-------------
Khai quật được bài này từ năm 2009, bảo đảm là... hay, hihi. Ai đọc rồi thì thôi, chưa thì nên đọc. Nhà cháu sẽ tìm và khai quật bài nữa, cụ thể hơn, nhan đề là "Tây Nguyên và bô xít" cũng viết từ hồi ấy...
TÂY NGUYÊN THÁNG TƯ NÀY...
Đang là những ngày đẹp nhất ở Tây nguyên. Hoa Pơ lang từng cây cô lẻ đỏ rực trên những con đường xuống các buôn làng. Không thể ngồi yên trong nhà giữa những ngày này, tôi làm một cuốc giang hồ vặt. Chả chuẩn bị gì, dắt cái máy ảnh vào người, tôi phóng về K'Bang, một huyện phía đông của tỉnh Gia Lai.
Đây
nguyên là chiến khu trong kháng chiến chống Mỹ. Cơn sốt rét rừng đầu
tiên trong đời tôi diễn ra tại đây khi tôi tháp tùng nhà văn Nguyên Ngọc
và ông Núp về xã Kroong, nơi ngày xưa bộ đội và cán bộ đặt tên là thị
trấn Dân Chủ, là đầu não của tỉnh ủy hai tỉnh Gia - Kon trong kháng
chiến chống Mỹ. Hồi ấy đi từ Pleiku về đến Kroong mất đúng một ngày. Tối
nhọ nhẹ mặt người thì chúng tôi đến nơi, thấy rừng âm u, cây to lừng
lững rêu phong chọc trời, nhà sàn ngơ ngác trong hoàng hôn. Dân làng
khiêng đến một chú vàng đãi bác Núp. Không có gia vị gì ngoài mấy củ sả
rừng và muối. Không ai biết làm gì, trừ tôi. Thế là tôi thành đao phủ và
đầu bếp bất đắc dĩ. Bốn tiếng đồng hồ lui hui bên bờ suối với một đống
lửa và cây đèn pin, chú cầy đã trở thành một nồi thịt thơm phức trong
cái đói cồn cào vì lúc này đã gần mười một giờ đêm. Tôi làm mồi cho lũ
muỗi đói ở chính con suối này và mang mầm sốt rét về nhà, chỉ một tuần
sau chuyến đi là tôi sầm sập sốt. Bây giờ chỉ ba tiếng xe máy tôi đã có
mặt ở Kroong. Nơi xưa ấy, giờ cứ như lạ như quen. Nhà nhiều như nấm,
nắng chan hòa, chả thấy rừng đâu. Nhưng bù lại thấy học trò đến lớp,
thấy người đông đúc trên đường, thấy váy áo mới phơi đầy các cành cây.
Chả tìm thấy chỗ ngày xưa ngồi làm thịt cầy, tôi sà vào một quán cà phê.
Đây là nhà của một cặp vợ chồng giáo viên trẻ. Họ dành ra cái chái có
bóng mát của một cây pơ lang kê mấy cái bàn chục cái ghế bán đủ thứ. Thế
mà thấy thanh niên Ba Na ngồi đông phết, có chàng còn rút điện thoại
trong túi ra, mở nhạc, bỏ lên bàn, gác chân lên ghế mắt mơ màng nhả
khói. Chắc chàng đang nghĩ uống cà phê nhạc như thế thua quái gì mấy
quán ở phố, mà ở đây lại còn phong cảnh tự nhiên hữu tình...
Quán cà phê của vợ chồng thầy giáo trẻ, mình ngồi đây uống cà phê. Cái cây này là cây pơ lang mới bị phát bớt cành.
Chụp
ở nhà lưu niệm anh hùng Núpở làng Kông Hoa cùng với Trung, trưởng phòng
kinh doanh Viettel, người tặng mình cái sim đẹp có số cuối 423234, và
như thế tức là nó bỏ bom bắt mình mua thêm một máy nữa. Tổn thất này vô
cùng lớn lao.
Hôm nay làng có một cái lễ nhỏ. Một cái lễ bỏ mả trong phạm vi hẹp. Đi
qua tôi thấy một chú bê đã thui xong, nằm tênh hênh. Hơn chục ghè rượu
đã buộc và một tốp chiêng đang tấu. Chưa thấy các thiếu nữ xoang, tôi
hỏi thì được biết các cô đang còn loay hoay với váy áo. Lâu ngày không
dùng đến, thi thoảng có việc mới khoác thì người ngắn người dài, người
rộng người chật là cái chắc, thế thì phải đổi nhau, rồi thậm chí là đi
mượn. Thi thoảng tôi có đi theo các nghệ sĩ nhiếp ảnh xem họ hành nghề,
và mới thấy cái sự nhiêu khê của váy áo. Quả là phụ nữ dân tộc bây giờ
kiếm được một bộ váy áo cho ra đúng với bản chất của nó khó cũng giống
như kiếm một ông chồng thời nay không... sợ vợ. Phần lớn váy áo của phụ
nữ Tây Nguyên bây giờ là... mua ngoài chợ, mà các ông nhiếp ảnh lại đòi
phải là váy áo zin, thế là nháo nhào khắp làng để đi mượn. Nhiều ông sốt
ruột tự chạy đi... thuê về cho người mẫu mặc. Đời sống hiện đại lên,
hiếm có bà có cô nào còn đủ kiên nhẫn ngổi tỉ mẩn cả tháng trời, thậm
chí là mấy tháng để dệt váy dệt áo. Hàng dệt bằng máy bán đầy chợ mà lại
rẻ, mà lại xanh đỏ tím vàng đủ cả... Thế nên cái việc ông Đinh Viêu
được hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong danh hiệu nghệ nhân dân gian
là một tín hiệu vừa vui vừa... buồn.
Đinh
Wiêu nay đã bảy mươi tuổi rồi. Ông là một nghệ nhân rất lạ. Thường thì
người ta giỏi cái gì thì chỉ giỏi sâu cái ấy, và như thế là quá quý rồi.
Đằng này ông giỏi tuốt. Ông có thể đan lát rất giỏi, từ gùi cho đến các
đồ bắt cá, bẫy chim, bắt thú... Là một trong không nhiều những người có
thể chỉnh chiêng ở Tây Nguyên. Nghệ nhân lên dây chiêng (chỉnh chiêng)
hiếm vì nó vô cùng khó, chỉ bằng đôi tai và bàn tay gõ mà có thể chỉnh
âm cho chiêng chính xác đến kinh ngạc. Hiếm và quý đến mức năm kia bộ
Văn hóa phải tổ chức nguyên một cái liên hoan gặp gỡ những nghệ nhân
chỉnh chiêng của 5 tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh lân cận tại Pleiku. Ông
còn là người hơ a mon rất giỏi. Cái món mà người Kinh chúng ta gọi là kể
khan ấy. Nó đòi hỏi người kể vừa phải có trí nhớ trác tuyệt, có khả
năng kể và diễn nữa. Chưa hết, ông còn là nghệ nhân chế tác và biểu diễn
nhạc cụ rất tài. Dưới tay ông, đoạn trúc, ống vầu... đều trở thành
những Klong Put, Đinh Yơng, T'rưng, K'ní... cái lá trên cây nó là cái
lá, ông ngắt cho vào mồm nó thành tiếng lòng nỉ non thánh thót khiến bao
nhiêu thiếu nữ xiêu lòng thổn thức, vén sàn nhìn xuống, tim đập râm
ran... Tôi có cảm giác ông như một người khổng lồ chứa trong bụng mình
nhiều người đàn ông Tây Nguyên tài hoa khác. Thế nhưng bây giờ thì ông
cũng già rồi, tay chậm mắt mờ rồi, ông sắp trở thành một thứ đồ cổ,
người cần ông thì ở xa, còn trong cộng đồng, người ta thấy ông cũng...
thường thôi... Sở dĩ tôi nhắc đến ông là vì chợt nhớ là ông đương sống ở
vùng này. Thì cũng chợt mà nhớ ra vậy chứ chả ghé thăm được, bởi đơn
giản cứ lóe cái gì ra trong đầu là lại cũng sà lại, sán đến, ghé vào...
thì nó chả còn là giang hồ vặt nữa rồi, mà là giang hồ... vĩnh viễn, có
khi rồi mà quên mất đường về, chưa nói đến cái tình của những người đàn
ông Ba Na, cái mơ hồ quyến rũ mà nồng nàn hút hoắm của đàn bà Ba Na, mà
chỉ mới cái ngao ngát lâng lâng của cái hương cái men cái sóng sánh của
rượu cần cũng đủ khiến ta nhìn chiều ra đêm thấy trưa ra sáng thấy một
thành năm thấy một ngày thành một phút một đời thành một đêm...
Ở
vùng phía đông của các tỉnh Tây Nguyên đang có một sự kiện lớn mà nó có
thể biến đổi toàn bộ đời sống xã hội của cư dân vùng này nhưng ít được
nhắc đến, ấy là việc nhà nước đang giao cho Bộ Quốc Phòng mở con đường
Trường Sơn đông. Đây là một tuyến quốc lộ mới chạy giữa đường Hồ Chí
Minh và tuyến Quốc lộ 1A, có tổng chiều dài là 667km, được xác định là
một tuyến đường chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội, củng cố
quốc phòng, an ninh trên địa bàn khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo
thiết kế, đường Trường Sơn Đông sẽ có điểm đầu nối với đường Hồ Chí
Minh tại thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam), điểm cuối
của tuyến đường là cầu Suối Vàng (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Như
vậy, tuyến đường Trường Sơn Đông sẽ chạy qua 7 tỉnh bao gồm: Quảng Nam,
Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc và Lâm Đồng, trong đó
đoạn chạy qua tỉnh Gia Lai là dài nhất với 239km... Dự kiến năm 2010 con
đường sẽ chính thức hoàn thành. Thì hiện tôi đang chạy xe trên con
đường Trường Sơn đông ấy đây. Tất nhiên là không ngon như đường Hồ Chí
Minh cũng chạy qua tỉnh Gia Lai mà bây giờ phần lớn xe bắc nam toàn chọn
nó để đi vì tốt và ngắn, nhưng đường Trường Sơn đông thực sự là một
cuộc đổi đời đối với những cư dân vùng này. Những người dân ở đây đa
phần là ở vùng căn cứ cũ của cách mạng, sau chiến tranh họ trở thành
người ở vùng sâu vùng xa. Ở sâu đến mức mà gần ba mươi năm sau giải
phóng vẫn còn một xã ở huyện K'bang này là xã Kon Pne chưa có đường vào,
người dân ở cô lập như ốc đảo, cô lập đến mức cận huyết, người lùn tịt
mét mốt mét hai. Cô lập đến mức, cả xã chỉ có một máy điện thoại khóa
cứng ở nhà chủ tịch, khi nào khẩn cấp mới được gọi vì nó là điện thoại
vệ tinh, mà nghe nói chỉ có vài nơi ở Việt Nam được dùng vì một cú gọi
cực đắt. Muốn vào Kon Pne chỉ có duy nhất một con đường mòn, đi bộ một
ngày thì tới, mà núi cao thăm thẳm, mà vực sâu hun hút, mà chênh vênh,
mà hiểm trở. Sau đó, năm kia năm kìa, hồi tiền còn có giá ấy, tỉnh Gia
Lai bỏ ra gần hai chục tỉ để làm con đường vào xã, tính trên đầu người
thì nó là con đường đắt nhất thế giới vì cả xã này chỉ có ba làng với
tám mươi nóc nhà. Người ta tính chỉ cần bỏ ra một phần nhỏ trong số tiền
làm con đường này là có thể đưa cả cái xã tám mươi nóc nhà kia ra định
cư ở một địa điểm mới hoành tráng và thuận tiện, đầy đủ tiện nghi...
Tây
Nguyên bây giờ đường ngang dọc như mắc cửi. Nhớ hồi 75, để tháo chạy
xuống đồng bằng, lính Sài Gòn từ Kon Tum, Đăk Lăk, Gia Lai chỉ có con
đường duy nhất là đường 7, tức đường 25 bây giờ, nối từ ngã ba Mỹ Thạch
xuyên qua Ayun Pa, Krông Pa xuống Tuy Hòa, nhờ thế mà quân đoàn ba của
ta đã có một trận đánh chặn để đời, trở thành một trong những trận đánh
kiểu mẫu của lịch sử quân sự Việt Nam. Bây giờ thì các đường xương cá,
mà toàn đường tốt, vừa nhiều vừa thuận tiện giúp nối ngắn các chuyến
hành trình. Từ Pleiku lên xe khách giường nằm êm ru mát rượi lúc tám giờ
tối, ngủ một giấc năm giờ sáng đã thấy mình ở thành phố Hồ Chí Minh.
Sắp tới nếu triển khai dự án Bô xít Tây Nguyên thì sẽ còn đường sắt. Ban
đầu chưa có Bô xít nghe đâu dự án đường sắt sẽ là Tuy Hòa- Krông Pa- Mỹ
Thạch. Sau này thì lại Đăk Nông- Bình Thuận để phục vụ Bô xít. Nhân nói
đến Bô Xít lại nhớ, bây giờ đi xuống các địa phương phía nam Tây Nguyên
ta rất hay gặp người... nước ngoài. Nhưng đây không phải nước ngoài du
lịch, cũng không phải Tây ba lô, mà trông họ... nhếch nhác lắm. Thì ra
đấy là... công nhân bô xít... nhập ngoại. Cái chuyện bô xít này chưa
biết ngã ngũ như thế nào nhưng thấy lòng dân có vẻ bất an lắm. Mấy năm
phát triển, rừng ào ào trụi, giờ lại thêm bô xít. Cái nhỡn tiền là môi
trường- không chỉ là môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái thông
thường, mà nó là cả môi trường văn hóa, bị xâm hại, không chỉ bị xâm
hại, có nhà văn hóa còn bảo, nó sẽ bị phá hủy. UNESCO công nhận không
gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chứ có phải chỉ riêng cồng chiêng là
di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đâu. Có mấy nhà văn cũng đã có
thư ngỏ gửi các cơ quan có trách nhiệm bày tỏ quan ngại về vấn đề này
rồi...
Ảnh này khuyến mãi, mình chụp hai đứa học trò hồi nhờ chúng nó đi làm phim "Lãng mạn dã quỳ" do mình viết kịch bản và lời bình, hehe
Cả năm tỉnh Tây Nguyên bây giờ có 3 thành phố là Đà Lạt, Buôn Ma Thuột
và Pleiku. Ba thành phố này cùng với gần chục thị xã làm thành chuỗi đô
thị Tây Nguyên đầy bản sắc. Đã qua cái thời mà nhắc đến Pleiku hay Buôn
Ma Thuột người ta không biết nó ở... nước nào rồi. Một Đà lạt thơ mộng
quyến rũ, một Buôn Ma Thuột phát triển nhưng vẫn kiêu sa, một Pleiku
lãng mạn bí ẩn, một Kon Tum cổ kính khiêm nhường... Tháng tư này Pleiku
kỷ niệm 80 năm thành lập và nhận quyết định lên đô thị loại II. Hồi
chiến tranh chống Mỹ, tôi biết chắc chắn có hai nhà văn Việt Cộng đã
từng vào tận trung tâm đô thị dày đặc lính Mỹ này. Đúng ra hồi ấy cả hai
ông đều chưa phải là nhà văn, mà đều là bộ đội. Một ông là tình báo kỹ
thuật và một ông là bộ đội địa phương. Người ta kể Pleiku hồi ấy là một
thị xã của lính, bảy tám mươi phần trăm dân số là lính. Toàn bộ hoạt
động của đô thị này là chỉ để phục vụ lính và bộ máy chiến tranh. Thị xã
bé tí mà chứa đến một quân đoàn và một quân khu, chưa kể các đơn vị
lính lẻ khác. Hồi tôi lên Pleiku, nhà cửa vẫn chỉ là những khu gia binh
tạm bợ, những con đường đất đỏ nhiều hơn nhựa, những vỉa hè lở lói...
nhưng cây xanh thì tuyệt vời, sương mù thì tuyệt vời, khí hậu thì tuyệt
vời... những thứ ấy giờ là của hiếm vì sự phát triển đương nhiên của đời
sống. Sau giải phóng một thời gian, có mấy bác ngồi với nhau trong một
hội thảo khoa học hẳn hoi, bảo rằng thông già cỗi quá rồi, tàn dư quá
rồi... cần phải thay bằng một loại gì nó non tơ và vươn tới... thế là có
một quyết định phá thông trồng bàng ra đời. Mấy chục năm sau lại phải
một cuộc cách mạng phá bàng trồng thông. Bây giờ mấy ngàn cây thông di
thực mười mười lăm năm tuổi đang vươn cao mỡ màng trên nền trời Pleiku,
trả lại cho thành phố cái dễ thương một thuở: Phố núi cao phố núi
đầy sương/ phố núi cây xanh trời thấp thật buồn/ anh khách lạ đi lên đi
xuống/ may mà có em đời còn dễ thương... em Pleiku má đỏ môi hồng/ ở đây
buổi chiều quanh năm mùa đông/ nên mắt em ướt và tóc em ướt/ da em mềm
như mây chiều trong...
Pleiku 19/4/2009.
Bài đã đăng báo Văn Nghệ số 30/4/2009
Pleiku 19/4/2009.
Bài đã đăng báo Văn Nghệ số 30/4/2009
---------
3 nhận xét:
Mình nhớ, hồi ấy, mình tham gia ký tên phản đối dự án tai hại này. Tất nhiên là bị hệ lụy, nhưng không thể đứng ngoài nhìn Tây Nguyên đau thương.
Vũ Xuân Tửu
Em đẹp thế Pleku ơi
Trái tim anh như vỡ tan rồi
Không dám nhìn vào đôi mắt ấy
Đôi mắt Pleku Biển hồ đầy
Hồi trước có lần lên làm việc ở đây , nhà máy bia Pacipic đường Nguyễn viết Xuân gần chùa Thầy Năm đó Bác . Thành phố Pleku có đặc thù là đồi núi nhấp nhô ,con người nơi đây rất thân thiện mến khách . Khí hậu nơi đây rất lạ , ban ngày thì nắng chói chang, còn về đêm thì rất lạnh . Đẹp nhất là khi chiều xuống trên Biển Hồ,sương lãng đãng bay bay Phố núi nhưng toàn người kinh không , người dân tộc họ trốn đi đâu hết thì phải ,cây cối rất ít, toàn đồi trọc trồng cà phê cây lúp xúp , bù lại các quán cà phê , quán thịt rừng rất ngon , còn món cơm cháy ăn cùng rượu nếp than thì không bao giờ quên được . Nay đọc bài viết về vùng đất nay của Bác , lại nhớ tới thành phố nhỏ bé này. Chúc Bác một đêm đầu tuần vui vẻ
năm 2009, mà theo bài của bác thì thổ cẩm - dệt cổ truyền, đã ko còn, cồng chiêng đã hết, ng dân qua ảnh của bác còn nghèo quá, tại sao? tại ai? từ bao giờ, năm nào nhỉ? nhà ngụ cư Tây Nguyên viết giùm cho mọi ng biết
Đăng nhận xét