Thứ Năm, 29 tháng 6, 2017

LẠI NHẶT CHUYỆN XỨ ĐÀI




Năm nay, lại vẫn là con gái, tiếp tục bố trí cho tôi một chuyến sang Đài Loan, bằng đường du lịch, tức là có thời gian hơn, đi nhiều hơn và quan trọng là, tiếp xúc được nhiều hơn, bằng khả năng mồm miệng tay chân của mình, có sự trợ giúp của hướng dẫn viên và con gái.

Đi bằng đường du lịch mới thấy người Đài làm du lịch... tài. Cái gì và chỗ nào cũng có thể thành địa điểm du lịch, thành nơi thu tiền khách du lịch, và thành chỗ để quảng bá đất nước, từ cái hồ con con như cái ao làng hoặc cái núi như cái… mâm xôi ngày giỗ xóm...

Có một cái làng, từng nghèo, rất nghèo là làng Thập phần. Đây là ngôi làng chỉ có 10 nóc nhà, ở sâu trong núi, có đường sắt chạy qua. Ngày xưa vì hẻo lánh nên rất hay bị cướp. Làm được chút gì là lại khuân vào núi giấu. Mỗi khi cướp đến là lại chạy trốn vào núi, chỉ một ít người già và trẻ con ở lại trông làng và... đối phó với cướp bằng cách nói là chả có gì trong làng, mọi người đi làm thuê hết rồi. Đến khi cướp bỏ đi thì người trong làng báo cho người đang trốn trong núi biết bằng cách đốt mấy cái đèn thả lên trời. Người trốn nhìn thấy đèn biết đã an toàn lại lục tục trở về. Chỉ có thế mà họ biến thành đặc sản du lịch. Giờ đấy là một khu phố sầm uất dù vẫn hẻo lánh thế, mang tên phố cổ Thập Phần. Khách du lịch đến chỉ làm mỗi việc: Móc ví, còn lại người dân Thập Phần làm hết: Mang đèn ra, đưa bút lông cho khách ghi nguyện vọng, ước muốn, tâm tư tình cảm vào đấy. Xong rồi khách đưa điện thoại cho chủ, rất chuyên nghiệp họ chụp ảnh cho khách, chụp nhiều hướng, hướng dẫn cho khách tư thế đứng để lột tả và lấy hết chữ trên đèn nữa, rồi họ đưa bật lửa, khách tự đốt đèn, rồi bốn người bốn góc, trịnh trọng thả đèn ấy cho bay lên giời, theo hiệu lệnh của chủ bởi nếu không đều đèn nghiêng sẽ cháy ngay khi chưa kịp bay. Đèn lơ lửng bay lên mang theo ước mơ, khát vọng cháy bỏng của từng người, từng gia đình, từng nhóm người, gửi gắm lên giời. Chỉ có điều, ông giời ở đây là giời... Đài Loan, nói và viết tiếng Đài, suy nghĩ kiểu Đài, khách là người thập phương, rất đông người Việt, viết và cầu bằng tiếng và chữ xứ sở mình, chả biết giời xứ Đài có nghe có thấu hiểu để biết mà phù hộ không?

Nhưng mà đông lắm, tôi thấy nghìn nghịt người thả đèn. Tất nhiên tôi cũng không ngoại lệ. Nếu là người Việt thì có người Việt và người biết tiếng Việt giúp, chứng tỏ rất đông người Việt đã đến đây. Sau khi chúng ta đi cầu hết các chùa chiền miếu mạo danh lam thắng cảnh khắp trong Nam ngoài Bắc giờ đã đổ xô ra nước ngoài cầu tiếp.
Sang các nước, nơi nào có người Việt thường đến họ cũng đều sử dụng người Việt làm nhân viên bán hàng ở đấy. Singapore, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc... đã đành, sang đến Ấn Độ, Nepal cũng có người Việt phục vụ ở nơi mà dân Việt hay ghé. Họ có thể là sinh viên du học làm thêm, nhưng cũng có thể là người Việt được tuyển từ Việt Nam đưa sang. Và, nói thật, cứ nghe người Việt chúng ta ở nước ngoài quảng cáo và khuyên mua đồ lưu niệm, cả đồ quý, đắt tiền... thì bằng... đổ thóc giống ra xay. Mỗi lần ra nước ngoài, tôi đều tự dặn mình: Chỉ đút tay túi quần đi chơi nhé, cương quyết không móc ví nhé, cần mua gì về Việt Nam mua nhé... thế mà rồi lần nào cũng tha tha lôi lôi, về chất đống ở nhà, giá trị sử dụng rất ít, trừ một cái ví được quảng cáo là làm bằng da voi mua ở Malaysia dùng cho đến lúc... mất.

Trở lại cái làng cổ Thập Phần giàu và sang lên nhờ việc kinh doanh thả đèn giời kia. Ở 2 đầu làng có 2 người được trả lương để... gác tàu. Mỗi khi tàu đến thì họ báo động, thế là cả khách và chủ chạy dạt ra, hết tàu lại xúm vào, cứ đứng trên đường ray mà thả vì làng rất bé, mấy dãy nhà lẹo tẹo, thế mà sầm uất, mà giàu sang.

Ở đây có hai người Việt lấy chồng là người dân tộc Thau làm việc, được trả lương 1.200 đô một tháng. Mỗi khách vào thả một đèn hết 350 Đài tệ, tính ra là 160 ngàn tiền Việt.  Thường thì một gia đình thả một đèn, nhưng nhiều nhà máu, chơi đến ba bốn đèn, chắc để giời thấy nhà mình lòng thành hơn. Tôi tỉ mẩn đi loanh quanh xem mọi người viết gì. Đủ thứ ngôn ngữ, ai đến từ nước nào thì viết bằng chữ nước ấy, tất nhiên. Biết mỗi tiếng Việt nên chỉ đọc của mấy gia đình người Việt. Cái hay là đến 80 phần trăm có chữ “quốc thái dân an” đầu tiên, để thấy, dẫu đi chơi, đi du lịch, dân mình vẫn luôn canh cánh vận mệnh Tổ Quốc, ai bảo họ vô trách nhiệm, thờ ơ với tổ quốc là sai. Có anh chàng rất đẹp trai người Hà Nội đi với mẹ vợ và vợ, ghi “cầu cho quốc thái dân an, vợ mang thai trong năm nay”.

Đi mới thấy là, muốn kéo khách du lịch đến đất nước mình, ngoài việc người dân thân thiện (chứ không đặt gánh lên vai rồi bắt trả hàng triệu đồng tiền gánh, hoặc đội nón lên đầu rồi cũng trấn mấy trăm cho cú đội nón ấy, quả dứa, nải chuối, khúc mía... đều chém như chém... gió, hở ra là mất cắp…), ngoài việc có, hoặc tạo ra cho có, các sản phẩm du lịch vừa tự nhiên, thân thiện và sang sạch… vân vân... thì việc lo chỗ đi... tè cho khách là điều hết sức được coi trọng. Trên đường cao tốc, cứ cách một tiếng rưỡi đến 2 tiếng xe chạy là có một trạm dừng. Và xin lỗi phải  ví von, chứ nó sạch như khách sạn bốn đến 5 sao, sáng choang, thơm tho, mát rượi... và... miễn phí hoàn toàn, không phải mua gì hết, không phải ăn uống gì hết mà không có cảm giác xin cho, luôn được nhận những nụ cười như thể mình ghé lại là đem hạnh phúc đến cho họ chứ không phải hạnh phúc cho mình. Xuống nghỉ ngơi xả thải thoải mái rồi lên xe chạy tiếp. Những người phục vụ ở đấy hết sức thân thiện và lịch sự, giúp khách tối đa trong khả năng có thể. Những khu này nếu mới nhìn thì tưởng nó là... rừng, vì nó được trùm kín bởi cây xanh, xanh và mát. Ấy là tôi đang nói Đài Loan, chứ sang Ấn Độ, cũng những chỗ như thế, khi mình xong việc, có người 2 tay đưa cho mình cái khăn. Khăn ấy cũng của khu vệ sinh, thay vì mình tự lấy thì có người đưa cho mình. Chưa kịp cảm động thì người đưa đã... xòe tay xin tiền. Có lẽ vì thế mà dẫu Ấn Độ có những di tích phật giáo nổi tiếng và độc đáo, có sông Hằng kỳ và huyền bí vân vân nhưng du lịch của họ phát triển cũng ngang... Việt Nam.

Vào làng văn hóa Cửu tộc tôi cũng gặp 4 cô gái Việt Nam lấy chồng và sinh sống ở đây. Thùy Trang là một cô gái quê Tây Ninh, đã có 2 con, chồng người Thau. Hỏi người Thau thế nào, Trang nói: Người Thau rất đẹp, cả trai và gái. Chồng cô rất đẹp, là Trang khoe thế, làm thợ xây dựng, lấy nhau hơn chục năm, anh đã về quê cô một lần. Giờ 2 đứa con một đứa đi học lớp 11 ở Đài Trung, mỗi năm hết 2000 đô Mỹ. Hỏi người Thau có... sợ vợ không, có bị vợ bắt nạt không, Trang cười, bảo hồi đầu nói chuyện với nhau toàn... bằng tay, giờ thì nói được rồi, cô còn giúp các cô gái mới lấy chồng sang đây hòa nhập nữa. Khi xe chở khách du lịch Việt Nam vào thì toàn bộ 4 cô gái Việt được huy động tiếp khách, giới thiệu, múa và... mời mua hàng. Khách nước khác thì các cô lại thành người... Đài Loan, cũng giới thiệu, tiếp khách, mời nước, múa và... nói tiếng Đài. Cô MC của làng du lịch này người quận 9 Thành phố Hồ Chí Minh biết thêm cả tiếng Anh và nhanh nhẹn hơn nên có vẻ được cử làm nhóm trưởng. Nói chung là sống khỏe, sống tốt, trừ nỗi nhớ nhà.

