Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

TÂY NGUYÊN LŨ VÀ LŨ



Một thế hệ coi sự tàn sát thiên nhiên là bình thường, là tất nhiên, coi sự kiếm tiền bằng mọi giá là giá trị, và coi tiền là thước đo của giá trị… thì không còn bình thường nữa. Cái nguy hiểm là, sự bất bình thường mà lâu quá, quen quá, sẽ trở thành bình thường. Sự bình - thường - bất – bình - thường ấy chính là những cơn lũ ngầm vô cùng tàn khốc khi nó lộ diện.
-------------




          Cái tin huyện Ea Sup (Đăk Lăk) có 12 người bị lũ cuốn ở cơn bão không lấy gì làm lớn vừa qua đã khiến cư dân Tây Nguyên rúng động. Cho đến khi tôi ngồi gõ những dòng này thì lực lượng tìm kiếm cứu nạn sau rất nhiều nỗ lực, nhiều công, của… đã tìm thấy và cứu sống được 4 người, tìm được thi thể 6 người, và đau đớn là, vẫn còn 2 người nữa chưa thể tìm được thi thể. Chính quyền đã chính thức chấm dứt tìm kiếm, và thông báo nếu người dân thấy xác ở đâu thì báo, chính quyền sẽ đến đưa về.

          Khỏi phải nói, ai cũng có thể hình dung được nỗi đau của thân nhân những người mất tích, biết chắc chắn đã chết, nhưng chưa tìm được xác, nó đau đớn đến thế nào? Chết đau đớn trăm phần thì chết mà không tìm được xác nó đau đớn triệu phần. Ngày nào còn chưa tìm được xác thì ngày ấy còn kiệt quệ đau đớn…

Vài chục năm trước, hầu như Tây Nguyên chưa biết gì đến lũ.

Nhưng bây giờ, có khi chỉ những cơn bão khá nhỏ ở đâu đó, Tây Nguyên cũng hứng những cơn lũ kinh người.

Nguyên nhân thì ai cũng biết rồi, phá rừng và phát triển thủy điện là 2 nguyên nhân chính. Xa hơn là sự phát triển nóng. Chúng ta đã phải đánh đổi khá nhiều từ sự phát triển nóng này. Nhỡn tiền là mạng người, là sự tàn phá của thiên nhiên, sâu xa hơn, là sự biến mất của văn hóa, thứ văn hóa bản địa Tây Nguyên lấy rừng làm điểm tựa, lấy môi trường thân thiện làm trọng tâm để cân bằng quan hệ người - người và người - rừng, tức là người và tự nhiên.

Và từ những cơn lũ vật chất ấy, nó động đến những thứ mong manh hơn, nhưng nguy hiểm hơn, ấy là văn hóa. Thủy điện phát triển lấy được, môi trường bị tàn phá, rừng hết… đến lòng người, một lúc nào đó cũng sẽ khô cạn, sẽ dửng dưng trước những điều tốt xấu, sẽ hoài nghi trước những gì đang diễn ra. Chúng ta nhớ đến những hành động tự xử của dân hiện nay. Là bởi họ hoài nghi và không tin cơ quan công quyền nữa. Vậy thì tự xử. Hàng nghìn người bao vây đập chết kẻ trộm chó. Hàng trăm người bao vây bệnh viện mỗi khi có bệnh nhân tử vong, cho đến dân mấy làng ở Thanh Hóa phải tự phong tỏa nhà máy thuốc sâu hàng tháng trời, tự lấy mẫu đi thuê kiểm nghiệm chứ không tin tỉnh và huyện nữa…

Nó chính là lũ của sự băng hoại nhân cách, là sự tàn phá kinh khủng nhất mà con người phải đối mặt. Những cơn lũ ấy hình như chưa ai nhìn thấy, chưa ai đánh giá. Nó nguy hiểm ngay bây giờ đã đành, nhưng nguy hiểm hơn nữa, nó để di hại cho các thế hệ sau. Nó là nơi phát sinh và nảy nở sự phi nhân văn, phi đạo đức, làm con người chai lì trước đau khổ của đồng loại, vô cảm trước cái ác, cái xấu, phát triển lòng tham lam vô độ, bằng mọi cách để làm giàu, kể cả phải… ăn thịt mình. Thì phá rừng chả là ăn thịt mình thì là gì. Người Tây Nguyên lâu nay sống chan hòa với rừng, nương tựa vào rừng, thân thiện với nhau mà sống. Tưởng là họ du canh du cư sẽ phá rừng rất ghê, té ra không phải. Họ có những luật tục rất chặt chẽ và cụ thể, có những hình phạt rất nghiêm khắc nếu ai đó phá hoại rừng một cách bừa bãi. Chúng ta bây giờ lớn bùi bé mềm chén hết. Sau khi rừng già, rừng nguyên sinh đã… cơ bản phá xong, thì ta xơi sang rừng nghèo. Và có ai mà phân biệt rừng nghèo với rừng giàu khi cưa mâm và xe ben đã vào giữa rừng. Rồi chúng ta quan niệm cao su cũng là… rừng. Cao su là cây công nghiệp, có thể nó tạo sự đổi đời ngay lập tức trong vòng mấy mươi năm, còn rừng, nó là sự kết tinh của đời sống dòng họ hàng ngàn năm, vạn năm, triệu năm, nó có đời sống của nó, có văn hóa của nó, văn hóa rừng. Những con người lấy rừng làm bầu bạn, lấy rừng làm lẽ sống đã sinh ra một thứ văn hóa rừng, họ tồn tại an nhiên với rừng, và ngược lại, rừng tốt tươi sinh sôi hài hòa với con người, bảo vệ nhau, nâng đỡ nhau và cùng tôn nhau trong một đời sống tưởng hoang sơ nhưng đậm triết lý nhân văn và duy mỹ. Cũng y hệt như người Kinh với văn minh lúa nước. Và thực tế đã chứng minh, suốt bao nhiêu năm chiến tranh, bom đạn thế, cán bộ, bộ đội và người dân đã sống với rừng, được rừng che chở, rừng cung cấp nguồn để sống và chiến đấu. Thế mà rừng cứ bạt ngàn xanh. Giờ, cả nước vì Tây Nguyên, nhưng cái để làm nên thương hiệu Tây Nguyên, là rừng, thì đã hết.

Vừa rồi cũng có vài vụ xả nước hồ thủy điện để cứu đập. Chả biết họ tính toán thế nào mà mỗi khi hấp tấp xả, dân không kịp chạy. Mà người có kịp chạy thì cũng còn bao nhiêu tài sản, đồ vật… trôi theo nước. Rồi họ lấy gì mà sống. Cái vụ vỡ đập thủy điện Ia Krel ở Đức Cơ cho đến giờ chủ đầu tư vẫn chưa đền bù cho dân. Khi làm thì hăng hái hớn hở lắm, đến khi vỡ đập, gây tan hoang cho đời sống hàng trăm dân thì đủng đỉnh, tìm mọi cách hoãn đền bù. Thế mà cái thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chủ đầu tư vẫn quyết liệt xúc tiến dù cả tỉnh ấy phản đối, các nhà khoa học chân chính trên cả nước phản đối…

Những cơn lũ vô hình phía sau cơn lũ kiểu như Ea Sup vừa rồi còn nguy hiểm hơn nhiều. Nó nhấn chìm tính nhân văn, đạo đức của con người, cổ vũ thói lạnh lùng, vô cảm… nếu như những cơn lũ kiểu Ea Sup có giết chết chục, vài chục, thậm chí cả trăm người thì cũng chưa kinh bằng những cơn lũ vô hình kia, nó tàn phá cả thế hệ. Một thế hệ coi sự tàn sát thiên nhiên là bình thường, là tất nhiên, coi sự kiếm tiền bằng mọi giá là giá trị, và coi tiền là thước đo của giá trị… thì không còn bình thường nữa. Cái nguy hiểm là, sự bất bình thường mà lâu quá, quen quá, sẽ trở thành bình thường. Sự bình - thường - bất – bình - thường ấy chính là những cơn lũ ngầm vô cùng tàn khốc khi nó lộ diện.

Lũ của lũ. Và đến lúc quay đầu lại, sợ rằng con cháu chúng ta sẽ không còn kịp thấy bờ đâu nữa mà bơi vào...
                                                        



 

4 nhận xét:

Võ Công Phúc nói...

Một bài viết hay và rất tâm huyết anh Hùng à. Cảm ơn anh đã lên tiếng!

Unknown nói...

Thích câu kết của bác - Rất thích bác ạ! (Xuân Trường Gia Lai)

Unknown nói...

Em thích câu kết trong bài viết của bác - Rất thích bác VCH ạ!

Nặc danh nói...

Bai viet rat tham thia. Nhung khong biet ai do co doc khong nhi? Ai cung biet quay dau la bo nhung khong phai ai cung quay dau duoc. Nhieu khi do la
Nghiep. Cai cach giao duc 2015 toi day mon Lich su cung se bi Lu cuon di nhu the. Khong noi nhieu...5 nam sau se ro. Cung nhu hau thuy dien vay. Nhan qua nhan tien.