Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

GIA LAI CÀ KÊ 11

Hồi mới lên Pleiku làm việc ở ty Văn hóa Thông tin mình được phân đến mấy việc. Tạp chí Văn Nghệ thời ấy thì năm ít thì 1 số, năm nhiều 2 số, phải đến năm 1985 mới định kỳ 3 tháng 1 số, nên khá rỗi, được phân thêm quản lý xuất bản và quản lý nghệ thuật.

Chả hiểu sao hồi ấy tất cả các đoàn nghệ thuật lên diễn đều phải phúc khảo, chỉ 1 đêm thôi, đêm đầu tiên, phải diễn không công cho hội đồng nghệ thuật xem, và cả nghìn người không phải HĐNT xem ké.

Mình là người được phân công viết giấy mời. Gọi cho từng sở mang giấy giới thiệu đến nhận vé mời. Rất nhiều người không có tiêu chuẩn mời cũng cứ đến, năn nỉ để xin giấy mời, mình thấy mình... oai hẳn.

Đấy là thời kỳ hoàng kim của cải lương. Sau đêm diễn phúc khảo thường là trong rạp hát Thăng Long, trụ sở nhà hát CMN Đam San bây giờ, thì đoàn ra diễn ở sân khấu ngoài trời, nơi duy nhất của Pleiku lúc ấy chứa được chừng 5, 7 nghìn người. Và lúc nào sân khấu cũng đông nghịt. Rồi oánh lộn. Hối ấy bộ đội, đặc biệt là D5, là vua, mình sẽ có  1 kỳ riêng kể chuyện này. Có mấy cô mấy bà mê mấy ông tài tử cải lương đến mức các ông diễn ở đâu các cô các bà đi theo đấy. Còn khi diễn thì cương quyết lên tận cánh gà để ngắm cho đã, rồi nước mía, kem, trái cây... tiếp tế cho các chàng.

Tôi quen hết các ông bầu bà bầu hồi ấy là vì thế, nhưng mà rất trong sáng, không bao giờ vòi vĩnh, mà toàn tạo điều kiện tốt nhất cho đoàn diễn, vì chứng kiến họ, khi lên sân khấu thì ông hoàng bà chúa thế, nhưng khi xuống, trừ vài sao ở khách sạn, còn lại thì ngủ la liệt ngay dưới gầm sân khấu, trông rất nhếch nhác. Một lần, trước khi về, bà bầu, hình như là bà Thơ, vào phòng tôi ở tập thể với 1 ông họa sĩ, hôm ấy tôi ốm. Bà có nhã ý gửi tôi ít tiền bồi dưỡng, tôi giãy nảy xấu hổ. Nhưng khi bà về rồi, tôi nằm ngửa nhìn lên đình màn (thanh niên lười không tháo màn mà chỉ vắt lên) thì thấy có mấy tờ tiền. Giường bên kia mấy thằng đang đánh cờ đứa nào thua thì bao phở thay cơm trưa. Tôi cầm đếm xong kêu: chúng mày không đánh nữa, tao bao. Tất cả xóa cờ đi mà không hỏi tôi tiền đâu. Ăn xong tôi mới kể với thằng họa sĩ ở cùng với tâm trạng xấu hổ, có lỗi, nó lại tỉnh bơ: Có gì mà áy náy...

Chính mấy đứa độc thân chúng tôi nghĩ ra trò kiếm tiền nhậu bằng cách giữ xe. Hồi ấy không hiểu sao chả ai trong ty văn hóa nghĩ ra chuyện giữ xe mà lại để mấy đứa đôc thân không cần tiền chúng tôi giữ. Ban đầu chỉ làm  100 tờ phiếu giữ xe bằng... giấy. Giữ đúng 100 xe ngay trong cái sân rất rộng của cơ quan, đối diện nhà hát ngoài trời. Hết phiếu là cương quyết nghỉ. Đóng cổng lại xong thì kêu 1 bà vịt lộn đến, ăn kỳ no, mời bất cứ ai trong cơ quan đi qua, tất nhiên là có rượu nữa, còn bao nhiêu sáng mai tô lý điếu, xong. Nhưng sự đời không đơn giản thế. Hôm sau thì 1 thằng bảo, giữ 100 xe cũng bằng giữ 1000, đằng nào chả giữ mà lại có nhiều tiền. Thế là buổi chiều kỳ cạch làm vé, bằng giấy thôi, mà chỉ 1 số, giao cho khách, rồi dùng phấn viết số ấy lên yên xe. Trời Pleiku mùa khô lạnh cắt ruột và nhiều sương. Đến hơn 12h đêm mới xong đêm diễn khách ào ào ra như ong vỡ tổ, chả soát được vé, thôi thì kệ, đứng và... run. May mà không mất xe nào. Nhưng mất phao xăng xe 67 thì nhiều. Mất thì phải đền, thương lượng đủ kiểu, cãi có mà năn nỉ cũng có, nhiều hôm lỗ. Rình mãi bắt được 2 vụ. 1 vụ là 1 thằng cu nhỏ quắt, nó vào bãi xe rồi nằm dưới một dãy xe, tháo phao xăng. Hôm ấy có 1 thằng ngửi thấy mùi xăng, bí mật theo dõi, bắt được cu này với 2 phao xăng đang cầm trên tay. Một thằng giang tay tát nó 1 cái cực mạnh, mình nghĩ phải lật mặt ra sau. Mình đang quát nó thấy thế kéo nó ra cổng rồi bảo: chạy ngay đi, và nhớ cạch chuyện ăn cắp nhé. Lần nữa thì 1 tay tắt máy thả xe trôi, 1 thằng nghi, lại kiểm tra thì ra nó tự tháo phao xăng ra. Nó cãi là sợ mất nên tháo ra cất. Thế là huề, nhưng không giữ xe nó nữa. Sau rút kinh nghiệm, cử hẳn 1 đứa đứng canh xe 67. "Làm ăn" được vài mùa như thế thì chị em trong ty ào ra cũng làm, thế là bọn mình lặng lẽ rút, nhường cho chị em. Bởi thực sự cũng nản. Chả làm giàu làm có gì, kiếm được đồng nào tiêu tươi ngay đồng ấy, mà lại còn đau bụng các kiểu nữa, bởi ăn uống kham khổ, lâu lâu được chén ngon tí là cái bụng biểu tình. Chưa kể giữ tài tử lỡ mất xe thì lấy gì mà đền???

Mình chuyển sang làm... thuyết minh phim. Hồi ấy phim vẫn còn có khán giả. Các đội chiếu phim lưu động hay chiếu ngay sau lưng nhà mình. 1 lần có 1 đội chuẩn bị chiếu thì tay thuyết minh ốm đột suất, cu đội trưởng cùng khu tập thể với mình năn nỉ mình cứu. Mình OK mà bụng cũng nơm nớp. Hồi ấy phim hay là cũng một lúc chiếu mấy điểm, có 1 người chuyên đi chở phim. Cứ điểm này chiếu xong 2 cuộn là chở chạy đến điểm kia, lỡ chiếu xong thì phải chờ. Chở phim đến thì phải có 1 người rất nhanh tay lộn phim, rồi mắc vào máy. Còn bản thuyết mình thì được dịch từ Hà Nội, đánh máy trên giấy pơ luya, thường thì 1 tờ giấy than đánh được 3 tờ thì họ chơi đến 6, rồi trong quá trình chiếu nó bị mờ, bị rách, thậm chí mất hàng chục trang. Các ông thuyết mình chuyên nghiệp thì họ nhớ, còn mình có cách của mình, ấy là... phịa.

Té ra mình thuyết minh cũng... được. Bằng chứng là có nhiều đêm loa cứ gọi ra rả mà chả ai vào bãi, cứ lởn vởn ở ngoài. Họ chờ... thuyết minh. Có lần lúc mình vào sân nghe mấy người nói: a ông mũ trắng thuyết minh, mua vé vào thôi...

Là mình không đọc bản thuyết minh- mà có đọc  cũng không thấy gì mà đọc- mà mình phịa sau khi đã lướt 1 lần nội dung cuốn dịch ấy, có nhiều đoạn mình nói bằng cái giọng Romeo Juliet lúc thoại ở balcon, có lúc lại Natasa với ánh trăng với cây sồi già..., đôi khi còn nhắc: bà con chú ý: áo đen là ta, áo đỏ là giặc, hehe...

Huhu nhạt quá, thôi đến đây đã...

2 nhận xét:

Tuấn trắng nói...

Không nhạt. Rất khoái. Cứ chuyện...ngày xưa là khoái, hehe...

yamaha nói...

Đọc hồi ức để biết bác Hùng cũng từng một thời đen - trắng, nên bây giờ mới quí trắng hơn đen...