Người Đài cũng rất tài trong việc khuyến khích người dân mua hàng lấy hóa đơn, ấy là họ tổ chức sổ số hóa đơn. Hàng tháng, vào ngày ấn định, họ sổ số, ai trúng thì nhận thưởng. Nghe nói giải thưởng cũng rất giá trị. Ngoài ý thức tự giác từ trong máu của người dân trong việc luôn lấy hóa đơn khi mua hàng, thì việc sổ số là cách khuyến khích thêm. Tôi để ý người Việt trong đoàn du lịch của tôi (đa phần là nhân viên ngân hàng) đều lấy hóa đơn. Khi ra sân bay, trước khi rời Đài Loan, họ thả tất cả những tờ hóa đơn ấy vào thùng từ thiện. Thùng từ thiện ở ta toàn thấy tiền lẻ 2, 5 đến 10 ngàn. Ở sân bay Đài Loan, không thấy tiền, chỉ thấy toàn hóa đơn. Nếu có một trong những tờ hóa đơn trong ấy trúng thưởng sổ số, tiền ấy sẽ được chuyển vào quỹ từ thiện.

Cũng như thế họ tạo cho người dân thói quen không dùng tiền mặt bằng cách rất nhẹ nhàng và hiện đại: Ở tất cả các cửa hàng tiện lợi, có rất nhiều trên đường, ngoài chuyện bán hàng, còn có chức năng chuyển tiền thanh toán tất cả các loại, từ mua cái bàn chải đến cả căn nhà, cái ô tô. Nhanh nhẹn và đơn giản. Định so sánh với bên... ta nhưng kịp dừng lại, không lại bị cho là đi về toàn khen người ta, phủ nhận trong nước thì thành người có lỗi mất. Nhưng quả là, nếu hệ thống xử lý tiền mặt của ta tiện lợi, đơn giản, thì hồi tết tôi đã chả mất đến hơn hai chục triệu khi bị đập kính xe lấy mất cái ví, chính là cái ví da voi mua ở Mã Lai tôi nhắc ở trên. Nhuận bút tết com cóp dồn vào đấy, căng phồng, hy vọng cho nó ra tấm ra món rồi làm cái gì đấy cho ra món ra tấm, cuối cùng thì ông trộm nào đấy có một cái tết sung sướng trong sự sững sờ xót buốt của tôi. Và, cũng để ý mà xem, ví đàn ông Việt thường rất dày, nó kềnh kệnh lệch một bên mông, cơ khổ, giá mà việc thanh toán qua thẻ thuận lợi thân thiện thì chả phải mang vác vất vả thế, chả phải nơm nớp lo mất thế… Và cũng nghe nói, người Đài, chỉ cần một cái thẻ là họ có thể xử lý được mọi việc, ở ta, mỗi anh một thẻ, đủ, từ Chứng minh nhân dân, bằng lái, bảo hiểm y tế, thẻ hội viên các loại, thẻ ATM (vài ba cái)… cơ khổ cho cái ví…


Thùy Trang

Thùng từ thiện ở sân bay Đài Loan




Một chỗ tè trên đường cao tốc


2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đảng cấp chỉ là hành vi ca ca nhể (Y)
Đặng Quang

Nặc danh nói...

Bác VCH xem này bên vunglep.blogspot.com
BỖNG DƯNG MUỐN THẤU CẢM HAI CHỮ “CHOÃI TRẦN”

Friday, June 30, 2017
Là bởi vì sáng ra lướt facebook, lão nhà thơ Văn Công Hùng đăng lại bài Nhìn Ra Cửa Sổ mà lão ấy đã viết từ dịp Trung Thu 2003. Đọc xong bài thơ, Tây cứ lấn cấn ở hai từ Choãi Trần trong câu “Choãi trần ngậm mưa ngút đầu môi”. Công việc của Tây phải đi bộ nhiều nên đôi khi trong đầu hay ngẫm ngợi. Cả sáng nay cứ nghĩ về cái sự choãi trần ấy. Chợt nhận ra, bài thơ đó mà không có “choãi trần” thì hỏng.

Lão ấy viết trong lúc ngắm trăng thu qua cửa sổ. Úi giời, cảm giác nằm choãi vươn tay ra, chống cằm lên bắp tay và thả cho tâm hồn mình “trần truồng” quyện vào thiên nhiên đất trời bên cửa sổ mùa thu. Oa cha ôi, ai cũng thích làm nhà thơ là bỏi vì ưng cái cảm giác phiêu diêu ấy. Tây không giải mạo chứng cứ nhé he he, thì đây mở đầu bài thơ lão ấy viết rằng “bay cùng ý nghĩ vẫn vơ/ Sợi khói ngoằn ngoèo vương trên chum hoa sữa” nhé, Rõ là nhà thơ đang thả hồn đi hoang còn gì. Có điều lão ấy điêu, hình như lão ấy không hút thuốc lá. Cơ mà cứ phải có thêm tí khói thuốc cho nó gợi cảm giác đơn độc. Ăn điểm thương cảm của người đọc ngay. He he. Và lão đã ‘ném nỗi buồn vào đêm” rồi thì rõ ràng là tâm hồn trần như nhộng rồi còn gì nữa.