Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2018

CHUYỆN THỦ THIÊM VÀ KHÔNG CHỈ THỦ THIÊM...



           Đến giờ thì những người lãnh đạo cao nhất của thành phố Hồ Chí Minh đều đã có lời xin lỗi nhân dân Thủ Thiêm, những người đã hết sức khốn khổ trong mấy chục năm qua vì bị thu hồi đất sai, bị đẩy ra khỏi chỗ mình đang yên ổn sống và làm ăn lương thiện, để rồi liên miên khiếu kiện, tạo nên những dòng người khiếu kiện ngày này sang ngày khác ở những nơi có thể tập trung khiếu kiện. Và rõ ràng, nhân dân đã đúng. Có những người đã mất trên hành trình khiếu kiện, không thấy được ngày những nỗi oan của mình, của gia đình mình được thấu tỏ, đã không còn nghe được lời xin lỗi.

           Thanh tra chính phủ cũng đã có những kết luận ban đầu vụ Thủ Thiêm, và kết luận ấy cũng đã khiến những người dân mất đất ở Thủ Thiêm bước đầu hài lòng, bởi họ đã thấy những tín hiệu lạc quan, bởi từ những kết luận thanh tra này, nhiều sự thật được sáng tỏ, nhiều góc khuất được mở ra, nhiều điều mập mờ bước đầu được minh bạch.

           Để thấy, không gì có thể khuất tất được dưới ánh mặt trời, không thủ đoạn nào có thể mãi mãi là bí mật. Bây giờ chưa tìm ra thì sẽ có lúc ra. Tất nhiên không có khuất tất vẫn tốt hơn, hoặc có khuất tất nhưng vạch ra được ngay cũng rất tốt, chứ để như vụ Thủ Thiêm thì dân khổ quá, mà chính quyền cũng rất vất vả. Giờ vừa phải lo xin lỗi dân, giải quyết hậu quả, vừa phải xử lý đồng đội mình. Đau lòng lắm chứ.

           Và nó cho thấy rằng, dù nông thôn hay thành phố, thì đất đai muôn thuở vẫn là những vấn đề lớn, sống còn của người Việt. Xử lý hài hòa lợi ích của người dân và nhà nước, về vấn đề sở hữu ấy, là việc hết sức khó khăn vất vả, là ngang dọc lý tình, là những cuộc đời những số phận, là an vui và lênh đênh, là nước mắt và nụ cười, là ly tán và trùng phùng...

           Cả bí thư và chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh hiện thời đều đã xuống quận 2, xuống Thủ Thiêm, tiếp xúc với dân ở hội trường có, vào từng nhà riêng có, đều lắng nghe ý kiến của người dân mất đất ở đây. Và đều hết sức chia sẻ với những đau khổ, mất mát của dân ở đây. 

Vấn đề bây giờ là xử lý.

Nói luôn là, nếu những vị tiền nhiệm của bí thư, chủ tịch thành phố bây giờ mà cũng xuống với dân, nghe dân, chứ không chỉ nghe báo cáo, rồi vạch địa giới trên... bản đồ, trong phòng lạnh, rồi lạnh lùng trước những lời kêu dậy đất của dân từ thời ấy, thì có thể những hậu quả bây giờ sẽ ít đi rất nhiều, giảm sự trầm trọng đi rất nhiều, thậm chí, tôi mong là thế, sẽ không xảy ra nữa.

Nhưng nó đã xảy ra và giờ là xử lý hậu quả.

Dân Thủ Thiêm thì kiến nghị, phải đưa vấn đề Thủ Thiêm vào diễn đàn Quốc hội, phải chuyển vấn đề đến Ủy ban kiểm tra Trung ương. Tức là bây giờ, dân rất tin vào 2 cơ quan này.

Tức là 2 cơ quan này mới đủ sức đụng đến những cá nhân gây ra vụ việc.

Đúng thế. Bây giờ song song với việc xin lỗi, rồi xử lý hậu quả, giảm thiểu thấp nhất những tổn thất của người dân, những người đã kiên trì nhẫn nại chịu đựng biết bao khổ nạn để hôm nay nghe lời xin lỗi, nhưng phía sau lời xin lỗi ấy phải là những hành động thiết thực. Hành động ấy là, đền bù xứng đáng cho dân, trước mắt là vật chất, là những gì họ đã mất oan ức. Hành động ấy còn là, tìm ra nguyên nhân thực phía sau việc làm sai mà ai cũng thấy, ai cũng biết, chỉ những người thực hiện là không thấy, không biết. Và còn nữa, chỉ ra đích danh những người ấy. Đấy mới chính là những người phải xin lỗi dân, và phải chịu tội với dân, ngõ hầu xoa dịu phần nào nỗi đau, mà nhiều người gọi là ngút trời, của dân trong vụ Thủ Thiêm.

Lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh xác định có tới 11 vấn đề cần “phải gỡ” trong vụ Thủ Thiêm. Dùng từ “gỡ” bởi giờ nó như... mớ bòng bong. Người dân, về cơ bản, thấy được sự thiện chí và thấu hiểu của các vị lãnh đạo thành phố trước cuộc sống khốn khó của họ hiện nay. Nước mắt, rất nhiều nước mắt. Cơ cực, mất nhà lang thang là cơ cực rồi. Một thế hệ lớn lên lang bang. Rất nhiều những số phận đáng thương gần đây mới được bạch hóa. Họ nghĩ gì trong đầu, họ mang gì trong hành trang, họ có gì ở tương lai, họ sẽ là ai và hành xử như thế nào trong cái thành phố đông dân và năng động nhất nước này? Đấy là những “dư âm” phía sau đền bù mà những tâm hồn nhạy cảm phải nghĩ tới. Nghĩ tới để mọi số phận đều được bình đẳng dưới ánh sáng mặt trời, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, và mọi tâm hồn đều phải được tỏa ánh sáng của sự nhân ái và cũng được hưởng sự nhân ái của cuộc đời, của con người, của những điều tốt đẹp mà tất cả chúng ta đang ngày đêm hướng tới, mà vì nó mà chúng ta sống và lao động, và yêu nhau và cống hiến...

In ở báo này, hôm nay đấy ạ, kinh chưa he he, nhưng thay vì trang 2 của nhà cháu giữ thì nó được chuyển vào trang... 16, cho lành...

 
                                                               

Không có nhận xét nào: