Thứ Ba, 18 tháng 2, 2014

35 NĂM TRƯỚC, HÔM NAY

Hôm nay, 1 ngày sau khi Trung Quốc tràn quân khắp biên giới Việt Nam, lũ sinh viên Văn khoa Huế chúng tôi đang đi thực tế tại xã Phong Hòa, Thừa Thiên Huế. Chúng tôi liên tục chụm đầu vào cái radio của chủ nhà, liên tục bàn tán, liên tục xôn xao và... tìm cách bỏ về trường, để đi chiến đấu...

Rồi chúng tôi về trường, ầm ầm làm đơn, có mấy lá đơn bằng máu, trong đó có một bạn gái là Vân Anh mà chúng tôi hay gọi là... Út Tịch, vì bạn này chuyên mặc quần lụa đen đi dép cao su. Lá đơn này chắc giờ vẫn còn trong phòng truyền thống nhà trường- lạy trời là đừng sợ quá mà vất đi rồi. Nhưng rồi chúng tôi vẫn phải học sau khi tiễn một số bạn ra trận...

Hôm qua nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu mail cho tôi 2 bài thơ. Anh khiếu vừa đi Ấn Độ với tôi, là một người rất trung thực, nhìn cuộc sống đúng như nó có chứ không bị huyễn hoặc dù anh làm ở 1 cơ quan quan trọng...

2 bài thơ của anh Khiếu đây. Bài Hoa Mộc miên tôi đã đọc từ hồi nó mới được in. Tranh thủ khoe cái ảnh mình với Nguyễn Linh Khiếu chụp ở Ấn luôn.




Nguyễn Linh Khiếu
Tháng 2 chiến tranh biên giới, đã 35 năm qua, chợt nhớ những ngày tuổi trẻ sinh viên trên phòng tuyến Sông Cầu, Hà Bắc chờ giặc đến. Chợt nhớ bài thơ biên giới viết cùng các chiến sỹ đồn biên phòng Phó Bảng, Đồng Văn, Hà Giang năm nào, các chiến sỹ hải quân ở quân cảng Cam Ranh lên chiến hạm ra khơ bảo vệ biển đảo Tổ quốci. Chợt nhớ lệnh tổng động viên sinh viên cả Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội xin thề ra trận…

Hoa mộc miên biên giới

chẳng hiểu sao lần nào qua biên giới
mộc miên cũng rực đỏ triền sông rực đỏ vách núi rực đỏ tâm can
mộc miên đỏ một trời biên viễn
như máu tươi ròng rã ngàn năm

dưới gốc mộc miên người lính biên phòng cùng ta nâng chén
người xa nhà rượu ngô như lửa đêm đông
thanh vắng vẳng tiếng hoa tầm tã
khuya khoắt bóng ai rình rập dưới triền sông

có ai trồng mộc miên biên giới
hay biên cương cây tìm đến mọc lên
hoa máu tươi suốt ngàn năm tê tái
cây sừng sững mướt xanh cột mốc biên cương.

Hà Giang. 2. 2008


Mưa rơi dọc Cam Ranh

đã bồng bềnh những con đường biền biệt biển khơi
chiều nay mưa rơi dọc Cam Ranh thánh thót
trong mưa những sắc màu thịt da mơn mởn tươi non
quân cảng trong mưa nồng nàn trời biếc

mưa rơi mưa rơi
thánh thót long lanh mát lành thanh khiết
lam hạnh nở tưng bừng dọc quân cảng tinh khôi
con đường xanh chỉ mình ta trắng muốt
chỉ mình ta và hoa mưa vời vợi biển trời

cây thân thương như những cuộc đời
này lá non tươi này hoa xanh nụ biếc
hoa hạnh sắt son
hoa hạnh yếu ớt
những con đường ta đi hoa lặng lẽ toả hương
hoa thắc thỏm đợi chờ và hồi hộp
những gian nguy sinh tử quân nhân

hoa xanh hoa xanh bên bờ biển cả
đi đâu cũng nghe sóng hân hoan dào dạt máu mình
đi đâu cũng nghe những tươi tắn dịu dàng hoa hạnh
những âm thanh sắc màu số phận ngân nga muôn nẻo đường đời

những con đường lam hạnh thẫm biển trời
lộng lẫy mùa xuân xanh
nồng nàn mùa hạ đỏ
miên man mùa thu vàng
xám ngắt mùa đông buốt giá
hoa hạnh vẫn dịu dàng cùng ta mọi cung bậc nhân trần

hồn nhiên nở một mùa xanh biếc
hoa hạnh dọc con đường quân cảng tinh khôi
những thuỷ thủ ra đi bao giờ trở lại
những mối tình ra đi sóng vỗ dào dạt chân trời

mưa rơi mưa rơi dọc Cam Ranh thánh thót
những gương mặt trong mưa ngời sáng nụ cười
những bông hoa trong mưa đầm đìa hương sắc
những chiến hạm trong mưa hôi hổi ngút ngàn hơi thở biển khơi

mưa rơi mưa rơi nồng nàn hải cảng
khi xa đất liền những buồn vui sao rất đỗi thân thương
ngửa mặt lên rười rượi mưa chan chứa
ngửa mặt lên thánh thót lam hương

mưa rơi mưa rơi nồng nàn quân cảng
ta và hoa trong mưa vời vợi biển trời.

Cam Ranh, 2. 2008


6 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Tôi đã được đọc thơ Nguyễn Linh Khiếu trong tập thơ Dọc sông Hồng, in cách đây 12 năm, cùng với Đoàn Hữu Nam Lao Cai), Đinh Công Thủy (Tuyên Quang), Ngô Kim Đỉnh (Phú Thọ), Nguyễn Thành Tuấn Hải Hưng).
Nay đọc bài viết về hoa mộc miên trên biên cương, khiến tôi lại nhớ những cây gạo mọc trên biên giới. Hồi chiến tranh Việt-Trung, người ta phải xẻ gạo, đóng quan tài mà vẫn không đủ. Cạnh nhà bách hóa Mèo Vạc (Hà Tuyên) có một đống những mảnh gỗ gạo, đóng gá vào nhau, để khi nào có người hy sinh thì ghép lại thành quan tài (chứ không có tấm gỗ liền). Thế mà, có mấy đôi cán bộ huyện làm đám cưới, nhưng chỉ có giường cá nhân, đành phải mượn tạm mấy tấm để kê thêm cho rộng.
Nhắc lại chuyện xưa gian khổ, ác liệt, để tri ân những người đã ngã xuống vì tổ quốc. Họ cần được vinh danh, ít ra là phải làm lễ kỷ niệm hằng năm: 17/2, ngày giỗ trận.
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

Blog maithanhhai bị đóng rồi bác biết không?

Nặc danh nói...

Xem thơ mà gớm cho thơ mãi!

Nặc danh nói...

83 đã yêu cầu đóng rất nhiều Blog trong 2 ngày qua. chủ nhân chú ý!

Nặc danh nói...

Tôi khuyên bạn, dừng lại ngay, ko phát triển bài và nhận xét nữa, sẽ bất lợi đấy. Chào

Nặc danh nói...

Cậu Hùng nói khoác, tớ cũng dân Văn khoa với bạn đây, làm gì có chuyện đang đi thực tế...bỏ về trương..? Chẳng qua, trường gọi về thông báo tình hình nhiệm vụ mới...thì có