Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

TẾT SÀI GÒN




          Nói là ăn tết thế chứ có vẻ như người Sài Gòn chơi tết nhiều hơn.

          Cũng như Hà Nội, tết là những ngày Sài Gòn được vắng vẻ hẳn, không còn cảnh người nối người, xe bám xe trên đường, ùn tắc bất cứ lúc nào, ở đâu. Nên sáng mùng 1 nhiều người Sài Gòn mở cửa rồi tròn mắt ngạc nhiên vì phố vắng, rồi lấy xe chạy một vòng cho… sướng.


          Tại vì, đa phần người Sài Gòn đã về quê ăn tết, số còn lại thì phân nửa rủ nhau đi du lịch. Du lịch là một cái thú của dân Sài Gòn. Ngày thường đã đi thì ngày tết lại càng đi nhiều.

          Tôi, ngược lại, vào Sài Gòn ăn tết, lần đầu tiên ăn tết phương Nam, hưởng cái tết không lạnh, không mưa phùn, tết mà nắng chang chang. Nhưng cũng may, tết năm nay Sài Gòn không nắng lắm, thậm chí buổi sáng sớm còn se se gió.

30 tết ở Thủ Đức
          Dân Sài Gòn phần lớn ăn tết… ngoài đường. Sáng ra khỏi nhà, ăn sáng cà phê rồi đi chơi. Trưa ghé nhà hàng nào đó tùy túi tiền và khẩu vị. Ngay cả chiều cũng thế, trước khi về nhà ghé đâu đó ăn rồi về. Mời bạn bè cũng thế. Có thể vào nhà làm vài ly rượu, rồi mời bạn ra nhà hàng. Trưa mùng một tết, tại sân Golf Thủ Đức tôi vẫn thấy rất nhiều người chơi giữa nắng chang chang, và cái nhà hàng của sân Golf  ấy cũng đông nghìn nghịt. Một cuốc tắc xi từ đấy về lại trung tâm thành phố là 500 ngàn thế mà vẫn rất đông tắc xi kiên nhẫn đậu chờ khách gần khu vực xe riêng của khách, cũng rất nhiều. Nhưng những người Bắc ở Sài Gòn thì vẫn giữ phong tục xưa, kể cả từ món ăn. Tôi được cô em họ mời ăn cơm trưa, và cơm thì có cả món canh cá rau cần miến, một món đặc sản đất Ninh Bình quê ngoại tôi. Tất nhiên trong mâm còn không thể thiếu món hành muối trắng nõn, thịt đông, giò lụa, nem rán…

Tết ở nhà nhà thơ Trương Nam Hương. Từ trái qua: NT Trương Nam Hương, nhạc sĩ Hữu Xuân, NT Quang Chuyền, NT Đặng Nguyệt Anh, NT Nguyễn Vũ Tiềm, NT Trần Mạnh Hảo, NT Thanh Tùng, thầy giáo THái Huy Lĩnh, VCH




Tôi ở tầng 11 một chung cư trên đường Tân Hương. Cứ tầm 5 giờ sáng, một người phụ nữ bán cà phê bên kia đường lại mở cửa nhà, và việc đầu tiên của chị là bốc một nắm gạo, băng qua đường sang bên sân chung cư rắc nắm gạo ấy cho chim. Những con chim sẻ, chắc bị đánh lừa bởi ánh sáng đèn đường, dậy từ lúc nào cứ lích chích đầy sân, giờ xúm lại ăn gạo người phụ nữ rắc. Sáng nào cũng thế. Và cũng cữ ấy, cái ngã tư phía trên lác đác người, nhưng thấy đèn đỏ tất cả vẫn đều dừng lại, rất tự giác. Có lúc tôi thấy có mỗi một người, vẫn dừng chờ đèn xanh. Cái ý thức nó ăn sâu vào người thành một thói quen, khiến người ở các nơi khác về ngạc nhiên, chứ người Sài Gòn thì không.
          
Các Facebooker Thái Huy Lĩnh, Nguyễn Nguyên Hùng và Phương Phương thăm nhà cháu dể rồi lôi nhà cháu đến nhà ông bà nhà văn Kao Sơn-Hoàng Phương Nhâm

          Dân Sài Gòn có vẻ cũng ít đi thăm nhau. Trừ thật thân hay bà con huyết thống, còn thì  đi chơi là chủ yếu. Muốn gặp nhau thì hẹn ở đâu đó, tập trung vào giờ ấy, hoặc uống cà phê hoặc ăn uống. Kiểu ăn tết này có vẻ… văn minh hơn, hợp với sức khỏe hơn. Cứ nghĩ cái cảnh rồng rắn lũ lượt vào từng nhà, mỗi nhà một ly, chục nhà là mặt mày đỏ kè, đầu nhức như bị chẻ vì mỗi nhà mỗi ly khác nhau, mà thấy kinh. Tất nhiên ngày tết thăm nhau là mỹ tục từ xưa, nhưng hình dung mới gặp nhau hôm 30, chia tay chia chân, tất niên hoành tráng, sáng mùng một lại trịnh trọng sang chúc tết nhau, thấy nó cũng hơi… hình thức. Ai cũng thấy mệt nhưng đố ai dám bỏ. Rất nhiều người Việt chọn cách đi du lịch tết để tránh những cảnh này. Người Sài Gòn tiên phong, tết là đi chơi, hẹn nhau ngoài quán, khỏi đến nhà nhau. Thế mà rồi thời gian như có cánh, bay vèo vèo, nhoáy cái đã hết tết. Các gia đình đi chơi đã lục tục trở về. Chung cư tôi ở, chừng 50% khóa cửa mấy ngày tết. Rạng sáng mùng 4 tết, hàng loạt tắc xi chở khách đổ xuống sân chung cư. Các gia đình đi chơi đã trở về, chuẩn bị cho một năm lao động mới, và lại… chờ tết sang năm.

Tết của một gia đình người Bắc ở sài Gòn
          Bản thân tôi, dẫu không có cái bàn viết quen thuộc ở một góc nhà mình ở Pleiku, nhưng tối 30 vẫn khai bút một bài thơ như thói quen mấy chục năm nay, và mỗi ngày tết vẫn cặm cụi gõ một bài cho mục “Cà kê tết”.Và như thế cũng có một khoản NB kha khá để thưởng cho cháu ngoại...
   
Giao thừa SG từ cửa sổ tầng 11
                                                     



4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Miền Bắc XHCN nó có nhiều cái lạ lắm. Có những cái bảo thủ, lạc hậu nhưng không chịu thay đổi lại còn coi đó là truyền thống. Tết cũng vậy, mệt đứ đừ vì phải tuân theo bao nhiêu là lễ nghi do các cụ để lại. Mình muốn tinh giản bớt nhưng các cụ lại không chịu. Thôi thì chiều lòng các cụ lại phải gồng mình lên thực hiện...
TNC

Nặc danh nói...

Ngày Tết người Sàigòn có thói quen đi du lịch từ trước 1975 chứ không phải mới có bây giờ.

Vũ Xuân Tửu nói...

- Thời trước, làng mình, cứ tết là tụ tập đi chúc tết hết nhà nọ sang nhà kia. Đến nhà nào cũng đãi khách kẹo vừng tự chế và nước chè. Sau đó, kéo nhau ra bãi làng bên, xem ném còn.
- Khi về phố, tổ dân phố cũng rồng rắn đi các nhà, có khi chỉ đứng ở cửa chúc tết, rồi sang nhà khác, không kịp thở.
- Bây giờ, chẳng ai bảo ai, tự dưng bớt đi trò hình thức mà đi vào thực chất, vừa đỡ mệt người, vừa vui vẻ, khỏe ra, mà chẳng chết ai. Thì ra, cứ mạnh dạn đổi mới là hợp lòng người, thuận lẽ trời. Đấy nhìn vào Sài Gòn, VCH bảo cũng như thế, như thế...
Vũ Xuân Tửu

Hội ái hữu K76 nói...

Gởi anh mấy câu vui vui mà chúng tôi - Những người đến sống nơi này từ những vùng ...gần phía Bắc hơn tự giễu cợt nhau trong nhiều cái Tết ở Sg:
Nắng chang chang cũng thịt mỡ dưa hành
Ta cũng có một mùa Xuân trong...tủ lạnh !
Quạt máy quay khói hương bay...đỏng đảnh !
Tết cái gì, có Tết cũng như không
!
Phú Đặng