Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2016

MỘT ĐOẠN ĐƯỜNG 70 NĂM TRƯỚC ĐẠI TƯỚNG TỪNG ĐI...




          Dù đọc nhiều và ngày xưa học môn sử cũng không đến nỗi toàn điểm không, nhưng tôi đã giật mình khi biết được thông tin, năm 1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi ấy chưa phải đại tướng, mà là bộ trưởng bộ Nội vụ, với tư cách phái viên của chính phủ, theo lệnh cụ Hồ, từ Hà Nội xuôi theo quốc lộ I vào Nam. Nhưng chỉ đến Khánh Hòa, lúc ấy đang là chiến tuyến rất ác liệt giữa 2 phe thì ông lại nhận lệnh của Bác Hồ, quay trở ra. Và trên đường quay ra, ông đã không đi theo đường I như lúc vào, mà từ Quy Nhơn rẽ theo đường 19, lên An Khê, Pleiku rồi Kon Tum sau đấy tiếp tục ra Bắc.

          Tôi cứ hình dung, hồi ấy, cụ đi như thế nào nhỉ? Phương tiện, số người, thời gian... bởi thôi thì đường I chả nói làm gì, dù nó đã rất gian nan vất vả rồi, nhưng từ Cầu Bà Gi rẽ lên thì vô cùng khó khăn hiểm trở, mà còn chiến tranh đì đùng thế, đường vừa vắng vừa xa, dân cư thưa thớt, đồng hành càng ít...

          Và các anh chị con của cụ cũng thế, cũng không hình dung nổi ngày xưa ba mình đã đi như thế nào?...

          Vì thế, những ngày giáp tết này, 2 con gái và một con rể của đại tướng cùng mấy người bạn cựu chiến binh đã tổ chức một chuyến đi lại con đường mà năm 1946 đại tướng đã đi, ghé lại đúng những nơi mà 70 năm trước Đại tướng từng ghé, dù cho, có nhiều địa điểm không còn, nhiều nơi đã thay đổi đến kinh khủng nếu không nói là hoàn toàn, nhiều người đã không còn nhớ/ không biết đến sự kiện này nữa...

          Tôi quen anh Nguyễn Hữu Thành, chồng chị Võ Hòa Bình, và được anh “bật mí” chuyến đi này, chuyến đi theo anh là sẽ rất lặng lẽ, không thông báo rộng, chỉ trong nhà biết với nhau, vì thế anh cũng yêu cầu tôi không “la toáng” lên ở đâu, nhất là facebook. Đồng thời anh nhờ tôi xác minh 2 nơi ở Gia Lai và Kon Tum mà đại tướng đã ghé hồi ấy, đại tướng có kể lại trong cuốn cuốn hồi ký "Những năm tháng không thể nào quên” của ông, là ở Pleiku “Qua Mang Yang lên Pleiku, phái viên Chính phủ nói chuyện với đồng bào và bộ đội tại đâu (Tại trụ sở Việt Minh là nơi nào bây giờ?). Ở Kon Tum: Phái viên Chính Phủ gặp đồng bào ở Tòa Sứ thị xã Kon Tum, cạnh con suối, là chỗ nào bây giờ?”...


          Tương kế tựu kế, tôi viết một status trên facebook vẽ ra một câu chuyện là tôi đang định viết một bài báo về chuyến đi ấy của Đại tướng, ai ở Pleiku và Kon Tum biết được 2 nơi cụ thể mà đại tướng đã dừng chân nói chuyện với cán bộ chiến sĩ 2 tỉnh ấy thì thông báo giúp.

          Tag vào một số người có trách nhiệm và cả nghiệp vụ, hy vọng họ biết, té ra họ lại... không biết gì.

          Ngay cụ Ngô Thành, nhiều năm là phó bí thư thường trực tỉnh ủy Gia Lai, năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, hàng chiều vẫn đi bộ ở quảng trường, ti vi phỏng vấn nói cấm vấp, các cuộc họp được mời đều phát biểu rất tròn vành rõ nghĩa..., người được mệnh danh là cây sử sống của Gia Lai bởi suốt mấy chục năm hoạt động cụ chỉ bám trụ ở Gia Lai này, mà khi tôi hỏi về sự kiện này, cụ cũng... không biết. Cụ chỉ tôi sang gặp cụ Ksor Ní, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, hoạt động cách mạng ở Gia Lai từ trước năm 1945, là thân sinh của ông Ksor Phước, chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, may ra cụ biết. Nhưng đáng tiếc, cụ đang bị bệnh, không thể nhớ gì được.

          Nhưng may lại có mấy bạn đọc rất trẻ ở xa cung cấp ngay vài tư liệu liên quan sưu tầm trên internet, cộng với những gì mình biết, thế là tôi khẳng định được 2 nơi ấy.

          Một ở Pleiku là Biệt điện của vua Bảo Đại. Đấy là ngôi biệt điện bằng gỗ rất đẹp. Phải nói các vua ngày xưa rất tài, tài từ việc xây dựng cho mình những ngôi biệt điện để nghỉ ngơi. Nó đẹp một cách hoàn hảo, dù nội thất không thể hiện đại như bây giờ nhưng về kiến trúc thì tuyệt vời. Tài đến chọn nơi để xây dựng. Đấy toàn là những nơi đắc địa. Tôi đã có dịp được đến tất cả các ngôi biệt điện của vua Bảo Đại ở Pleiku, Buôn Ma Thuột và Đà Lạt. Giờ nó vẫn là những công trình đẹp và sang trọng, là điểm nhấn về kiến trúc của thành phố ấy...

          Thời tôi lên Pleiku thì ông Núp, anh hùng Tây Nguyên bắn Pháp chảy máu đang được phân ở ngôi biệt điện này. Sau thì nó được chuyển sang cho ngân hàng chính sách xã hội làm trụ sở, và hiện nay thì ngôi nhà ấy đang là phòng họp trực tuyến của UBND tỉnh Gia Lai. Tất nhiên là, nó đã được bê tông hóa, và may mắn, kiểu dáng kiến trúc vẫn được giữ như xưa.

          Địa điểm thứ hai ở Kon Tum là tòa công sứ của Pháp cũ. Chỗ này tôi biết, cũng rất đẹp, duy chỉ có một điều băn khoăn, là trong sách của mình, đại tướng viết, bên cạnh có con suối, nhưng hình dung mãi, không biết con suối ấy ở chỗ nào. Tôi nói với chị Võ Hạnh Phúc, có thể ngày xưa có suối, nhưng giờ nó thành đường, nhưng em tin chắc nó là cái tòa công sứ ấy, sau là trụ sở UBND thị xã Kon Tum, một thời Ủy ban tỉnh cũng đóng ở đấy. Nhờ vài người bạn ở Kon Tum xác minh, họ bảo UBND tỉnh không phải ở chỗ ấy, có thể tôi đã nhầm. Tôi bảo ngôi nhà xây kiểu Pháp, có rất nhiều thông. Họ bảo không phải. Nhưng khi lên đến nơi, kết quả là tôi đúng và họ cũng... đúng. Ngôi nhà ấy UBND tỉnh đã từng dùng làm trụ sở (thời tôi biết), nhưng sau lại xây một trụ sở mới ở bên kia đường giao lại ngôi nhà ấy cho tỉnh ủy Kon Tum. Và điều tuyệt vời nữa, khi lên đến nơi, tôi phát hiện ra là có con suối thật, nhưng sau nó đã thành hồ, có hẳn một cái nhà hàng thủy tạ ở đấy, giờ người ta trồng rất nhiều rau răm ở nơi từng là suối, từng là hồ,từng có... nước.

          Là sau khi trao đổi qua mail, thì nhân tôi ra Hà Nội dự đại hội liên hiệp VHNT Việt Nam, anh Nguyễn Hữu Thành và chị Võ Hạnh Phúc hẹn... uống bia ở nhà hàng Pacific phố Đội Cấn để bàn về chuyến đi. Đây là lần đầu tiên tôi gặp chị.

          Còn anh Nguyễn Hữu Thành thì tôi đã vài lần được... cụng ly, trong những lần anh cùng bạn bè cựu chiến binh của mình “phượt” quay lại chiến trường xưa. Các anh ấy đọc tôi, biết và thích, thế là qua Pleiku, gọi điện thoại rồi offline. Đấy là người đàn ông rất... đàn ông, cao to, đẹp trai, vui tính nhưng... lặng lẽ. Là bởi mấy lần tôi rất muốn khoe với bạn bè tôi rằng ông ấy là con rể đại tướng, nhưng ông đều suỵt, nói tôi đừng giới thiệu, cứ coi ông như mọi người, giới thiệu tên kèm danh vị Cựu chiến binh là được.

Con i10 thần thánh của mình cũng tham gia vào chuyến đi và luôn luôn dẫn đường cho mấy anh Fortuner chạy theo, hehe... Trong ảnh nó đứng thứ 2 từ phải sang...


          Cả chị Võ Hạnh Phúc cũng thế, gặp chị tôi gặp ngay cảm giác thân thương, dễ gần và tin cậy, cái máu tếu táo nổi lên, tôi phì cười khi anh Thành kể, vì anh hay đi với chị Võ Hạnh Phúc hơn với vợ mình là chị Võ Hòa Bình nên đến đâu người ta giới thiệu chị Võ Hạnh Phúc là con gái đại tướng và anh Thành là con rể thì anh Thành phải nói ngay: Nhưng tôi không phải là chồng chị này.

          Đúng sáng ngày 18 tháng 1 năm 1946 đoàn công tác của Bộ trưởng bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp xuất phát từ Hà Nội, và 70 năm sau, 2 con gái của ông cùng con rể và các và các bạn cũng đúng ngày ấy xuất phát từ Hà Nội theo đúng lộ trình mà ông đã kể trong cuốn sách “Những năm tháng không thể nào quên” do nhà văn Hữu Mai chấp bút, ý định là muốn tìm lại những người cùng thời với ông đã chứng kiến cuộc đi năm xưa, và thăm lại những nơi ông đã ghé.

          ...Sáng sớm ấy, xuất phát từ Quy Nhơn sau khi đã qua Nha Trang, 2 chiếc xe Fortuner đưa mọi người rẽ vào đường 19, qua bảo tàng Quang Trung, qua Tây Sơn Thượng đạo (An Khê) rồi vào Pleiku. Tại Pleiku, có một người đặc biệt hâm mộ đại tướng tên là Nguyễn Dũng. Ông kể đã ít nhất 3 lần ra Hà Nội, mua hoa đến trước 30 Hoàng Diệu xin vào viếng đại tướng nhưng cảnh vệ yêu cầu phải có ý kiến của gia đình, mà ông thì có quen ai ở gia đình đâu, nên cả 3 lần lại ôm hoa mang vào chùa. Lần này khi biết việc gia đình đại tướng lên Pleiku (chỉ 2 người biết) ông tha thiết với tôi làm cầu nối cho ông được gặp gia đình đại tướng. Chị Võ Hạnh Phúc đã rưng rưng xúc động thắp hương trên bàn thờ, nơi ông Dũng thờ cả bác Hồ và đại tướng. Rồi ông Dũng đã cùng chúng tôi đưa mọi người thăm nơi xưa là biệt điện của vua Bảo Đại, nơi đại tướng đã ghé nói chuyện với và con Pleiku, sau đó tiếp tục đưa lên Kon Tum...

          Không gặp được ai đã từng biết chuyến đi của tướng Giáp năm ấy, cũng mang nguyên thắc mắc trở về Hà Nội là hồi ấy đại tướng cùng mọi người đã đi như thế nào, với ai,  hành trình ra làm sao, trừ mấy địa danh ông kể đã ghé trong cuốn sách. Nhưng có lẽ các con của đại tướng cũng đã đều mãn nguyện, là họ đã tìm lại những nơi ngày xưa người cha thân yêu của mình đã đặt chân. Bằng sự cũng hay đi của mình, tôi hình dung chuyến đi ấy của đại tướng vô cùng vất vả, và cả nguy hiểm nữa. Bây giờ đường xá thênh thang thế, dịch vụ tốt đến thế, phương tiện xịn thế mà chuyến đi của các anh chị con đại tướng cũng mất gần chục ngày, và ai cũng mệt (tất nhiên hồi ấy đại tướng trẻ hơn các con ông bây giờ rất nhiều). Chuyến đi này rất  lặng lẽ, tự gia đình tổ chức với nhau nên đến đâu, trừ những người như tôi, may mắn được biết, còn lại là gia đình tự thu xếp, và họ cũng yêu cầu như thế, nên khi lên Kon Tum, vì là ngày nghỉ nên phải nhờ giám đốc sở Tài chính điện mấy cuộc thì mới vào được tòa công sứ xưa, chỉ để... đứng nhìn và chụp ảnh chưa quá 15 phút...

Đoạn viết thêm: Viết xong bài này, tôi cẩn thận mail cho các anh chị nhờ đọc trước, và nhận được thư phải hồi như sau: “Chúng tôi đã đọc rồi, không có ý kiến gì đặc biệt, chỉ muốn nhấn hơn một chút về chuyện đã được các anh chị rất nhiệt tình chỉ dẫn. Quả thực không có những chỉ dẫn ấy thì chuyến đi Pleiku, Kontum không thỏa mãn vượt mức được như thế”.

Thực ra, những người gọi là “chỉ dẫn” ấy, lại lấy làm hãnh diện và tự hào được tiếp xúc với những người con của đại tướng, và đặc biệt là được tham gia vào một khúc của chuyến đi đầy ý nghĩa...




                                                                 

2 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Cám ơn tư liệu về Đại tướng VNG của bạn VCH.

Unknown nói...

Biệt điện Pleiku của cựu hoàng Bảo Đại ở khu nhà Anh hùng Núp hay là tỉnh uỷ Gia lai? em không tìm thấy cứ liệu lịch sử thể hiện điều này! anh Văn Công Hùng có thể chỉ giáo rõ hơn không ạh.