Nghe
nói có một cái xe giường nằm khủng giá 7 tỉ chạy tuyến Hà Nội - Điện Biên hiện
đại như một cái máy bay mặt đất. Trên xe chỉ có 20 giường với đầy đủ tiện nghi
như bar, mát xa, tivi cá nhân vân vân, cũng ước ao đi một chuyến cho biết nhưng
chưa có điều kiện, thì nhân chuyến công tác Hà Nội vừa rồi, lại nhân sân bay
Pleiku đang dừng bay để sửa, tôi làm một cuốc máy bay Hà Nội - TP HCM rồi từ
HCM đi xe giường nằm ra Pleiku.
Nó
là dư âm của bài viết thênh thang đường 14 của tôi, mình viết khuyến khích mọi
người đi mà chính mình không đi thì nó ra cái giống gì. Tất nhiên khi nghe tôi
sẽ đi như thế mấy ông bạn nửa đùa nửa dọa: Nhớ đội mũ bảo hiểm kẻo… bị ném đá.
Tôi chả sợ, trăm xe bị một xe, cả tháng vài vụ, chắc nó chừa mình ra. Là nói thế
chứ tôi là một trong những người chịu khó đi xe đò nhiều nhất trong đám bạn. Từ
hồi ngồi bó gối trên xe chuồng gà, thậm chí xe tải Ifa, xe zin 3 cầu, đến khi
có xe ghế da, giường nằm, đã từng nằm Hà Nội – Sơn La, ngồi Hà Nội – Yên Bái,
vào tận Mù Cang Chải, rồi cả Pleiku – Hà Nội, Thanh Hóa, còn Huế thì không tính
được vì nhà tôi ở đấy, năm ít năm nhiều đều phải về… và toàn bằng xe đò, đủ loại
xe đò, trong điện thoại của tôi lưu số hàng chục nhà xe từ Nam chí Bắc, cần một
cái là chỉ một cú a lô…
Không
hiểu sao các ông đường sắt không học cách bán vé của xe giường nằm hoặc máy bay
nhỉ? Chỉ một cú điện thoại tôi được cô bán vé của hãng nói ngay: chú nằm giường
số 5, tài 1 hãng T.Y. Đúng 5h chiều chú có mặt. 4h tôi xuất phát từ nhà ở Tân
Hương, trên đường đi nhà xe gọi tiếp mấy cú nữa, rất tận tình. Chỉ có một thay
đổi… không nhỏ: Giường của tôi là 27 chứ không phải 5. Thôi 27 cũng được, giữa
xe, tầng dưới, không phải đưa võng trên tầng 2 là tốt rồi. Câu đầu tiên tôi hỏi:
xe có Wifi chứ, có chú ạ, vô tư. Nhưng quả là không… vô tư lắm, vì nó rất chập
chờn. Có thể là do đông người dùng, và cũng có thể tại giường tôi cách cục
mordem khá xa (thực là tôi cố tìm mãi không thấy cái cục mordem ấy đâu, bèn
nghi hay là tài xế phát từ Dcom điện thoại).
Nói
thật, tôi là người biết lái xe, nhưng nhìn mấy bác tài điều khiển những cái xe
hiện đại, dài miên man, êm ru lách vào chỗ đậu trong bến xe đều chằn chặn và
khít khịt như cá xếp trong hộp mà nể. Xe rất hiện đại, từ nội thất đến máy móc
trợ lực, trên ấy là từ 45 đến 50 giường nằm. Đúng 5h chiều xe lừ lừ xuất bến.
Hôm
nọ, trong lễ thông xe đường 14, các báo đồng loạt đưa tin, thời gian các xe ô
tô khách chặng Thành phố Hồ Chí Minh đi Pleiku và ngược lại rút ngắn chỉ còn 8
tiếng. Tôi cũng hăm hở như thế, nên rất ngạc nhiên sao xe lại xuất bến sớm thế.
Nhớ ở Nha Trang, xe đi TP HCM tầm 9, 10h đêm mới xuất bến để khách vào đến nơi
sáng là vừa. Té ra 8 tiếng là lý thuyết, xe đi đúng 12 tiếng, 5h sáng mới đến
Pleiku.
Xe
lách trên đường Sài Gòn nhập nhoạng tối, kính xe được dán phim màu nên nằm
trong xe có cảm giác xe đang đi trong… nhà. Hành khách lục tục lôi iPad, điện
thoại, cả laptop nữa, ra lướt web. Một số người xử lý công việc ngay trên xe,
mail rồi điện thoại trao đổi cứ như đang ở văn phòng.
9
giờ tối trạm dừng đầu tiên. Trên đường này có rất nhiều trạm dừng, mỗi hãng chọn
trạm dừng riêng của mình. Một số xe bao ăn luôn cho khách, nhà hàng đã sắp sẵn
mâm 10 người, cứ thế ngồi vào. Có loa nhắc nhở hành khách rất cẩn thận chu đáo.
Nhưng khu vệ sinh thì quả là vẫn… chưa ổn. Đành rằng khách đi xe giường nằm
cũng là loại “nhà có điều kiện” rồi, chỉ thua đi máy bay thôi, nhưng quả là vào
khu vệ sinh vẫn còn úi xùi lắm. Khạc nhổ xả lung tung, vào xí bệt vẫn… cho 2
chân lên bệ cho sạch mình, kệ thiên hạ ra sao thì ra. (Thực ra thì khách đi máy
bay giờ cũng… bình dân lắm, nhất là máy bay giá rẻ, cũng nhiều chuyện cười ra
nước mắt lắm, kể nhiều lại bảo quân ta toàn nói xấu… quân mình).
Xe
đẹp, đường êm, máy lạnh mát, thế là khách bắt đầu… ngáy. Kẹp 2 bên tôi là 2 người
trẻ, một nữ một nam. Cô gái sau một hồi vừa nhắn tin vừa thì thào điện thoại
thì trùm chăn kín đầu. Và họ ngáy cũng khiếp. Nghe nói khi ngủ chập chờn, nhất
là có tí bia rượu, tôi cũng… nhiệt thành kéo gỗ lắm, nhưng chỉ toàn là… nghe
nói chứ mình có nghe được mình ngáy bao giờ, còn hiện tại, tôi thao láo mắt vào
iPad nhưng tai thì hưởng hết mọi cung bậc của… ngáy.
Nhớ
mấy lần về Huế cũng bằng xe giường nằm ban đêm, tài xế nhõn một, ôm vô lăng chạy
một hơi xuyên đêm, chỉ dừng 2 lần, một lần cho khách ăn khuya và một lần cho
khách… trút bầu, ngay bên đường. Ngày tết mới kinh, chạy như ma đuổi, quay đầu
liên tục cả chục ngày trước tết và sau tết, không hiểu tài xế ngủ vào lúc nào nữa.
Còn ở đây tài xế chạy khá đúng mực. Một người lái thì một người ngủ, thi thoảng
cả 2 cùng thức thì họ nói chuyện và… canh đường. Trước 1h sáng, rất đông thanh
thiếu niên ngồi chơi 2 bên đường. Và đây chính là đối tượng thi thoảng buồn tay
thì… ném đá. Nên thi thoảng thấy tài xế nhắc nhau: Chú ý mấy người ngồi phía
trước, chú ý có đám nhậu…
Hành
vi ném đá xe khách và tàu hỏa là rất man rợ, nhưng nó lại xuất phát từ những lý
do rất ngẫu nhiên, rất vớ vẩn, rất… không có lý do, và rất đáng… thông cảm.
Nông thôn ngày càng buồn, nhất là những khi không có tiền. Có tiền thì vào quán
nhậu hoặc nét hoặc karaoke, không tiền thì ra… đường ngồi. Con đường mới kít cứ
chạy đến đâu thì dân kéo ra làm nhà đến đấy, nhìn mát mắt và ngồi… mát mông. Những
chiếc xe với đèn xanh đỏ nhấp nháy chạy qua như một thế giới khác, một miền văn
minh khác. Rồi so sánh: “Cũng một kiếp người, sao lại hưởng thụ chênh lệch nhau
thế?”. Họ đâu biết rằng, khách trên những chuyến xe ấy cũng là những người lam
lũ, đa phần cũng là những người tha phương kiếm ăn, về thăm nhà, đi chữa bệnh,
cán bộ đi công tác… Chỉ một cú ra tay rất vô tình, rất vô ý thức họ trở thành kẻ
gieo tội ác (Tất nhiên cũng có nhiều kẻ rủ nhau đi ném cho… vui, cũng có kẻ rủ
nhau đi cướp. Mà “rủ” là có tổ chức rồi). Cũng bởi, cái việc này xảy ra đã lâu,
nhưng chả ai báo, mà có báo rồi cũng chìm nghỉm đâu đấy. Giờ nó rộ lên nhiều
quá, trở thành “phong trào” thì nhà chức trách mới vào cuộc, thì bệnh đã quá nặng
rồi. Cũng bởi nữa, bây giờ báo chí công dân khiến ai trên xe cũng là nhà báo,
nên tất cả mọi vụ việc đều được phơi ra ánh sáng, chứ thời xưa, đường thăm thẳm
thế, đêm mịt mù thế, nó có chặn cả xe lại cũng ít người biết! Người viết bài
này cũng đã từng chứng kiến và bị một tốp thanh niên chặn xe khách lại xin tiền,
và tài xế phải cho, rồi một vài người ngồi ghế đầu phải cho. Thời ấy, ngồi trên
xe thu lu như nêm cối, băng ghế 3 người thì nhét thành 7 nên cánh cướp có muốn
xuống cuối xe cũng khó.
Cánh
xe khách ban đêm cũng rất hay chào nhau bằng đèn. Nó có ít nhất là 2 ý nghĩa, một
là giữa đường gặp nhau thì chào, như tàu thủy chào nhau giữa đại dương vậy. Và
2, báo cho nhau có cảnh sát giao thông ở phía trước không? Phần lớn các xe
khách giường nằm có thương hiệu, trừ dịp tết có thể tí táu tí mẻ tí, còn bình
thường thì… cương quyết không phạm lỗi. Chạy đúng tốc độ, chở đúng khách, nên
các ánh đèn pin ít khi chĩa vào họ. Ít chứ không phải không có. Cái chuyện này
đi trên đường ai cũng thấy, ai cũng biết, hàng vạn người thấy, nhưng cụ thể nó
ra làm sao thì quả là… chưa ra làm sao, chính xác là chả biết ra làm sao? Đến
quay được cả clip kia, có cả âm thanh lẫn hình ảnh kia mà rồi cũng… hòa cả
làng, huống gì giữa đêm khuya (và cả phơi ra giữa trưa) một mình phụ xe cầm “giấy”
xuống, lại còn khuất khuất đâu đó…
Đi
trên xe mới biết tại sao mà “Thúy Nga Paris By Night” phát triển rầm rộ thế. Hầu
hết các xe đều có video phục vụ khách, và 80% là thấy Nguyễn Ngọc Ngạn và Nguyễn
Cao Kỳ Duyên dẫn chương trình, rồi là Hoài Linh, Chí Tài… lắc lư ra chọc cười.
Cho đến khuya, thì video tắt cho khách ngủ, chuyển sang nhạc, chủ yếu là
Bolero. Trời ơi, ngáy không rền vang mới lạ…
5
giờ sáng xe vào bến xe. 2 phần 3 khách xuống, còn 1 phần 3 ngồi lại xe đưa về tận
nhà nếu tiện đường. Tôi ngồi lại trên xe, trước khi chia tay còn được chú lái
phụ See You Again và thấy khoan khoái như vừa từ máy bay bước xuống dẫu vừa trải
qua đúng 12 tiếng hành trình…
1 nhận xét:
Nhân đây, xin khoe với nhà thơ VCH, năm nay, lần đầu tiên tôi được làm quen với các phương tiện giao thông sang trọng, tốc độ cao. Đấy là, lần đầu tiên đi máy bay (Nội Bài- Tân Sơn Nhất), lần đầu tiên đi tàu cánh ngầm trên biển (tp HCM- Vũng Tàu) và lần đầu tiên đi xe ô-tô giường nằm (Tuyên Quang- Hạ Long và Tuyên Quang- Lệ Thủy/QB). Nay đọc bài ký sự của VCH thấy thú vị, chia sẻ.
Vũ Xuân Tửu
Đăng nhận xét