Nước ta có vài vùng mà mưa là… đặc sản. Đấy là Huế, Đà Lạt, Pleiku. Mưa như một ám ảnh, như một đặc ân của trời, và cũng là một thứ trời hành, trời bắt tội con người, tùy cách con người thích nghi, cách con người đón đợi và chịu đựng nó. Nếu ở vùng Phan Rang, Ninh Thuận, mỗi hạt mưa như một hạt ngọc của trời rơi xuống thì ở những nơi trên, mưa dai dẳng thành mùa, lê thê tháng này tháng khác, đến mức thấy mưa là ớn, nghe nói mưa là rùng mình, nhưng mưa cũng là kỷ niệm, là dấu ấn khó quên đối với nhiều người.
Tôi là một trong những người bị mưa ám ảnh, với xuất xứ quê Huế và giờ đang sống ở Pleiku.
Một trong những đặc sản của Gia Lai nói chung, Pleiku nói riêng, là… mưa.
Trước khi lên Pleiku làm việc, biết rằng Tây Nguyên chỉ có 2 mùa là mùa khô và mùa mưa, nhưng tôi cũng không để ý lắm, chủ yếu chỉ hình dung cái mùa khô cao nguyên rực rỡ nắng, gió vàng rực như những bức tranh Lê Vi Tan mà tôi chỉ thấy phiên bản. Mưa ư, điểm xuyết tí cũng có phần lãng mạn. Tôi lên từ xứ Huế, cái xứ mưa cũng là đặc sản, mưa trở thành một thế mạnh đến có người đề xuất dùng chính mưa làm sản phẩm du lịch. Thì cứ suốt ngày réo rắt “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”, anh nào chả mềm ra mà mơ mộng.
Và phải đến nửa năm sau tôi mới biết thế nào là mưa Pleiku, bởi khi tôi đeo ba lô lên là tháng 11, tháng mùa khô, lạnh và gió, và bụi và… thiếu nước. Sổ tay của tôi còn ghi cảm giác và cảm xúc của mình khi gặp cơn mưa đầu mùa đầu tiên đổ xuống Pleiku khi cả sáu tháng trời trước đó chịu mùa khô khủng khiếp của cái thời mọi thứ đều thiếu, nước máy chảy tuần một lần.
Nó khác hẳn mưa ở các nơi khác, ấy là càng mưa thì càng nóng. Mưa Huế luôn kèm cái lạnh cắt da. Mưa phùn xứ Bắc cũng thế, thôi rồi là bấc, là rét, là thâm da tím thịt, là hùm hụp các thứ độn vào người để chống rét.
Cơn mưa đầu mùa Pleiku bao giờ cũng ào ạt như sự nhịn nén suốt nửa năm giờ được dịp tuôn ra. Nó phấn khích như người vậy, như vạn vật cỏ cây vậy. Bung phá, reo vui, hát ca, hớn hở. Nó sầm sập sầm sập như một cái thác ở đâu bị phá một góc để cho nước tự do tuôn chảy. Nghe đâu đấy tiếng mầm tí tách dù nhà mái tôn chỉ thấy ào ào là chủ yếu. Nó màu đỏ. Vâng đỏ, là bởi nó moi móc hết tất cả bụi ba zan bám từ trên mái nhà, trên cây, trên lá, trên đường, trên các bờ rào, những dãy cúc quỳ… nó rửa, nó tắm, nó gột… cho vạn vật cứ sáng trưng lên, cứ xanh nõn ra, cứ bừng như cơn sốt vỡ da...
Và nó bốc mùi đất.
Sáu tháng trời, đất oằn mình dưới ánh nắng mặt trời, mà không chỉ mặt trời, còn bị âm ủ bởi những dư vị mùa khô, của khát cháy, của rát bỏng. Giờ mưa xuống, như cuộc giao hoan vĩ đại giữa trời và đất sau một thời gian dài không gặp nhau. Mà sức căng tràn thế, mà toàn “ông” to “bà” lớn thế, mà mênh mông vĩ đại thế. Thế là hân hoan, hết sức hân hoan để tỏa hương. Vâng cái mùi đất bốc lên khi cơn mưa đầu mùa ập đến chính là cái hương của sự giao hoan vĩ đại giữa trời và đất. Mà chả cứ chỉ đất, ngay đường nhựa cũng bốc lên cái mùi rất đặc trưng của cơn mưa đầu mùa mà những ai ở Cao nguyên đều từng biết.
Nhưng những dai dẳng, dư âm của suốt mấy tháng sau đấy thì khác. Nó không làm cho người ta hân hoan trữ tình được nữa. Đơn cử như tôi, làm nhà mùa khô, gối một chút sang mùa mưa năm nay, thế mà đúng hai mươi ngày không động bay động thước gì được. Hai mươi ngày ngồi trong nhà trọ ngóng mưa, chờ nó tạnh để thi công tiếp, cũng ám ảnh chứ chả lãng mạn được, khi mà thấy thời gian và tiền bạc cứ vô tư trôi trước mắt mình.
Gần như cả tháng nay rồi, mưa như nghiêng vò trút nước. Mưa khiến người ta không còn lãng mạn được nữa. Không thể lãng mạn ngắm mưa thì người ta… kết tội mưa. Nào là mưa khiến đập thủy điện vỡ, khiến các hồ đầy nước phải xả lũ, và dân lãnh, nhà cửa của cải chắt bóp cả đời ào phát trôi sạch. Và đơn giản nhất là trong từng nhà, mưa khiến quần áo, dẫu có máy giặt trợ giúp, không khô, nhiều thứ mốc lên…
Là cái tâm thế sống chung với mưa không có, người ta đối phó. Càng đối phó thì càng… thua, bởi mưa là việc của giời, còn việc sống chung và lãng mạn nó lên để hài hòa là việc của người.
Cũng đang có những lo lắng, sự lo lắng có cơ sở hẳn hoi, ấy là do biến đổi khí hậu, do chính con người tác động, mùa mưa có nhiều xáo trộn. Mưa ít hơn, cả lượng mưa và thời gian mưa.
Không mưa thì lại còn nguy hơn là mưa dầm dề. Rồi lại sẽ nháo nhào lên cho mà xem.
Gia Lai nghe nói vừa có một kế hoạch rất hoành tráng và cụ thể để xúc tiến phát triển du lịch. Chợt nhớ chuyện xứ Huế quê tôi đã có đề án và nghe đâu đã triển khai, ấy là tận dụng chính mưa để làm sản phẩm du lịch mà tôi nhắc ở đầu bài. Thế thì tại sao Gia Lai không nghĩ đến điều ấy nhỉ. Những tour du lịch trong mưa, dưới mưa có vẻ cũng không lấy gì làm ngạc nhiên lắm. Chúng ta hay có tư tưởng “chống” tự nhiên như chống lụt chống bão chống các thứ, trong khi có thể nghĩ sâu hơn một chút, tại sao không dựa vào nhau, không hài hòa trong nhau, không tận dụng nhau để cùng tồn tại trong một tâm thế an nhiên và tự tại, để tôn nhau lên trong một chỉnh thể vuông tròn của đất trời.
Cơn mưa nhỏ sáng nay sau mấy ngày sửng nắng vừa biến Pleiku thành mùa thu xứ Bắc. Và tôi ngồi trong mưa nhớ mưa, nỗi nhớ vừa huy hoàng vừa cổ tích…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét