Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

CHUYỆN TRONG ĐỐNG RƠM



Hàng vạn đống rơm như thế, có hàng vạn chú núp trong ấy, thi thoảng một vài chú lại… lòi ra, còn lại là các đồng chí chưa bị lộ…
---------------


           
Không biết tự bao giờ, và ai là người đầu tiên mở ra hệ đào tạo tại chức, từ xa, mở… rầm rộ khắp hang cùng ngõ hẻm như thế?
           
Thực ra các loại hình đào tạo này là tiến bộ, nhân văn và đúng, ít nhất là ở mấy trường hợp sau:
         
 - Nó giúp cho những cán bộ đã kinh qua chiến tranh không kịp học trước khi cầm súng, nhưng giờ có năng lực, đang giữ những trọng trách lãnh đạo, học thêm để bổ túc kiến thức (lại nhớ hồi cơ quan mình có thằng ăn rồi suốt ngày kiện mình, khi nó khoe là lúc mình ngồi trên ghế đại học thì nó phải cầm súng, mình nói thế lúc bố mẹ tôi cầm súng thì bố mẹ ông làm gì, y tịt).
         
 - Giúp những người đã học cật lực, có ít nhất là 1 bằng chính quy rồi, giờ tự học cho mình, để có thêm kiến thức ở mảng mà mình quan tâm- ở nước ngoài chuyện học thế này là bình thường, nên hình thức học đại học qua radio khá phổ biến.
         
 Nhưng ta, bằng cấp là thống soái, sau khi lý lịch bị “xuống ngôi”, nên mọi người phải bằng mọi giá có cái bằng, để chạy việc, để lên chức, để tồn tại ở cương vị ấy, vân vân…
         
 Thế là đua bằng mọi giá phải chạy ra cái bằng.
         
 Bắt đầu là bằng cấp 3. Có ông chỉ học lớt phớt 2 năm đã xong cấp 3, được cấp cái bằng bổ túc. Xong học tiếp đại học tại chức, xong đại học tại chức, sẵn đà, mần luôn cái thạc sĩ, mà nói thật, dễ nhất là thạc sĩ “quản lý giáo dục”. Lạ là, lẽ ra thạc sĩ là phải triển khai sâu môn học, hoặc đề tài luận văn của đại học, dằng này anh học bất cứ ngành gì đều có thể làm thạc sĩ quản lý giáo dục.
         
 Còn đại học tại chức, có lẽ ngành học tại chức thời kỳ đầu tiên nhất, phát đạt nhất, rôm rả nhất… chính là luật. Hồi ấy người người luật, nhà nhà luật, không cần biết nó có liên quan đến ngành nghề mình đang làm hay không, kệ, cứ miễn là bằng đại học…
         
 Mỗi tỉnh có một trung tâm giáo dục, dân tình hay mỉa mai gắn tên Ha Vớt cho cái trung tâm ấy, kèm tên đường, ví dụ ở Gia Lai là Ha Vớt LTT, phàm đã muốn làm quan là phải qua cái Ha Vớt này. Nơi đây đào tạo hàng vạn đại học tại chức, mà học tại chức như thế nào thì ai cũng biết, kể ra vừa kinh vừa… nhàm vì ai cũng có thể hình dung. Cũng tại chức nhưng nếu ra tận trường học còn đỡ, chứ học tại tỉnh thì chủ yếu là… nộp tiền lấy bằng. Mà cái số có đến 2,3 bằng đại học nhưng chưa bao giờ biết cổng trường đại học thì vô cùng nhiều…
         
 Mới nhất, tỉnh Gia Lai lôi 2 chú trong đống rơm ra. Là các chú này liên quan đến bằng cấp, xài bằng cấp giả để lên chức. Ông mới nhất là giám đốc 1 sở, nguyên bí thư huyện ủy, dùng bằng đểu mà lọt qua bao nhiêu cửa ải tổ chức để đến tận giờ mới bị phát hiện, nhân việc ông “nắn dự án” cho một đường điện chạy về rẫy của ông.
          
 Tổ quốc ta có một hệ thống rất tinh vi vững mạnh là tổ chức, họ nắm toàn bộ quyền sinh quyền sát tất cả cán bộ. Nhưng đấy cũng chính là chỗ… dễ lách nhất. Cứ lấy từ tớ nhé. Học hành bài bản, chính quy chứ không chịu Ha Vớt tỉnh, xung phong lên  Gia Lai từ thời trí thức thứ thiệt còn đếm trên đầu ngón tay, thế mà năm lần bảy lượt làm hồ sơ thi chuyên viên chính toàn bị gạt. Trong khi ấy, mấy ông tại chức, tiếng Anh biết mỗi Ô Kê, vi tính mù tịt, cơ quan sắm cho phủ khăn để cho oai, ngay giờ đây rất nhiều ông vẫn còn tròn mắt khi nghe ai đó hỏi Password cơ quan, hỏi lại nó là món gì, chén được không? hỏi địa chỉ Email thì đọc luôn: sở XYZ số nhà 247 đường Thiên Đàng thành phố ABC… Nhưng đều đã là chuyên viên chính, nhiều ông chuyên viên cao cấp nữa. Thế không loạn mới lạ, và không lạ mới là loạn.
          
 Chưa nói nhân cách phẩm chất, chỉ mới nói đến quy chuẩn cán bộ, giờ chỉ lôi bằng cấp ra, khối chú phải bò từ đống rơm ra. Nhưng dân ta có câu rất hay: kính thưa các đồng chí chưa bị lộ.
         
 Tớ không thành kiến với bằng cấp, thậm chí dị ứng với lối lấy bằng cấp làm thước đo như hiện nay. Vì thế, với các đồng chí chưa bị lộ, nếu họ làm tốt công việc thì hãy thể tất cho họ. Vấn đề là ai đã đẻ ra chế độ bằng cấp để giờ nó loạn xà ngầu như thế. Bằng cấp của ta, đi phỏng vấn việc nước ngoài, nó không thèm liếc, mà nó phỏng vấn trực tiếp, thấy ổn, nó bồi dưỡng trực tiếp mấy tháng, rồi bố trí làm, từ thấp lên cao. Điều nay tớ rút ra từ 2 đứa con gái tớ.
         
 Và cũng từ chỗ bằng cấp là thống soái, dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục coi bằng cấp là… niêu cơm. Nhớ hồi bác cựu bộ trưởng có nói: nếu bỏ tại chức tức là đập niêu cơm của các trường đại học. Hô hô. Té ra các trường đại học coi nồi cơm của mình to hơn tri thức xã hội!
         
 Tớ viết khẽ mấy dòng về việc bằng cấp từ 2 đồng chí bị lộ ở Gia Lai trên facebook mà đã có hàng trăm comment, kể về những sự việc cụ thể. Đau nhất là chuyện, rất nhiều người giỏi nhưng trung thực đã không được trọng dụng, không được bố trí làm đúng chuyên môn, chỉ vì các đồng chí Ha Vớt chiếm chỗ mất, và không chỉ chiếm chỗ, các Ha Vớt này còn điều hành- kiểu Ha Vớt- các chuyên viên thứ thiệt, vậy nên có cứ tít mù vòng quanh, cả kinh tế văn hóa và các loại vấn đề xã hội nữa…

          STT ấy như thế này: CÁC ĐỒNG CHÍ TRONG ĐỐNG RƠM ĐANG... BÒ RA
Thêm một đồng chí giám đốc sở ở Gia Lai bị phát hiện dùng bằng giả, tức là đồng chí này bỏ qua giai đoạn phổ thông, tiến thẳng lên... đại học tại chức, và kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, kể cả bí thư huyện ủy, giờ là giám đốc một sở quan trọng.

Nói thật nhé, ở nước ta, rất đông các đồng chí có cương vị có bằng tại chức Luật. Đồng chí nào làm lãnh đạo mà chưa kinh qua mấy lớp tại chức là rất khó... phát triển. Năm bắt xu thế phát triển, có thời các lớp tại chức Luật mở khắp hang cùng ngõ hẻm. Sau thấy dễ ăn, một loạt các lớp tại chức, từ xa khác được mở. Nhớ hồi phanh phui ra vụ bằng tốt nghiệp ở trường TSQ, nếu chịu khó khui tiếp, còn khối chú bò ra từ đống rơm.

Gia Lai có một cái trường mà anh em hay gọi là Ha Vớt LTT, nơi này chuyên đào tạo... tại chức. Và gần như muốn làm lãnh dạo đều phải qua đây. Và mình từng rất ngạc nhiên, là rất đông các đồng chí cỡ tuổi mình trở xuống, sao lại cứ tại chức nhiều thế. Thôi thì, một số đồng chí thời chiến tranh không có điều kiện học, nhưng thông minh vốn sẵn tính trời nên đã làm việc rồi, giờ học để bổ túc, chứ còn bình thường thì phải học hành đàng hoàng chứ?

Tại chức không có tội, nhưng người lợi dụng nó để kiếm tiền, để tiến thân mới có tội. Nhưng bởi nước mình coi trọng bằng cấp quá, nên phải bằng mọi giá mà có bằng. Vậy nên đồng chí hôm nọ, rồi đồng chí hôm nay ở GL đều phải... bằng mọi giá có bằng. Nhưng rồi cái giá ấy nó phản chủ, nên hôm nay các đồng chí phải... trả giá.

Bởi học hành ít nên hành xử cũng kém, ai đời đường đường là giám đốc sở lại ép dự án của sở mình phải mắc điện vào rẫy nhà mình. Nó lộ ra ngay. Đã bảo tham thì thâm. Nhiều đồng chí tham khủng khiếp, từ lạng trà, cái bút của cơ quan đến tiền tỉ của... không phải của mình, nhưng các đồng chí ấy rất tài biến thành của mình.

Và đi đêm nhiều thì gặp ma. Mình biết, trong đống rơm, còn nhiều đồng chí đang... từ từ bị bắt bò ra...”. Đến giờ đã có 371 lượt like, mấy chục chia sẻ và hàng trăm comment.

Hàng vạn đống rơm như thế, có hàng vạn chú núp trong ấy, thi thoảng một vài chú lại… lòi ra, còn lại là các đồng chí chưa bị lộ…

Viết thêm: Mình post bài này xong cứ ngồi nghĩ, việc đã phơi ra dưới mặt trời như thế, còn uy tín đâu mà làm việc mà ông này chỉ bị cảnh cáo, và vẫn... đang tại vị. Mình mà thế, kiếm cái lỗ nẻ, chui xuống...

Lại ngồi đọc lung tung, thấy bài này, giữ là tư liệu: http://dantri.com.vn/su-kien/mot-huyen-phat-hien-gan-160-ho-so-can-bo-co-van-de-988126.htm 

 

4 nhận xét:

NamPhong nói...

Bài hay quá anh Hùng ơi!
Hỡi các đồng chí chưa bị lộ
Mau chui ra để bổ sung thêm
Vào ban chuyên trách cướp tiền
Của dân của nước khắp miền gần xa...
...Loa...loa... loaaaa...

Nặc danh nói...

Tang anh VanCongHung "ca-dao" thoi "bat-nhao",

Trong Cay thi duoc an Qua
DANG trong Nguoi, tho-ta kem xa...!
Van Ha.

Nặc danh nói...

VCH nên công bằng hơn với những người phải học đại học tại chức, vì ngoài những người tham gia trong kháng chiến (thật ra ít thôi) còn lại là những người vì nhiều lý do khác nhau đã không có cái may mắn được học đại học chính quy, trong đó nhiều người phải thực hiện nghĩa vụ quân sự trong những năm 1985 trở về trước, và trong số học tại chức cũng có nhiều người có lòng tự trọng, cố gắng để có kiến thức chứ không phải chỉ học để lấy bằng .

Văn Công Hùng nói...

Nặc danh 10:43:
Đọc kỹ rồi hẵng góp ý. Tớ công bằng hơn công bằng...