Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

GIA LAI CÀ KÊ 17 - PLEIKU MỘT THỜI... NƯỚC



Ấy thế nên mỗi lần tắm là một lần linh đình như có tiệc, phải có sự kiện gì mới… tắm. Tôi nhớ mỗi khi đến lễ 30/4, 1/5, 2/9, tết âm lịch là chúng tôi lại long trọng rủ nhau đi tắm nước nóng. Rất long trọng bởi trước đó phải bàn. Hoặc là góp, hoặc là ai có lộc gì đó thì bao. Hồi ấy chả có lộc gì, mấy ông con trai lộc ngộc có đồng nào là chén ngay nên có lần phải tắm… chịu, tức là ký nợ. Tắm xong mới nói Chị Sâm ơi cho em nợ, mấy hôm nữa lĩnh lương em trả. Chị Sâm nghẹn ngào bảo: Nhớ trả cho chị em nhé, để chị trả tiền điện, tiền củi…
-------------



          Hôm qua vô tình gặp anh Hà Quang Khanh, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cấp nước Pleiku, hỏi anh bao giờ thành phố Pleiku có nước sạch 24/24, anh nói đang rất cố gắng, dù với địa hình Pleiku là rất khó bởi nó cao thấp không đều nhau, nên để lúc nào nước cũng phun 24/24 vào từng nhà như một số thành phố đồng bằng khác là rất khó… Thì là hỏi thế, bởi thấy anh là lại nhớ đến chuyện nước ở Pleiku một thời…

          Cũng chưa xa xôi gì. Chưa đầy 2 chục năm trước, ở Pleiku nước chỉ chảy tuần 1 lần, chỗ nào sang thì tuần 2 lần. Tôi ở khu tập thể ty Văn hóa Thông tin trên đường Trần Hưng Đạo, cả ty có 1 cái bể lộ thiên lúc nào cũng trơ đáy. Thi thoảng trưởng ty điều cái xe Zeep kéo cái rơ mooc trên để cái téc đi lấy nước về “cấp” cho cán bộ. Nhà ai có gia đình rồi thì có các thùng phuy, loại thùng đựng hắc ín, mua hoặc xin về, dùng chính hắc ín ấy, hoặc xi măng trát kín rồi đựng nước (Cũng không biết là dùng xi măng với hắc ín ấy đựng nước thì có độc không nữa, chỉ biết là nước khá trong), bọn độc thân thì đựng vào thùng gánh nước, dẫu độc thân ai cũng phải có đôi thùng gánh nước, và cái chậu, thậm chí đựng cả vào xoong, vào… tô để dự trữ.

          Hồi ấy cả Pleiku có hai nhà tắm nước nóng, mà lũ chúng tôi tự quy định cho mình, chỉ khi nào lễ, tết, hoặc mùa đông đi công tác về mới dám xuất… ví ra đấy tắm. Một nhà tắm ở đường Phan Bội Châu và một ở đường Nguyễn Du, chúng tôi hay ra Nguyễn Du vì gần và chủ là chị Sâm, nhân viên xí nghiệp in, cùng ngành.

          Hồi ấy việc đầu tiên của bất cứ ai khi làm nhà là… đào giếng. Nhà ai cũng có cái giếng quay tay. Quay tay chứ chưa có điện như sau này đóng cầu dao cái nước lên ào ào. Cái tiệm tắm nước nóng của chị Sâm cũng… quay tay kéo nước lên  và nấu nước nóng bằng… củi. Có hệ thống điện nhưng điện rất yếu, chỉ lờ mờ như con đom đóm nên chủ yếu cứ có khách là chị lại kêu người nhà nấu nước. Tôi cũng không hiểu là chị thiết kế cái hệ thống nấu nước bằng củi thế nào mà nước nóng vẫn lên vòi sen, và lũ chúng tôi, khi đã trả tiền để tắm thì… xài cho đã, giặt cả đồ bằng nước nóng, kết quả là quần áo nhăn nhúm, về lại phải vật nài cánh con gái ủi giúp, và chúng vừa ủi vừa rên vì rất khó ủi.

          Mùa khô là mùa lạnh, mà lại bụi mù nên người lúc nào cũng dính đất. Hình dung hồi ấy đường đất đỏ nhiều hơn đường nhựa bây giờ, mỗi khi gió nổi lên, mà mùa khô thì gió cuồn cuộn, là bụi đỏ từng cây như cái lưỡi quét trên đường. Thế mà nước hiếm, con trai độc thân lại lười, hay… quên tắm. Và mỗi khi tắm có khi chỉ cần 1 chậu nước. Thế mà rồi cũng khôn lớn lên thành người như hôm nay.

          Ấy thế nên mỗi lần tắm là một lần linh đình như có tiệc, phải có sự kiện gì mới… tắm. Tôi nhớ mỗi khi đến lễ 30/4, 1/5, 2/9, tết âm lịch là chúng tôi lại long trọng rủ nhau đi tắm nước nóng. Rất long trọng bởi trước đó phải bàn. Hoặc là góp, hoặc là ai có lộc gì đó thì bao. Hồi ấy chả có lộc gì, mấy ông con trai lộc ngộc có đồng nào là chén ngay nên có lần phải tắm… chịu, tức là ký nợ. Tắm xong mới nói Chị Sâm ơi cho em nợ, mấy hôm nữa lĩnh lương em trả. Chị Sâm nghẹn ngào bảo: Nhớ trả cho chị em nhé, để chị trả tiền điện, tiền củi…

          Đến khi tôi có vợ con rồi, ở trong khu tập thể, thì cái chỗ quan trọng nhất là dành cho mấy cái thùng phuy đen thù lù. Ưu tiên số một là để nấu cơm, số hai là mấy ông lợn, mùa nóng phải tắm cho các ông ấy nhanh lớn. Rồi mới đến con, đến mình. Giặt đồ thì dứt khoát vợ phải bưng chậu xuống bể công cộng. Nước trong thùng phuy ấy là hoặc chồng đi gánh, hoặc thuê. Hồi ấy có mấy người chuyên đi gánh thuê nước, tôi nhớ 2 người, một là một người đàn ông to béo nhưng dở người, tên Nhân, và 2 là chị Hơ B Lơng, nguyên là diễn viên đoàn văn công Đam San, về hưu đi gánh nước thuê kiếm thu nhập thêm… Trong số các thùng phuy ấy thì bao giờ cũng dành một cái để chứa nước bẩn. Nước này dùng để tưới rau. Nuôi lợn bao giờ cũng phải kèm với rau lang. Tất cả những chỗ có thể nậy lên trồng khoai lang đều được nậy lên để trồng, và tưới chúng bằng nước bẩn trữ lại ấy…

          Là ngồi lan man với anh Khanh mới thấy so với giờ một trời một vực, dẫu hiện tại chủ yếu nước sạch cũng vẫn mới chỉ chảy nửa ngày. Nhưng giờ đã có các phương tiện hiện đại chứa nước trên nóc nhà, và hầu như mọi người đã quên những cái giếng vĩ đại một thời, có cái đào ngay trong nhà, sâu hàng ba bốn chục mét, đậy bằng nắp xi măng hoặc gỗ, trông cứ rờn rợn. Hồi ấy có hẳn những xưởng cơ khí nhỏ chuyên sản xuất cái cần quay tay kéo nước. Một cô bạn tôi từ đồng bằng lên, ra giếng giặt đồ, quay nước bị cái cần ấy quật lại, gãy tay phải bó bột lủng lẳng cả tháng trời, nhớ đời mùa khô Pleiku.

          Bây giờ tìm được cái cần quay nước ấy có khi còn khó hơn tìm người… lười tắm. Cái cần ấy bao giờ cũng gắn chặt với cái thùng gánh nước bằng tôn nối nhau bằng sợi cáp nhỏ nhưng dẻo, và miệng cái thùng ấy lại gắn với một quả gang, để khi thả xuống nó chìm xuống cho nước vào. Và điều này nữa, là khi thả thùng xuống khó hơn khi quay nước lên. Cái cô bạn đồng bằng kia gãy tay là khi thả thùng xuống giếng…

          Thành phố Pleiku có khi nên có một khu bảo tồn lại những hiện vật một thời kẻo rồi sau này, hàng tấn chữ xuất ra cũng không diễn tả được những vật rất bình thường thời ấy…
                                                                   

2 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Hồi những năm bảy mươi, bọn tôi học ở Hà Nội, cũng thiếu nước lắm. Nhà trường phải khoan giếng, nước vàng khè và tanh mùi sắt. Nước ấy mà giặt quần áo thì cứng như mo nang, chả khác gì áo giáp. Một hôm, trường mời văn công vào diễn. Mấy đứa trốn xem văn công, lần ra bể nước tắm truồng. Bỗng nhiên, nghệ sỹ Thu Hiền cất tiếng lảnh lót bên thềm: "Các anh ơi, cho em xin gầu nước". Cả bọn tá hỏa nhảy "tùm" vào bể. Thu Hiền hỏi rằng sao? Có đứa láu cá, nhanh trí trả lời là rơi gàu, đang mò...
Về sau, lên công tác ở Mèo Vạc (Hà Giang) thì nước quý như vàng.
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

Thảo nào dạo này ít khi thấy Văn Công Hùng bàn về chuyện nước nữa