Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

CHUYỆN NHẶT Ở ẤN ĐỘ

Về, dồn dập nhiều thứ, mới viết được một bài 1.500 chữ về chuyến đi nhưng chưa post lên blog được vì sẽ viết thêm cho nó ra tấm ra món. Thôi thì nhặt mấy ấn tượng vụn về Ấn Độ đưa lên đây vậy...




CHIÊU ĐÃI Ở ẤN ĐỘ

Bọn mình 7 nhà thơ Việt sang Ấn Độ có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là làm khách của hội chợ sách và liên hoan thơ quốc tế, giai đoạn 2 là nộp tiền đi phượt xuyên Ấn. Giai đoạn làm khách chỉ có 3 ngày, ăn ở khách sạn và dự 3 cuộc chiêu đãi đều ở Kolkata. Té ra chiêu đãi ở Ấn Độ có khi còn đơn giản hơn ăn tại khách sạn. Cuộc thứ nhất vào lúc... 10h đêm, sau khi khai mạc hội chợ sách. Đến một quán ăn chay nhưng có rượu. Gần như không ai uống, mỗi người một đĩa ăn tự chọn nhưng chỉ có vài món tự chọn. Buồn ngủ và mệt vì 3h sáng hôm trước mới tới, nên mọi người ăn quấy quá rồi về ngủ.

Cuộc thứ 2 là tại trường đại học Presidency, sau khi đọc thơ thì được mời vào phòng khách, và, chủ nhà lại bưng lên mỗi người 1 đĩa mì nửa Ấn nửa Ý, lúc này là 2h chiều. Có vẻ như đĩa thức ăn hơi ít so với cái bụng đói nên ai cũng hết veo.

Cuộc thứ 3 là tại một nhà hàng khá sang do các trí thức thành phố Kolkata chiêu đãi. Có tặng hoa, đọc thơ, có phát biểu và hát. Mỗi người được điểm tâm một chén súp rồi giao lưu. Xong phần giao lưu thì ăn. Có 4 món ăn tự chọn, ai ăn gì sẽ có người lấy một cách rất trân trọng cho vào đĩa cho mình, gồm: cà ri gà, rau củ quả (ninh nhừ), bánh mì Ấn (giống như ta thời chiến tranh tự làm bánh bằng bột mì ăn độn, cán mỏng rồi rán, khá dễ ăn) và cơm. Không rượu bia gì, và phần ăn như là phụ, bởi ăn rất nhanh rồi chủ nhà mang kem ra tráng miệng. Sau cuộc này chúng tôi ra thẳng ga tàu Kolkata để đi Bohgaya...

Tóm lại chiêu đãi ở Ấn rất đơn giản và không tốn kém. Nhớ lại chiêu đãi ở ta mà vừa tự hào vừa... kinh. Phòng ốc rất sang, rượu thịt ê hề, ồn ào náo nhiệt. Nó biểu hiện sự hiếu khách nhưng cũng vừa tốn kém lại vừa mệt nữa. Hôm rồi mình được mời đi nói chuyện ở nhà máy thủy điện Ialy, từ 1h30 đến 4h chiều, và tất nhiên sau đấy là... nhậu. Giám đốc đi vắng, P giám đốc tiếp nhưng anh cứ nhìn đồng hồ liên tục. Thì ra chiều ấy anh tiếp đến... 3 đoàn khách, huhu.

Cũng khai thật là mình có mang trong valy 2 chai Vodka Men của chú Thắng tặng, sang đến nơi nhoáy cái là hết, thế là mua thêm. Rượu ở Ấn đắt như... kim cương. Bia cũng thế. Có hôm ăn cơm chị Nhàn thích uống bia nên bảo các em uống bia chị chiêu đãi nhé, 2 đứa 1 lon nhé. Mình và Nguyễn Linh Khiếu cười: Thế thì chúng em uống rượu. Chị Nhàn vội vàng: Thế thì người 1 lon. Chị Nhàn thích uống trước bữa ăn một lon bia, nhưng chả lẽ uống một mình. Hôm ấy kêu 5 lon, chị Nhàn trả tiền tính ra tiền Việt là hơn 80.000đ/ lon. Hoạn cũng đau đến như thế là cùng, hihi...

Đoàn có 3 đàn ông là mình, Nguyễn Linh Khiếu và Hải Thanh thế mà xơi hết 6 chai rượu, có 2 chai mình mang theo, còn 4 chai mua, trong đấy 2 chai Hải Thanh mua ở biên giới Nepal- Ấn Độ và 2 chai mua ở làng có cái trường học của sư Từ Tâm (có cho mấy chú thợ xây người Huế ở Làng Bhojwan Tika Bigha, Bodhgaya một chai, mời 2 chú lái xe người Ấn cùng uống, dù các chú uống trộm). Ở khách sạn Varanasi vào bar hỏi một chai rượu Johnnie Walker Red Label, loại ở nhà không thèm uống, nhưng giá ở đấy tính tiền Việt đến gần 3 triệu, huhu bèn nhờ tài xế ra ngoài mua... chui, một chai Vodka Ấn giá 900 VND. Mà trong phòng ăn nó không cho uống, phải mang về phòng.

Tóm lại ở Ấn chiêu đãi rất đơn giản và uống rượu bia rất khó, vừa bị cấm vừa đắt. Có lẽ để dẹp bớt bia rượu tốn kém như ở VN thì cách tốt nhất là bán thật đắt như người Ấn.

2 Ảnh dưới đây 1 là cuộc chiêu đãi ở khoa ngôn ngữ Hindu, trường ĐH Presidency sau khi đọc thơ và nói chuyện trước sinh viên và giáo viên và 1 là do các trí thức Kolkata chiêu đãi cả 2 đoàn Việt Nam và Pakistan...

Nón Việt trên đất Ấn

Sư cô Từ Tâm tên thật là Trần Thị Cúc, quê ở Kim Sơn Ninh Bình nhưng giờ định cư ở Mỹ, và từ Mỹ sang làng nghèo Bhojwan Tika Bigha, Bodhgaya, bang Bihar, Ấn Độ mở 1 trường học, hiện có 600 học sinh theo học. Ở Ấn Độ trẻ con nhà nghèo rất ít được đi học, bởi học phí khá cao. Tất nhiên không phải là tiền của sư, mà của phật tử góp cho sư. Hiện đang xây tiếp 2 ngôi trường nữa, hôm tụi mình đến vừa đổ mê 1 ngôi. Sư kêu 4 anh thợ người Hương Trà, TTH sang làm, có 1 anh cu người làng mình nên hôm gặp rất vui. Lương cô trả mỗi người 200.000/ ngày, còn thợ phụ người Ấn (Hôm đổ mê kêu đến 40 thợ) tính ra khoảng 1.000.000đ Việt/ tháng. Vật giá bên ấy rẻ. Chuyện mở trường bên Ấn rất nhiều chi tiết vui, có dịp mình sẽ kể.

Dili liên hệ được trước với sư nên khi bọn mình từ Kolkata đi giang hồ thì cô đã thuê giúp 1 cái xe 12 chỗ và đón tại ga Bodhgaya sau đấy trực tiếp đưa bọn mình rong ruổi khắp Ấn Độ đi đủ 4 thánh tích của Phật, sang cả Nepal... đến Varanasi thì chia tay để bọn mình bay lên New Dehli.

Vấn đề là đi đâu sư cũng đội chiếc nón lá, như một cách khẳng định mình là người Việt. Giữa một xứ sở xa lạ, thấy hình ảnh chiếc nón lá tự nhiên cảm thấy ấm áp như đang ở nhà...





ĐI TÀU Ở ẤN
Nếu VN mà học được Ấn Độ thì ngành đường sắt sẽ giảm biên chế được chừng 1 nửa hiện nay. Thứ nhất đoàn tàu dài tức nhiều toa gấp 3 đến 4 lần tàu VN, thứ 2 vào cửa ga không soát vé dù người đông nghìn nghịt. Đến cửa toa cũng không soát vé (Ở VN cả cửa ga và cửa toa đều có người đứng soát vé), nhưng ngay cửa toa có tờ giấy dán tên hành khách. Khách lên tàu chả thấy nhà chức trách đâu, cứ lầm lũi tìm chỗ, rồi lên giường nằm. Giường rất thân thiện chứ không như ở VN, là nó không có từng buồng riêng mà ngăn bằng rèm. Một ô 2 giường 3 tầng vị chi là 6 người nằm, khi ngồi thì treo cái tầng giữa lên. Tàu sắp chạy thì thấy 1 nhân viên an ninh đeo súng và dắt chó lên, Ấn Độ mới bị khủng bố nên họ phải kiểm tra vũ khí và ma túy, chỉ đi qua chứ không làm phiền ai, và tàu chạy 1 lúc thì nhân viên nhà tàu mới xuất hiện, lặng lẽ hỏi vé rồi đi. Tàu rất yên lặng, không có loa liếc "nhà ga thông báo" rồi "đoàn tàu thông báo"... khách ngủ li bì và không ồn vì hệ thống cách âm cực tốt. Tóm lại là nếu ở VN thì Ấn Độ sẽ phải tuyển nhân viên soát vé ở cửa ga, cửa toa và nhân viên a lô liên tục. Theo vé thì 6h30 tàu đến Bốt gai a, 6h mình dậy mọi người vẫn ngủ mê mệt. 1 ông khách người Anh thấy mình dậy thì uể oải ngồi dậy lấy kem bót đi đánh răng. Mình bảo còn có 30 phút nữa, kịp không, lão chỉ cười cười. Đúng 6h30 thì y quay lại giường thông báo tàu chậm 30 phút rồi lại leo lên... ngủ. Tay này đúng là dân phượt chuyên nghiệp. Trong khi kem bót khăn mặt của mình bỏ trong va ly đút dưới gầm giường thì lão bỏ trong túi xách. Trong khi mình chộn rộn thì lão yên tâm đánh răng rửa mặt rồi nằm khò lại. Mấy bà nhà văn VN cũng ham ngủ, đến 7h tàu dừng mới nháo nhào dậy thì tay người Anh này lại giúp các bà chuyển đồ xuống, và lão xuống sau cùng. Tàu Ấn chạy rất nhanh và dừng lâu hơn bên ta, và khi xuống tàu cũng chả thấy loa đài thông báo gì, không thấy nhân viên nhà tàu xuất hiện, và ra cửa ga cũng không thấy nhân viên nhà ga soát vé xem ai đi lậu ai đi có vé...

Người Ấn có mùi rất đặc trưng, và họ cũng... ở bẩn nữa, nhưng giường, gối, chăn thì lại rất thơm. Mấy bác VN thấy giường là leo lên nằm. Té ra nó còn có ga trắng muốt bỏ trong bì nilon như trên máy bay ấy, thơm lừng, lấy ra tự trải, rồi còn lớp lót chăn cũng thế... Tóm lại là không đùa được.

Ơ thế dân Ấn thật thà hơn ta à? Chưa chắc, tỉ lệ ăn xin gấp đôi của ta, thậm chí là gấp 3, và họ làm gì cũng xin tiền, kể cả... chỉ đường (Tiền Tip KS là đương nhiên, không kể ở đây). Thế mà họ quản lý chạy tàu như là tàu của hành khách ấy, chả thấy ai ra mặt cả? tài thật, thế mới tài. Lạ nữa, lạ thật...

Cái tờ giấy dài dài màu trắng dán ở gần cửa lên xuống là danh sách hành khách trên toa đấy ạ. Bậc lên xuống rất hợp cho mọi đối tượng lên tàu. Quân ta ai cũng va li to oành mà lên gọn gàng ngon ơ...



 

Người Ấn Độ cũng mê... thơ chả thua gì ai. Ông này đến hỏi mình từ đâu đến, mình nói Việt Nam, thế là xoắn lấy, nói liên hồi kỳ trận, đọc thơ búa xua, rồi tặng thơ, rồi đòi mình tặng lại, đòi chụp ảnh chung... Thú thật là mình phải rất khéo léo mới thoát khỏi sự nhiệt tình của anh ta để đi làm việc khác sau khi cũng rất khéo léo... giới thiệu anh ta với một nhà thơ VN khác, hehe...
Mà trông người thì biết ngay là... nhà thơ nhé.



SÔNG HẰNG KỲ BÍ
các bố các mẹ chưa đi Ấn Độ chưa biết nhưng nhiều bố comment nói Ấn là cường quốc thông tin, mạng mẹo vô tư... huhu trong khi sự thực internet vô cùng hiếm, đt gọi vô cùng khó, mỗi bang 1 kiểu, gọi cả ngày không được 1 cú. Sông Hằng thì đầy bí ẩn. Sáng nay tớ thấy có người ngồi ỉa xuống sông sát mấy ông bà đang tắm, có người đánh răng có người giặt đồ, có xác súc vật lềnh bềnh và hoa với nến. Tớ thấy một cuộc thiêu xác cũng ngay bên bờ sông, những gì đã cháy và chưa cháy cũng xuống sông... (nói nhỏ thêm, dân Ấn rất hay... ỉa bậy, đi không cẩn thận sẽ bị dính mìn ngay).

Tóm lại sông Hằng là một... tổ hợp để nổi tiếng, nó có cả dư âm và thực tiễn, có hoa và cặn bã, có niềm tin và đổ vỡ, có thánh thần và ma quỷ... Nhưng có chết, tớ cũng cương quyết không dám xuống tắm, dù nó có hẳn một lễ hội tắm, và cũng cương quyết không dùng chai lấy nước mang về như lời khuyên và nhắn nhe của mấy đồng nghiệp...

Mua hoa để thả trên sông Hằng
 
Bà chị Hoàng Việt Hằng và mình trên sông Hằng

 Tạm thế đã ạ, từ từ nhà cháu kể tiếp...

5 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Lạ và hay. Cám ơn nhà thơ Văn Công Hùng.
Vũ Xuân Tửu

nacdanh nói...

Hóa ra còn có nơi bẩn hơn Hà nội chúng ta ? Chuyện khó tin.

Yamaha nói...

Đúng là phe ta xưa nay chỉ biết Ấn Độ qua sách báo và truyền thông là chủ yếu. Giờ nghe bác Hùng kể thực tiễn mới biết hóa ra nó cũng chỉ là... trần gian như mọi trần gian. Merci bác !

Unknown nói...

Cám ơn Bác Hùng đã cho biết những thông tin rất thật và bổ ích về Ân Đô.

Vũ Xuân Tửu nói...

Viết tiếp chuyện nhặt Ấn Độ đi, ông Văn Công Hùng ơi!
Vũ Xuân Tửu