------------
Mấy hôm nay cả
thế giới bàng hoàng với việc đang xảy ra ở nước Úc.
Ấy là cháy rừng,
vụ cháy rừng mang tính thảm họa nhất từ xưa tới nay. Nó là trận cháy dai dẳng,
kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Úc dù nước này cứ hè là có cháy rừng. May là
số người thiệt mạng năm nay thua xa đợt cháy năm 2009 nhưng rừng và thú thì bị
thiệt hại nhiều quá, số lượng cũng là lịch sử.
Úc nổi tiếng
với tư cách là một đất nước có lối sống hiền hòa, việc bảo vệ môi trường cực tốt.
Giờ người ta
sửng sốt, ứa lệ với hình ảnh những con vật hết sức thân thương đã vật vã để sống
trong lửa. Những hình ảnh không cầm được nước mắt, con người bảo vệ thú, thú tự
bảo vệ nhau, cứu nhau, trong lửa đỏ, trong khô khát.
Gần như không
ai có thể cầm lòng trước những hình ảnh đau thương ấy.
Tôi có cô bạn
đang ở Úc, làm thanh tra thuế. Quen là bởi hàng năm cô đều về Việt Nam cùng làm
từ thiện với chúng tôi. Tự nhiên thấy cô khóa phây búc dù chúng tôi thường
xuyên liên hệ với nhau qua Messenger facebook. Phải mấy ngày mới thấy cô mở lại,
và trả lời sự lo lắng của chúng tôi là: "Em khóa fb mấy ngày vì thật sự
không chịu nổi cảnh những con thú bị cháy. Em biết thế là mũ ni che tai, nhưng
em là cựu thanh tra của Bộ Nông nghiệp Úc. Những vùng hoang sơ, những thôn xa hẻo
lánh em đã từng đến, giờ nhìn thấy đau lòng lắm. Bao làng thôn một thời sầm uất
giờ vắng đi vì nông nghiệp được công nghiệp hóa, đám trẻ ra thành phố học rồi
không trở về (như ở Việt Nam). Sau đợt cháy này lại càng chẳng biết hoang tàn đến
đâu. Trận cháy kinh hoàng năm 2009 gần 200 người thiệt mạng vì nhiều người bám
làng, không chịu sơ tán. Năm nay chính phủ phải khoanh vùng thảm họa để nhân
viên công lực có quyền ép dân đi để cứu họ... Rừng quanh mạn nam cực Úc này phần
lớn là rừng thưa, cây bạch đàn, khuynh diệp nhiều, lá và thân đều có tinh dầu.
Và đã cháy là cứ thế cháy, dù chính phủ đã huy động hết khả năng để chữa cháy.
Thú vùng ấy nhiều nhất là chuột túi và gấu Koala. Chuột túi còn có chân dài mà
chạy, chứ con Koala chân bé tẹo và rất hiền, ngơ ngác. Nửa tỉ những con thú như
thế đã bị chết thiêu anh ạ...". Tôi đọc được nước mắt của cô bạn qua những
dòng chữ chat từ nước Úc xa xôi mà lại rất gần.
Và mới thấy
là, té ra, những thảm họa tự nhiên không có gì là xa lạ, là khó hiểu, là ở
ngoài "tầm với" của chúng ta cả.
Nó sẵn sàng
xông tới, sẵn sàng ập vào chúng ta bất cứ lúc nào.
Hôm kia ngồi
xe với một ông nhà văn từ Sài Gòn xuống Củ Chi, ổng bảo: Hồi người ta quy hoạch
Sài Gòn là chỉ để cho dưới một triệu người sinh sống ở đấy. Giờ dân số gấp năm
gấp sáu lần, chưa kể nhà cao tầng, bê tông, xe cộ... nườm nượp. Chưa nói mật độ
sống, mà chỉ nói chuyện vỏ đất chỗ ấy, lúc nào đấy nó chịu không nổi sức nặng gấp
hàng trăm lần quy hoạch ấy, nó tụt xuống một phát, thì thế nào nhỉ? Ông này bỏ
lửng câu nói rồi trầm ngâm. Là khi chúng tôi nói chuyện về một cái khu rất lớn
lại sắp xây dựng ở Cần Giờ, và xe vừa đi qua cái tòa nhà cao nhất khu vực...
Rồi giật mình
thật.
Theo dự báo
và tính toán, thì chỉ một thời gian không lâu nữa, nước biển sẽ dâng cao, đồng
nghĩa hàng loạt thành phố làng mạc sẽ... lóp ngóp dưới nước. Và trước mắt,
trong khi chờ... nước biển dâng, thì hàng năm, bão lũ lụt, rồi hạn hán... thay
nhau hoành hành cái dải đất hình chữ S này.
Trong khi đấy
thì, thiên nhiên tiếp tục bị khai thác cạn kiệt.
Thủ tướng đã
ra lệnh đóng cửa rừng, nhưng thực sự thì từ hồi có lệnh ấy, rừng có đóng được
không, khi mà thường xuyên có các vụ phá rừng bị bắt bị khởi tố, và nhiều vụ thì...
không bắt được. Đau hơn, có cả sự tiếp tay của lực lượng giữ rừng.
Còn sông thì
liên tục bị hút.
Tôi đã đi tàu
đò có, ca nô có, trên những con sông miền Tây, xuống tận mũi Cà Mau. Trên sông
nhìn 2 bên bờ mới thấy sự tàn phá khủng khiếp. Những ngôi nhà dù đã làm rất sâu
trong đất liền bị đổ xuống sông do xói lở. Những quãng sông ngơ ngác bởi những
cái hàm ếch rộng dài hàng mấy chục mét. Cơ ngơi, tài sản của biết bao gia đình,
giờ đúng nghĩa là "đổ xuống sông xuống biển".
Lại nhớ năm
nào đấy, cháy rừng ở Indonexia mà bầu trời ở Việt Nam cũng tối sầm, một số nơi
còn "được nhận" cả tro bụi từ bên ấy bay sang. Mới thấy, té ra, sự
"liên thông" thảm họa từ nước này sang nước kia cũng không xa lắm.
Chợt nhớ câu
nói của Phu Xích mà thế hệ chúng tôi ai cũng biết và nhớ "Hỡi loài người,
hãy cảnh giác". Khi ông nói là ông khuyên mọi người cảnh giác với điều
khác, nhưng bây giờ có thể áp vào, rằng là hỡi con người hãy cảnh giác với những
thảm họa thiên nhiên.
Dù rằng trong
và sau những thảm họa, tình người trỗi dậy, rất nhiều hành động, nghĩa cử hết sức
đẹp xuất hiện, con người yêu thương san sẻ với nhau. Nhưng, giá như, vẫn những
tình yêu thương san sẻ ấy, nhưng không phải xuất phát từ những thảm họa...
Cả thế giới
đang hướng về nước Úc. Và dân Úc cũng đang chia sẻ, cứu nhau. Một chị viết trên
mạng: Rơm cháy hết rồi, thế là một cuộc quyên góp rơm rầm rộ. Cánh lái xe vốn
được coi là hầm hố nhất xa lộ tập hợp nhau lại, một đoàn 200 xe tải to oành dài
ngoẵng chở toàn rơm đi cứu trợ... bò. Rơm cho bò ăn.
Ở việt Nam
cũng đang có những nhóm bạn trẻ, một số nghệ sĩ... kêu gọi ủng hộ nước Úc.
Thảm họa,
không phải là xa lạ nếu chúng ta không cảnh giác...
Ảnh chỉ có tính chất minh họa: Tác giả và... cây rơm.
Link gốc Ở ĐÂY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét