Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

LẠI NHẨN NHA VỀ... CHIÊNG...



      
           Năm 2005, Unesco trao danh hiệu “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, và thời ấy, một liên hoan (Festival) cồng chiêng quốc tế đã diễn ra ở Pleiku.

           Nhiều người nhầm là Unesco trao cho cồng chiêng Tây Nguyên danh hiệu này. Thực ra nó là toàn bộ không gian để chiêng tồn tại. Và “tiêu chuẩn” để trao là cái món di sản ấy phải đang trên bờ vực xóa sổ. Cồng chiêng Tây Nguyên thời ấy trong tình trạng ấy và được trao. Trao để mà giữ, mà bảo vệ, chứ không phải để vinh dự tạ hào, để mang ra... khoe.

           Và, không gian chiêng cồng ấy quyết không phải là... phố, mà nó phải là làng. Làng Tây Nguyên với những yếu tố đặc trưng bền vững từ ngàn đời. Thế hệ này tiếp nối thế hệ khác giữ gìn và nó tồn tại, một cách hết sức tự nhiên, nhuần nhị chứ không phải hô hào, quyết tâm, cố gắng.

           Nó chính là đời sống của dân làng, của thiên nhiên, của không gian sinh tồn.

           Và, không gian sinh tồn của người, làng Tây Nguyên chính là rừng. Làng rừng là đặc trưng cơ bản của Tây Nguyên, con người và đời sống Tây Nguyên.

           Lần trước, cái Festival cồng chiêng quốc tế ấy, người ta tổ chức ở thành phố Pleiku, trong cái quảng trường vuông, sân khấu xanh đỏ tím vàng nhấp nháy, trên nền nhạc... Nguyễn Cường và nhiều váy áo sắc sỡ kim tuyến, nhiều diễn viên măng mởn chuyên nghiệp căng cứng đường cong khối tròn trong các vũ điệu hết sức khó đoán là nó thuộc vùng nào, giới nào?

           Nhưng cũng phải thông cảm thôi. Tổ chức đúng không gian nó sinh ra, tức là làng ấy, thì thứ nhất là sẽ rất khó, cho cả ban tổ chức và người dự. Tôi không gọi là khán giả vì những lễ hội Tây Nguyên thường là không có khán giả, mà ai cũng là chủ, ai cũng là thành phần chính, không có ai ngoài cuộc. Và đấy mới chính là cái làm nên hồn cốt của lễ hội Tây Nguyên. Thứ nữa, quan trọng hơn, rừng thì về cơ bản đã... hết rồi. Làng giờ tơ hơ dưới đất đỏ, dưới tăm tắp cao su, những không gian vốn đã bé giờ lại càng bé làm sao có thể chứa một lúc nhiều người được. Thứ nữa, làng bây giờ cũng khác nhiều rồi. Hiện đại lên dù nhiều mặt thì... vẫn thế.

Tiếp nối mấy Fesival trước đấy, lần này chắc chắn sẽ được tổ chức chặt chẽ xúc tích và vang vọng hơn với tiêu chí cố kết các cộng đồng trên địa bàn. Được biết (và mong thế) kế hoạch và kịch bản đang được hoàn chỉnh để thông qua trên cơ sở tôn trọng không gian, tôn trọng nguồn gốc, giữ cồng chiêng ở nơi chính nó sinh ra, và tổ chức cồng chiêng đúng là là... cồng chiêng. Tức, nó là của nhân dân và do nhân dân là chủ thể, chứ cồng chiêng không phải là phụ họa, lại càng không phải là lễ hội, mà nó là thành tố của lễ hội. Tất nhiên vai trò của các nghệ nhân, của già làng được triệt để phát huy, và cũng tất nhiên, vai trò tác động, quản lý, tổ chức của nhà nước của ngành văn hóa cũng rất quan trọng, nhưng cố sẽ không có những kịch bản làm thay, xa rời thực tế, áp đặt hoặc... chỉ huy nghệ nhân.

           Và như thế thì lễ hội dân gian không còn tập trung về thành phố Pleiku nữa, mà sẽ tỏa về huyện, về làng. Không tập trung cũng có cái khó, nhiều mặt khó, nhưng cái được là cái hồn, cái cốt của chiêng, của lễ hội, nó tươi tắn và giữ nguyên, nó được gắn với không gian mà nó sinh ra và tồn tại, nó được bền quyện với làng, với suối, với những thảm cỏ xanh mượt, với trời xanh ban ngày trăng sáng ban đêm. Nó là nguyên vẹn cồng chiêng, nguyên vẹn lễ hội nếu như người ta tổ chức lễ hội...

