sao đa phần người ta lại làm việc này vào buổi sáng).

Và tôi cũng từng hai chục năm thỉnh giảng môn Mỹ học cho một trường nghệ thuật, nói với học trò rằng, con người bắt chước động vật để sống, ví dụ như làm nhà. Nhưng quả là, khi vào cái nhà Bình Định ở khu du lịch này thì thấy tiền nhân quá giỏi, dù biết khen thế là hỗn với tiền nhân. Nhà Rường Huế cũng thế. Đây là 2 tỉnh thuộc miền Trung, khí hậu khắc nghiệt, thiên nhiên vô lường, bão lũ liên miên. Thì có gì đâu. Họ không chống lại số phận, chống lại thiên nhiên, mà tìm cách sống chung. Trước tiên là cả không gian nhà, không to cao rộng lớn như nhà Bắc nhà Nam, mà nhỏ hơn, mái dốc hơn để nước mưa thoát nhanh hơn và không vướng đường bay của bão. Rồi nhà Huế thì có cái Rương (rầm thượng, tra) để bỏ đồ lên đấy mỗi khi lụt. Nó là một phần của ngôi nhà chứ không phải làm ghép thêm vào. Bằng chứng là nó được chạm trổ rất công phu, con tiện rất sắc sảo. Và nó rất cân đối, hòa hợp với cả ngôi nhà. Nhà Bình Định thì còn hay hơn, ngoài chuyện nhỏ, mái dốc... nó còn được lợp bằng... đất sét. Xung quanh tường cũng là đất sét. Nhưng tường đất sét thì nhà người Hà Nhì cũng có. Chỉ cái mái bằng đất sét thì là của nhà Bình Định. Tất nhiên các nhà nghiên cứu thì cho rằng nhà Bình Định có lây kiến trúc nhà Thang Lâm của người Chăm...

          Một thoáng Việt Nam nguyên thủy là khu đầm lầy, là chiến khu bưng biền cũ, ở Củ Chi. Xuống đây mới thấy lạ. Chỉ không đầy 50 cây số từ trung tâm quận 1, Sài Gòn, thế mà bao nhiêu năm nó là căn cứ kháng chiến, mà đối phương quân hùng tướng mạnh thế vẫn không thể xâm nhập.

          Nó là văn hóa, một thứ văn hóa đằm sâu hồn cốt, từ đồng bằng Bắc bộ tới Miền Trung Tây Nguyên rồi Nam bộ, không chỉ là văn hóa tinh thần, với những không gian Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Phạm Ngũ Lão, Hồ Xuân Hương, "Ở trọ", với những hiện vật gần như có một không hai..., nó còn có... nước mắm, thứ nước mắm truyền thống thứ thiệt, đúng gốc tích của nó, có căn nguyên, có xuất xứ, có những lý giải khoa học trên nền dân gian. Là lúa nước, tre, trúc... cũng tìm những thứ gốc rễ nhất, sâu xa nhất, như lúa ma, hàng mấy trăm loại tre. Nó là hàng loạt các nghề truyền thống, mời nghệ nhân bản địa về làm và biểu diễn tại chỗ, như đan lát, như làm giấy, dệt..., vừa giới thiệu vừa bảo tồn vừa truyền nghề, nó là những khu nhà cổ truyền đặt trong những mẫu làng truyền thống. Vào đấy, thấy quê hương hiển hiện, thấy lịch sử ùa về và ký ức bùng cháy...

          Nó còn là công nghệ hiện đại với hệ thống phòng nuôi cấy mô, phòng lab nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp. Sản xuất các sản phẩm hữu cơ, áp dụng công nghệ cao (chế phẩm nano, chế phẩm sinh học cao cấp). Và còn sản xuất và giới thiệu các loại hương liệu, các loại nấm, từ thượng hoàng, tới đông trùng hạ thảo, rồi nấm linh chi, nấm hầu thủ, nấm sò, nấm bào ngư, nấm sữa, nấm mối đen vân vân...

          Còn sông còn rừng, dẫu là rừng nhân tạo... tôi không giới thiệu sâu mà chỉ điểm qua để nói về một cách làm du lịch mới, nó bền vững và sâu, nó cặn kẽ và tôn trọng đời sống, nó hòa đồng nhưng có đầu tư, nó khiến những cuộc đi trở nên có ý nghĩa, và người ta học được nhiều sau mỗi chuyến đi tới đấy.

          Chị Tuyết Nga còn có những ước mơ rất lớn, rất muốn làm được điều gì đấy cho văn hóa dân tộc. Nó vừa bản sắc nhưng lại hiện đại, nó là Việt Nam nhưng lại phải ngang tầm thế giới, vậy nên cái gì có thể áp dụng vào được là bằng mọi cách chị áp dụng. Chị có mối quan hệ hết sức thân thiết với những nhân vật lẫy lừng về văn hóa và công nghệ văn hóa trên thế giới, nên khi cần là a lô ngay, bằng ngôn ngữ bản địa, tất nhiên. Bảy mươi tám tuổi, khát vọng hừng hực, người như lúc nào cũng có lửa và luôn luôn ngọn lửa ấy muốn truyền cho những người xung quanh. Hầu như ai đã tiếp xúc với chị đều bị chị thu phục, nên rất nhiều trí thức, văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đã xắn tay vào làm cùng chị, làm free...

          Với tôi, xấu hổ nhất là, một lần đi nước ngoài cùng chị, chị phải làm... phiên dịch cho tôi, cả 2 thứ tiếng Anh và Pháp dù tôi ít hơn chị gần hai chục tuổi...

Báo Văn Nghệ Thái Nguyên số tết ạ:




                                                                                  

 

3 nhận xét:

logo thuanhoa nói...

Ngày tết năm nay, đọc những bài của tác giả HT VCH (hoành tráng văn công hùng) ở các báo đó đây, kể cả bài có tờ báo tận 30 tết mới in: Đa Tròng.
Đọc cảm thấy đời còn có điều để đọc, để học, đáng đọc và tin trong cuộc sống còn có nhiều người xứng đáng để tin yêu, mà mình chưa biết thôi...
có một chuyện giờ mới kể anh VCH nghe về "Một thoáng Việt Nam". Năm 1993, một hôm Văn phòng Sở VHTT Ninh Thuận nhận 1 bức thư "chắc là của BGĐ "Một thoáng Việt Nam" (lâu quá Hy không nhớ chính xác) cho Sở đề nghị Sở giúp việc rất nhỏ: chọn một địa điểm đất căn cứ địa CM trong tỉnh, lấy một thùng đất chuyển vào cho điểm du lịch ở Củ Chi, mục đích làm mô hình bản đồ Việt Nam bằng đất các tỉnh tặng.
Bấy giờ Hy làm "lãnh đạn" ở TT Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận, nhận thư chuyển từ Sở VHTT, có bút phê của GĐ Nguyễn Hải Liên: anh Hy thực hiện, đất ở căn cứ địa Bác Ái của dân tộc Raglai...
Sau đó nhóm Hy thực hiện lấy 1 bao khoảng gần 100kg đất đỏ chính hiệu, chuyển lên xe đi họp ở Sài Gòn, tài xế theo bức thư tranh thủ chạy đi tìm địa chỉ điểm du lịch đó ở Củ Chi cách chỗ họp 50 km, sau hồi loanh quanh hỏi cũng tìm ra và trao tặng... Nếu đó là chỗ anh làm hiện nay thì đó là một kỷ niệm... Nhớ lại và ghi ra...

logo thuanhoa nói...

Ngày tết năm nay, đọc những bài của tác giả HT VCH (hoành tráng văn công hùng) ở các báo đó đây, kể cả bài có tờ báo tận 30 tết mới in Đa Tròng.
Đọc cảm thấy đời còn có điều để đọc, để học, đáng đọc và tin trong cuộc sống còn có nhiều người xứng đáng để tin yêu, mà mình chưa biết thôi...
có một chuyện giờ mới kể anh VCH nghe về "Một thoáng Việt Nam". Năm 1993, một hôm Văn phòng Sở VHTT Ninh Thuận nhận 1 bức thư "chắc là của BGĐ "Một thoáng Việt Nam" (lâu quá Hy không nhớ chính xác) cho Sở đề nghị Sở giúp việc rất nhỏ: chọn một địa điểm đất căn cứ địa CM trong tỉnh, lấy một thùng đất chuyển vào cho điểm du lịch ở Củ Chi, mục đích làm mô hình bản đồ Việt Nam bằng đất các tỉnh tặng.
Bấy giờ Hy làm "lãnh đạn" ở TT Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận, nhận thư chuyển từ Sở VHTT, có bút phê của GĐ Nguyễn Hải Liên: anh Hy thực hiện, đất ở căn cứ địa Bác Ái của dân tộc Raglai...
Sau đó nhóm Hy thực hiện lấy 1 bao khoảng gần 100kg đất đỏ chính hiệu, chuyển lên xe đi họp ở Sài Gòn, tài xế theo thư tranh thủ chạy đi tìm địa chỉ điểm du lịch đó ở Củ Chi cách chỗ họp 50 km, sau hồi loanh quanh hỏi cũng tìm ra và trao tặng... Nếu đó là chỗ anh làm hiện nay thì đó là một kỷ niệm... Nhớ lại và ghi ra...

Dàn âm thanh đám cưới nói...

Bài viết rất hay, thời buổi kinh tế thị trường này mặt trái của nó đã làm cho con người ít lưu tâm tới văn hoá