Đường Lâm có lẽ là một bài học cho các nhà quản lý văn hóa, khi mà thành quả của nhân dân đã không trở về với nhân dân, khi mà nhân dân sống khổ sống sở trên chính mảnh đất cha ông mình để lại, khi mà cái danh hiệu cao quý ấy đã không trở lại phục vụ đời sống của họ, thậm chí lại làm cho cho vô cùng vất vả khó khăn khi nó bị ràng buộc đủ thứ bởi cái danh hiệu di tích lịch sử văn hóa, trong đó có yêu cầu bảo tồn nguyên trạng, không được cơi nới sửa chữa. Di tích thì tĩnh, nhưng đời sống của dân thì động. Làm sao có thể cấm được người dân sinh sống trên di tích ấy phải… biến thành di tích. Họ cũng vẫn có những nhu cầu đời thường, phù hợp với đời sống văn minh, chí ít là với nhịp sống thường ngày chứ.
---------
Mấy
tháng nay sự kiện nhân dân làng cổ xã Đường Lâm- Hà Nội đồng loạt ký đơn xin trả
danh hiệu di tích khiến nhiều cơ quan chức năng phải vào cuộc, và cũng khiến
nhiều cư dân sống ở những vùng nhiều di tích lịch sử, di tích văn hóa cũng băn
khoăn.
Dân Đường Lâm rất tự hào về cái làng cổ
của mình, ngôi làng đã sinh ra 2 vị vua, tồn tại mấy trăm năm và giờ vẫn giữ
phong vị cổ kính thanh cao cả về nghĩa vật chất và tâm hồn. Và họ cũng từng
thêm một lần tự hào khi nhà nước, lần đầu tiên, trao bằng di tích lịch sử quốc
gia cho ngôi làng của họ.
Tôi đã 2 lần về ngôi làng danh giá
này. Có cảm giác những người sống ở đây họ cũng được danh giá theo ngôi làng.
Chẳng thế mà nơi đây đã sinh ra khá nhiều danh nhân cho đất nước. Được về rảo
bước trên những con đường xương cá của làng, được ăn một bữa cơm quê với món
tương danh bất hư truyền, được thăm đình
Mông Phụ, chùa Mía… quả là mơ ước của rất nhiều người, và cũng không dễ gì thực
hiện.
Là bởi, người dân ở đây vừa đồng loạt
ký đơn xin trả lại danh hiệu. Vì cứ sống như thế này khổ quá. Nhà không được sửa,
khu vệ sinh không được xây, thêm người không được cơi nới… và hôm trước, Ủy
viên Bộ chính trị, bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, nguyên là bộ trưởng
Bộ Văn Hóa phải về tận làng xem xét và có lời xin lỗi dân…
Tự nhiên trong cái buổi sáng đầu tháng
6 nóng nực này ở Tây Nguyên, có một buổi mát như mùa thu Hà Nội hôm nay, tôi lại
nhớ đến chuyện Đường Lâm, là bởi nhớ là mình cũng đang sống trên một vùng văn
hóa truyền thống đang được tuyên truyền giữ gìn, đang được nghiên cứu để phục dựng,
để bảo tồn.
Nhớ chuyện mình cũng từng hô hào rất
ghê để bảo tồn các ngôi làng truyền thống Tây Nguyên, để bảo vệ các nhà rông
truyền thống, chống lại sự xâm lăng của nhà mái tôn, của nhà rông văn hóa, chống
lại những ngoại lai, những áp đặt, những kệch cỡm phi lý đến từ cả phía chủ
quan và khách quan…
Nhớ UNESCO đã công nhận không gian văn
hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vì nó
đang bên bờ vực của của sự biến mất. Bởi sự thay đổi đến kỳ lạ của không gian
văn hóa của người Tây Nguyên. Sự thay đổi cả từ phía chủ quan lẫn khách quan,
trong đó có những điều là quy luật và những điều phản quy luật.
Đường Lâm có lẽ là một bài học cho các
nhà quản lý văn hóa, khi mà thành quả của nhân dân đã không trở về với nhân
dân, khi mà nhân dân sống khổ sống sở trên chính mảnh đất cha ông mình để lại,
khi mà cái danh hiệu cao quý ấy đã không trở lại phục vụ đời sống của họ, thậm
chí lại làm cho cho vô cùng vất vả khó khăn khi nó bị ràng buộc đủ thứ bởi cái
danh hiệu di tích lịch sử văn hóa, trong đó có yêu cầu bảo tồn nguyên trạng,
không được cơi nới sửa chữa. Di tích thì tĩnh, nhưng đời sống của dân thì động.
Làm sao có thể cấm được người dân sinh sống trên di tích ấy phải… biến thành di
tích. Họ cũng vẫn có những nhu cầu đời thường, phù hợp với đời sống văn minh,
chí ít là với nhịp sống thường ngày chứ.
Cũng như thế, chúng tôi đã nhiều lần
lên tiếng rằng, bảo tồn Tây Nguyên không có nghĩa là mãi mãi bắt dân cởi trần
đóng khố, nghĩa là mãi mãi dùng chiêng thay ghi ta, organ, là cứ phải chân đất
nhà sàn, không được săng đan nhà lầu, là cứ rượu cần thay bia vân vân. Điều ấy
là cản trở sự phát triển, là phi lô gic, phản quy luật, thậm chí là phản động.
Nhưng nếu mà cứ phát triển tràn lan theo ý muốn, nhất là thanh niên ngày nay,
chiều chiều mở nhạc trong điện thoại nối vào loa rồi nhảy hip hop, là khi cần
thì chạy cả làng không kiếm được cái váy để chụp ảnh, là làng cứ thẳng băng như
phố, là phải ráp vài ba làng lại mới đủ một đội chiêng, là khi chết cũng kèn ò
í e như người Kinh, khi cưới cũng đặt nhà hàng xanh đỏ cho hợp mốt… thì Tây
Nguyên sẽ ra sao?
Sẽ ra sao khi rừng ngày một cạn. Mà
Tây Nguyên thì đặc trưng lớn nhất để làm nên đặc trưng văn hóa, làm nên phong
cách sống, làm nên một sức sống vững bền từ đời này qua đời khác… chính là sự
nương tựa hòa hợp với rừng. Rừng làm nên một văn hóa Tây Nguyên khu biệt, và rừng
cũng trở thành một môi trường sống hài hòa của người Tây Nguyên với tự nhiên. Mất
rừng, Tây Nguyên có còn là Tây Nguyên?
Sẽ ra sao khi chúng ta cứ đi làm thay
cho người dân. Các lễ hội, các phong trào, các chủ trương… nhiều khi khiến người
dân Tây Nguyên trở thành… khách trên chính ngôi nhà của mình, mảnh đất của mình,
và khủng khiếp hơn, trên chính cái vốn văn hóa truyền thống của mình, bản sắc của
mình, khu biệt của mình… Vậy nên không lạ khi dân một làng nào đó khi được yêu
cầu làm một cuộc ăn trâu, họ đã chuẩn bị hết, từ khóc trâu đêm trước, cúng Yang
xin phép… nhưng rồi phút cuối ban tổ chức lại yêu cầu họ phải… đâm giả vì sợ phản
cảm trước đám đông. Để rồi khi về làng họ vẫn phải tổ chức đâm trâu thật bởi họ
không muốn thất hứa với Yang, với thần linh. Nhà tổ chức không hiểu rằng, không
có lễ hội đâm trâu, mà đâm trâu chỉ là một thành tố của lễ hội (cũng như thế,
không có lễ hội cồng chiêng dù chúng ta vẫn thường tổ chức các lễ hội cồng
chiêng). Và khi tổ chức ăn trâu họ phải có những quy định rất nghiêm ngặt chứ
không phải thích thì dắt ra đâm phụp phát rồi chia nhau chén. Ăn trâu chính là
dâng cho thần linh ăn chứ người thường thì không được phép. Và nếu nhìn ở góc độ
này thì cái hành động đâm trâu nó lại rất nhân văn. Nó là sự trả ơn, hàm ơn, giữ
chữ tín… Thế nhưng nhiều khi chúng ta biến nó thành thứ hình thức hời hợt nên mới
xảy ra cảnh như cái làng kia, gần như là họ bắt đền ban tổ chức…
Thì vẫn biết khó như làm văn hóa trong
giai đoạn hiện nay. Nhưng không thể chỉ vì phát triển nóng mà chúng ta triệt
tiêu văn hóa truyền thống, và ngược lại, vì quá chú trọng bảo tồn một cách cứng
nhắc mà đẩy người dân tha hương, thành khách, thành “tù nhân” trên chính mảnh đất
của cha ông họ để lại…
Khó lắm thay. Và vì thế cần người vừa
có tầm vừa có tâm.
VĂN CÔNG HÙNG
1 nhận xét:
"Quản lý Nhà nước về ..." mà Anh. Người trực tiếp quản lý Lễ hổi rất hiểu việc mình làm, bằng đạo đức công vụ và đạo đức công dân họ làm vì: Có lương (hoàn thành công vụ), có tiền bồi dưỡng cho Con, có Danh. Nếu không làm thì : Không hoàn thành công vụ và ...
Đăng nhận xét