Thế là Covyd
bùng lên ở nước ta đợt 2, đợt sau "trội" hơn đợt trước.
Là
có người chết. Là số ca tăng nhanh trong ngày. Là có tâm dịch vân vân.
Nhưng
chúng ta đã có kinh nghiệm. Không hoảng loạn, không bi quan. Chúng ta bình tĩnh
trong khôn ngoan và hiểu biết.
Một
kỳ thi tốt nghiệp đã diễn ra suôn sẻ dù không phải không có những ý kiến bàn
ra. Chuyện thi cử nước ta là chuyện dài nhiều tập, nhưng trong nhát cắt ngang lần
này thì, về cơ bản đã suôn sẻ. Vừa chống dịch vừa thi. Cuộc thi đi vào chiều
sâu, trầm lắng hơn. Lại thêm những là Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang... làm gương
nóng hổi đấy nên các ý định tiêu cực có vẻ... chờn. Làm sao để các cuộc thi nó
đúng nghĩa là cuộc thi, nó nhẹ nhàng nhưng thực chất, nó trọng tâm nhưng hài
hòa, nó như là sự đương nhiên của quá trình học chứ không phải là sự kiện hết sức
đặc biệt, hết sức sinh tử để mọi người bất chấp mà lao theo.
Một
Đà Nẵng tâm dịch nhưng cũng hết sức lạc quan, hết sức bình an dù nhịp sống có
thể gấp gáp hơn, cũng như nhàn rỗi hơn. Chưa bao giờ mà phẩm chất, khí phách
người Đà Nẵng thể hiện rõ đến thế, từ việc cương quyết phản đối cách gọi mình
là... ổ dịch, đến việc đóng góp khá nhiều tiền và hiện vật cho các bệnh viện
phong tỏa...
Và
chính phủ cũng tự tin, bản lĩnh hơn, kinh nghiệm hơn khi chỉ công bố phong tỏa
từng khu vực chứ không toàn xã hội, dù trước đó có nhiều kêu gọi, đồn đoán rằng,
thủ tướng chính phủ sẽ ban lệnh cách ly xã hội toàn quốc trong ngày một ngày
hai.
Và
khi tôi ngồi viết bài này thì mấy ngày liên tiếp không phát hiện ca dương tính
mới, dù tuần trước, mỗi ngày số ca dương tính liên tục tăng, đến mức, đợt trước,
dân còn tính đếm xem bao nhiêu ca, nhớ từng ca theo số là ai là ai, giờ chả nhớ
nổi. Chính phủ cũng có những tiên đoán đúng đỉnh dịch. Đỉnh, tức là sau đấy sẽ
chậm lại rồi dừng. Nhiều tờ báo đưa thông tin, hôm nay Đà Nẵng đã qua đỉnh dịch.
Vấn
đề đặt ra là, trong khi chờ vác xin, như các loại vác xin lao, sởi, dịch hạch,
đậu mùa, ho gà, uốn ván... vân vân, thì chúng ta phải học cách sống chung với dịch.
Tôi
vẫn giữ quan điểm rằng, lâu nay chúng ta đã quá, vừa coi thường, vừa ngạo nghễ
với tự nhiên. Chỉ nhăm nhăm khuất phục mà không chịu tìm cách sống chung. Giờ
là cách chúng ta phải nhìn lại cách sống của mình, thái độ của mình, tư duy của
mình, về chính chúng ta, về những gì tồn tại chung với chúng ta, xung quanh
chúng ta, đương nhiên cùng chúng ta...
