Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

TỪ MỘT BỨC ẢNH ĐẸP, NGHĨ LINH TINH...



          Hôm chủ nhật vừa rồi, sau một trận bóng đá được coi là "nảy lửa", là "rất hay" trong nền bóng đá Việt, trên báo xuất hiện một bức ảnh rất đẹp. Một anh cảnh sát cơ động nghiến răng chịu đau khi đút tay vào miệng cho cháu bé đang bị co giật cắn để một chiến sĩ khác bế cháu đến điểm cấp cứu.

          Bức ảnh lan tỏa rất nhanh, ai cũng khâm phục chiến sĩ ấy. Cũng chưa đến mức xả thân cứu người, nhưng là hành động rất nhanh, rất kịp thời, và nữa, dẫu chụp vội nhưng bức ảnh lột tả hết thần thái chịu đau của nhân vật trên cái nền là không khí hừng hực của sân bóng, và nữa, đông nghẹt người, nên càng lan tỏa rộng.

          Các chiến sĩ tham gia vào cuộc cứu cháu bé ấy ngay sau đấy đã được khen thưởng.

          Hôm sau, trên một số trang cá nhân của một số người am hiểu y tế xuất hiện ý kiến, rằng là bức ảnh đẹp, hành động ấy đáng biểu dương nhưng... nó không đúng phác đồ cấp cứu. Vấn đề là các ý kiến này viết khá khoa học, có chứng lý rõ ràng, nhưng đã bị hàng loạt comment ném đá, "hủy diệt" không thương tiếc.

          Và mấy hôm sau đấy, trên một số tờ báo cũng đã có những bài nói thêm về việc này dưới góc độ chuyên môn, phỏng vấn các bác sĩ cấp cứu, thì họ đều cho rằng, việc cạy mồm, đút tay hoặc cái gì vào là không cần thiết.

          Có một thực tế là, dân gian từng có những cách chữa bệnh rất hay, như đánh gió khi cảm, như hơ chân lên gạch nóng chữa bệnh phong, như dùng lá ngải cứu buộc lên đầu khi nhức đầu, thậm chí uống nước tiểu trẻ con, hơ lửa sau sinh vân vân. Và nó cũng từng gây nhiều hệ lụy. Ví dụ kinh nghiệm hơ lửa sau sinh. Quê tôi các bà mẹ chuẩn bị sinh bao giờ cũng phải chuẩn bị rất nhiều than và muối. Xoa muối lên khắp người rồi hơ than. Than đánh luống rừng rực dưới giường rồi nằm lên. Mẹ tôi khi về quê phản đối việc này thì bị... phản đối lại. Người ta cho rằng phải như thế thì sau sinh mới đẹp da, mới không bị bệnh vân vân. Và thực tế là, hồi xưa nhà tranh vách đất, mùa đông thì không đẻ cũng nằm than. Giờ nhà hộp kín mít, mang bếp than vào chính là một cách... tự sát. Thế mà lâu lâu vẫn nghe xảy ra một vụ mang than tổ ong vào sưởi rồi... lịm luôn. Các cách chữa bệnh dân gian đa phần là khi y học chưa phát triển, giờ văn minh hơn, cả về kiến thức y học lẫn đời sống, thì rõ ràng cách áp dụng kinh nghiệm nó cũng phải khác.

          Nước ta tai nạn giao thông đang trở thành... "đặc sản", nhưng trừ một số người am hiểu, còn lại đa phần là chưa biết xử lý thế nào khi gặp người bị thương, và vì không biết cách, chúng ta có lòng tốt cứu người, giúp người nhưng rất dễ làm cho họ bị thương nặng hơn nếu xử lý sai, như bị thương đốt sống, nhất là ở cổ, bị gãy chân mà cứ bế xốc lên. Máu chảy ồ ạt mà không garo cầm máu đúng cách vân vân...

          Ngược lên nữa, trong trường học chúng ta chưa trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về kỹ năng sống. Chúng ta dạy rất nhiều thứ, nhưng đa phần là... lý thuyết hoặc những thứ không áp dụng được vào đời sống, trong khi những thứ hết sức cấp thiết thì lại rất lơ mơ. Nên các vụ cháy thì chết cháy thì ít mà chết ngạt do không biết cách lại nhiều. Năm nào cũng có trẻ em chết đuối dù nước ta sông suối kênh rạch chiếm diện tích rất lớn.

          Và ngay trên thế giới mạng, vì thiếu kỹ năng sàng lọc, nên rất nhiều người đưa và tin theo tin fake. Hành động vào còm một cách "tổng xỉ vả" mấy facebooker giải thích rất ôn tồn cách cứu cháu bé mà không cần đưa tay vào miệng cho cháu cắn mấy hôm nay cũng là một kiểu rất thiếu kỹ năng, cả đọc, tiếp thu và tranh luận.

          Tôi thân với một bác sĩ (trên mạng, tất nhiên), bác sĩ Nguyễn Hà, có nhắn tin hỏi ông này về việc xử lý khi có người co giật kiểu như cháu bé, ông giải thích, ngày xưa đấy là cách cha ông ta làm. Thậm chí dùng đũa cả chèn vào miệng (tôi còn nghe mẹ kể có người bị bẻ răng nữa) đề phòng bệnh nhân cắn phải lưỡi, nhưng nay không ai làm thế, bởi sẽ không thể cắn được lưỡi khi mà răng bệnh nhân đã nghiến chặt, mà hãn hữu có cắn được thì khâu lại, không vấn đề gì. Trong phác đồ điều trị thì duy nhất còn cấp cứu sản giật còn giữ phương pháp đặt một Canun Mayor (ống cao su mềm) vào miệng sản phụ bị giật thôi. Và hành động của anh cảnh sát cơ động trong trường hợp cụ thể ấy là chấp nhận được, bởi ngay cả các bác sĩ, nếu không phải là bác sĩ trực cấp cứu, không update thông tin thường xuyên, gặp những trường hợp cụ thể, cũng sẽ lúng túng, cũng sẽ... dùng kinh nghiệm dân gian để xử lý.

          Nhưng rộng hơn, rõ ràng việc dạy kỹ năng sống của chúng ta đang có vấn đề. Có vẻ như chúng ta dạy rất nhiều thứ, nhưng những thứ thiết thân, cụ thể, gần gũi và thực dụng với đời sống nhất thì chúng ta lại bỏ qua. Cách đây mấy năm đã từng có chuyện một cháu bé 4 tuổi tự giải thoát khỏi bọn bắt cóc khi cháu bị bọn chúng trói chân tay và bịt miệng bằng băng keo bỏ trong bao vất trong ruộng mía, rồi cháu biết leo lên cái gò cao nhìn hướng, rồi cứ thế băng qua gai nhọn, lá mía... tìm đường về nhà. Hay cũng năm nào đấy, cháu bé Tú Anh 7 tuổi khi bị lọt xuống giếng đã rất bình tĩnh để không ngất, không ngủ, không tụt sâu thêm, quấn thừng rất chặt vào tay treo người lên (tất nhiên có tư vấn của các chú cứu hộ) đợi suốt 8, 9 tiếng đồng hồ để được cứu cũng khiến chúng ta an tâm phần nào.

Kỹ năng sống là hết sức cần thiết, và phải được dạy từ bé, từ gia đình, nhà trường và cả xã hội, để không xảy ra, hoặc xảy ra thì hạn chế đến mức thấp nhất có thể, trong từng trường hợp...

Nhưng bức ảnh ấy thì đẹp ạ...

Nó đăng Ở ĐÂY rồi, đưa về để lưu ạ.

Không đăng lại bức ảnh ấy, mà đăng bức này thôi, cũng đẹp ạ:

                                                   



Không có nhận xét nào: