Và vì thế mà ngôi nhà rông lại càng quan
trọng với họ. Và cũng còn bởi tập quán sống của cư dân Tây Nguyên là theo từng
làng (Bon, Pơlơi...) nên nhà rông chỉ gắn với làng mà thôi. Chưa bao giờ chúng
tôi thấy có một cái nhà rông truyền thống nào mà lại không ở giữa một làng, tức
chưa bao giờ có một cái nhà rông lại của chung vài làng (Nói điều này để lưu ý
rằng, việc xây dựng các nhà rông văn hoá xã như hiện nay nếu không khéo sẽ chỉ là ý
chí của một số người)...
-------------
Phương tiện của tớ một thời, máy ghi âm chạy băng cassette Sony, máy ảnh Nikon Max, thời ấy là oách đấy |
1. Đã
có rất nhiều người bàn về tây nguyên ở tất cả mọi khía cạnh, mọi vấn đề. Riêng
về văn hoá cũng đã bền bỉ trăm năm nay, nếu tính từ "Mọi Kon Tum" và
"Cao nguyên miền thượng" thì cũng đã gần thế kỷ. Tây nguyên dưới mắt
nhiều người thì nó là một xã hội đang ở giai đoạn mạt kỳ mẫu hệ của sự phát
triển xã hội. Và như thế nó gắn với sự kỳ bí của đời sống tâm linh, của các lễ
hội ngưng tụ niềm tin, của sự phát triển và cả ngưng trệ văn hoá cục bộ với
những tín ngưỡng dân gian nguyên sơ đâm đặc đời sống mà lại cũng xa vời thực
tế...
Từ sau 1975 đến nay, với một chính sách đúng mực
trong việc vừa gìn giữ vừa phát triển văn hoá tây nguyên trong xu thế hoà nhập
một cách tất yếu các quy luật đời sống, văn hoá tây nguyên đã có những động
thái phát triển tích cực, có những chuyển dịch, những trôi dạt vừa phù hợp lại
vừa như nghịch lý, khiến cho nhiều lúc ta phải băn khoăn tự hỏi: Vậy thực chất
văn hoá tây nguyên đang đứng ở đâu?
Làng Tây nguyên chẳng hạn, là một khu trú văn hoá đậm đặc
nhất. Người Tây nguyên lấy làng làm đơn vị chính, là trung tâm, ngoài làng ra
là rừng, là vũ trụ. Vì thế, làng là nơi biểu hiện rõ nhất, đậm đặc nhất truyền
thống văn hoá của họ.
Mới
nhìn thì các làng Tây Nguyên đều có vẻ giống nhau. Nhưng khi đi sâu tìm hiểu
thì té ra từng dân tộc tuỳ tính cách của mình mà lập làng theo kiểu riêng. Ví
như làng của người Xê Đăng bao giờ cũng trên chót vót núi cao hiểm trở, như một
pháo đài. Ấy là vì người ta cho rằng người Xê Đăng hiếu chiến. Cái cách người Xê
Đăng say rượu cũng thật dữ dội. Nó khác hẳn phong cách hài hoà, trầm tĩnh,
thanh bình của người Ba Na. Và bởi cái tính cách ấy mà cái làng của người Ba Na
cũng khác với các làng của người Gia Rai, Ê Đê, Xê Đăng, Mơ Nông...
Plei
Bông (làng Bông) là một ngôi làng tiêu biểu của người Ba Na. Nó thuộc xã Ayun,
huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Làng có chừng năm chục nóc nhà nằm trong một
thung lũng cách đường quốc lộ 19 chừng 7 cây số. Đây là làng của ông hoạ sĩ Xu Man nổi tiếng. Nó đã là nguyên mẫu
cho rất nhiều tranh và ảnh của các hoạ sĩ và nghệ sĩ nhiếp ảnh. Đây cũng là nơi
sinh sống của một trong những người đàn bà dệt thổ cẩm giỏi nhất Tây nguyên còn
sót lại, chị Siu Khang.
Rìa làng, thoải
một con dốc là các giọt nước. Phía dưới giọt nước là cánh đồng lúa nước xanh
ngằn ngặt. Giọt nước Plei Bông đẹp mê hồn. Mỗi giọt nước ẩn dưới một gốc đa cổ
thụ rợp bóng mát. Nó như bờ ao gốc gạo luỹ tre làng của người Kinh, có thể bây
giờ ý nghĩa vật chất của nó không còn bao nhiêu nữa vì hệ thống nước sạch đã về
từng nhà, nhưng nó là ký ức, là tâm thức, là tuổi thơ, kỷ niệm của từng cư dân
trong cộng đồng. Chiều chiều nam thanh nữ tú ra đấy lấy nước tắm giặt gặp nhau
hẹn hò tình tự... nó trở thành một góc không thể thiếu trong tâm hồn mỗi người.
Nó cũng neo giữ lại cái phần hồn làng tươi xanh dân dã bất diệt mà trong thời
buổi hiện đại ngày nay đang có nguy cơ phố hoá...
Văn hoá tây nguyên là một thực thể. Nó đang trong tiến
trình hoà nhập với văn hoá đương đại. Nền văn minh nương rẫy này đang bước đầu
có sự giao thoa với nền văn minh lúa nước. Chả cái nào có thể hơn cái nào. Vấn
đề là, nắm vững quy luật một cách khoa học trên cơ sở tôn trọng quy luật ấy,
không áp đặt, không vụ lợi để có một văn hoá tây nguyên trong văn hoá Việt,
nhuần nhị mà đa dạng, bản sắc trong một chỉnh thể văn hoá đã tồn tại nghìn đời.
2. Trong một ngôi
làng người Tây Nguyên, nhà rông là một thành tố không thể thiếu. Nhà rông là
nơi sinh hoạt cộng đồng của cả làng. Đêm đêm, thanh niên và những người đàn ông
chưa vợ, goá vợ thường lên nhà rông ngủ. Đàn bà không được phép lên nhà rông.
Nếu họp làng trong nhà rông thì phụ nữ phải ngồi dưới sân hoặc dưới gầm sàn nhà
rông để... dự. Nhà rông là nơi thờ tự, cúng bái, rất linh thiêng nhưng lại cũng
gần gũi. Trong nhà rông có hai vật không thể thiếu là bếp lửa và gói vật
thiêng. Mái nhà rông được trang trí rất đẹp với các hoa văn sặc sỡ và nhiều phù
điêu, tượng gỗ cách điệu, đặc biệt là hình rau dớn và mặt trời. Và người ta
quan niệm đây là nơi các vị thần trú ngụ. Người Tây Nguyên cho rằng các Yang
luôn ngự trên nóc nhà rông để phù trợ cho làng. Vì thế khi cúng yàng là lúc
người ta mượn nóc nhà rông để tiếp cận và thỉnh nguyện các đấng các bậc tối cao
này. Trước sân là ngất nghểu cao vút cây nêu ngũ sắc, cũng lại là một khát vọng
của nhân dân vươn lên trời xanh, mong muốn hoà nhập vũ trụ.
Chúng
tôi một lần nữa muốn khẳng định rằng, nhà rông chỉ có ở làng, gắn với một làng
cụ thể. Những nhà sàn để ở lúp xúp nghiêng nghiêng trên triền đồi hoặc ven suối
trông như cả đàn gà con thì nhà rông, trong một vị thế đắc địa, vững chãi như
con gà mẹ giữa bầy gà con ấy. Nó đầm ấm và sum họp. Nó chở che và tin cậy. Nó
trung tâm nhưng cũng dàn đều. Nhà rông còn hài hoà với trời, với đất, với gió
với nắng với mưa. Nhà rông không thể là của chung liên làng hoặc của một xã.
Hiện nay mật độ nhà rông tập trung đậm đặc ở các tỉnh bắc Tây Nguyên, càng về
phía nam, mật độ nhà rông càng giảm, các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng hầu như không
thấy nhà rông. Chúng tôi đồ rằng, ngày xưa tất cả các buôn làng Tây Nguyên đều
có nhà rông, rồi do biến thiên sao đó, nhà rông mất dần. Cũng như hiện nay, nhà
rông đang mất dần ở ngay khu vực bắc Tây Nguyên. Nhà rông là phần quan trọng
nhất của một ngôi làng Tây Nguyên, bởi ngoài giá trị vật chất, nó còn mang yếu
tố tâm linh. Nóc nhà rông là nơi các vị thần trú ngụ. Nhà rông chính là nơi con
người có thể giao tiếp với các vị thần, với Yang, trong mỗi nhà rông đều có một
nơi giữ vật thiêng, và phải có bếp lửa... Và vì thế, nhà rông gắn với số phận
từng người dân trong cộng đồng, mỗi người dân đều có trách nhiệm trong việc xây
dựng và giữ gìn nó. Mà chúng ta biết, trong đời sống tinh thần và vật chất của
mình, do trình độ nhận thức và điều kiện sống, các cư dân Tây Nguyên phụ thuộc
khá nhiều vào tự nhiên, vào Yang. Và vì thế mà ngôi nhà rông lại càng quan
trọng với họ. Và cũng còn bởi tập quán sống của cư dân Tây Nguyên là theo từng
làng (Bon, Pơlơi...) nên nhà rông chỉ gắn với làng mà thôi. Chưa bao giờ chúng
tôi thấy có một cái nhà rông truyền thống nào mà lại không ở giữa một làng, tức
chưa bao giờ có một cái nhà rông lại của chung vài làng (Nói điều này để lưu ý
rằng, việc xây dựng các nhà rông văn hoá xã như hiện nay nếu không khéo sẽ chỉ
là ý chí của một số người).
3.
Đến cữ mùa khô, hoa dã quỳ sẽ vàng rực
mọi ngả đường, mọi triền đồi vực suối Tây Nguyên. Nếu tinh ý lắng nghe, ta sẽ
thấy có tiếng chiêng thầm thì trong gió. Lúc khoan lúc nhặt, khi tỏ khi mờ,
tiếng chiêng len qua các ngọn núi, lách qua các tán rừng, tới các làng gần buôn
xa, tới người đang ở trong nhà kẻ lui hui trong rẫy. Tiếng chiêng vẳng vào thinh
không, đặc biệt ở những đêm trăng sáng, nó vang tới tận những đám mây ngũ sắc
đang lửng lơ giữa bầu trời vằng vặc trăng và lồng lộng gió... Mùa khô là mùa
người Tây Nguyên thường mở hội. Và tiếng chiêng là những âm thanh đầu tiên báo
cho Giàng, cho thần sông thần núi, thần nước thần lửa, báo cho người gần khách
xa biết rằng làng đang mở hội.
Trong những đêm mùa khô như thế, tiếng
chiêng vang rất xa. Chúng tôi, những kẻ lãng du thích không khí lễ hội, chỉ cần
nghe văng vẳng tiếng chiêng đâu đó là vùng dậy đoán hướng rồi nai nịt áo ấm và
đi. Cái cảm giác đi tìm chiêng nó vô cùng lý thú. Gió ào ạt, tiếng chiêng lúc
vẳng bên trái, lúc vang bên phải, lúc to lúc nhỏ, khi gần khi xa, lúc tưởng như
đã đến nơi rồi, lúc lại nghe mơ hồ tận đâu đó tít phía thâm u cùng cốc. Chốc
chốc lại phải đứng lại để định hướng. Và rồi chúng tôi cũng đến được nơi tiếng
chiêng đang phát ra. Đấy là một lễ bỏ mả vô cùng ngoạn mục và hoành tráng của
làng Tơ Tung, huyện K'Bang, Gia Lai...
Ta có thể hình dung thế này: Từ bao
đời nay, trong dòng thời gian dằng dặc có thể tính bằng hàng thiên niên kỷ,
những âm thanh của các bộ cồng chiêng Gia Rai, Ba Na, Sê Đăng, Ê Đê... đã hoà
chung với âm thanh của gió núi, của cây rừng, của suối nước, của buôn làng...
Người Tây Nguyên lấy các bộ chiêng làm thước đo tài sản. Các bộ cồng chiêng là
tài sản vật chất quý báu nhất của một gia đình hay một tộc họ. Và âm thanh cồng
chiêng là một nhân tố không thể thiếu được, một bộ phận hữu cơ trong đời sống
vật chất và tinh thần của cư dân địa phương. Cồng chiêng từ xa xưa nó có chức
năng thông tin. Có việc gì, chuyện vui chuyện buồn, thông báo giặc giã hay mùa
màng bội thu... họ đều dùng tiếng chiêng. Vì thế họ ví tiếng chiêng dài qua
chín núi, và có cả mái nhà sàn dài như tiếng chiêng. Cồng chiêng đón các em bé
trong tiếng khóc chào đời. Cồng chiêng nhịp cho các nam nữ thanh niên nhảy múa
vui chơi trong các hội mùa, cồng chiêng rộn rã trong lễ đâm trâu mừng chiến
thắng, thủ thỉ trong lời nhắn gửi với thần linh, cồng chiêng lại bi ai tiễn đưa
vong hồn về nơi ông bà, đất mẹ...
Cũng
phải nói ngay điều này: Không phải lúc nào cũng có thể mang cồng chiêng ra đánh
được. Phong tục quy định, chỉ được đánh chiêng trong những ngày lễ, hội cổ
truyền với vị trí là một trong những thành phần của nghi thức hành lễ. Ví dụ
người Ba Na quy định rất rõ ràng chỉ được đánh chiêng trong các dịp sau: 1/ Đâm
trâu mừng chiến thắng quân sự. Đây là hình thức hiến tế khá cổ. Nó thường được
tổ chức vào ngày thắng trận sau cuộc xung đột vũ trang với một tộc người nào đó
có nợ nần, bất hoà tới mức không thể giải quyết bằng thương lượng hoà bình
được. Lễ này diễn ra trong không khí sôi động, hào hứng của cả cộng đồng. Bài
chiêng Tơđrăng kết hợp với 2 điệu múa khiêl và loong deh làm thành một tổng thể
nghệ thuật đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình tượng thượng võ,
biểu dương tinh thần dũng cảm, ý chí chiến đấu, sự thông minh và khả năng võ
nghệ của các chàng trai Ba Na. 2/ Lễ đâm trâu tạ thần cầu an, gọi là tơ nơl.
Người Ba Na quan niệm: con người sinh ra bởi cha mẹ nhưng được chi phối chặt
chẽ bởi các vị thần và họ luôn được thần linh giúp đỡ nếu biết cầu cứu thần
linh. Và thế là nếu có điều gì xảy ra với dân làng như dịch bệnh, mất mùa, cháy
làng, bị xâm lược... họ đều cấu cứu thần linh. Và khi tai qua nan khỏi thì họ
làm lễ cúng cám ơn, trả ơn thần linh. Con trâu chính là vật tế tượng trưng, và
cồng chiêng thì đầy âm sắc vui tươi. 3/ Lễ Sa mơk, tức lễ ăn mừng lúa mới. Đây
là lễ có thể tổ chức ở từng gia đình, nhưng thường thì họ tổ chức cả làng vào
một ngày, rất vui. Đây là ngày họ tạ ơn nữ thần lúa có tên là Yang Sơri. Bài
chiêng đánh ở lễ này rất trữ tình, trong
sáng, uyển chuyển, ngân nga diễn tấu ở tốc độ vừa phải với sự phối hợp của tốp
múa các thiếu nữ Ba Na xinh đẹp, áo ló tay trần chân nhún nhẩy theo nhịp chiêng
tới từng nhà trong buôn. Và 4/ là lễ A Tâu (tang ma). Người Tây Nguyên quan
niệm có hai thế giới siêu thực là thế giới của những linh hồn đã chết và thế
giới thần linh đang trú ngụ ở thiên nhiên vạn vật. Hai lực lượng này có một tác
động rất lớn đến đời sống buôn làng. Vì thế các bài bản cồng chiêng sử dụng cho
hai thế lực này không bao giờ được dùng để đánh ở các dịp khác. Lễ tang chỉ
được khởi hành khi điệu chiêng Atâu cất lên cùng với tốp múa đưa người chết ra
nhà mồ. Nhạc chiêng Atâu nặng nề, ảm đạm, buồn bã như một bài hát buồn lắng
đọng ngân vang trong đêm, xoáy vào trái tim người sống... Trong tất cả các lễ
hội thì lễ bỏ mả của người Tây Nguyên là lễ lớn nhất. Ở lễ này người ta chỉ sử
dụng bài chiêng A tâu ở ngày mở đầu và kết thúc dựng nhà mồ, còn lại là hàng chục,
nhiều chục dàn chiêng của các làng lân cận kéo đến chia buồn (và cả chia vui,
có dịp chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này) cùng gia đình người chết. Thực chất đây
là dịp "đọ chiêng" để các làng thi tài với nhau. Vì thế bài bản
chiêng lúc này khá tự do, có thể đánh tất cả các kiểu Tơđrăng, Tơnơl, samơk. Và
thú vị nữa là lúc này xuất hiện thêm đội chiêng "ma" của chủ nhà.
Những người ở đội chiêng này mặc khố hở, trát bùn hoặc quấn lá đầy người và
đánh chiêng rất lộn xộn không đúng vị trí phát âm tạo ra một hệ thống âm thanh
loạn xạ, biểu hiện đúng là đội chiêng "ma", ngược với người sống...
3. Văn hoá của một dân tộc được đúc
kết từ hành trình sống của dân tộc ấy. Cái còn lại của con người chính là Văn
hoá. Văn Hoá Tây nguyên mang đậm dấu ấn cư dân của vùng đất ấy. Nó là khởi
nguyên cho tương lai. Và vì thế, hiểu sâu sắc về nó, tôn trọng nó... chính là
tiên lượng và tôn trọng tương lai...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét