Tin
tổng hợp sau tết Bính Thân vừa qua cho biết, số người chết vì... oánh nhau
trong tết tăng vọt so với các năm trước. Tôi đọc tin ấy mà thấy buồn và kinh
hãi.
Từ
bao giờ và do đâu mà tâm tính người Việt chúng ta thay đổi đến mức ấy? Bây giờ
đi ngoài đường hơi động tí là người ta có thể thượng cẳng tay cẳng chân với
nhau, có những lý do rất là lãng xẹt như... nhìn nhau, như ai cho mày cười, ai
cho mày nheo mắt, ai cho mày nhuộm tóc, ai cho mày khuôn mặt nhìn thấy ghét...
Mới
nhất, chỉ liếc trên một tờ báo ngay lúc tôi ngồi viết đây, đã thấy một cậu bé học
sinh lớp 9 bị đâm chết trước cổng trường. Một đứa con dùng ổ khóa đánh mẹ gần
chết, mấy người đi nhậu cãi nhau rồi đâm nhau, một người chết. Trước đó thì một
giám đốc ở Nha Trang chỉ vì bóp còi xin đường mấy chiếc xe máy dàn hàng ngang
trước mặt mà bị chúng quây lại đâm chết, vân vân... thấy mạng người mỏng manh
hơn chiếc lá.
Có cảm giác
như ở nước ta giờ là một bãi chiến trường, trai làng đánh nhau, đám cưới đánh
nhau, lễ hội đánh nhau, trên phố đánh nhau, anh em đánh nhau, bố con đánh nhau,
cấp trên cấp dưới đánh nhau... Có lần ra Bắc, tôi định về một vùng quê chơi,
thăm mấy người bạn, bạn hẹn rất kỹ, đi như thế như thế, nhìn như thế như thế, kẻo
lại bị trai làng gây sự!? Nghe xong tôi... tụt hứng, hủy chuyến đi, bởi mình đi
chơi chứ có phải... ra trận đâu mà khổ thế? Mà quả thật, ngay sau đấy mấy ông
luật sư về Chương Mỹ, chỉ vì ô tô văng bụi mà no đòn...
Nhưng tại sao
lại đến nông nỗi ấy. Tôi có ngồi nói chuyện với một sĩ quan công an, trưởng một
phường, anh bảo con người kỳ lạ lắm, chỉ một tích tắc nào đấy không làm chủ được
là thành tội phạm. Thì đành là thế, có thể là tại tâm lý không ổn định, dễ bị
kích động, đang hiền lành biến thành kẻ ác, gây án xong ngồi khóc tu tu. Có,
nhưng không phải nhiều, bởi nếu con người mà cứ “thoắt ẩn thoắt hiện” thế thì
còn gì con người, và có phải thời nào cũng thế đâu. Nó phải có nguyên nhân sâu
xa từ đâu chứ?
Có vẻ như
chúng ta đang dung túng cho cái ác, một cách tự nhiên thôi, chứ chắc chả ai ban
đầu có mục đích như thế, nhưng cái cách tự nhiên của chúng ta nó gieo mầm ác,
ví dụ như việc thả nổi các lễ hội. Lễ hội là của dân, chúng ta, nhà nước ấy,
xông vào nắm, rồi lại để nó tóe loe ra. Đến như cái lễ hội đền Trần, linh thiêng
và ý nghĩa thế, nhưng chúng ta biến nó thành một cuộc tranh cướp sự may rủi, có
bảo kê của nhà nước. Rồi cướp phết, rồi vay tiền, rồi đủ thứ từ linh thiêng tới
mờ mịt, chính chúng ta nhiều lúc làm cho rối tinh lên. Mầm ác gieo ra từ đấy chứ
đâu. Đi chùa, đi lễ hội là để tâm thanh thản, người thư thái, nhưng giờ đi là
như... vào trận. Không bị lừa đảo thì cũng phải chen lấn, không cướp cái này
cho mình thì cũng phải cố thành tâm hơn người bên cạnh bằng mâm cỗ to hơn, nhiều
tiền hơn... thế thì làm sao mà tâm an người thư thái được...
Một chuyện nữa
là làm gương. Có vẻ như cái việc làm gương, một việc rất đơn giản và nghiêm ngắn
có từ xưa, trong từng nếp nhà, giờ nó đang rất xộc xệch. Bố mẹ không làm gương
cho con cái, anh không làm gương cho em, người già không làm gương cho người trẻ,
trên không gương với dưới, cán bộ không làm gương cho nhân dân... thế là quân hồi
vô phèng lên, là ai cũng chỉ nhăm nhắm lo cho mình, thấy mình thua thiệt là ấm ức,
là nổi khùng, từ cái chỗ xếp hàng, cho đến nửa bánh xe trên đường, thậm chí cái
chỗ ngồi trong quán phở...
Bệnh hình thức
cũng là một nguyên nhân. Bởi từ hình thức tới giả dối nó rất gần. Chúng ta chứng
kiến căn bệnh hình thức phổ biến ở nước ta đến mức giờ ai không hình thức bị
coi là lập dị. Từ chuyện hồi sập cầu Cần Thơ, hàng trăm nạn nhân đang nằm thoi
thóp chờ máy thở, thế mà khi bộ Y tế chuyển một cái máy thở vào cũng phải làm một
cái... lễ tiếp nhận, có băng rôn khẩu hiệu hẳn hoi rồi mới vận hành cấp cứu,
cho tới khởi công một căn nhà tình nghĩa có 35 triệu cũng dàn hàng ngang cắt
băng chụp ảnh rồi cầm mấy cái xẻng quấn giấy xanh đỏ gẩy gẩy tượng trưng... Từ
chuyện mua cành đào cành mai về phải quấn thêm điện xanh đỏ lập lòe cho nó vui
đến khắp phố phường chỗ nào cũng loằng ngoằng điện rối mắt và rất... đồng quê.
Bệnh hình thức nó khiến con người sống không thật với mình, cứ bồng bềnh trong ảo
giác, thế rồi từ ảo giác trở lại đời thực trong hoàn cảnh nào đó là... khùng
lên.
Lại nhớ năm
nào đó, đến ngay xe của Bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
(giờ là Ủy viên Bộ chính trị, phó Thủ tướng chính phủ), bị một xe của viên công
an húc phải. Thay vì xin lỗi, viên này lôi lái xe của ông Phúc ra... tẩn. Ông
Phúc nói sẽ gọi cho ông Nhanh (khi ấy là giám đốc công an thành phố Hà Nội),
viên công an này thách luôn: Nhanh chứ cực nhanh thì cũng thế, làm gì nhau.
Nghe nói viên công an này là sĩ quan cấp tá, và sau đấy được điều chuyển công
tác! Thế thì cái chuyện bạo lực học đường
đang diễn ra tràn lan hiện nay thiết tưởng cũng là điều dễ cắt nghĩa. Viên công
an chắc chắn là phải có con đang tuổi đi học. Bố ứng xử như thế thì làm sao bắt
con phải ngoan hiền được.
Nhà tôi ở ngay
trước một trường mẫu giáo, và hàng buổi trưa hoặc chiều, tôi thường phải nhặt rất
nhiều vỏ hộp sữa, và một số thứ khác, mà phụ huynh chở con đến lớp rồi tiện tay
quăng ra. Nên tôi đã rất cảm động khi chứng kiến một người đàn ông đeo một cái
biển xin lỗi cảnh sát giao thông vì đã vượt đèn đỏ. Việc làm này là theo yêu cầu
của đứa con trai, đang bị bệnh nan y, và khi chở con đi chữa bệnh, anh đã hay
vượt đèn đỏ. Từ đây lại nảy ra vấn đề khác, là chúng ta vượt hay không vượt đèn
đỏ không phải vì tuân thủ luật, mà vì... cảnh sát giao thông. Có thì ta không
vượt, còn không thì ta vô tư, tức là ý thức tự giác của chúng ta rất yếu. Vậy
nên khi cháu bé yêu cầu bố phải xin lỗi thì ông bố đã xin lỗi... cảnh sát giao
thông chứ không xin lỗi luật hoặc những người đi đường khác, những người mà khi
vượt đèn đỏ anh đã có thể gây nguy hiểm cho họ. Nhưng dù sao việc làm của anh
cũng khiến nhiều người nhìn lại mình.
Bây giờ dân rất
ít tin cán bộ. Phải thẳng thắn nói thẳng với nhau như thế. Có thể là cái dớp ấy
nó từ ngày xưa, nhưng làm sao để lấy lại lòng tin của dân lại là vấn đề nan giải.
Bởi có những việc cứ lặp lại lặp đi, nên từ sai trái nó trở thành... bình thường.
Như việc lái xe trên đường gặp cảnh sát giao thông, “trình giấy” rồi chạy tiếp
dù trên xe chở dư người hay xe vi phạm tốc độ cũng kệ. Như việc dân rất khó gặp
cán bộ, gặp được thì bị hành ra bã. Như việc các cơ quan có trách nhiệm thông
báo... không có tham nhũng, việc cấm tặng quà ngày tết vân vân... Ai cũng biết
cũng thấy, nhưng ai cũng lại thấy như thế là... bình thường. Cái bất bình thường
trở thành bình thường chỉ xảy ra khi có chiến tranh, giờ chúng ta đã hòa bình mấy
chục năm rồi mà vẫn thế thì quả là... nguy quá... Hôm qua lại thấy một tờ báo
đăng ảnh những người đeo thẻ (là khách mời) trong một lễ hội dùng tiền quệt vào
tượng (việc mà ban tổ chức đang khuyến cáo trên loa là người dân không nên/
không được làm) khi những người này được mời khai trương một lễ hội. Tức là bây
giờ, người ta, cả quan và dân, chỉ nghĩ đến mình, được việc cho mình, còn thì kệ.
Thế thì làm sao mà có một xã hội ổn định, làm sao mà thanh bình, hiền hòa, con
người tôn trọng nhau được. Bởi khi chỉ nghĩ đến mình, chỉ vì mình, thì con người
sẽ tham lam vô độ, ích kỷ vô độ, bất chấp tất cả, kiểu như người ta hay kể, những
ông quan có quyền, khi ký cái gì, cứ ngắt 10 phần trăm cái đã, kệ các ông làm
thế nào thì làm, tôi không biết. Ngắt thì ngắt, người thực hiện có trăm phương
nghìn kế để thỏa mãn, kể cả việc đổ bê tông cốt... tre mà nhiều lần chúng ta đã
chứng kiến. Vậy nên tỉnh nọ có ông quan đầu tỉnh, nghe nói khi về hưu chả dám
ra khỏi nhà!!!
Cái phanh để
níu con người ở lại bến bờ của sự lương thiện là văn hóa cũng đang bị thả nổi,
dù chúng ta luôn hô hào các kiểu để phát triển và bảo tồn rồi nâng cao văn hóa.
Sự hiểu về văn hóa lệch lạc khiến văn hóa giờ nhiều lúc cũng như cái... chợ trời.
Hình như chúng ta toàn hướng tới những cái cao siêu, cái vĩ mô, như bánh chưng
kỷ lục, chai rượu kỷ lục, nón lá kỷ lục, đền chùa kỷ lục, đến tượng cũng kỷ lục...
mà quên mất những điều cỏn con từ trong góc nhà xó bếp. Từ bé tí trẻ con đã được
giáo dục bằng mọi giá phải giỏi, phải hơn đứa ngồi cạnh, hơn con hàng xóm, dạy
học tập những tấm gương tiên liệt, yêu quý những thứ xa vời, trong khi ông bà bố
mẹ thì lại trở thành Ô Sin của con, của cháu, hầu hạ nâng niu chúng như báu vật,
chỉ mục đích chúng phải... hơn con hàng xóm, chúng phải có điểm cao... dù ai
cũng biết điểm số của ngành giáo dục chúng ta hiện tại chả nói lên điều gì. Học
xong đại học thất nghiệp tràn lan, kiếm được việc là phải đào tạo lại...
Thực ra tôi chỉ
muốn vân vi để cố thử lý giải một điều là tại sao người Việt ta có vẻ ngày càng
ác, ngày càng manh động hơn nhân cái tết Bính Thân vừa rồi rất nhiều người phải
lên bàn thờ ngồi vì đánh nhau. Nhưng
hình như càng thử lý giải thì lại càng sa vào rối rắm. Thôi thì bày lên đây
mong được bạn đọc chia sẻ, chỉ với mong muốn, làm sao để ra đường, lúc nào cũng
là niềm vui. Vui như dân TP HCM hôm nay đang vui vì bí thư thành ủy Đinh La
Thăng yêu cầu “Trong vòng 3 tháng tới,
Công an TP phải nỗ lực hơn nữa để tình hình tội phạm phải được kéo giảm một
cách rõ rệt”...
2 nhận xét:
Đúng như lời bác Lê Kiến Thành là "Chúng ta đã thất bại trong việc xây dựng con người mới chủ nghĩa xã hội". Thời của các bác, các chú,lớp cha anh đi trước thì "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta" nhưng bây giờ khác rồi nhà văn Văn Công Hùng ạ! Theo em, nếu nhân dân không có quyền được hỏi "Tổ quốc đã làm gì được cho ta" thì ..... đảm bảo nghìn năm nữa vẫn vậy. Vì câu hỏi này nói lên trách nhiệm của chính quyền, trách nhiệm quản lý của các cơ quan Nhà nước và hơn hết là trách nhiệm "điều hòa các mối quan hệ lợi ích" của cái ông được gọi là "Tổ quốc". "Tổ quốc" mà chỉ biết thu thuế của dân, rồi chi tiêu gì, làm gì không bàn với dân, không hỏi nhân dân? "Tổ quố" là cái gì mà ông nhân dân cặm lưng đóng thuế đến khi ra ngoài đường gặp công an thì sợ như sợ giặc. Đến khi có giặc, cướp, trộm đến nhà thật thì cái ông công an đến lập một cái biên bản coi như hết trách nhiệm. Tổ quốc gì mà ngư dân gặp nạn ngoài biển thì chỉ biết hô to "Cực lực phản đối". Tổ quốc là gì mà nhân dân gặp nắng hạn, mất mùa,gặp thiên tai thì chỉ biết ..... rút kinh nghiệm. Tổ quốc gì đến độ cứ gặp chính quyền là phải có phong bì. Tổ quốc là gì mà ..... lương cán bộ công nhân viên không sống được toàn phải ...... chui. Tổ quốc là gì mà chỗ nào cũng có tệ nạn, có tham nhũng. Tổ quốc là gì mà bao nhiêu năm vẫn còn là trẻ con.
Chú Hùng ơi, chú hùng
Chú đểu thế là cùng
Biết tỏng rồi, cứ hỏi
Gây oán thù lung tung!
Đăng nhận xét