Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

VẪN XẤU HỔ

Mình có cái tật rất lạ, ấy là lỡ làm điều gì sai, kể cả khi uống rượu lỡ say, là hôm sau ân hận và xấu hổ ghê gớm, là tìm cách xin lỗi, tạ tội... nhưng nỗi ân hận dày vò vẫn cứ đeo đẳng, có khi cả chục năm, thậm chí là hơn thế...

Cái vụ bầu chọn Vịnh Hạ Long là 1 trong bảy kỳ quan do một trang web tư nhân (hihi có khi cũng... ngang trang VCH- nói đùa nhé, đừng bỏ bom) mà cả nước ta huy động toàn thể "Hệ thống chính trị" vào cuộc, tốn kém kinh khủng, trong khi Vịnh Hạ Long vẫn thế, dân- ở nhiều nơi- vẫn đói nghèo như thế- là một sự kiện hết sức lạ lùng.

Vừa rồi ông thứ trưởng bộ ngoại giao, lần đầu tiên trong lịch sử... đối ngoại, nói rát rạt về ngành du lịch VN, thẳng ra là... chỉ biết hát Karaoke đã khiến nhiều người giật mình vì nó... quá đúng.

Nhiều điều rất vớ vẩn đang diễn ra trước mắt ta được nhân danh nhà nước, phải huy động toàn dân vào cuộc, mà bầu chọn cho Vịnh Hạ Long là một ví dụ.

Dưới đây là một bài viết xác đáng về việc ấy:
-------

Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam:

Văn hoá chịu nhiều tổn thất nhất vì bệnh thành tích

(Trái hay Phải) - "Đã đến lúc cần quan tâm nghiên cứu để đưa ra những chính sách liên quan đến các hoạt động xác lập thành tích về văn hoá để sao cho phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước’ – Ông Nguyễn Xuân Thắng- Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam khẳng định.
Vịnh Hạ Long tham gia vào cuộc bầu chọn của công ty tư nhân
Vịnh Hạ Long tham gia vào cuộc bầu chọn của công ty tư nhân
Hào hứng tham gia khi các nền văn hóa lớn từ chối?
Theo lời kể của ông Nguyễn Xuân Thắng, trong cuộc bình chọn các kỳ quan kiến trúc kết thúc vào năm 2007 của NOWC, Vạn lý Trường thành của Trung quốc đã trúng giải là một trong bảy kỳ quan thế giới. Có được kết quả đó không phải là nhờ vào lá phiếu của người Trung Quốc mà là do Vạn lý Trường thành đã quá nổi tiếng và thế giới đã bầu cho họ.

Nhưng điều đáng để chúng ta tự đặt ra câu hỏi là vì sao ngay sau khi NOWC công bố kết quả, không những người Trung Quốc đã không bắn pháo hoa ăn mừng mà ngược lại chính phủ Trung Quốc ra lệnh cấm các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đưa tin về việc này.

Trong rất nhiều lý do họ đưa ra có một lý do rất chân thật: “NOWC không đủ thẩm quyền để xếp hạng các tài sản văn hoá và tài nguyên thiên nhiên của một quốc gia”.

Năm 2007, Bộ trưởng Văn hoá Ai Cập Al-Sayed, đại diện cho quốc gia được coi là một trong những chiếc nôi văn hoá lớn của văn minh nhận loại, là quốc gia sở hữu các công trình Kim Tự tháp hùng vĩ nhất đã nhận xét rằng: “Cuộc trưng cầu phiến diện của NOWC không chỉ là một cách khiêu khích và tấn công vào quá khứ, tấn công vào các nền văn minh mà còn là một biểu hiện chia rẽ văn hoá mang đầy tính hiềm tị, có nguy cơ làm cho các nền văn hoá vốn biệt lập càng trở nên biệt lập… bổ sung thêm mâu thuẫn vào vạc dầu chia rẽ văn hoá đang diễn ra trên các khía cạnh sắc tộc, tôn giáo vốn đang làm cho thế giới hôm nay điên đảo”.

Còn việc Việt Nam tham gia cuộc bầu chọn kỳ quan thế giới mới của New Open World Company (NOWC) dù tốt hay xấu thì cũng là một việc đã rồi, không biết nhắc lại có tác dụng gì không?

Tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nói rõ: "Ngay từ mùa hè năm 2007 khi cuộc bầu chọn các kỳ quan kiến trúc mới của NOWC vừa kết thúc, tôi đã cho đăng bài "Cảm nghĩ sau cuộc bầu lại 7 kỳ quan thế giới mới" nhằm thông báo cho dư luận về quan điểm phê phán của UNESCO, thái độ không đồng tình và phê phán của dư luận quốc tế đối với cuộc chơi mang tính lừa gạt để kiếm tiền này của NOWC.

Năm 2008, sau khi Bộ Văn hoá, Thông tin và Du lịch thông báo Việt Nam tham gia cuộc bình chọn vòng hai cho 7 kỳ quan thiên nhiên mới, tôi cũng đã cố gắng viết một bài khá dài, phân tích trên nhiều khía cạnh, mang tiêu đề "Tham gia bầu chọn kỳ quan thế giới - chúng ta đã bước vào một sân chơi trống vắng".

Trong bài này tôi đã cảnh tỉnh với dư luận NOWC là một công ty tư nhân nhỏ, không phải là một "tổ chức" như một số cơ quan thông tin trong nước cố tình che đậy. Tôi cũng thông báo rõ khác với các cuộc bình bầu xếp hạng nghiêm túc, đây là một hoạt động kích thích sự hiếu thắng của công chúng mà không hề có tiêu chí khoa học mà chỉ dựa vào số lượng phiếu bầu, cũng không hề có một ban giám khảo quốc tế nào đứng ra làm trọng tài mà chỉ do chính công ty NOWC quyết định.

Tôi cũng nêu rõ kết quả bình chọn của NOWC không có bất kỳ giá trị ràng buộc nào về mặt công pháp quốc tế và vì vậy nó hoàn toàn không có giá trị. Tôi cũng đã cố gắng nêu bật sự khác nhau giữa những giá trị lớn lao thông qua các nỗ lực của các quốc gia tại các diễn đàn mang tính công ước quốc tế liên quan đến di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, về quan điểm tiến bộ mà các quốc gia gửi gắm trong nội dung và tinh thần của Công ước Quốc tế về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên Thế giới với một trò ranh ma lừa gạt sự nhẹ dạ của dân chúng trên thế giới để kiếm tiền của một công ty tư nhân như NOWC.

Sau đó tôi đã tiếp tục trả lời trên một số phương tiện truyền thông về vấn đề này và gần đây nhất, cách đây 5 ngày, tôi đã đề cập lại vấn đề này trong một bài phỏng vấn của một tờ báo điện tử với chủ đề "Người Việt và hội chứng lập kỷ lục"...

Ngay từ 2007 tôi đã gửi các bài của tôi kèm các tư liệu thu thập được từ nhiều nguồn quốc tế đến Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành có liên quan, trong đó có Bộ trưởng văn hoá, với kiến nghị nên cảnh giác về tính bất cập trong các cuộc chạy đua mang tính hình thức nhưng tốn công, tốn của và vô nghĩa này... Đáng tiếc, tôi chưa một lần nhận được hồi âm.

Điều cần nói rõ là trong cuộc chạy đua bình chọn đó, chủ yếu người Việt Nam đã bầu cho chính mình, không những thế có những người đã gian lận lá phiếu đến mười nghìn lần và được một bộ phận dư luận nhìn nhận như "anh hùng yêu nước"! Tôi thiết nghĩ chủ nghĩa yêu nước không phải như vậy. Lòng yêu nước càng không thể biểu lộ bằng con đường gian lận. Liệu có thể nhờ cách đó mà chúng ta nuôi dưỡng lòng tự hào và danh dự quốc gia?

Cho đến năm 2008, trong cuộc chạy đua này chỉ có 24 quốc gia nghèo và lạc hậu nhất thế giới tham gia, trong đó Việt Nam có số người tham gia đông nhất thế giới. Có lẽ vì vậy mà vào năm đó cả ba địa danh của Việt Nam là Hạ Long, Phong Nha và núi Phan Xi Păng đều dành vị trí nhất - nhì - ba và có khả năng trở thành 3/7 kỳ quan của thế giới. Liệu đó là sự thật, là điều đáng mừng, hay chỉ là ước muốn của một bộ phận - những người thích lập thành tích, kỷ lục và muốn dựa vào các con số để được đứng đầu thiên hạ?"

Ông kết luận rằng: "Lợi ích quốc gia là cao cả, là tối thượng và cũng vì lợi ích quốc gia mà chúng ta cần phải hết sức thận trọng chọn bạn mà chơi và chọn sân chơi để thể hiện tầm vóc quốc gia. Đó là nguyên tắc căn bản, bất di bất dịch trong quan hệ quốc tế".

Theo ý kiến của ông Nguyễn Xuân Thắng, khẩu hiệu ”Bầu cho Hạ Long là yêu nước” đã từng được sử dụng có thể có ý nghĩa trong một bối cảnh khác chứ không phải trong cuộc chạy đua do một tổ chức tư nhân như NOWC thao túng. Lòng yêu nước của nhân ta vô cùng thiêng liêng, non sông của chúng ta cùng với các di sản văn hoá do cha ông ta để lại là báu vật vô giá, là phước thiêng của dân tộc, không phải là của riêng của địa phương nào, bộ ngành nào.

Vì vậy, việc huy động tất cả những thứ thiêng liêng ấy cho một cuộc chạy đua không rõ tiêu chí, không rõ ràng về hiệu lực thi hành là một điều cần được mạnh dạn xem xét đánh giá lại để rút bài học. Như vậy mới thực sự là yêu nước, là có ý thức tự tôn dân tộc, là có trách nhiệm đối với nhân dân và Tổ quốc.

Văn hóa không thể cân đong, đo đếm bằng con số
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nói rõ về văn hóa "văn hoá là những giá trị thiêng liêng nhất của một dân tộc, của mỗi quốc gia. Văn hoá phản ánh những giá trị tổng quát nhất, đặc trưng cho một khu vực địa lý rộng lớn, hàm chứa những dấu ấn lịch sử thăng trầm, những khát vọng, ước mơ của một dân tộc, trong đó mang theo những thông điệp thiêng liêng của cha ông gửi gắm lại cho chúng ta để bảo tồn và chuyển tại lại cho các thế hệ mai sau.

Văn hoá không phải là văn nghệ, là giải trí, càng không phải của riêng ai, cho dù đó là một thiên tài về âm nhạc hay một đoàn văn công nổi tiếng, hoặc của bất cứ một ngành nào, địa phương nào. Văn hoá không thể cân đong, đo đếm bằng con số (bao gồm cả phiếu bầu) mà nó gắn liền với những gì nhạy cảm nhất: là lòng tự hào, là danh dự của một dân tộc, của mỗi quốc gia.

Đó là chiếc nôi để nuôi dưỡng những phẩm hạnh cao quý nhất của con người, là mảnh đất để gieo mầm tình yêu Tổ quốc, là cội nguồn để tạo dựng những mối quan hệ nhân bản, lòng bao dung và nhân ái. Bởi lẽ là cái thiêng liêng nhất nên quả thật các quốc gia thường rất thận trọng trước khi huy động những cái thiêng liêng đó cho những cuộc thi thố phân chia cao thấp để lập thành tích hoặc phục vụ cho lợi ích kinh tế (phục vụ cho ngành kinh doanh du lịch chẳng hạn)".

Nhưng theo quan điểm của ông, xã hội chúng ta hôm nay đại bộ phận có tri thức và lương tri. Đáng tiếc, đôi khi sự thức tỉnh của số động và lương tri đã phải chịu thua chủ nghĩa thành tích và căn bệnh háo danh của một bộ phận nhỏ trong xã hội. Nhưng vấn đề không phải là thua hay thắng, mà điều đáng trăn trở là trong các cuộc chạy vì danh lợi cá nhân này thì văn hoá - một trong những lợi ích căn bản nhất của quốc gia lại là bộ phận chịu nhiều tổn thất nhất, chịu hậu quả mang tính lâu dài nhất.

Chủ nghĩa thành tích bóp méo các giá trị truyền thống, có nguy cơ làm đảo lộn các hệ giá trị căn bản của cuộc sống, biến cái tiêu cực thành tích cực. Trong các cuộc chạy đua vì kỷ lục và danh tiếng này, ngoài danh lợi lớn đem lại cho một bộ phận nhỏ còn là cả một bộ phận ăn theo không nhỏ mà trước hết là công ty tổ chức sự kiện.

Còn người chịu nhiều thiệt thòi nhất là nhân dân. Choáng ngợp trước màu cờ sắc áo, sự ồn ào của của công nghệ tổ chức sự kiện, người dân càng có nguy cơ nhầm lẫn giữa các giá trị đích thực và căn bản của văn hoá. Nhưng đáng lo ngại nhất là hội chứng thành tích sẽ làm nảy sinh trong một bộ phận không nhỏ trong dân chúng một thói quen ganh đua dễ dãi không lành mạnh, là nguy cơ phát sinh chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và bệnh kỳ thị mà hậu quả lâu dài có thể là rất khó lường.

Ông cho biết thêm: "Tôi cũng xin lưu lý thêm là hầu hết các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo từng diễn ra trong lịch sử, cũng là vấn đề đặc biệt nhức nhối của thời đại lại thường có nguyên nhân sâu xa bắt rễ từ những cuộc chạy đua, tranh chấp và thói kỳ thị đối với sự khác biệt về văn hoá".
 
  • Thanh Huyền (Thực hiện)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

người việt mình thế đấy bình chọn hạ long thì thi nhau có hai ông đại tá cùng đồng loạt nhắn tin cho oách.còn kiến nghị sửa đổi hiến pháp của 72 nhân sĩ chẳng biết mô tê chi cả .thật là tiến bộ đến nổi mọc đuôi