Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

ĐỒ GIẢ




          Chưa bao giờ mà đồ giả xuất hiện trong đời sống của chúng ta nhiều đến thế.

          Nhớ ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 có mấy bài báo viết là, chế độ cũ chỉ “phồn vinh giả tạo” chứ cái gì cũng giả hết. Đến nải chuối thờ cũng giả (bằng nhựa), cái đèn thắp trên bàn thờ cũng giả (bằng bóng đèn điện quả ớt chứ không phải đèn dầu truyền thống). Tiến lên có người phê phán là đến gạo cũng là gạo... ni lông, ăn vào tắc hết ruột. Đến bây giờ nhé, các loại hoa quả bằng nhựa bày bán và được trưng bày khắp nơi. Cái hương điện và bóng đèn trên bàn thờ cũng thế. Và, chuyện không ngờ là, chỉ tưởng là hồi ấy viết cho vui, cho thỏa cao trào tố cáo bọn đế quốc sài lang đê hèn, là có gạo cao su, thì chính bây giờ thi thoảng lại chỗ này chỗ kia rộ lên là đang có gạo cao su xuất hiện trên thị trường. Mà không chỉ đồn gạo cao su, còn cả mực khô và trứng gà nữa, cũng làm bằng cao su...

       
Những đĩa trái cây bằng nhựa như thế này bây giờ khá nhiều chứ không phải chỉ có từ thời... phồn vinh giả tạo.

   Cũng hết sức chính đáng khi các bà các cô (có cả các ông nữa), xài đồ giả. Có người còn hiên ngang nhận mình là “nữ hoàng dao kéo”, nhiều bà bơm silicon một thời gian nó xì ra tứ tung như bị lên hạch, bị ung thư từng khúc, nhưng rất nhiều người nhờ thẩm mỹ, tức đồ giả, mà “đẹp đến từng xăng ti mét”, mà lên hương phơi phới. Có tin đồn, chỉ là tin đồn nhé, các nữ diễn viên Hàn Quốc đẹp khiến đàn ông Việt mê mải như lên đồng, căng mắt ra xem từng đêm trên ti vi, thì hầu hết là đã qua dao kéo. Cũng có thể tin đồn này là để “dìm hàng” nhưng không có nghĩa là không có trong sự thật, và cũng không có nghĩa là khác sự thật...

          Chuyện ấy rồi qua, nó sẽ trở thành sự ấu trĩ một thời. Nhưng còn nhiều thứ đồ giả càng ngày càng đang hoành hành trong xã hội, như một thứ dịch, giết chết con người, giết chết sự sống và giết chết niềm tin.

          Mới nhất là chuyện công ty phân bón Thuận Phong bị tố cáo làm giả, gắn mác USA nhưng lại... sản xuất tại Việt Nam với một quy trình chỉ mình mình biết. Hàng triệu nông dân đã mua thứ phân bón mà không bón được này về để bón, và kết quả ra sao thì chúng ta không cần hình dung cũng biết. Nhưng không phải ngay lập tức người ta đã công nhận ngay là đồ giả. Cho đến bây giờ công ty này vẫn đang chứng minh là mình không làm đồ giả, mà đã được phép... làm giả, tức là có hợp đồng liên kết để làm. Vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ. Trước đó, rất nhiều lần những người nông dân, nhất là nông dân trồng tiêu, cà phê, cao su ở Tây Nguyên kêu trời (vì chả biết kêu ai nữa, các chỗ khác kêu cả rồi) vì chuyện mua thuốc trừ sâu về phun cho cây nhưng càng phun thì sâu càng... sống khỏe và cây càng nhanh chết. Có ông nông dân hài hước kể là, sâu thấy mình phun thuốc còn ngoảnh lại... cười trước khi bỏ đi sang cành khác để tránh, không phải vì thuốc mà tưởng là trời mưa?

          Rồi những con đường tiền tỉ, cây cầu tiền tỉ, nhưng vừa làm xong đã hỏng, thậm chí chưa xong đã hỏng, làm đầu này thì hỏng đầu kia, nó biến tất cả mọi tuyến đường trên toàn cõi Việt Nam luôn trong tư thế là những đại công trường mịt mù khói bụi. Và theo thống kê chính thức thì những con đường ấy, cây cầu ấy, luôn đạt kỷ lục là (nước ta rất thích kỷ lục, cái gì cũng phải kỷ lục mới oai) đắt nhất hành tinh. Những con đường, những cây cầu như những thách thức hiên ngang chỉ tay vào mặt người trung thực, rằng chúng tao làm bê tông cốt tre đấy, chúng tao làm đến đâu lún đến đấy đấy, làm gì nhau?

          Chưa kinh, người ta thống kê, có rất nhiều lái xe dùng bằng giả. Ngồi trên cái ô tô phóng vù vù trên những con đường Việt Nam nổi tiếng mọi nhẽ mà dùng bằng giả, mà chưa phân biệt chân ga chân côn thì mỗi ngày số thương vong vì tai nạn giao thông lên đến cả tiểu đoàn như thời chiến thì cũng chả có gì là lạ. Tất nhiên không nói có những trường hợp, như mấy anh bạn tôi, học hành tử tế, có bằng đút túi rồi, nhưng cứ bảo ngồi lên ghế lái là mồ hôi lại tuôn khắp người. Cũng như, rất nhiều cử nhân ngoại ngữ Việt Nam, bằng chói lòa đút túi, nhưng gặp người bản xứ là đầu cúi chân bước len lén như gặp... Ebola...

          Đấy, lại nhảy sang đến chuyện bằng giả. Cái này cũng kinh. Gần như ai cũng biết, nhưng rồi ai lại cũng thấy nó là... không đáng để nói, bởi có nói cũng chả giải quyết được gì. Thế là người ta đi mua bằng bằng mọi cách. Học tại chức, từ xa, mở... Tôi cho rằng các hình thức học không có tội, tội là những người đi học, họ không học vì chữ, vì kiến thức, mà học chỉ để kiếm cái bằng, nên bao nhiêu chuyện bi hài đã xảy ra. Ví dụ trong một lớp đại học tại chức, thi hết môn vấn đáp, giáo viên chỉ hỏi học viên: anh nói chính xác cho tôi tên giáo viên dạy môn này, nói đúng biếu 10 điểm, không lăn tăn. Anh này mồ hôi tuôn như tắm và rồi sau mười mấy phút vò đầu bứt tai đã ra ngoài với 0 điểm. Nên chuyện số 8 dựng ngược, và Pitago là nhà thơ Ấn Độ đã trở nên xưa như quả đất.

          Bằng giả thì sinh ra người giả. Những cử nhân,  thạc sĩ, tiến sĩ... đông hơn thợ (tôi cố tránh không dùng từ quân Nguyên vì nó sáo và thực chất, quân Nguyên chỉ đông so với số dân nước ta thời ấy) nhưng chất lượng làm việc thì còn thua xa thợ. Rất nhiều những sáng chế phát minh ứng dụng ngay vào đời sống là từ những ông nông dân chả có mảnh bằng lận lưng, chữ Việt cũng còn lõm bõm. Còn các trí thức thứ thiệt kia, họ cũng nghiên cứu, nhưng đa phần là những vấn đề... trên trời, những công trình nghiên cứu từ tiền nhà nước, xong rồi... đắp chiếu chứ chả sử dụng được vào đâu. Cứ về các tỉnh, xộc vào kho lưu trữ các công trình nghiên cứu khoa học được thực hiện trong kế hoạch của các sở khoa học công nghệ mà xem, hàng mấy tỉ đồng mỗi năm làm xong cất, mà danh hiệu người thực hiện toàn vang hơn chuông... gió...

          Năm nào đó, người ta phát hiện ra, trong cái bánh rất lớn mà đơn vị nào đấy làm để cung tiến đức tổ Hùng Vương cũng có rất nhiều đồ giả được độn vào. Khổ, lòng thành thì ít mà háo danh để được công nhận là “lớn nhất” thì nhiều. Truyền thống người Việt, đồ cúng là thiêng liêng nhất, thế mà họ cũng làm giả được, thì đồ giả ơi, mi hãy vẫn còn rất nhiều đất sống...


         Ấy là còn chưa nói đến thứ rất khó làm giả là văn chương đấy...
 
                                                                           

9 nhận xét:

Yamaha nói...

Có gì ngạc nhiên đâu bác Hùng ! Xuất phát điểm của xã hội ngày nay đã bắt đầu trên nền tảng của những lý thuyết giả tạo, nên mọi sản phẩm sinh ra từ đó mà không giả tạo thì mới là lạ.

Nặc danh nói...

Bác Yamaha nói quá chuẩn,di chúc của HCM còn làm giả được nhằm nhò gì mấy cái thứ vặt vãnh mà Bác nêu

Nặc danh nói...

Bác Hùng trả lời tôi,những câu "đảng ta ngoài lợi ích của nhân dân ra không có lợi ích nào khác"; "Tất cả là của dân-Do dân- Vì dân" là thật hay giả??? Nếu bác trả lời đúng thì bằng ĐH của bác là bằng thật!

Nặc danh nói...

Ông Hùng đã nói không đúng về bọn trí thức chuyên nghiên cứu chúng tôi rồi nhé.Các nghiên cứu của chúng tôi hiện đang xếp xó vì nó làm ra là vì mục đích"cho thì tương lai".Ông Quân BT đã nói rõ,ông Hùng nếu không tin thì gọi điện hỏi lại ông Quân cho chắc ăn

Nặc danh nói...

Đúng rồi! mọi thứ đều giả. Chỉ có quyền lực là thật

Vũ Xuân Tửu nói...

Chính trị còn làm giả được, thì cái gì cũng thể...
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

Bác Trần Đĩnh đã nói rồi: Đèn cù!
À nhân đây nhớ chuyện "em" Lê Văn Tám, xin hỏi các bác: Khi đổ xăng ướt cả người rồi châm lửa đốt thì mắt có thể thấy đường để mà chạy vào trong kho xăng cách đó hàng trăm mét không ạ???
(đó là chưa nói đến chuyện có thở được hay không) Dưới mái trường XHCN tươi đẹp em được dạy những điều như vậy đó.

Nặc danh nói...

Trường nào mà lại đi dạy trẻ em những chuyện bố láo, bất nghĩa bất nhân vậy hả bác Nặc danh 22:10 ? Có phải được dạy dỗ khốn nạn như thế nên thành lớp người mới XHCN hiện nay?

Nặc danh nói...

uh! bài này đăng Văn nghệ rồi, Ko sao. Nếu như Tit bài là THẬT - GIẢ thì giá trị bài hay hơn nhiều. Từ ĐỒ chỉ miền Nam dung nhiều, miền Bắc theo nghĩa khác. Mà trong bài toàn nói thật, giả, ko ăn khớp với bài, lộ ra ông miền Bắc nói theo kiểu miền Nam