Sáng
nay tôi ngồi uống cà phê với một bác đại tá quân đội về hưu, giờ chuyên tâm đi
tìm mộ liệt sĩ. Tự nhiên phát ra một khả năng đặc biệt, rồi cứ thế lầm lũi đi
tìm mộ liệt sĩ, và bác đã tìm ra khá nhiều. Kể với nhau chuyện một thời chúng
ta ăn thịt thú rừng như mốt sang, ăn thịt chó như thói quen. Giờ tự nhiên giảm
hẳn, giảm rất sâu nếu như không muốn nói đang biến mất. Rồi bác kể, nếu chịu
khó tập, như tôi (tức bác đại tá), hiện tại không ăn một chút ngũ cốc nào, chỉ
ăn rau, ngày này sang ngày khác. Và, nếu cần, có thể nhịn ăn bốn năm ngày không
hề gì. Sẽ đến lúc con người phải thích nghi đến những việc ấy. Con người ăn tự
nhiên nhiều quá. Ăn mà không trả lại. Thứ nhất là mẹ tự nhiên sẽ nổi giận. Thứ
hai là sẽ hết, lấy gì mà ăn nữa. Mà dân số thì tăng lên hàng ngày. Tôi thì nói
đùa, bảo các cụ trên trời nuôi con người cũng như chúng ta nuôi gà vịt ngan ngỗng
á, khi nào nhà có việc thì... tóm cổ ra thịt. Tết thì thịt nhiều hơn, bình thường
thì tùy từng nhà. Vậy nên những đợt dịch giã, thảm họa động đất, sóng thần...
là khi trên trời có việc lớn. HIV, phong lao cổ lại... là những dịp nhà trời có
đại sự. Ông cười khà khà, nhà văn có khác, ý tưởng lạ. Rồi lại tặc lưỡi, những
gì chúng ta biết về tự nhiên còn ít quá. 5 giác quan của chúng ta đều nhìn ra
ngoài. Chưa có giác quan nhìn vào trong con người. Cái thế giới bên trong con
người mới kinh khủng. Sâu hơn một chút, nó là thế giới tâm linh. Đã có ai hiểu
gì về nó đâu. Mà nó là một thực thể, nó tồn tại song song với đời sống vật chất
của con người, chưa dám nói là nó chi phối, nó chỉ huy, nhưng rõ ràng là có tác
động không nhỏ. Chúng ta, một mặt bài bác, nhưng mặt khác, từng người từng nhà
đều hết sức tôn trọng phần tâm linh, nhìn từ việc cúng giỗ, cưới xin, khởi công
động thổ các loại... vân vân thì biết. Nhất nhất coi ngày, nhất nhất nhờ thầy.
Nhưng lại thế này, nó không có quy chuẩn nào thống nhất hết, nên rất nhiều người
nhảy ra "xưng vương". Nó là một thực thể xã hội, không được thừa nhận,
nhưng ai cũng phải theo, từ ông to bà nhớn tới dân đen. Có ai dám làm nhà mà
không coi ngày, đưa tang không coi giờ, và đám cưới mà không hỏi thầy không? Đấy,
một mặt chúng ta khiếp sợ tự nhiên, coi tự nhiên như một thế lực tất yếu, nhưng
mặt khác chúng ta lại hết sức coi thường thế giới ấy, nên nó lung tung xòa lên...
Rồi
lại chợt nhớ đến tướng Chung. Một ông tướng công an, chắc phải tài năng mới lên
nhanh tới thế. Từ sĩ quan tới trưởng phòng, phó giám đốc rồi giám đốc. Rồi chủ
tịch thủ đô. Thủ đô văn hóa và hòa bình mà ông tướng công an làm đô trưởng thì
chắc phải là người hết sức có văn hóa, lịch lãm và hiểu biết rộng chứ không chỉ
điều tra trấn áp tội phạm. Và cái hành động ông làm từ ngày còn là giám đốc
công an tới khi giữ chức chủ tịch là tặng hoa nhân sinh nhật các văn nghệ sĩ
tiêu biểu thủ đô đã khiến rất nhiều người cảm kích và đánh giá cao hành vi hết
sức lịch sự và văn hóa này.
Uỵch
phát, chiều muộn ngày 11 tháng 8, đồng loạt các báo đưa tin, ông bị đình chỉ cả
chức vụ Đảng lẫn chính quyền để phục vụ điều tra. Và theo bộ công an thông báo,
thì ông dính líu tới 3 vụ trọng án mà bộ Công an đang xử lý, trong đó có một vụ
đại án thuộc diện theo dõi của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng,
là vụ Nhật Cường.
Ông
là người đã chỉ đạo khá quyết liệt việc Hà Nội phòng chống dịch Covyd. Thậm chí
có người còn bảo ông áp dụng cả nghiệp vụ điều tra vào việc khoanh vùng, tìm
người liên quan F1, F2 để cách ly, nhờ thế mà dịch không bùng phát mạnh ở Hà Nội...
