Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

LẠI TÁN DÓC VỀ CÀ PHÊ

Hôm rồi một bác nông dân thứ thiệt ở dưới huyện cho tôi một túm cà phê nhân, mới trông cứ tưởng... lạc rang rồi. Ông bảo dành 3 năm được chừng ấy đấy, cà phê chồn đấy. Sáng nào ông cũng dậy  thật sớm, ra vườn tìm. Có đêm được dăm hạt. Là các chú chồn vào vườn của ông, xơi hạt cà phê chín, xong tiện thể thải bớt cho nhẹ bụng. Tôi nhờ ông chủ cà phê nổi tiếng Thu Hà rang xay hộ. Ông làm rất cẩn thận, đóng gói chân không rồi giao lại. Tôi nhường cho một người bạn một ít còn thì để ở cái quán tôi hay uống, mỗi sáng ra tự pha một phin. Khó mà tả được cảm giác, nhưng quả là nó... không như mình tưởng tượng. Hình như tại mình đã tự làm hỏng cải gu cà phê của mình. Cứ bắt nó đặc sánh, nó thơm lừng... té ra tất cả thứ ấy là do... hương liệu. Cà phê nguyên chất nó không thế. Nhưng thôi, đấy là một bài khác, sâu hơn.


    Té ra cà phê không chỉ là cái chất nước đen đen đặc quánh thơm lừng nồng nã kia, mà còn phải có không khí. Mà không khí cà phê nó lạ lắm, chả ai lý giải nổi. Bằng chứng là chỉ trừ những trường hợp hãn hữu không thể khác, vì những lý do gì đặc biệt lắm, người ta mới pha cà phê ở nhà uống, uống khổ uống sở, uống như một nghĩa vụ, chứ còn đều tháo ra ngoài quán ngồi. Có anh được vợ... thương, mua cà phê về nhà tự pha cho chồng, sáng nào cũng một ly, mà vợ anh pha khéo lắm, thơm, nóng, sánh cộng với tình yêu nồng cháy... anh đánh răng rửa mặt xong là vợ dịu dàng bê ly cà phê đen nóng hổi vào. Thế mà y uống như uống... thuốc độc. Trợn mắt nhăn mũi làm một hơi như làm khoán rồi chuồn...




          Chúng ta đã quá quen với cái cảnh khắp hang cùng ngõ hẻm trên đất nước ta, đâu đâu cũng có quán cà phê. Từ quán bình dân đến quán sang trọng, từ ghế cóc vỉa hè đến biệt thự kính mờ wifi, từ vườn sâu hun hút đến nông choèn mặt tiền, từ cà phê ôm đến cà phê ngoáy tai cạo mặt... cứ mọc lên như nấm sau mưa. Như thế tức là uống cà phê là một nhu cầu thiết yếu của dân Việt Nam ta. Nó không phải là nhu cầu xa xỉ phẩm của một tầng lớp riêng nào nữa, mà trở thành như cơm ăn nước uống hàng ngày, không chỉ ở thành thị phố phường, mà về tận vùng sâu hẻo lánh cũng có... Đi sâu tìm hiểu, thì cà phê là một lĩnh vực tưởng chừng bình dân nhưng lại không đơn giản, mà có nhiều điều rất lý thú, bởi nó không chỉ đơn thuần là uống, là giải khát... mà cao hơn, nó là một phần của đời sống tinh thần, đời sống văn hoá.


          Pleiku là một "thủ phủ" của cà phê, điều ấy là đương nhiên. Nhiều người nói chỉ đứng sau Buôn Ma Thuột, nhưng có người lại nói đứng trên. Bởi Buôn Ma Thuột chỉ nhiều diện tích cà phê hơn chứ cà phê đã chế biến cho vào phin thì không bằng. Người viết thiên về ý kiến thứ 2, bởi có một người bạn thân ở Buôn Ma Thuột nói rằng: theo anh, uống cà phê ở Pleiku có không khí hơn. Té ra cà phê không chỉ là cái chất nước đen đen đặc quánh thơm lừng nồng nã kia, mà còn phải có không khí. Mà không khí cà phê nó lạ lắm, chả ai lý giải nổi. Bằng chứng là chỉ trừ những trường hợp hãn hữu không thể khác, vì những lý do gì đặc biệt lắm, người ta mới pha cà phê ở nhà uống, uống khổ uống sở, uống như một nghĩa vụ, chứ còn đều tháo ra ngoài quán ngồi. Có anh được vợ... thương, mua cà phê về nhà tự pha cho chồng, sáng nào cũng một ly, mà vợ anh pha khéo lắm, thơm, nóng, sánh cộng với tình yêu nồng cháy... anh đánh răng rửa mặt xong là vợ dịu dàng bê ly cà phê đen nóng hổi vào. Thế mà y uống như uống... thuốc độc. Trợn mắt nhăn mũi làm một hơi như làm khoán rồi chuồn đến cơ quan để rủ bạn ra quán làm cữ nữa, cữ này mới đúng... cà phê. Cứ hôm nào thành phố Pleiku đặc ngầu màu sữa của sương kèm cái lạnh se se dôn dốt thì thế nào Cao Duy Lĩnh, thầy giáo trẻ người Huế dạy hội hoạ ở trường Cao đẳng sư phạm Gia Lai cũng lại nhắn tin cho tôi rủ ra quán Uyên ở ngã ba Nguyễn Văn Trỗi - Nguyễn Thái Học chọn một chiếc bàn con vỉa hè dưới gốc trứng cá. Cứ trầm ngâm ngắm phố ngắm người thế rồi về. Còn hoạ sĩ Lê Hùng, một người không hề uống cà phê, nhưng lại rất thích leo lên cái gác của cà phê Thu Hà, ngồi ngay bên cửa sổ, phải đúng cái bàn bên cửa sổ ấy, nếu đã có người ngồi rồi là về, không ngồi bàn khác. Cái cửa sổ ấy trông xuống đường Nguyễn Thái Học, mấy chậu hoa giấy ngoài ban công ít tưới cằn cỗi cứ khẳng khiu cứa vào mắt. Thế mà như một ký ức, như một tội đồ, cứ phải thế, không thể khác. Ngày nào chưa đến đấy ngồi là chưa yên, chân tay bứt rứt. Tất nhiên không phải đến để ngồi không. Cũng kêu một ly cà phê sữa, hai điếu thuốc. Đổ cà phê đi, nhâm nhi ly... sữa với điếu thuốc lá toàn phì ra vì cũng không nghiện. Kỹ sư Nguyễn Hoàng ở sở Khoa học Công nghệ thì cũng ngồi đồng Thu Hà, nhưng lại ngồi ngay dưới vỉa hè, một ly đen nóng kèm một ly nước lọc. Nhóm các nhà báo báo thì lại hay ngồi quán cóc ngay ngã tư Cù Chính Lan - Lê Hồng Phong. Chỉ ba ngàn rưởi một ly cà phê đen pha rất ngon kèm bà chủ quán xởi lởi, luôn cười trong mọi trường hợp, ngày nào cũng khiến các nhà báo hẹn hò nhau và hẹn gặp cộng tác viên ở đấy. Ngày xưa, các nhà báo hay ngồi cà phê Trăng Ngàn, ngay vỉa hè Trần Hưng Đạo nhìn ra một khoảng đất trống như ốc đảo với một luật bất thành văn: ai vào sau cùng phải trả tiền. Còn cánh văn nghệ hiện giờ lại hay ngồi đâu lưng vào nhau ở một cái quán vô cùng cóc ở đường Nguyễn Du. Ngồi quán này phải vừa uống vừa canh chừng... công an đi dẹp vỉa hè, thế mà sáng nào cũng đông nghẹt khách, dù chếch bên kia một chút là quán cà phê Hoàng Nhật bề thế sang trọng với hàng chục tiếp viên nhanh xinh đẹp như sóc và dẻo như kẹo mạch nha. Đường Đinh Tiên Hoàng có một quán cóc cũng khủng khiếp. Sâu hun hút và người đông đặc. Có báo phục vụ miễn phí và dăm bảy "chuyên gia" bóng đá, kể và bình luận vanh vách các trận đấu tối qua, dù đôi khi vẫn nhầm lẫn việt vị là... liệt vị. Ở đường Cù Chính Lan có quán cà phê Hồng Nhung rất lịch sự, ấm cúng mang đầy không khí cổ điển dành riêng cho giới trí thức và các cặp vợ chồng sồn sồn. Nhạc cổ điển nhẹ nhàng. Mỗi bàn một bông hoa hồng hàm tiếu. Ánh sáng rất khéo để không rực quá mà cũng không tối quá. Không khí trật tự. Chủ quán có phom rất đẹp, thường xuyên mặc áo thun quần gin nhưng mặt lạnh như kem với những bước chân sải dài mà có người gọi là bước chân công nghiệp, tiếp khách. Chắc học kiểu người mẫu: không bao giờ nở nụ cười để bắt người xem tập trung chú ý vào trang phục. Nhiều người không thích phong cách ấy, cho là ngạo mạn, ỉ đẹp coi thường... đàn ông, nhưng nhiều người lại hợp gu. Có người ở tận cầu số ba, cách gần chục cây số mà chủ nhật nào cũng phải vào đấy ngồi đồng cả buổi sáng, còn vẽ cả tranh tặng. Tương tự, một cặp vợ chồng người Huế, dạy trường Cao đẳng sư phạm cũng thường xuyên xuống đấy ngồi. Ở đường Wừu bây giờ là một thế giới cà phê, nguyên một con phố toàn các quán cà phê rất sang, đẹp và hiện đại, vào đấy như lạc vào thế giới thần tiên cổ tích. Ngay đầu đường Lê Lợi, chẹt giữa hai tiệm sửa xe Hon Da cũng có một quán cà phê, hình như chỉ bán cho... nhân viên của hai tiệm xe này. Chả cần nhạc nhẽo gì vì đã có tiếng gầm rú của máy xe, thế mà lúc nào cũng thấy một chú thợ trầm ngâm gật gù bên ly cà phê đá đã tan như nước lọc.

          Lâu nay cứ tưởng bán cà phê chỉ ăn lãi lặt vặt. Té ra không phải thế. Mỗi ly cà phê lãi cả ngàn đến dăm ngàn đồng. Thế thì cứ đếm lượng khách mà biết một quán một ngày lãi bao nhiêu. Các cụ ta ngày xưa gọi đấy là "buôn thất nghiệp, lãi quan viên". Quán cà phê Kim Liên của ông Giáp, tục gọi là Giáp Kim Liên tồn tại cả mấy chục năm nay, thuộc loại lão làng, có thể coi như địa chỉ văn hoá ở Pleiku... thì vào thời khó khăn nhất của hồi bao cấp và cấm tiểu thương buôn bán, nó đã nuôi cả nhà ông một cách ung dung, bây giờ vẫn tự tại trên đường Tăng Bạt Hổ. Nhiều người bây giờ cũng mở quán cà phê mà... chưa bao giờ uống cà phê. Cứ lèn chặt, đổ nước sôi, chảy tí tách là thành cà phê. Thất nghiệp chả biết làm gì thì... mở quán bán cà phê. Nó phù hợp với loại khách vãng lai, hoặc ngồi để giết thì giờ, ngồi cà phê mà không cần chất lượng. Còn người cầu kỳ thì ngoài quán có không khí, cà phê phải ngon, hợp gu của họ. Cà phê không đơn giản là cứ mua cà phê bột về rồi lèn vào phin đổ nước sôi vào là xong. Nó có những bí quyết riêng để từng quán có đặc trưng riêng. Có thời người ta quan niệm là có loại cà phê trộn bột ngô rang hoặc hạt cau... để lừa người uống. Thực ra pha với một liều lượng hợp lý sẽ làm cà phê ngon hơn. Tương tự, có người thích nhỏ bơ tươi vào ly cà phê. Thực ra, khi rang xay tẩm vào là ngon nhất. Từng cơ sở rang xay cũng có bí quyết riêng của mình. Thu Hà khác Phiên Phương, Phiên Phương khác Thanh Thuỷ, Thanh Thuỷ khác Trung Nguyên..., người bán cà phê thường mua cà phê bột của nhiều hãng, về trộn lại thành cà phê của mình rồi pha bán. Đấy chính là bí quyết, và nó cũng giải thích tại sao cà phê uống ngoài quán ngon hơn ở nhà. Có một cách để biết cà phê có ngon không là khi ta bê ly cà phê lên khẽ nhấp một ngụm đầu tiên, nếu hắt hơi ngay thì đấy là ly cà phê đạt yêu cầu.
Trong ảnh này cà phê chỉ là cái cớ, còn các ông bà nhà văn ông bà nào cũng chăm chú với thế giới mạng

          Gu cà phê mỗi nơi khác nhau. Ở Sài Gòn là cà phê tốc hành. Có thể ngồi nguyên trên xe máy kêu một ly cà phê đen đá, ực một nhát hết nguyên ly rồi phóng đi tiếp, và một ngày có thể làm năm bảy ly như thế. Nó phù hợp với tốc độ đời sống công nghiệp và thời tiết nắng nóng. Ở Hà Nội thì buổi sáng rất ít quán cà phê. Nó được mở chủ yếu vào buổi tối, buổi sáng là trà nóng. Khi uống cà phê, người Hà Nội hay đánh cho bông lên như kem trứng. Và hay uống kèm sữa, gọi là cà phê nâu. Ở Huế người ta uống cà phê cũng kinh. Các cô gái Huế phần lớn uống cà phê đen nóng không đường. Có thể ngồi đồng cả buổi bên ly cà phê ngắm mưa rơi, nghe nhạc Trịnh. Thời sinh viên của tôi đã từng 3 thằng chung nhau một ly cà phê mà cũng ngồi suốt buổi vì... không có tiền trả.

          Trở lại cà phê Pleiku, người ta uống đông nhất là vào buổi sáng và buổi tối. Buổi sáng thường là dân ghiền thứ thiệt uống cà phê đen nóng trước khi đi làm. Còn buổi tối chủ yếu là thanh niên hoặc gia đình, đi vì nhu cầu tụ họp, nghe nhạc... và lúc này vào quán không chỉ uống cà phê. Buổi sáng Pleiku thú nhất là gặp ngày se lạnh, ngồi trong một quán bình dân nào đó, lẫn lộn cả dân văn phòng, công chức và thợ thuyền, ly cà phê nóng được ủ trong lon sữa bò đựng nước sôi, khói bốc nghi ngút, đen nhánh và thơm ngào ngạt. Nghe giọt cà phê từ từ lăn trong cổ, nhẹ như một tiếng thở dài mà lâng lâng, quyến luyến, cảm được cả sự ngất ngây của vị đắng dìu dịu, như trộn trong đấy cả nỗi truân chuyên của đất, của người, của trời, của ban mai xao xác... Bao nhiêu câu chuyện nhân tình thế thái được kể ra từ đấy. Bây giờ các hãng sản xuất đang tung ra thị trường loại cà phê hoà tan 3 trong 1. Hoà ra, ực cái là xong. Cái gu cà phê của người Việt ta nói chung, dân ghiền Pleiku nói riêng, chưa hợp với kiểu uống lấy được này. Cái cảm giác nhìn giọt cà phê đặc sánh chậm rãi tụ dưới đáy phin, đủ giọt thì lặng lẽ rơi xuống để cộng nhiều giọt thành ly cà phê thơm ngát mê hoặc đã trở thành "bản sắc dân ghiền" mất rồi... Chao ơi, tự nhiên heo may lại về vào những ngày đầu năm trên thành phố cao nguyên này. Lại muốn bỏ bàn viết, đóng máy vi tính lại, vào quán cà phê Nguyễn Du. Ở đó, hôm qua, có lẽ do heo may cuối mùa, lại vừa bung ra những tàn hoa sữa...

16 nhận xét:

Nặc danh nói...

“…Còn cánh văn nghệ hiện giờ lại hay ngồi đâu lưng vào nhau ở một cái quán vô cùng cóc ở đường Nguyễn Du:.

“…chếch bên kia một chút là quán cà phê Hoàng Nhật bề thế sang trọng với hàng chục tiếp viên nhanh xinh đẹp như sóc và dẻo như kẹo mạch nha”.

Nặc danh nói...

Em là Văn Phú Hùng ở Duy Xuyên Quảng nam. Không biết có liên hệ tộc họ gì với bác không nhỉ.

Nặc danh nói...

Gặp em chỉ một lần thôi
Mà sao bỗng thấy cuộc đời chao ngiêng
Có gì lay động con tim
Ly cà phê sánh, say mềm thời gian...
hix...

Văn Công Hùng nói...

@ Văn Phú Hùng:
------
Tất nhiên là bà con rồi, 600 năm trước xuất phát từ Quỳnh Lưu đấy Hùng ạ, trước đấy thì... chúng ta cùng nhau tìm tiếp nhé...

Nặc danh nói...

Nghe anh kể về những nơi cafe mà tôi thấy như trong tôi thấy mình được ngooif bên quán Cafe BÌNH MINH ở Bến Ván ngày nào!

Nặc danh nói...

Bắt tận tay anh Hùng đăng lại bài cũ nhé, chỉ có đoạn đầu là mới ... pịa thêm.
np

Hoathanhquees(HTQ) nói...

@VCH,
Nghe nói thời chống Mỹ và thời bao cấp có cafe rượu, cafe trứng,cafe bít tất,cafe ngoáy,cafe giấy...
Hu hu không hiểu ló dư lào???

văn hậu việt nói...

em là Hậu Việt, ngày xưa cụ tổ em từng phò Câu Tiễn...

...Pleiku là dân rỗi hơi, 8h ăn sáng, 9h cà phê, 10h làm việc, 10h30 về nhà.

...nói đùa tí đấy, thấy không khí phố núi này nó nhàn nhã quá, hình như không thấy người dân lo toan bao giờ.

Nặc danh nói...

Em cũng lên Plei rồi, ngồi đồng cà phê suốt ...từng buổi trong ngày luôn. Tuyệt lắm !

Nặc danh nói...

Em cung ho Van, cai ho nay that hiem suot thoi gian di hoc khong he trung voi ai, em cung dang song tai Pleiku, biet den quy danh cua Anh da lau nhung chua co dip dien kien, biet dau day lai la ba con Anh nhi.Goc o Nha Trang lay chong theo chong ve day a!

Văn Công Hùng nói...

@ Hoa Thanh Quế:
Bây giờ vẫn còn, nhưng quả là tôi không xơi được những món ấy, hì hì, có khi tại mình kỹ tính...

Văn Công Hùng nói...

Các bạn họ Văn:
----
Vừa có cuộc đại hội tộc Văn toàn quốc tại Huế đấy, GS Văn Như Cương được bầu làm tộc trưởng, chúng ta đều là một họ và tứ tán đấy, giờ tập hợp nhau lại các bạn ạ.

Lê Phước nói...

Ngày xưa ở Bờ plây ku có cà phê Dinh Điền,cũng như ờ Đà Lạt có cà phê Domino.

Đàm Quỳnh Ngọc nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Đàm Quỳnh Ngọc nói...

Hết thui chó, đến cà phê, việc chi anh Hùng cũng giỏi, hầy?

Văn Công Hùng nói...

@ Đàm Quỳnh Ngọc:
------
Còn dăm việc giỏi nữa, hầy...