Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

CHUYỆN TẬN GÓC RỪNG

Cứ phải là rơm nếp, tưng bừng thơm, tưng bừng vàng, tưng bừng hấp dẫn, tưng bừng nồng nàn... Nếu không rơm nếp, bét nhất cũng phải là... bã mía. Cái món bã mía này đạt được 70% yêu cầu khi bất khả rơm nếp. Thui làm sao để con chó vàng đều tăm tắp, mượt mịn không nứt, không lỏi, căng đều, toàn thân màu nắng cánh gián. Xong, rửa tay xơi nước ăn thuốc. Lại một chuyên gia bậc cao khác tiếp nhận chú cầy đã vàng ươm thơm phức để... xả thịt.

 
Barie ngã ba Biên giới ở huyện Ia Grai
           

          Cuối mùa khô, đầu mùa mưa, trời ong ong. Nắng âm âm, cứ như muốn bùng lên một cơn cho hả mà không được. Càng dồn lại càng bức bối. Những người có kinh nghiệm bảo: Dứt khoát mấy hôm nữa sