Hôm qua gặp bà chị ở Tam Đảo, bà chị hỏi ngay: Ơ sao chả thấy ỏ ê gì cái mail của chị. Chết thật em quên, xin lỗi chị. Tối nay sau khi dạo chợ Tam Đảo, dừng ở một cái quán lúp xúp với ngô nướng, trứng nướng, khoai nướng, cơm nướng... thì sực nhớ, nên dù giờ đã gần sáng, vẫn cương quyết xử lý...
Là bà chị bình bài thơ CỞI NGÀY của mình. Thì mình, coi như, đang cởi ở Tam Đảo vậy:
Thơ VĂN
CÔNG HÙNG
CỞI NGÀY
anh khoác nhẹ lên tay mình chiếc lá
mùa thu
trút vào hư vô khoảng ngần mơn man trắng
cởi đến mong manh rụng rời xa vắng
hun hút khát khao
những bông loa kèn vô tư bung hương
mặt trời nín im tâm bão
ngạt nhau câm lặng
những bồi hồi xé rách môi nhau
cởi nguyên cánh rừng mùa đông nôn nao
cởi cạn dòng sông mùa hè thao thiết
mùa xuân cởi nhau cỏ xanh mải miết
chỉ còn mùa thu nắng tan vào mây
còn những con đường giẫm vào bước chân
còn những bình yên bất ngờ nổi bão
còn những niềm tin dịu dàng rát bỏng
còn em, mùa thu cởi nhau
còn em tia cuối ngày hắt vào bóng núi
những đợi chờ không là hư ảo
cởi đêm ra gặp những giấc mơ ngày
cởi vào nhau một chân trời đẫm nhớ…
Pleiku chiều 25/7.
Nhiều nhà thơ
khi viết xong bài thơ đã không chú ý đến việc đặt nhan đề cho bài thơ của mình,
thậm chí nghĩ không ra, bí quá đặt luôn là Vô đề. Tên bài thơ có rất nhiều ý nghĩa. Nó là cảm hứng chủ đạo.
Nó là chủ đề tư tưởng. Nó là hình tượng xuyên suốt…là một rất nhiều khía cạnh
trong ý tưởng của người làm thơ. Còn nữa, nhất là với cuộc sống hiện đại mà vấn
đề tiếp thị, quảng cáo rất cần thiết thì thơ cũng không nên đứng bên ngoài. Thơ
cần đến với bạn đọc không chỉ dừng ở giới văn chương, thậm chí dừng ở những người
làm thơ với nhau. Nhan đề cho bài thơ, cho tập thơ cần quan tâm cả vấn đề này.
Cởi
ngày - một nhan đề thơ hấp dẫn của nhà thơ Văn Công Hùng. Đời thường chẳng
ai nói vậy. Trong thơ, trong những bài thơ đã đọc – hình như chẳng nhà thơ nào
dùng vậy. Một ngày mới, sang ngày, bắt đầu một ngày… lại là Cởi ngày. Một nhan đề thơ ấn tượng. Mới đọc nhan đề đã
muốn cởi ngay bài thơ để được tiếp nhận cảm xúc của Văn Công Hùng trong thơ.
cởi đến mong manh rụng rời xa vắng
hun hút khát khao
Cởi – một động
từ, một động tác vậy mà ở đây lại là cởi đến mong manh. Từ cởi đã là trừu tượng,
là như không như có trong cảm giác, thậm chí như trong ảo giác. Cả bài thơ là
như vậy, hay như Văn Công Hùng viết trút
vào hư vô. Tất cả đều nhẹ nhàng, đều như mơn man, đều đưa vào ta vào khoảng
mơn man của tâm hồn.
Hãy nhìn - anh khoác nhẹ lên tay mình chiếc lá mùa thu…những
bông loa kèn vô tư bung hương…còn em tia cuối ngày hắt vào bóng núi…
Hãy nhận - khoảng ngần mơn man trắng… rụng rời xa vắng/
hun hút khát khao… . Hãy cảm nhận - nín
im tâm bão/ ngạt nhau câm lặng…những bồi hồi xé rách môi
nhau
Thực và ảo – tả cảnh thực bằng cảm nhận tinh tế
của thơ, của hồn thi nhân. Cứ như vậy đấy, những hình ảnh thực của thiên nhiên
như cánh rừng, dòng sông, con đường…, nhất là những khoảng thời gian 4 mùa xuân, hạ, thu ,đông đến với nhà thơ chỉ
một câu, một thoáng mà như đầy ắp tình tứ, yêu thương. Một từ cởi xuyên thấu thời
gian 4 mùa, xuyên suốt không gian ngày đêm, òa vào bình yên, dịu dang rát bỏng. Và còn
em mùa thu cởi nhau… Và còn tình yêu cởi
vào nhau một chân trời đẫm nhớ…Anh
và em giao cảm. Con người và thiên nhiên giao cảm. Một chữ cởi thô mộc nối những
cảm xúc trở nên tinh tế, trở nên tình tứ biết bao.
Một bài thơ
tình – là bài thơ cho anh cho em, là bài thơ cho thiên nhiên đất nước, là bài
thơ cho cuộc sống mỗi ngày…Hãy cởi lòng mình mỗi ngày để cảm nhận mỗi ngày bao
điều đến với chúng ta. Nhà thơ và những áng thơ tình mỗi ngày khi bạn đón đọc sẽ
đem đến cho ta bao bình yên giữa cuộc sống bộn bề này...
2 nhận xét:
Cái ảnh ẩn dụ quá bác Hùng ạ. Và xét theo ẩn dụ thì… nó thiếu! Theo em, đã lên Tam Đảo là phải… đảo ba cái. Không biết bác đã đảo được cái nào chưa?
Cởi mà không trần trụi. Cởi mà suy ngẫm nhiều điều. Hay quá anh Hùng ơi
Đăng nhận xét