Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

PLEIKU BAO GIỜ CHO TỚI...

Có lẽ ngôi nhà đẹp nhất ở Plei Ku hiện nay là trụ sở uỷ ban nhân dân tỉnh. Kiến trúc đẹp, không gian thơ mộng (nhưng nó không phải do KTS sau này được đào tạo dưới mái trường XHCN làm, mà được xây từ hồi đế quốc sài lang- và nó cũng vừa được thay thế bởi một ngôi nhà hiện đại khác ngoảnh mặt ra hướng khác). Một loạt các ngôi nhà mới xây sau này, đặc biệt là các công sở, cứ nhoai ra mặt đường, nhưng mà lại không đều, cái thò cái thụt, có cái còn vênh lưng vào nhau.
---------------------

Từng có một thời thành phố đầy thông. Thời ấy cũng chưa xa là bao. Năm 1981, lần đầu tiên tôi đặt những bước chân rụt rè lên thành phố nhỏ cao nguyên này, khi ấy đang là thị xã. Nói rụt rè bởi thành phố này với tôi cực kỳ bí ẩn. Trước hết là từ sự mê hoặc của bài hát "còn chút gì để nhớ": xin cảm ơn thành phố có em, xin cảm ơn một mái tóc mềm... rồi: Anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em, đời còn dễ thương..., sau đó là choáng ngợp trước bung biêng dốc trong thành phố. Những con dốc nhấp nhô làm phố mềm đi mơ hồ như sương như khói như lạ như quen xiết bao quyến rũ. Tôi theo hút một bóng áo dài trắng dập dờn trên đường Lê Lợi trữ tình và lả lơi, tà áo phất vào chiều cao nguyên như một mời gọi lại như một thách thức. Sau tôi phát hiện ra là bởi nó tiệp màu, tiệp sắc và tiệp cảnh biết bao với những thảm thông trong thành phố. Nhiều khi sự đối xứng lại bắt nguồn từ những điều trái ngược: mỏng manh thanh thoát tinh khôi đối xứng với cổ thụ xù xì thô ráp... ấy vậy mà hài hoà, mà tôn nhau lên, để mà rực rỡ, mà lung linh, mà thăng hoa, mà trường tồn. Ngay trong cây thông cổ thụ, nó cũng có những đối xứng rất kỳ lạ, ấy là cái vẻ mốc meo xù xì vững chãi to lớn của gốc của rễ đối xứng với cái mơn mởn xanh đến non tơ, cái nhỏ nhoi đến yếu ớt của cành của lá. Ăm ắp những nỗi niềm từ tà áo dài phơ phất tưởng như ngẫu nhiên thoáng gặp ấy. Hồi ấy người ta đang mang áo dài ra sửa thành áo cụt, người ta cuốc hè đường lên trồng khoai nuôi lợn, chỗ đất trống nào cũng trở thành giàn su su, thành trại chăn nuôi... Nhưng thông thì vẫn còn. Thông mươn mướt xanh. Thông trầm mặc gió. Và thông hát những khúc ca của riêng mình, thông che chở cho bao mối tình non tơ thánh thiện....


Tôi cho rằng xã hội càng phát triển hiện đại thì đô thị càng phải có sự hòa nhập tương ứng với môi trường thiên nhiên. Song có một hiện trạng chung hiện nay là sự phát triển ồ ạt đã khiến cho đô thị hiện đại một cách lệch lạc, cưỡng chế tự nhiên bằng được. Yếu tố hiện đại nhiều khi lấn át yếu tố văn hóa, yếu tố bản sắc. Càng hiện đại, con người càng có nhu cầu gần gũi thiên nhiên, hòa mình vào môi trường cảnh quan thích hợp. Và một yếu tố quan trọng nữa, càng hiện đại, càng cần sự phân biệt giữa đô thị này với đô thị khác, thành phố này với thành phố khác...



Pleiku xưa

Tôi đã ở Pleiku hơn 30 năm, và nhận thấy đặc trưng tự nhiên cơ bản nhất của thành phố này là thông, dốc, sương mù. Tất nhiên còn nhiều yếu tố nữa mà không thể kể hết ra đây. Rất hiếm đô thị nào lại được xây dựng trên bung biêng các quả đồi với những con đường uốn lượn và cong như cánh võng, chảy lẩn khuất như mơ như thực giữa các sườn đồi trong lãng đãng sương mù buổi sớm, với những con ngõ cập kênh khúc khuỷu dìu dịu mùi hoàng lan, dạ hương như Pleiku... Chúng ta đã chặt mất nhiều cây cổ thụ quá, rồi lại san ủi cho bằng phẳng để xây dựng, rồi lại quy hoạch chia lô làm nhà ống... chả mấy chốc nữa, Pleiku sẽ giống các thành phố khác, trong khi nhiều thành phố khác thì đang đi trồng cây cổ thụ, đắp núi giả... Đường Lê Lợi ngày xưa đẹp đến nao lòng, nhất là khu sở Công nghiệp cũ. Bây giờ được chia lô mặt đường bốn mét rưỡi, chiều dài 15 mét, ngất nghểu nhà hai ba tầng xanh đỏ tím vàng trông như... nhà tập thể... Tôi nghĩ sự hiện đại của Pleiku phải gắn được với đặc trưng tuyệt vời của nó, và khi ấy, ta sẽ có một Pleiku đẹp lộng lẫy và quyến rũ với những phối cảnh kiến trúc không thể lẫn. Cái giỏi của nhà quy hoạch đô thị là tận dụng triệt để sự ban tặng của tự nhiên để từ đó mà đưa ra ý tưởng sáng tạo của mình...

Trong 4 thành phố và thị xã Tây nguyên, so với Kon Tum cổ kính, Đà Lạt thơ mộng, Buôn Ma Thuột hiện đại, thì Plei Ku có một kiểu nổi tiếng khác, đó là dư âm của bài ca "em Plei Ku má đỏ môi hồng" với khắc khoải bước chân lãng du của anh khách lạ "đi dăm phút đã về chốn cũ", với mái tóc mềm vắt ngang thành phố để mà phải thốt lên: xin cảm ơn thành phố có em, xin cảm ơn một mái tóc mềm... Đó là một thành phố với cấu trúc chiều dài, không có các ô vuông đặc trưng, với những con đường nhấp nhô đầy bất ngờ xúc cảm vắt ngang thành phố. Điều đáng nói đây là một thành phố trẻ với lịch sử hình thành và phát triển hơn 70 năm, một thời gian dài từng là thủ phủ tạm bợ phục vụ chiến tranh với một cơ sở hạ tầng chắp vá, nghèo nàn và lạc hậu, một lối kiến trúc xây dựng kiểu trại lính. Sau giải phóng và nhất là trong những năm đổi mới gần đây, Plei Ku đã có những bước tiến vượt bậc, khang trang hơn, hiện đại hơn, nhà cửa đẹp hơn, vuông, ô van rồi chóp. Đá rửa, gạch men rồi khung nhôm ngói đỏ... Nhưng mà, có một cảm giác trống vắng và lộn xộn khi đi trên những con đường thành phố. Trống vắng thì đúng rồi. Người ta đã chặt gần hết thông cổ thụ trong thành phố, thay vào đó là lè tè bàng, bằng lăng, móng bò, trứng cá...hiện nay cả thành phố còn 4 cây long não cổ thụ ở đường Lê Lợi (Mấy cây này cũng đã từng có quyết định chặt, và đã chặt xong cành của 2 cây, may nhờ báo chí lên tiếng, Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời có quyết định thu hồi quyết định cũ nhưng giờ cũng đã đã chết hết), mấy cây ngô đồng ở đường Nguyễn Du, một số cây ở đường Hoàng Hoa Thám, trong khuôn viên Uỷ ban, Tỉnh uỷ... và hết. Trước đây khi thành phố chưa hiện đại, đường Trần Hưng Đạo, Lê Lợi và kể cả Hùng Vương, rợp bóng cây xanh. Chim véo von hót và bướm vàng bay từng thảm...nay thì chuyện ấy đã...xưa rồi Diễm ơi. Găng tay, khăn bịt mặt lên đời như một sự trả giá và là cách tự vệ của các bà các cô trước thiên nhiên khắc nghiệt?



Pleiku nay, VCH và nhà thơ Mai Liễu, nhà thơ Bằng Việt chụp

Sự hiện đại của Plei Ku hôm nay như một sự kiêu hãnh ngầm của thành phố trẻ này. Nhà cửa đua nhau mọc lên, tầng một tầng hai tầng ba tầng mười sáu...ngạo nghễ phơi mình trong nắng gió với đủ kiểu loại kiến trúc, đủ kiểu loại vật liệu, đủ kiểu loại màu mè...Song có điều này rất dễ nhận thấy, ấy là nhiều kiểu nhà đẹp chưa chắc đã tạo nên một thành phố đẹp. Kiến trúc xây dựng luôn luôn phải đi với cảnh quan môi trường, chúng phải tạo ra sự hài hoà, nhất quán, đẹp đã đành, mà còn phải làm nên đặc trưng thành phố. Tượng đài ở công viên Quách Thị Trang chẳng hạn, là một sự không hoà nhập cảnh quan xung quanh, khiến cho bây giờ bỏ thì thương vương thì tội. Tượng đã xấu lại đặt lọt thỏm giữa 4 bề là nhà cao tầng nên trông rất phản cảm. Toàn bộ thành phố Plei Ku được đặt trên những quả đồi, nối với nhau bởi những thung lũng, có những vùng đất thoải rất đẹp. Và như thế một trong những đặc trưng của nó là dốc, nhấp nhô dốc, điệp trùng dốc, lẳng lơ dốc. Dùng đặc trưng này làm cảm hứng chủ đạo, các nhà quy hoạch sẽ có những ý tưởng rất hay khi quy hoạch thành phố. Bây giờ càng xây dựng, có vẻ như thành phố càng bằng đi. Cách đây ít năm, đi trên đường Lê Lợi nhìn xuống sở Công nghiệp thấy thấp hẳn một bậc và nhiều thông cổ thụ rất đẹp làm nao lòng bao du khách, nay thì nhà cửa san sát bằng lỳ, thậm chí cao hơn lòng đường. Đường Trần Hưng đạo khi ấy cũng cao hơn đường Lê Lợi một bậc, tạo nên một tam giác xoáy trôn ốc rất nên thơ Trần Hưng Đạo- Quang Trung- Lê Lợi. Nay thì những con dốc vẫn còn, nhưng là những dốc không thể san phẳng được, trơn lỳ, thẳng tuột, không còn cảm giác chênh vênh kỳ thú, không còn những bất ngờ gấp khúc, không còn những rạo rực người lẫn vào cây, cây lẫn vào dốc, dốc lẫn vào mây, mà mây Plei Ku thì cứ ngăn ngắt tím, là đà vương vít nơi đầu dốc! mây, cây, dốc làm nên một Plei Ku kiêu sa mà quyến rũ, một Plei Ku duyên dáng mà trữ tình, một Plei Ku phố núi không thể lẫn. Hiện đại mà đầy bản sắc, rất riêng mà đầy chất hỗ tương hoà nhập, Plei Ku cứ mãi xanh trong ký ức, cứ bấp bênh chung chiêng nhấp nhô cao thấp, cứ đột ngột ùa vào ta những lãng đãng của tình yêu, ở đó, trong vắt tiếng chim và dập dờn bướm, ở đó, nao lòng một tiếng rao khuya...

Có lẽ ngôi nhà đẹp nhất ở Plei Ku hiện nay là trụ sở uỷ ban nhân dân tỉnh. Kiến trúc đẹp, không gian thơ mộng (nhưng nó không phải do KTS sau này được đào tạo dưới mái trường XHCN làm, mà được xây từ hồi đế quốc sài lang- và nó cũng vừa được thay thế bởi một ngôi nhà hiện đại khác ngoảnh mặt ra hướng khác). Một loạt các ngôi nhà mới xây sau này, đặc biệt là các công sở, cứ nhoai ra mặt đường, nhưng mà lại không đều, cái thò cái thụt, có cái còn vênh lưng vào nhau.

Trong tiến trình hoà nhập và phát triển, Plei Ku còn đổi thay nhiều, và như thế là phù hợp với quy luật. Chỉ mong sao, khi nhắc tới Plei Ku, có ngay một ấn tượng Plei Ku để mà tự hào với bè bạn, như Huế, Đà Lạt, Hội An..., một Plei Ku mà "ai đến đây rồi cũng phải xuống phải lên"... 

2 nhận xét:

Tuấn trắng nói...

Phát triển phải đi đôi với bảo tồn. Đô thị VN thì có quá nhiều điều để nói. Nhưng nói gì thì nói, VCH...già rồi nên hoài cổ (tôi cũng rứa, hehe). Bây giờ giả sử có 2 PK, một là PK như năm 81 và một nữa là PK như bây giờ, VCH chọn nơi nào để sống? (để sống, không phải chỉ để làm thơ nhé, hehe).
Kể chuyện bị mời đi...rửa ở HP đi bác, tôi đang ngóng, hehe...

Nặc danh nói...

Hay. Duong Tran Hung Dao, Le Loi khi xua nhung nam 1980 rat dep, dep nao long. Tiec thay khong con nua.