Giữa
điệp trùng cao nguyên mà có một cái hồ sen thì đã lạ rồi, quý rồi.
Thế
mà cái hồ này tới gần 12 héc ta thì quá lạ quá quý.
Nó
tồn tại đã gần chục năm rồi, chả ai biết, tới một hôm, một nhóm bạn trẻ vô tình
xuất hiện ở đấy. Và, âm hưởng của thời đại phây phúc ra tay, đến nỗi hôm gặp
chúng tôi, bà chủ bảo: Tự nhiên đang lo làm ăn mấy năm nay chả sao, tháng trước
mấy đứa tre trẻ vào rồi đưa phây búc, thế là đời sống đảo lộn hết, giờ phải cắt
người canh... người, không thì họ vào phá hết sen, mà lại còn tự tiện lấy thuyền
chèo rất nguy hiểm. Hồ có đoạn sâu trên 2 mét...
Là
hôm chúng tôi xuống Phú Thiện dự cái lễ cúng cầu mưa, có người mách, ở xã Ia
Yeng có cái đầm sen hay lắm, đẹp lắm, lạ lắm. Thế là trong lúc chờ... cúng,
chúng tôi tranh thủ vào thăm với sự trợ giúp nhiệt tình của Tuấn, chủ tịch xã.
Té
ra là vào khá khó khăn, phải để ô tô lại trụ sở xã rồi ngồi xe máy do chủ tịch
xã huy động chở nhau chạy vào trên con đường sống trâu mà nhiều ổ voi còn to
hơn... mặt đường. Gần 10 cây số giữa trưa nắng nhưng chúng tôi gặp nườm nượp
người phi xe máy vào ra. Hỏi thì đa phần là từ Pleiku xuống, có Kon Tum nữa, rồi
Ayun Pa, Ia Pa sang, ai cũng tươi như... sen.
Nó
nguyên là một cái đầm lầy, rộng, rất rộng, để không lâu nay. Một ông cựu chiến
binh ở Ayun Pa tự nhiên phát hiện rồi xin đấu thầu. Phát quang lăn nác, dọn dẹp
cây củi... cũng mất mấy năm, rồi thả sen. Cũng chả biết có học kinh nghiệm ở
đâu không, nhưng cứ đánh cược cả cuộc đời còn lại vào đấy. Thế rồi mà thành
công. Giờ sen nở mù mịt, ngút mắt sen, ngụt ngạt sen. Đầu tắt mặt tối nên cũng
chả biết hoa đẹp hay xấu, chỉ quan tâm đến... gương sen hạt sen, là cái thứ chỉ
có khi hoa đã tàn. Có một công ty tận phía Nam cử nhân viên ra trực ở đây, chủ
thu hoạch hạt và gương đến đâu anh này thay mặt công ty cân hết, thuê xe máy chở
ra đường lớn, rồi ô tô chở đi. Cứ thế cho đến ngày tự nhiên... nổi tiếng.
Ông
Nguyễn Đức Hoàng, phó giám đốc sở Văn hóa thể thao và du lịch, phụ trách du lịch
ngồi tính ngay: Nơi đây sẽ là nơi thu hút du lịch tuyệt vời. Ông chủ giãy nảy:
Không không du lịch gì hết, người đông khổ lắm, giờ suốt ngày phải giữ sen. Vợ
đế vào: Suốt ngày phải đuổi. Và chứng minh... quyết tâm, vừa lúc ấy có một đoàn
xe máy phi đến, bà đứng dậy: Không thăm nom gì được đâu, hết sen rồi... Cả đầm
sen nghe bà nói cứ ngời ngời mê mải trong gió.
Ông Đỗ Ngọc Thành, bí
thư huyện Phú Thiện nói, chúng tôi sẽ đầu tư con đường này, sẽ đầu tư thêm một
số hạng mục nữa, đang giao anh em chuyên môn rồi, sẽ có một trục du lịch hồ
Ayun Hạ, Plei Ơi, Plei Rbai, hồ sen. Nghi lễ cúng cầu mưa của người Jrai Phú
Thiện đã được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch công nhận là di sản văn hóa
phi vật thể cấp Quốc gia theo quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8//6/2015. Như
thế sẽ có một vệt như một cái trục từ hồ Ayun Hạ đến Plei Ơi (Làng Ơi, cách
làng Rbai không xa) nơi tồn tại huyền thoại Vua Lửa và có núi Chư Tao Yang, nơi
đồn là có cái hang đang chứa gươm thần của Vua Lửa, cũng đã là di tích lịch sử
văn hóa cấp quốc gia rồi đến hồ sen này.
Nghe phân tích một
hồi thì ông bà chủ đầm cười phớ lớ, lại còn bắt ngay con gà đang lục cục bên đầm
luộc xổi chấm muối đưa... bia ngay bên đầm, giữa trưa gió và sen ngào ngạt.
Thì rõ ràng, giữa
trập trùng núi, miên man đồi như thế, bên cạnh cái hồ Ayun Hạ do con người tạo
ra, có một cái đầm sen rộng ngút mắt như thế, mà nghe nói sen ở đây nở đến 7, 8
tháng trong năm, thì quá là vĩ đại chứ còn gì nữa. Ông bà chủ cứ kinh doanh
gương sen, hạt sen, huyện sẽ hỗ trợ để làm du lịch. Có mất gì đâu, chỉ có thêm
an toàn và thêm thu nhập. Sẽ có thêm nhiều thuyền đẹp và an toàn chứ không chỉ
mấy cái xuồng “chỉ chủ chèo được” như hiện nay, có người chèo chứ khách không
được chèo, có những con đường vạch sẵn chỉ để xuồng đi, không đụng đến sen. Sẽ
có các chòi trên đầm, giữa đầm, giữa sen, có nhiều chòi trên bờ, là đà sát sen,
bên sen. Sẽ có nhiều sản phẩm từ sen, sản phẩm của Tây Nguyên, của huyện bán tại
chỗ. Sẽ có phục vụ ăn uống, có các dịch vụ, thậm chí là... ngủ sen. Tất nhiên
cũng sẽ phải có các nhân viên đã được đào tạo, có hệ thống quản lý chuyên nghiệp.
Và tất nhiên, khách sẽ phải trả phí để được phục vụ.
Giờ, ông bà chủ
bảo, lo nhất là bảo vệ sen. Tối, đầm sen mênh mông thế, mấy cái thuyền len lỏi,
chả phát hiện ra, mà nếu có phát hiện thì cũng chỉ... nhìn nhau rồi cười chứ
làm được gì. Nhưng khi nó trở thành khu du lịch, chắc chắn việc này cũng chấm dứt.
Cũng như, bà chủ bảo, cứ thon thót trông mấy cái xuồng, sợ cánh thanh niên phượt
tự tiện lấy rồi chèo ra đầm, vừa hỏng sen mà quan trọng là xảy ra lật xuồng đuối
nước rồi thì mang nợ.
Hôm ấy về, tôi
đưa mấy cái ảnh sen lên facebook, thế mà đã thấy bao nhiêu người Inbox hỏi đường
đi. Tôi reply: Chờ đã, sau khi nó trở thành địa điểm du lịch hẵng vào, giờ vào,
ngắm sen trong nỗi thắc thỏm của chủ đầm cũng chả sung sướng gì. Ngày ấy không
xa đâu.
Nhưng mà, sen ở
đấy đẹp kinh người. Sen lẫn trong núi, trong mây, trong nắng gió cao nguyên,
không đẹp mới lạ.
2 nhận xét:
Bạn viết thì hay đấy nhưng mở tuyến du lịch vào vài mùa sẽ hết sen thôi. Tôi chả thích cái gì là của chung, bữa nay họ bắt gà đãi vì coa lãng đạo xã, vai năm sau bạn vào họ vác cây đuổi bởi xã rồi huyện đòi quản. Lúc đó là của chung thì se thấy ngay thôi.
Trong ảnh, trên mặt hồ có cái vỏ chai nhựa ,điềm báo trước, khi trở thành điểm du lịch sẽ có hàng núi rác trên bờ, trên mặt nước và chìm dưới hồ sen !? Thật tội nghiệp biết sen có còn mọc như giờ không ?
Đăng nhận xét