Tôi
năm nay gần 60 tuổi, gần một vòng hoa giáp, tính ra trên đời cũng đã chừng 8 lần
đi bỏ phiếu bầu quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, nhưng quả thực, chưa lần
nào thấy cái sự chuẩn bị bỏ phiếu nó thú vị, hấp dẫn và rộn ràng như lần này.
Thì
về cơ bản cũng như mọi lần, là giới thiệu, đề cử ứng cử, hiệp thương, rồi chốt
danh sách cuối cùng, rồi bầu (Tất cả phải qua 5 bước với 3 lần hiệp thương)...
Nhưng năm nay như là có một luồng gió khác, từ lúc mới bắt đầu ứng cử đề cử, hiệp
thương...
Ấy
là việc có rất nhiều người tự ứng cử, theo thông báo đến này cuối cùng là hơn
100 người tự ứng cử vào đại biểu quốc hội.
Lâu
nay chúng ta luôn nói về dân chủ, luôn viện dẫn dân chủ như một ưu việt của chế
độ, nhưng quả thật, cái sự dân chủ ấy nó đã dân chủ chưa, đã biểu đạt hết ý
nghĩa của từ ấy chưa... thì cũng chưa ai dám xác quyết một cách tỏ tường. Tôi
đã từng nhiều lần đi họp cử tri tiếp xúc với các đại biểu, và thấy, đa phần
là... ngồi im, là đi cho có. Cử tri nhiều khi không biết mặt đại biểu, không đọc
lý lịch đại biểu, cứ thế nhắm mắt bầu. Còn cái gọi là đề cử ứng cử, thì quả là
cũng còn nhiều điều để nói. Rất nhiều người được bầu làm người thay mặt cho dân
vào các cơ quan quyền lực từ huyện, tỉnh, tới trung ương (quốc hội) nhưng cả
nhiệm kỳ hầu như chả thấy các vị ấy nói gì, phát biểu gì. Một số vị phát biểu
thì lại là làm cái việc... đọc bài của người khác chứ không phải phát biểu ý của
mình. Chưa kể một số vị bị truất quyền ngay giữa nhiệm kỳ vì khá nhiều lý do.
Có những vị là đại biểu quốc hội hẳn hoi nhưng lại hành xử như người... không
bình thường, lên trang cá nhân công kích đại biểu khác, viết thư cho... Tổng thống
I Rắc xin ứng cử chức bộ trưởng Giáo dục nước ấy, vân vân. Tức là việc đề cử ứng
cử của chúng ta tưởng rất chặt chẽ nhưng đôi lúc lại rất lỏng lẻo, đến nỗi có cử
tri, mà là cử tri “lớn” đề xuất phải khám sức khỏe tâm thần cho các ứng viên đại
biểu quốc hội. Đòi hỏi sự hài hòa khắng khít giữa cơ cấu và chất lượng luôn là
vấn đề rất khó, và đấy là nguyên nhân lòi ra các vị đại biểu như kể trên...
Vậy
nên, kỳ này, ngay từ đầu, Ủy ban thường vụ quốc hội rồi hội đồng bầu cử quốc
gia đã rất chú trọng về chất lượng đại biểu, cũng như nhấn mạnh sự hài hòa giữa
chất lượng và cơ cấu, đặc biệt chú trọng đến chất lượng đại biểu. Rồi giảm đại
biểu ở các cơ quan hành pháp, tăng đại biểu là người ngoài Đảng, và đặc biệt là
khuyến khích người tự ứng cử.
Kết
quả là ở cả nước có hơn một trăm người tự ứng cử.
Cần
biết thêm,Quốc hội
khóa XII chỉ có 1 người tự ứng cử lọt vào danh sách bầu cử và trúng cử, đến Quốc
Hội khóa XIII có 15 người, trong đó có 4 người trúng cử…
Khi đã
có sự cạnh tranh, có sự ý thức được công việc mình làm chứ không phải được cử để
làm thế nào thì làm thì rõ ràng cái ý thức phục vụ, ý thức làm việc... nó phải
khác. Ngay những người đi bầu, họ cũng sẽ có cách ứng xử khác với lá phiếu, với
trách nhiệm cử tri, chứ không như lâu nay, bầu ai cũng được, ai làm cũng thế...
Không
phải ai được đề cử, giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử cũng được mọi người biết hết,
thậm chí nói thật, có nhiều cái tên năm nay còn khá xa lạ và... buồn cười.
Nhưng rõ ràng xem danh sách những người tự ứng cử năm nay, ta thấy có khá nhiều
cái tên được quần chúng tin tưởng, yêu mến, cả ở tài năng và đức độ. Bởi, đại
biểu quốc hội hoặc hội đồng nhân dân, trước hết phải là người đại diện cho nhân
dân ở khu vực anh ứng cử, anh phải thay mặt dân đề đạt những vấn đề mà cử tri ở
đấy quan tâm, kiến nghị. Anh phải đủ khả năng để nhận biết đúng sai, để hiểu rộng
nhiều lĩnh vực, vấn đề và sâu một hoặc hai lĩnh vực. Anh cũng phải nhiệt tình,
công tâm, tận tụy với dân, với xã hội, điều mà công bộc hiện nay hay bị kêu ca.
Và có một kiến thức khả dĩ để hiểu luật, làm luật, hướng luật Việt Nam phù hợp
với luật quốc tế, với xu hướng phát triển của xã hội chứ không phải như đại biểu
nào đó phát biểu, chưa cần luật biểu tình vì dân trí thấp!
Các
khóa trước cũng đã có một số người tự ứng cử, và cũng có vài người đã trúng cử,
họ đã phát huy vai trò trên diễn đàn Quốc hội và cả trong những hành xử hàng
ngày, được dân rất tin tưởng, yêu mến.
Đi
bầu lần này cũng khác. Chúng ta đã quá quen với kiểu một người đi bầu thay cho
cả nhà, thậm chí cầm cả xấp phiếu bầu cho cả xóm. Cũng quá quen với kiểu nhờ...
gạch hộ, và các vị gạch hộ ấy lại gạch theo ý của... chính họ. Năm nay theo kế
hoạch thì mỗi người chỉ được bỏ một phiếu, tức là chỉ được bỏ cho chính mình.
Quả là dân ta lâu nay rất coi nhẹ quyền lợi của mình. Rồi đến lúc kết quả không
như ý lại kêu rêu mà không thấy là, chính sự tắc trách của mình mới góp phần dẫn
đến hệ quả ấy.
Càng
ngày vai trò của đại biểu quốc hội càng lớn, càng ít những ông nghị chỉ biết bấm
và gật, mà đã có nhiều ông nghị tranh luận, có những lập luận xác đáng làm nóng
nghị trường, kéo cử tri phải ngồi trước màn hình ti vi mỗi khi truyền hình trực
tiếp. Nhiều kiến nghị, nhiều luật, nhiều vấn đề cụ thể đi vào đời sống, vào
lòng dân, được nhân dân tiếp nhận một cách nồng nhiệt và trân trọng. Nó là kết
quả của cả một quá trình không mệt mỏi đổi mới, không mệt mỏi với ý thức phục vụ
nhân dân, phục vụ Tổ quốc và dân tộc. Và với chiều hướng ấy, chúng ta có quyền
tin, cuộc bầu cử quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp kỳ này sẽ thành công, sẽ
chọn ra được những đại biểu ưu tú, đại diện được cho dân, hết mình vì dân, đủ cả
đức và tài để có thể đảm đương nhiệm vụ...
(Bài in báo nên chỉ viết được đến thế, he he...).
6 nhận xét:
Đọc xong bài thấy ông Hùng là một người đáng mến,đáng yêu vì trong ông có một tố chất rất đáng quý đó là:sự cả tin
Đọc xong bài này ,không biết bạn Hùng muốn nói gì.Thế bạn Hùng có tin không?
Công việc Bầu cử ngày càng được thực hiện dân chủ, chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, mỗi người dân cần phát huy cao nhất quyền dân chủ của mình để chọn ra người đại diện xứng đáng.
Nhà em mà hiểu là chết liền
Tôi vẫn thường đọc blog của Bác nhưng Bác ít viết về vấn đề nhạy cảm. Bác viết 1 bài về việc Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn, Ông Trần Quang A ... trượt đi
@ Nặc danh: Mời bạn sang fb của tôi ạ, tôi cập nhật hàng ngày. Nó ở đây ạ: https://www.facebook.com/van.conghung.9
Đăng nhận xét