Làng
Tây Nguyên bao giờ cũng gắn với giọt nước. Nó là một phần của làng, như nhà
rông (thậm chí có làng không có nhà rông nhưng giọt nước chắc chắn phải có),
khu nhà mồ. Giọt nước không chỉ là nơi sinh hoạt vật chất của làng, nó còn như
một khu văn hóa, nơi nuôi dưỡng tinh thần, tâm hồn của làng.
Hàng
năm dân làng đều tổ chức lễ cúng bến (giọt) nước rất trọng thể.
Và,
khách du lịch, những người quan tâm tới văn hóa Tây Nguyên, khi tới một làng
Tây Nguyên, thì giọt/ bến nước là nơi họ không thể không tới.
Vốn
dĩ là... Tây Nguyên, nên nguồn nước là yếu tố rất quan trọng để chọn đất lập
làng. Bà con Tây Nguyên ưu tiên chọn đất lập làng dọc suối, và đa phần làng Tây
Nguyên bám theo suối, cũng như làng người Kinh bám theo lưu vực sông. Giọt nước/
bến nước là một phái sinh của suối. Người ta dẫn nước từ suối về một vị trí
thích hợp ở rìa làng, thường là vị trí thấp hơn một bậc, để làm giọt/ bến nước.
Đa
phần đấy là nơi đẹp nhất của làng. Giữa khô khát thì nơi ấy xanh um, giữa chật
chội thì nơi ấy thoáng đãng, giữa thưa vắng thì nơi ấy tấp nập, nhất là sáng sớm
và chiều muộn. Nó không chỉ là nguồn nước, dù nguồn nước là rất quan trọng đối
với con người, đối với một làng. Nó là nơi tụ tập, nơi sinh hoạt, dẫu không chính
thống, chính thống phải là nhà rông kia, nhưng lại là nơi rôm rả và thân thiện
nhất của làng. Nó chính là hồn làng, là ký ức làng.
Còn
nhớ năm nào đấy, cần tìm diễn viên cho phim “Đất nước đứng lên”, đạo diễn Lê Đức
Tiến và nhóm cộng sự đã lang thang hàng chục ngày ở rất nhiều giọt nước, để rồi
một buổi chiều muộn, ông đã vỡ òa ra khi giữa đông đảo các cô gái mơn mởn đang
tắm ở một giọt nước trong ngôi làng rìa thành phố Kon Tum, ông nhận ra H’Panh,
người sau này đóng nhân vật Liêu vợ ông Núp trong phim của ông. Tôi nhớ hồi ấy
cùng đoàn làm phim đi tìm khắp ở Gia Lai, sang Đăk Lăk và cuối cùng đến Kon Tum
thì gặp cô bé sau là diễn viên này. Cánh nhà văn nhà báo chúng tôi thì khi về
làng, bao giờ cũng tìm ra giọt nước. Đấy là nơi phản ánh sinh khí của làng rõ
nhất, là nơi ta cảm nhận được toàn bộ hơi thở của làng, đời sống của làng, tâm
hồn làng... Tất nhiên lúc mà giọt nước tấp nập nhất, tràn đầy hơi thở nhất, lúc
nó là... giọt nước nhất, là sáng sớm và chiều.
Một
trong những giọt nước đẹp nhất mà tôi từng thấy và cũng từng gắn bó là giọt nước
làng Bông (Plei Bông) xã Ayun, Mang Yang. Quê họa sĩ Xu Man.
Đã
bảo cái làng ông Xu Man đẹp kinh khủng. Có mấy cây đa cổ thụ rất to, có cái giọt
nước mà cứ buổi chiều và buổi sáng lại như hội. Buổi sáng là các bà các chị xuống
gùi nước. Hứng nước vào các quả bầu rồi cho vào gùi gùi về. Buổi chiều thì đây
thành bến tắm. Tắm xong cũng gùi nước về để dùng cho cơm chiều và đêm. Chúng
tôi từng xuống làng ông ở lại hàng tuần. Rất nhiều văn nhân tài tử cũng từng về
đây. Ông họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, hồi ấy râu tóc bạc phơ, đâu như cũng phải bảy
chục tuổi rồi, mà cứ mùa khô là lại xuất hiện. Hồi ấy bay bằng AN 24, sắm được
cái vé bằng lên trời, thế mà sao bác họa sĩ già này cứ đúng hẹn như... lĩnh
lương. Ông đến Pleiku ở vài ngày rồi đạp xe về nhà ông Xu Man, có khi ở đấy cả
tháng. Nhà văn Trung Trung Đỉnh lần nào vào Tây Nguyên cũng phải xuống đấy,
cũng ở lại cả tuần, chưa hết, còn rủ rê đùm túm rất nhiều người theo. Đông nhất
là anh em họa sĩ trẻ, anh em nhiếp ảnh, nhà báo vân vân...
Làng đẹp, ngoài
địa thế đẹp, giọt nước đẹp, mấy cây đa đẹp, còn cái nhà rông rất dễ thương. Và
những đêm trăng mùa khô, làng bồng bềnh trong cái ánh vàng bất tử như cổ tích.
Từ nhà rông, tiếng ting ning, goong thủ thỉ thù thì mơn man ảo giác. Lửa lập
lòe trong các ngôi nhà sàn, nhìn ánh lửa biết ngôi nhà ấy đông hay neo người.
Nhà neo người thì lửa lụi dụi qua liếp, nhà đông thì ngọn lửa phập phù reo vui
vân vân...
Giờ thì, đa phần
làng đã có giếng nước, thậm chí nước sạch (nước máy) nên các giọt nước có phần
không được chú trọng, thậm chí bỏ hoang. Cái giọt nước rất đẹp làng ông Xu Man
cũng thế. Chúng tôi vừa xuống lại làng này, dân vẫn dùng nước giọt nhưng cái giọt
nước ấy nó không còn đẹp, lãng mạn, ấm cúng, náo nhiệt... như xưa nữa, dù nó vẫn
ở đấy và vẫn khung cảnh ấy.
Cái lễ cúng giọt/
bến nước ấy nghe nói cũng thưa hơn xưa.
Thì cũng như những
thứ khác, chả cứ với người Tây Nguyên, mà ngay người Kinh cũng thế, như cái cầu
ao, cái bến sông, cái giếng làng...
Nhưng với ngành
du lịch thì họ biết cánh để khuếch trương những thứ ấy thành sản phẩm du lịch.
Những cái giọt/
bến nước của làng Tây Nguyên cũng nên được bảo tồn để trở thành sản phẩm du lịch.
Nó độc đáo, nó đặc thù, nó bản sắc, nó chính là Tây Nguyên.
Nói thật, giờ lại gần, nó rất bẩn, huhu |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét