Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

NHANH LỚN ĐI LÀM... BÔ XÍT

trẻ con Tây nguyên bây giờ, hạnh phúc nhất là... trốn được cô giáo, trốn được đến lớp, để lang thang vào rừng đặt bẫy, và cả để... bắt chồng và được vợ bắt...


Tôi nhớ mãi cái lần về làng ông Núp dạo mới lên Tây Nguyên, cái làng Kông Hoa trong tiểu thuyết của nhà văn Nguyên Ngọc ấy, sáng sớm rét cắt ruột, sương trắng suối Chơ Pâu, nước tưởng như đang đông lại. Tôi tùm hụp áo khăn giày vớ lần xuống suối đánh răng rửa mặt, bỗng lặng người trước một cảnh có một không hai: Một người đàn bà, đúng hơn là một người mẹ trẻ người Ba Na đang nhúng đứa con đỏ hỏn xuống suối... tắm. Bất ngờ đến mức cả mấy phút sau tôi mới lên tiếng thì người đàn bà đã làm xong cái việc người mẹ Tây Nguyên nào cũng làm sau khi đã tự vào rừng làm lều để đẻ: Tắm cho đứa bé. Người mẹ sau đó cởi tấm dồ quấn đứa bé đã tím ngắt vào rồi về lều, cái lều tạm bợ bốn cây cọc với mấy cành lá lơ phơ gác chục cây le làm sàn là cái lều mà tất cả những người đàn bà Tây Nguyên khi đẻ đều phải vào rừng tự làm, tự đẻ, bao giờ con cứng mẹ khỏe thì về... Có lần khi ông Núp còn sống, ngồi ngắm cái dáng quắc thước của ông, tôi buột miệng hỏi: Tại sao mà đàn ông Tây Nguyên đẹp thế hả bác. Anh nào cũng cao lớn, ngực nở bụng thon đùi ếch, tay cuồn cuộn bắp... Ông cười bảo, thì đời sống tự nhiên khắc nghiệt như thế, nghèo như thế, lạc hậu như thế, đẻ thì nhiều mà nuôi được thì ít, nhưng ai mà đã sống được là cực kỳ khỏe mạnh vì nó đã trải qua quá trình chọn lọc đào thải... Tôi lại nhớ đến đứa bé mới sinh tắm suối Chơ Pâu năm nào. Lạy trời, nó mà tồn tại được qua những thử thách kinh hoàng ấy thì rõ ràng sẽ rất khỏe mạnh và đẹp trai là cái chắc. Sự sàng lọc khắc nghiệt của đời sống đã sinh ra những chàng trai cô gái khỏe mạnh...

Thì ra là thế, cái thời khó khăn vất vả ấy đã qua, ngày nay thôn làng nào cũng đã có trạm y tế, trường học nên trẻ em đã sinh là sống, đã sống là được học chứ không như ngày xưa sinh mười chết chín, còn lại một thì cứ lùi lũi sống như cây như cỏ như đá như đất phát đốt chọc tỉa, lớn lên với núi với rừng với hoang dã với tự nhiên với bản năng sống và kinh nghiệm sống truyền đời mà rồi tồn tại mà phát triển...
          Nói chuyện học của trẻ em Tây Nguyên bây giờ. Tôi cho rằng lâu nay ngành giáo dục đã rất sai lầm khi bắt các cháu học sinh cả nước học chung một sách giáo khoa, một chương trình. Thế nên mới có cảnh trẻ con nông thôn thì ngồi cặm cụi thêu thùa trang trí bình hoa cửa sổ ra giường còn trẻ con thành phố thì cù đày đan nơm đan dậm lên cạp rổ rá nong nia. Nhưng chưa bằng những đứa trẻ con dân tộc tiếng Việt chưa sõi mà phải học cái hay cái đẹp của ngôn ngữ Truyện Kiều chẳng hạn. Làm sao mà chúng hiểu tường tận "đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông" được, mà "dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng" được... Thế mà bao nhiêu năm cho đến bây giờ chúng vẫn phải học, thế nên khi làm đề văn "giải thích câu "Nhất nghệ tinh nhất thân vinh" chúng đã đồng loạt giải nghĩa thành "Nhất Nghệ Tĩnh nhất thành Vinh, rằng là Thành Vinh là to nhất Nghệ Tĩnh nên nó mới nhất Nghệ Tĩnh nhất thành Vinh"- cũng may là chúng còn biết thành Vinh ở Nghệ An chứ nhiều học sinh cấp ba bây giờ đi thi đường lên đỉnh Olempia mà lẫn lộn lung tung tỉnh này tỉnh nọ sông này sông nọ... 

Trẻ con Tây Nguyên rất có năng khiếu hội họa và âm nhạc. Tất cả các nhà rông đều đầy các bức vẽ bằng than và nhựa cây của chúng, rất đẹp và sống động. Sau này lớn lên, chúng trở thành các nghệ nhân làm nhà mồ, tượng nhà mồ, làm nhà rông... với các họa tiết tinh xảo khiến nhiều họa sĩ chuyên nghiệp phải thán phục. Còn âm nhạc thì khỏi nói. Ngoài chuyện chơi cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc T'rưng, Klong Pút, K'ní... như từ trong máu, thì ngay khi cây ghi ta rồi organ xuất hiện, gần như chẳng phải học hành gì, trẻ con Tây Nguyên tiếp thu và tự chơi rất nhanh. Về các làng thế nào cũng gặp dăm bảy chàng trai ngồi vắt vẻo ở đầu sàn ôm ghi ta gảy lừng phừng da diết lắm. Khối cô bé giã gạo nhưng nhịp cứ ngập ngừng bị lỗi, y như những đêm trăng ngày xưa thổn thức nghe tiếng Đinh Yơng thủ thỉ gầm sàn khiến mặt cứ râm ran rấm rứt đỏ...


          Trẻ con Tây Nguyên hôm nay được nuôi nấng và dạy dỗ khác xưa rất nhiều. Các nhà trẻ, nhóm trẻ mở tận thôn buôn, lớp học, điểm trường đến từng cụm dân cư... nhưng hình như việc học vẫn là một cái gì quá sức chúng. Đem áp dụng một chương trình, một bộ sách, một cách dạy của khắp nước áp dụng vào chúng là một sự đánh đố... Tất nhiên cũng như cha ông xưa, những ai vượt qua được những khắc nghiệt của việc học tiếng Việt như "ngoại ngữ" ấy thì sẽ tiến bộ rất nhanh. Bản chất khoáng hoạt và thích nghi tồn tại rất mạnh trong ý thức người Tây Nguyên. Rất nhiều cán bộ trẻ người bản địa Tây Nguyên mà tôi tiếp xúc đều chứng tỏ khả năng thích nghi và hoàn thành tốt công việc được giao. Nhưng đấy chỉ là cá biệt, còn lại, trẻ con Tây nguyên bây giờ, hạnh phúc nhất là... trốn được cô giáo, trốn được đến lớp, để lang thang vào rừng đặt bẫy, và cả để... bắt chồng và được vợ bắt...

          Trong các lễ hội dân gian của người Tây nguyên thường có một loại hình gọi là Brêm. Brêm vừa là hình thức rối, vừa là hề, vừa là ma quỷ... thường do trẻ em đóng. Hoặc là chúng lấy lá quấn quanh người, hoặc lấy bùn trát từ đầu xuống chân rồi nhảy múa làm trò dẫn đầu vòng xoang và chiêng, hơi giống hình thức các ông địa của người Kinh. Để làm được điều này đòi hỏi phải vừa thông minh, vừa có năng khiếu. Người Tây Nguyên đã biết sáng tạo ra các trò chơi để tự phục vụ nhu cầu giải trí. Trẻ con vì thế từ nhỏ đã rất khéo tay, ví như để làm rối giật, để dùng củ chuối đẽo mặt nạ cho Brêm, làm bẫy, giỏi hơn thì phụ làm các họa tiết cho cây nêu, nóc nhà, cầu thang... Bây giờ ở nhiều nơi trên Tây Nguyên, người ta đang tổ chức dạy trẻ con chơi cồng chiêng. Quả là nếu không có cách ứng xử thì chỉ một thời gian nữa, chiêng thì còn mà người biết chơi sẽ hết. Rồi có khi có chiêng, có người chơi nhưng không gian chơi sẽ hết, và cuối cùng là... hết chiêng. Hồi chúng tôi xuống một làng ở huyện Chư Prông, đã rưng rưng xúc động khi thấy một tốp các cháu người Gia Rai, đồng phục học sinh, khăn quàng đỏ, đang tập chơi chiêng. Thực ra tập cho các cháu thiếu nhi người Tây Nguyên chơi chiêng thì dễ, nhưng giữ được cho chúng niềm đam mê như cha ông chúng ngày nào mới là khó khi mà bên cạnh chúng là đèn điện, tivi, là ghi ta, organ và các nhạc cụ tân thời khác...

          Thường trò chơi ban đêm của trẻ con Tây Nguyên là thế này: Đốt một đống lửa ở góc làng nào đó, ngồi xung quanh và... mở băng chiếc catset chạy pin to ụ đeo bên mình nghe nhạc. Có nhạc chúng tự hát tự thu và cả nhạc chế nhan nhản ngoài chợ. Có vẻ rất hiện đại nhưng cứ thấy thiêu thiếu cái gì? Các trò chơi dân gian đã lùi hết vào dĩ vãng rồi ư?...

          Hôm qua xem tivi, thấy chiếu cảnh đồng chí Đoàn Văn Kiển và các đồng chí lãnh đạo địa phương hồ hởi khởi công xây nhà cho đồng bào vùng khai thác bô xít. Hoành tráng quá. Thấy mặt ai cũng tươi roi rói. Thấy một cô gái dân tộc gì đấy, mặc bộ váy vàng như cánh bướm cười rất tươi cầm cái xẻng hẩy hẩy. Cô mừng là đúng, con cô, cháu cô, từ nay khỏi lo thất nghiệp, đã có đại công trường bô xít đang chờ. Có điều, muốn vào làm được, cũng phải có điều kiện, ít nhất phải cạnh tranh được với các lao động phổ thông ngoại quốc đang ngày càng đông ở xứ này. Tôi bắt chước các phương tiện truyền thông hiện nay, không chỉ đích danh, mà chỉ... "tàu lạ", "lao động phổ thông có yếu tố nước ngoài", hehe...
(Bài cũ, từ 2009, đăng lại hưởng ứng quyết định của thủ tướng đình làm cảng Kê Gà)

4 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Bài này của Văn Công Hùng, gợi cho mình nhiều kỷ niệm:
- Khoảng những năm 80 gì đó, trời rét căm căm, bọn mình lên biên giới Đồng Văn (Hà Giang). Trèo núi toát mồ hôi, phải cởi bớt áo bông, nhưng vào nhà dân, xung quanh tuềnh toàng thưng bằng cây ngô, là lại thấm lạnh ngay, vừa mặc lại áo, vừa nhìn ra sân, thấy thằng bé cỡ 4 tuổi, trần truồng, chạy chơi. Nay đọc cái chuyện tắm trẻ sơ sinh này, cảm giác xưa lại hiện về, kinh hãi...
- Hồi những năm 60, theo gia đình lên Tuyên Quang khai hoang, mình được học sách giáo khoa của khu tự trị Việt Bắc, cùng với bọn trẻ Cao Lan, Quần Trắng... Bây giờ, mình muốn ông chính phủ khôi phục lại các khu tự trị cho dân nhờ. Chẳng hạn là 5 khu: Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Khơ me, Chăm...
- Mình tự hào là biết đan lát rổ, rá, giần, sàng, nong, nia, thúng, mủng, giậm... nhưng đến đời con thì thất truyền. Nay ở thành phố, cô giáo cho trẻ con làm thủ công: đan rá. Nó không đan được, đành ra chợ, mua 1 cái, nộp cô giáo. Cô phê bình và cầm cái rá để rút kinh nghiệm...
Vũ Xuân Tửu

mẹ mướp nói...

Thầy Tửu làm em nhớ hồi bé, chỗ em ở gọi là Khu tự trị Việt bắc, người lớn có gì lại bảo nhau: lên khu mà hỏi, sách vỡ lòng và lớp 1 có ghi Sách miền núi (ở quê thì học sách miền xuôi), mấy bài tập đọc có các câu tục ngữ in thêm nguyên văn tiếng Tày Nùng. Lúc đó cứ học vẹt thôi, chả biết gì thầy ạ.

bao phuoc nói...

Chào anh Văn Công Hùng! Hôm Tết em về quê rất vui, thấy anh Bình (ĐB huyện) về dự hội yjao ở xã mình! Hình như năm nay bác ko về quê?
Đọc bài viết của anh mà thấy buồn cho đất nước! Làm GD thì rối như canh hẹ! Làm kinh tế thì thua lỗ! Hiện theo tính toán cứ khai thác rồi bán cứ 1 tấn quặng bô xít nước mình phải bù lỗ 55USD, hiện có 7 tàu của Vinashin bị kẹt ở các các nước ngoài! Thủy thủ sống trong cảnh cơ cực (thiếu lương thực, nước uống, ghẻ lở đầy mình) đang kêu cứu ko biết CP giải quyết thế nào?
Nhân dịp năm mới chúc anh mạnh khỏe, có nhiều ST mới!
Mới anh xem văn nghệ quê mình tại đây http://thechitay.com/modules.php?name=donghuong&op=viewst&sid=1734&newlang=vietnamese

nhatrang nói...

Ngày tôi còn học lớp2/10, thời đó chiến tranh dữ lắm. Bọn tôi đã tự biết đan mũ rơm đội rồi. Còn môn thủ công chủ yếu là đan rá, dần, sàng...
Vậy mà đứa nào cũng hì hụi tự làm được cả. Nay lớp trẻ bây giờ có lẽ k mấy ai làm được những việc đó. Buồn ghê