           Làng bấy giờ trở thành trung tâm của lễ hội. Những ngôi làng rờ rỡ trong trăng lạnh mùa khô tôi từng nhiều đêm thức cùng nó, nhất là thời kỳ đầu mới lên, cái thời trong veo bỡ ngỡ, giờ nhiều lúc muốn mơ về mà khó. Thế thì tại sao nhân dịp này ta không tổ chức lại những ngôi làng như thế. Mùa khô, gió lồng lộng, chiêng chiêng chiêng và xoang, những cặp chân díu vào cỏ, những cánh tay trần vươn trong trăng, những nụ cười như muốn xô lệch không gian. Và trên hết, tiếng chiêng lan tỏa trong không gian ấy, như mềm ra, như vút lên, như níu lại, như tan cùng gió, hòa vào trăng miên man cũng thảo nguyên mê hoặc...

           Những đêm Tây Nguyên đúng nghĩa như thế.

           Nhưng cũng vẫn khó.

           Tây Nguyên, sau rất nhiều xáo trộn, do cả chủ quan và khách quan, đã khác khá nhiều. Có cái khác tích cực, có cái khác tiêu cực. Cái tích cực thì lại xa rời đời sống, cái tiêu cực nó cứ ám ngay vào, như một vòng luẩn quẩn. Người ta đã cố làm rất nhiều cho Tây Nguyên, có những chương trình rất lớn cho Tây Nguyên, nhưng có vẻ như, cái mà Tây Nguyên được hưởng lại chưa tương xứng với những gì bỏ ra. Một hệ thống thiết chế văn hóa với những nhà rông gọi là văn hóa khổng lồ đã bỏ không, mục nát rồi... biến mất như nó chưa từng có trên đời này. Các phong trào, như nhà trệt, như xóa khố, như dời làng, định cư, tái định cư... kể cả nông thôn mới bây giờ, nếu không cẩn thận cũng sẽ gây ra những hệ lụy rất lớn, khiến cho làng như phố, làng không bản sắc, không có hồn, những ngôi làng cơ học chứ không phập phồng thức mở với người dân, không ký ức, không tương lai, không mong không nhớ không muốn trở về, không neo trong đời còn người một đièu gì hết thì đấy chỉ là chỗ trọ chứ không phải là làng.

           Nặng nhất với Tây Nguyên là chuyện rừng không còn.

           Chúng ta, bằng kế hoạch và cả phi kế hoạch, bằng công khai và cả... bất công khai, có từng đợt phá rừng Tây Nguyên có thể kể ra thành giai đoạn, và giai đoạn sau thường mạnh mẽ quy mô hơn giai đoạn trước, kỹ càng hơn, chi li hơn và ồ ạt hơn, từ phá rừng trồng lương thực cứu đói, đến giao cho cho các nông lâm trường, đến kinh tế mới và mới nhất, roi rói nhất là phá 50 ngàn héc ta rừng (cái gọi là) nghèo để trồng cao su, với quan niệm cao su cũng là... rừng. Mới nhất, tỉnh Gia Lai vừa thống kê và phát hiện hầu hết những diện tích cao su được trồng thay... rừng ấy đã chết vì không phù hợp, và UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn đề nghị chính phủ cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng số đất “rừng” cao su ấy. Kết quả đã lộ diện... 

           Festival cồng chiêng, có thể coi như là một cuộc đánh thức phần hồn của Tây Nguyên bằng chiêng. Nhưng hãy nhớ, không có lễ hội cồng chiêng, mà cồng chiêng chỉ là một thành tố của lễ hội nào đó. Nó là một phần bắt buộc phải có của lễ hội chứ bản thân nó không phải và chưa bao giờ là một lễ hội hoàn chỉnh. Nhưng cồng chiêng lại gắn với người Tây Nguyên từ khi sinh ra tới lúc chết đi, tất cả các nghi lễ đều phải có chiêng tham gia, dẫu nó là một thứ “nhập tịch” chứ người Tây Nguyên không làm ra chiêng. Họ chỉ đi mua/ đổi về để sử dụng.

           Và, Tây Nguyên không chỉ có chiêng. Còn nhiều thứ nữa gắn quện, bền chặt để làm nên đời sống văn hóa tinh thần Tây Nguyên. Vật chất Tây Nguyên, có thể thô sơ, có thể đơn giản, nhưng thế giới tinh thần thì ăm ắp năng lượng văn hóa, thứ vừa mỏng manh vừa bền vững, vừa khoảnh khắc vừa trường tồn, vừa nhạy cảm vừa chai lì... để nó đã hiện diện trên cõi đời này hàng vạn năm, tham gia song hành tồn tại và định hướng đời sống con người vùng đất này từ thuở ấy đến giờ...

           Nhưng, lại nhưng, quả là, chỉ một cây ghi ta, hơn tí, cây organ, có thể thay cả dàn chiêng. Và, nhà sàn ở thích nhưng nhà tây cũng ổn. Thời trang, hàng hiệu... cũng là món mà không phải Tây Nguyên không ưa.

           Ơ thế thì nó phải thế nào? Thì thế mới cần... bàn thảo?
                                                                





Không có nhận xét nào: