Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

HÀ NỘI ẤM LẠNH



Hình như lúc cô đơn nhất là lúc ta cần họ nhất. Và khi ta cảm nhận được hơi ấm từ những cái bóng lừng lững của họ vẫn còn mãi với thời gian, ta thấy mùa đông Hà Nội ấm lên trong giá lạnh…
----------



          Chục năm nay tôi có điều kiện để cữ cuối năm thế nào cũng có ít nhất một cú đáp ra Hà Nội hưởng lạnh. Với những gã sinh ở Bắc rồi hành phương Nam định cư như tôi, cuối năm cha nào cũng có cảm giác thẫn thờ nhớ. Bình thường đã nhớ, thấy cái gì liên quan lại càng nhớ, nhưng phải cữ cuối năm, khi cái rét vằn lên, khi trời xám xịt màu chì, những cơn gió như dao cắt, khi con cua con rạm loi ngoi trong bấc, thì nỗi nhớ ấy nó mới bùng lên, như lửa đốt, như dùi nung...

          Mà Hà Nội lạnh thật. Năm nay tôi ra, đã chuẩn bị đủ áo khăn chống rét thế mà cứ co ro xuýt xoa. Nhưng lạnh thì lạnh, mấy nhà thơ phương Nam sống ở Bắc từ nhỏ chúng tôi đêm nào cũng lôi nhau lang thang các vỉa hè, hết rượu vặt lại cà phê, hết cà phê lại chè chén, có khi chả gì cả, bệt trên một cái ghế đá lạnh băng, nghênh mũi ra đón gió, nhìn mặt hồ vô tư lự lăn tăn tỏa sóng rồi mà bâng quơ như vô thức “Quán cóc liêu xiêu một câu thơ/ Hồ Tây tím mờ…”.

        
  Sáng ấy, ngày lạnh nhất, thường thì Noel là ngày lạnh nhất, hôm ấy là Noel, tôi và nhà văn Vũ Hồng cùng 2 nhà thơ trẻ Hà Nội ngồi cà phê vỉa hè Trần Nhân Tông- Nguyễn Bỉnh Khiêm, bỗngVũ Hồng chỉ cái ghế nhựa sát gốc bàng vênh lên vì rễ quá to đội vỉa hè, bảo, ông Nguyễn Quang Sáng mỗi lần ra Hà Nội đều ngồi ở quán này, đúng cái bàn xi măng ốp gạch men xanh kia. Một ly cà phê và một buổi sáng. Ông Sáng uống rượu nhưng chỉ uống buổi tối, buối sáng ông uống cà phê. Trong khi Vũ Hồng loay hoay chụp ảnh cái bàn ấy, bảo biết đâu sau này có việc thì chúng tôi ngồi nói chuyện  vu vơ với nhau về một điều không hề vu vơ: Dấu ấn người nổi tiếng.

          Thì nào là ở Pháp, ở Anh, ngay cả Nga cũng thế, những cái quán, cái ghế, những nơi thiên tài đã ghé đều được chủ quán, hoặc công chúng lưu giữ trân trọng, có làm hồ sơ lý lịch hẳn hoi. Này là Gô Gôn, Ban Dắc. Này thì Đích Ken, Huy Gô, Đây Pút Kin Sếch Pia… Thôi thì Vũ Hồng cứ làm việc chụp ảnh đi, có khi lại được việc. Như ở Pleiku có bài hát rất hay “Còn chút gì để nhớ” của Phạm Duy và Vũ Hữu Định, rồi ngay Hà Nội này, Trịnh Công Sơn đã từng nằm đâu đó ở một căn phòng nào đó để viết “Hà Nội mùa thu”… hát cứ hát, nhớ cứ nhớ, nhưng đến một lúc nào đấy, dấu ấn cũng như vết tích của nó có khi nhạt nhòa thậm chí biến mất đâu đó.

          Nào là nếu thử nhé, lấy cái compa vạch một bán kính quanh Bờ hồ khoảng 500m để tìm những dấu chân danh nhân đã đi xa. Văn Cao, Nguyễn Tuân, Trần Dần, Kim Lân, Nguyễn Đình Thi.... Nơi nào họ đã hẹn rồi tới gặp nhau để rượu vặt, để cà phê trong buốt giá, để ngồi chờ ấm trà đủ ngấm rồi hơ tay trên chén chè nóng trong đêm khuya buốt lạnh, nơi nào họ trầm ngâm một mình trước khi những hình tượng nghệ thuật bật ra, nơi nào họ tranh luận với nhau, nơi nào những bóng hồng từng hút mắt họ…?


Trước khi lên Tuyên Quang, tôi rất thích bài hát “Sông Lô chiều cuối năm” và đặc biệt là một câu thơ tưởng như rất vu vơ của nhà thơ Trúc Cương, vu vơ mà ám ảnh, mà khiến mình day dứt, mình phải lẩm nhẩm để mà nhớ, mà biến nó thành thân thuộc trong mình, dù mình chưa bao giờ thấy nó, chưa bao giờ được đến, và nếu có ai đó chẻ hoe ra bảo nó hay chỗ nào thì cũng chịu. Câu thơ ấy là “Tuyên có gì đâu cớ sao ta nhớ”. Nhiều khi thơ nói riêng, nghệ thuật nói chung, có sức ám ảnh đến lạ kỳ, đến không cắt nghĩa được, chỉ có thể chấp nhận vô điều kiện, kiểu như chết đứ đừ đừ của một tình yêu sét đánh… Và ít nhất người Tuyên Quang tự hào là, có thêm một kẻ là tôi, yêu Tuyên Quang của họ từ một bài hát và một câu thơ, để rồi mà phải bằng mọi cách tìm lên, và với một tâm thức như thế, thì khi chạm mặt, Tuyên Quang không thể kém hơn so với tưởng tượng của tôi.
 


Hôm kia trên VTV phát một chương trình hàng ngàn người hát Quốc ca. Rất nhiều người thổ lộ rằng, dẫu có đang làm gì, đang trong trạng huống cảm xúc nào, khi quốc ca cất lên, họ đều vô cùng xúc động, đều thấy huyết quản mình căng lên, thấy như có một sức mạnh vô hình tiếp thẳng vào tim họ…

Té ra nghệ thuật nó có một sức mạnh kỳ lạ, làm ấm con người, chia sẻ với con người, khi con người cô đơn, giá lạnh. Và phía sau những tác phẩm nghệ thuật để đời ấy, là những nhân cách và tài năng nghệ sĩ. Bóng của họ trùm lên cuộc đời này, dù nếu gặp họ, thấy họ nhiều lúc cũng… như ta, cũng co ro suýt xoa, cũng vỉa hè suỵt soạt, cũng ăn cũng uống, cũng ho cũng xổ mũi… nhưng khi họ mất đi, từng vỉa hè, từng góc phố… ta vẫn gặp họ, là bởi họ đã trở thành một phần của đời sống, hay chính xác, họ đã hóa thân vào tác phẩm, để rồi, ở đâu đó, những khoảnh khắc nào đó, ta chợt cần họ, ấy là lúc ta bật lên một câu, một khúc, một đoạn của họ, như chúng tôi đêm ấy tự nhiên cùng bật lên: “Hồ Tây tím mờ”…

Hình như lúc cô đơn nhất là lúc ta cần họ nhất. Và khi ta cảm nhận được hơi ấm từ những cái bóng lừng lững của họ vẫn còn mãi với thời gian, ta thấy mùa đông Hà Nội ấm lên trong giá lạnh…





                                                                            

 


5 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cái câu: Nầy thì Gô gôn, Ban dắc... không biết có phải anh Hùng trích từ câu thơ của ai không, chứ bây giờ mà viết tên mấy ông đó một cách Việt hóa như vậy, tôi thấy nó làm sao ấy và không có vẻ trang trọng gì hết.

Nặc danh nói...

Cai bác tóc dài và bạc trắng ngồi cạnh bác VCH trong một bức ảnh có phải là bác Đoàn Tử Huyến không hả bác VCH
TNC

Văn Công Hùng nói...

Nặc danh 01:37:
Tôi cố tình viết thế đấy bạn ạ.
Nặc danh 08:33:
Phạm Xuân Nguyên đấy bạn ạ.

Nặc danh nói...

xin lỗi anh trước, bài này đã đăng văn nghệ Tết. em đã sửa, vì thừa. ko có BỜ HỒ HOÀN KIẾM, có bến xe BỜ HỒ, bưu điện BỜ HỒ,... chỉ có thể là bờ hồ, hồ hoàn kiếm, hồ gươm... còn nữa là em ko sửa, chỗ anh hay ngồi café là ng. bỉnh khiêm - trần nhân tông, ko phải là tuệ tĩnh đâu, anh đừng đưa lên trang nhé, chúc anh tất cả

nacdanh nói...

Có một thời người mới giàu rất thích đội mũ phớt và đeo kiếng gọng mạ vàng. Búc ảnh trên có lẽ cũng lâu rồi nhỉ?