Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

SỰ XẤU HỔ CÁ BIỆT




          Mấy hôm nay dư luận ồn lên mấy vụ đạo văn. Mọi việc rồi cũng đã rõ, đúng sai cũng đã tường, ai đạo ai dẫu có vẻ như chưa mạch lạc vì có người đạo gửi thư xin lỗi rằng tôi “đã làm sau” chứ chưa nói thẳng là đạo dù nó giống nhau, nhưng rồi ai cũng đã biết. Vấn đề bây giờ là, cần tìm ra căn nguyên gốc rễ, rằng thì là, tại sao lại như thế, tại sao lại có thể diễn ra những việc xấu xa thế, và biết là xấu xa, biết là sẽ bị lộ, không lộ bây giờ thì ngày mai sẽ lộ, mai chưa lộ thì kia, kia chưa lộ thì... đời sau, nhưng người ta vẫn làm?
 
          Bỏ qua việc có người bảo rằng đấy là bệnh. Đã là bệnh thì... miễn bàn, chỉ có cách chữa thôi. Các cụ xưa cũng đã từng đúc kết rằng: “Ăn trộm quen tay, ngủ ngày quen mắt”, tức ăn trộm là một thứ bệnh lý, có thể quen tay. Và cách chữa là... chặt tay. Nhưng trộm văn nói riêng, tri thức nói chung có nằm trong quy luật này không?

          Rõ ràng đây là một thói xấu, cực xấu, nó hủy diệt thanh danh con người chỉ trong tích tắc, nhưng ngược lại, nó thỏa mãn khoái cảm của con người. Ngoài cái khoái cảm ăn trộm không bị phát hiện, thì nó còn một thứ khoái cảm bệnh hoạn là mình trở thành chủ của cái tri thức không phải của mình nhưng đã là của mình, bởi cái sự bị lộ, ở ta, giờ nó là rất hiếm.

          Nói chung nó là những cas đặc biệt, và vì đặc biệt nên mỗi khi bị phát hiện, nó trở thành... nổi tiếng, ở cả mặt xấu và tốt, và vì thế mới có Erotxtrat lừng danh trong lịch sử.

          Nhưng ở ta, hình như, việc ăn cắp, gọi văn hoa là đạo, nó không còn là bất bình thường. Và khi nó không bình thường, thì nó là một thứ bình thường rất nguy hiểm...

          Chiều nay tôi ngồi với mấy anh bạn, có một gã rất ham đọc, y nói rằng, theo những gì y đọc trong luận văn thạc sĩ của mấy người mà cả y và tôi quen thì đến... 80 phần trăm trong số ấy là chép của người khác. Tùy trình độ mà có người chép thô thiển hoặc tế nhị nhưng đều là chép. Và chép xong, bảo vệ xong, họ là thạc sĩ, họ có quyền phát biểu nói năng với tư cách thạc sĩ. Thậm chí tiến sĩ cũng thế.

          Tôi từng nghe có chợ luận văn trên mạng, nhưng khi ngồi nghe gã này nói thì quả thực là tôi sởn gai ốc, chả lẽ lại có thể trắng trợn đến thế. Nhưng lại phải thừa nhận là y nói đúng.

          Trước khi có chuyện chép luận văn mẫu thì chúng ta đã có chép văn mẫu từ thời học phổ thông từ cấp nhỏ đến lớn. Chính hệ thống văn mẫu đã khiến cho những người được học chúng thấy rằng, việc đạo văn là... đương nhiên. Và từ văn mẫu, trước khi đạo văn để thành tác giả, chúng ta đã rất hồn nhiên đạo nhiều thứ khác, mà có khi chúng ta không nghĩ nó là... đạo.

          Ví dụ các bản báo cáo, phần lớn là chúng ta cóp từ năm này sang năm khác, chỉ thay số liệu. Ai đã tạo ra môi trường ấy, để dẫu không muốn, chúng ta vẫn phải làm. Rồi thì bao nhiêu chuyện nữa, chúng ta cứ hồn nhiên coppy mà không băn khoăn, không xác minh chủ thể, cứ như tri thức là của chung... dẫn đến tất cả thành một thói quen, một thứ vô thức để hồn nhiên phạm lỗi.

          Ngay các tác giả văn học có tác phẩm được chọn in trong sách giáo khoa. Nhưng người chọn nghĩ rằng như thế là đã làm sang cho tác giả rồi, nên không cần xin ý kiến, và không cần... trả nhuận bút như lẽ bình thường. Mãi vừa rồi, sau những đấu tranh không ngừng nghỉ của trung tâm bản quyền tác giả Hội Nhà văn, một số nhà văn mới nhận được một ít nhuận bút từ NXB Giáo dục.

          Văn chương nghệ thuật nó như một thứ bả, một thứ ánh sáng vừa tù mù vừa rực rỡ lung linh mà lại mù mịt, nếu như anh không đủ thị lực thì rất dễ trở thành kẻ mù màu. Và khi ấy thì anh trở thành nô lệ. Một cái tặc lưỡi, những chữ vu vơ ở đâu đấy, của ai đấy, trở thành của mình, nhất là ở những người có điều kiện, có thể “cả vú lấp miệng em”. Nhưng “đi đêm cũng có ngày gặp ma”, khi bị phát hiện, thì dẫu có lấp liếm đến mấy, sự thật nó vẫn phải là sự thật, dẫu có khi trên thực tế nó chỉ mới là một nửa sự thật.

          Thực tế chỉ ra rằng, những vụ ăn cắp bị phát hiện là rất ít so với những gì thực tế. Cả ăn cắp vật chất và ăn cắp tri thức, ăn cắp văn chương, ăn cắp chữ nghĩa. Nước ta ăn cắp nhiều đến mức dân đành... tự xử. Bao nhiêu việc đau lòng từ những việc dân tự xử. Người thì chết người thì vào tù nhưng mà rồi những việc đau lòng ấy vẫn xảy ra, nhất là việc trộm chó. Rồi lớn hơn là ăn cắp của công mà ta gọi văn hoa là tham ô. Từ một vài tỉ tiến tới trăm tỉ rồi hàng ngàn tỉ. Những con số cứ lớn dần nhưng sự ngạc nhiên lại giảm dần, nó tỉ lệ thuận với niềm tin những vụ ấy được xử “đúng người đúng tội”. Ăn cắp văn chương vừa rồi cũng chủ yếu là... tự xử. Cãi nhau ầm ĩ, báo chí vào cuộc, rồi cư dân mạng ào ạt ném đá, may ra thì người ăn cắp lên tiếng thừa nhận là bài ấy... viết sau (chứ không phải ăn cắp), còn không thì... im lặng. Khi dư luận im lặng thì thoát, bởi người bị đạo cũng không biết kiện ở đâu, báo cáo với ai. Dân gian gọi là “kiện củ khoai”, bởi ở ta, dẫu đã có các trung tâm bản quyền, nhưng có vẻ như để trang sức là chủ yếu.

          Mới nhất là một tờ báo “in nhầm” tranh của họa sĩ nước ngoài, khi tác giả phát hiện, lẽ ra thành khẩn xin lỗi và bàn ngay chuyện bản quyền với họ, thì lại... quen như ở ta, đăng một cái “Nói lại cho rõ” rất ất ơ vô trách nhiệm rồi chuyển cho tác giả 50 đô mà không có lời nào trực tiếp với tác giả. Thế là to chuyện. Tác giả đòi số tiền gấp nhiều lần như thế và đăng xin lỗi nhiều kỳ trên một tờ báo lớn...

          Nên nghĩ cho cùng, bàn về việc đạo văn, ở thời điểm bây giờ hay trước đó, thậm chí là sau đây, là bàn đến việc giáo dục ý thức, đến việc phải quyết liệt chống sự sao chép hình thức, chống việc coi thường tri thức, trí tuệ, phải dạy cho con người biết xấu hổ khi sử dụng những gì không phải của mình...

          Chỉ cần biết xấu hổ, sẽ giúp cho rất nhiều người dừng lại trước những điều đáng phải... xấu hổ, để những việc xấu hổ không còn diễn ra. Tất nhiên, không dễ gì ngày một ngày hai đã có thể chấm dứt ngay lập tức, bởi, hình như với chúng ta, chuyện chép, chuyện cop nó đã quá bình thường, tức là sự xấu hổ khi mình “cầm nhầm’ thứ không phải của mình nó chỉ là cá biệt...

          Thì bao nhiêu ông kễnh đang đứng trước tòa, với những vụ ăn cắp tiền khủng khiếp kia, có ông nào xấu hổ đâu. Họ coi đấy là... rủi ro thôi. Và vì thế mà những vụ án ăn cắp khủng vẫn sẽ còn tiếp diễn...
                                                        

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Chúng nó ăn cắp trăm tỷ, ngàn tỷ chẳng xấu hổ thì đạo văn chỉ là...muỗi. Chưa nói đến chuyện rước voi giày mả tổ giữa thanh thiên bạch nhật, còn bắn đại bác chào mừng giặc cướp đến nhà thì việc đạo văn có gì mà ồn ào thế bác Hùng?

yamaha nói...

Đất nước của những giá trị đảo lộn, kẻ cắp bị bắt quả tang thì nhơn nhơn bản mặt lên vì: Khối thằng có quyền rao giảng và quản lý văn hóa còn ăn cắp khủng khiếp hơn nhiều kìa ! Kẻ thà cam chịu sống nghèo để giữ chất lương thiện thì bị chê cười và mang tiếng...ngu. Thế thì đạo văn, đạo tặc là cái đinh gì, khi mà đạo đức giả, đạo vận mệnh dân tộc còn kinh khủng hơn nhiều đang ngồi trên ghế cao cao mà cười ha hả đắc thắng vì quyền uy thống trị của mình đè bẹp mọi thứ nhân văn ?...😞

Vũ Xuân Tửu nói...

Trao đổi với bác Nặc danh, 20:20, 06/11/2015.
Bởi, văn chương là thứ sang trọng và hùng dũng.
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

yamaha ơi!Nếu mà"đạo ngu"được thì vẫn là phúc nhà đấy.Bây giờ ngao...nó"đạo" cho giữa Diên Hồng mà vẫn vỗ tay rào rào đó.Nhục chưa?