Thứ Năm, 2 tháng 4, 2015

TỪ NHỮNG CÁI CHẾT ĐAU LÒNG



. Khi ở nhà, cần đào giếng cũng anh ta, cần đóng cái chuồng gà cũng anh ta, cần sửa xe cũng anh ta, cần lợp lại bếp cũng anh ta… lúc nào rỗi thì làm, nhẩn nha vừa làm vừa uống nước hút thuốc… giờ, mỗi người chỉ một việc, một công đoạn, chính xác và cực đoan đến chi li...




          Hòa bình từ lâu rồi, nhưng nước ta vẫn thường xuyên phải chứng kiến những cái chết rất đau lòng.

          Tai nạn giao thông là ví dụ.

          Tai nạn lao động cũng là ví dụ nữa.

          Mới nhất là vụ tai nạn khủng khiếp ở Formosa (Khu kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Vụ này đã làm chết 13 người và 30 người khác bị thương. Và, nó không phải là vụ duy nhất, cũng không phải là cá biệt, hầu như hàng ngày, không chỗ này hay chỗ kia, ta cũng đều nhận được những thông tin đau lòng ấy…

          Các nước có tai nạn lao động không? Có. Chắc chắn thế, nhưng chỉ là cá biệt, là hãn hữu, là những lý do bất khả kháng, chứ không có những cái chết lãng xẹt như ta.

          Bây giờ thì mặt trái của “thị trường nhân công rẻ” mới lộ mặt.

          Những công nhân gót chân còn dính bùn, mang đầy tư tưởng nông dân với cái thói quen ngất ngưởng, tự do, ta là ta không ai can thiệp được, thói quen vô trách nhiệm với mình dù luôn luôn vun vén cho mình… bước vào đời sống công nghiệp với những khe khắt của đời sống hiện đại, của sự chính xác và tính kỷ luật cao, sự tự giác thay cho tự phát, sự phối hợp nhóm, chuyên môn hóa cao thay cho một mình có thể làm được tất cả… khiến cho họ bị hụt hẫng mà lại không được đào tạo một cách bài bản, cả về kỹ năng sống lẫn kỹ thuật lao động, không thích nghi kịp với đời sống công nghiệp. Khi ở nhà, cần đào giếng cũng anh ta, cần đóng cái chuồng gà cũng anh ta, cần sửa xe cũng anh ta, cần lợp lại bếp cũng anh ta… lúc nào rỗi thì làm, nhẩn nha vừa làm vừa uống nước hút thuốc… giờ, mỗi người chỉ một việc, một công đoạn, chính xác và cực đoan đến chi li.

          Phía các ông chủ thì lợi dụng việc ấy để… lơ việc phải bỏ kinh phí đào tạo công nhân, thậm chí lơ cả bảo hiểm của họ, chỉ nhăm nhăm tăng ca chồng việc. Sau vụ Vũng Áng thì các phóng viên mới phát hiện phía chủ vừa hấp tấp đi mua bảo hiểm cho công nhân, trước đó, họ lờ tịt, và công nhân thì, chả được ai tư vấn, nên cũng chả biết đường mà hỏi… Nên cuối cùng, người thiệt trong các vụ tai nạn lao động chính là các công nhân, những người nông dân nghèo, lên phố kiếm công ăn việc làm, có việc gì làm nấy. Những công nhân bị nạn trong vụ Vũng Áng phần lớn là mới được tuyển mười mấy ngày khiến ta hình dung, gọi là công nhân đấy, nhưng họ cũng chả khác gì mấy anh nông dân hết ruộng vạ vật ở vỉa hè Giảng Võ làm thợ đụng. Sau cái xe máy là cái thùng đồ nghề, đủ để ai kêu việc gì cũng làm được, tiền trao cháo múc, được việc nào xào việc nấy thì lấy đâu mà tay nghề, lấy đâu mà bảo hiểm, lấy đâu mà an toàn lao động…

          Những vụ tai nạn lao động vẫn và sẽ tiếp tục diễn ra nếu như hiện trạng cả ông chủ và công nhân chúng ta vẫn như cũ. Đời sống công nghiệp đòi hỏi phải có những con người tương thích với nó. Mang thói quen ruộng đồng vào khu chế xuất rõ ràng là có hại cho cả 2, cả công nhân và giới chủ. Người Việt có thói quen này cũng rất lạ, ấy là khi tham gia giao thông thì sợ… công an, thấy công an là trốn, phóng xe bỏ chạy rất nguy hiểm, mới nhất là 3 cô gái chở nhau trên một xe không đội mũ bảo hiểm, gặp công an bỏ chạy, tông vào tường, 1 chết 2 bị thương. Còn khi lao động thì sợ thanh tra lao động. Lẽ ra tự trang bị bảo hộ cho mình thật tốt thì việc gì phải sợ ông thanh tra nào, cũng như thế, hãy chạy xe đúng luật thì có cảnh sát hay không cũng vậy thôi… Nên lâu lâu ta lại nghe đến công nhân điện cũng bị điện giật. Lại nhớ lần đi thăm công trình nút giao ngã ba Huế ở Đà Nẵng, khi được phát mũ bảo hiểm, có mấy ông nhà văn cứ cầm ở tay không chịu đội. Giám sát công trình cương quyết không cho vào dù đây là khách VIP…
                                                                 
 

4 nhận xét:

nhatrang nói...

Hỏi nhờ bác chút. K biết bo Lập QC đã được ra chưa bác hè? Sức khỏe như thế nào bác nhỉ

Văn Công Hùng nói...

@ Nha Trang:
Theo tôi biết thì bọ khỏe, vẫn ở nhà mình,đi đâu thì... xin phép, như vừa rồi đi dự đám cưới con 1 người bạn.

Nặc danh nói...

vô trách nhiệm với chính mình....công cái ll...

Nặc danh nói...

Đừng trách cứ người lao động vì những thói quen như thế mà hãy xem lại vai trò trách nhiệm của nhà quản lý các nghành từ nhà nước,tổ chức CTXH,BHXH...thì đúng hơn.Cũng như anh là người làm nghề viết,trước kia anh làm nghề với cái bút và tập giấy ,bây giờ anh làm nghề với cái laptop thì anh phải học cách sử dụng nó.Anh học ở thầy,học ở bạn rồi mới sử dụng thành thục.Còn những người lao động ở các công trường xí nghiệp(ví như ở Formosa họ đâu có được thời gian đào tạo mà phải bập ngay vào công việc,phải tăng ca tăng giờ như một người lao động đã nói"nếu không tăng ca lấy gì mà bỏ vào mồm".Như vậy lỗi này đâu phải thuộc về họ,xin đừng phán xét họ khi mà phần lỗi thuộc về họ chỉ là một phần rất nhỏ.Hãy để họ được thanh thản ra đi khi mà số phận nghiệt nghã đã bắt họ rời xa những gì thân thiết nhất,hoặc không may phải sống với cuộc đời còn lại trong cảnh tật nguyền không đáng có