Thì
cứ dông dài thế, Covyd mà, không dễ gì ngày một ngày hai mà chia tay nó đâu. Cứ
phải trường kỳ và lạc quan thôi, và tạo một phương thức mới để... sống chung...
6 nhận xét:
+Sào huyệt? Chỗ trú trên cây gọi là sào (yến sào-tổ yến). Chỗ trú dưới đất gọi là huyệt(huyệt mộ). "Ổ", biến âm từ từ "tổ". Gọi "ổ" không sai nhưng ngữ cảnh gọi khi nào có biểu ý không ưa, miệt thị. Ví như, Vũ Hán là ổ dịch khởi phát vi rút cúm Tàu.
+Nhớ không rõ lắm, mấy câu thơ lính" Lá bép xào rồi lá bép bung. Lá bép làm dưa rồi lá bép luộc...", diễn tả trụi trần cái thiếu thốn, khát thèm của bộ đội và những người kháng chiến ở rừng. Liền sau tháng 4/1975, trong công tác, trong đời sống, họ cùng nhau nạp một lượng thịt khủng thường nhật vào cơ thể, kể cả chó, mèo... mà không ai dám mở lời nhắc nhủ, khuyên can, nên kết cục những gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, đường huyết, đường niệu, áp huyết, gút...là kết quả dĩ nhiên của thói "phàm ăn tục uống", hủy hoại sức khỏe cả vài ba thế hệ một cách oan uổng.
+Hồi hướng về đạo Việt, về Mẹ thiên nhiên? Con đường duy nhất nhưng đã muộn mằn. (Qua đường đất đến con đường rải đá/ Cha e con đến lớp muộn giờ-Thạch Quỳ).
+Mấy ngàn năm rồi, đạo Việt khẳng định đời sống tâm linh. Cá nhân, triết thuyết nào phủ nhận, hãy nhìn kết cục họ nhận được thì rõ. Mà hà cớ gì đâu, niềm tin tâm linh chí ít cũng hướng con người đến đạo nghĩa, hiếu nhân. Đạo Việt không phải chỉ khuyên con người trở về với rau, củ, quả !
+Ông Chung chẳng những không giữ được ghế, không tiến thân, bị lâm nạn vì nhiều lý do. Ông Nguyễn Duy Ng., ông Lê Thanh Th. là 2 lực đẩy đổ chính.
+Ông Huỳnh Đức Thơ cũng sắp như ông Chung nhưng lực đẩy đổ có khác. Nhạc phụ của ông Thơ là ông Kỳ, một đại úy Quân Cảnh Quảng Ngãi thời VNCH, vợ ông và ông đang quá giàu, ông Ph. không đỡ bạn nỗi trong lúc này. Quan chức Đà Nẵng, nói chung, sâu sắc và dữ dội lắm. Nhìn nghiêng, sẽ nhầm là 'những giọt sương mai long lanh, lấp lánh trên cành cây ngọn cỏ', cái nhìn thuở còn thơ, xưa rồi!
Cụ tài, chuyện gì cũng biết, hihi
+Như đã tỏ bày với Anh Hùng lúc trước, vốn chữ của tôi đã ít oi lại rơi vào trạng thái tĩnh. Hiên trà Anh, vốn chữ Anh, khách trẻ nhiều, dù ngõ có vắng thì cũng là một ngõ vắng xôn xao. Mượn cái lợi thế của Anh, cái động của Anh đang có, tôi gửi ít cái tĩnh của tôi, cho lớp trẻ, cho cộng đồng. Mang chút chữ từng khổ công nhặt nhạnh này theo, giun dế chúng xài, oan uổng và có tội, có những lúc ba hoa, xa đề, Anh thương cho: tôi đang trao chuyển. Ngoài mục đích ấy ra, không có kèm theo gì cả, kể cả món chính chị chính em, bên này bên kia, xảo ngôn, lọc lừa, gian dối.
+Xin nói về nghĩa và cách dùng chữ "KÝ". KÝ là thực hiện dạng hiệu riêng của cá nhân. Trong dạng hiệu riêng ấy, khi cần, pháp luật sẽ phân tích chi ly, và dạng hiệu riêng mang những chi tiết mà cá nhân này không trùng với cá nhân khác. Ngày xưa, xã hội sử dụng phương pháp ÁP CHỈ (in, ịn vân tay ngón trỏ)thay thế. KÝ, danh từ là Signature; động từ là signer. Những xi-nhan, xi-nhê chúng ta hay dùng cũng từ nét nghĩa này.
Trong mẫu bản sao giấy khai sinh, Bộ Tư Pháp không hiểu (Không đổ lỗi cho in ấn được, vì mẫu đã qua nhiều giai đoạn rồi, vẫn thế), cột người đi khai, cán bộ hộ tịch, chủ tịch xã, phường đều ghi "đã ký tên". Sai chỗ nào? Ông Chủ tịch xã, phường thì phải ghi "đã ký tên và đóng dấu". Nói thêm: Từ thời trước, thời VNCH chẳng hạn, họ dùng "ĐẢ KÝ". ĐẢ là đóng dấu. KÝ là ký tên. Đến khi ta học theo thì không hiểu nghĩa chữ ĐẢ, cứ cho họ viết sai, sửa lại là"ĐÃ" (dấu ngã, phó từ) nên nó ra cớ sự như thế. Trầm trọng vậy. Nhưng cũng không có ai buồn nhắc tới. Cứ thế mà làm, mà sai. KÝ còn có nghĩa ghi chép. Sử ký, ký sự, nhật ký...Và KÝ, cũng có nghĩa là gửi.
Sinh ký-Tử Qui( Sống gửi-Thác về), ký túc xá (nơi ở gửi), ký sinh(sống gửi, sống bám), ký sinh trùng (vi sinh vật sống bám vào cơ thể), ký chủ là vật thể để ký sinh
bám sống.
+Tức thời, Biên tập viên Nguyễn Anh Quang trên VTV nói những người bán hàng rong trên phố Sài Gòn trong lúc dịch cô-vít là Ký sinh trùng. Phó TGĐ VTV Nguyễn Thành Lương nhận tin dữ, hứa xem lại. Sau đó, một BTV khác, đọc tin, bỏ chữ "trùng", chỉ còn ký sinh. Cộng đồng mạng đang nổi sóng căm giận.
+ Nếu Ông Lương, cháu Quang biết những câu thơ này trong kháng chiến chống Mỹ, giữa lòng các đô thị miền Nam:
"Qua đồn giặc Chị len từng bước nhẹ/Trong yếm hồng đã giấu sẵn mật thư/Ai biết được trong gánh hàng của Mẹ/Có đầu con trai máu thắm màu cờ!" thì chắc không gọi những người Chị, người Mẹ đang vất vả mưu sinh trên phố bằng gánh hàng rong là Ký sinh trùng.
+Nếu Ông Lương, cháu Quang chịu khó nhặt nhạnh kiến thức từ vựng thì không bao giờ gọi cách gọi bất nhân với những Chị, những Mẹ ấy là ký sinh trùng, hoặc chữa lại là ký sinh! Biết sao bây giờ! Lời kém chữ đã được loan đi, lan xa...
Về đề tài này, tôi có bài thơ ngắn, viết lâu rồi, tầm 1978-1979 gì đó, gõ lên, thân tặng Anh Hùng và mọi người:
TƠ HỒNG
Loài dây leo có cái tên khá đẹp.
Thân mảnh mai, vàng sáng, tươi non
Miên man công xe duyên bao đôi lứa, vợ chồng.
Biết ký sinh, nhân gian không ghét bỏ.
Dây khỏe khoắn vươn xanh, kiêu khoe trong nắng gió.
Mặc cho ký chủ gầy mòn.
Bị hoại sinh, cây chủ héo hon.
Kiệt sức. Khô cành. Đói ăn. Cây chết đứng.
Dây theo cây, cả hai chung số phận.
Hối cũng muộn rồi. Sống không biết tựa nhau !
Hì, cám ơn bác nhé.
Tuyệt vời quá bác Hùng và Bác Quế Sơn !
Đăng nhận xét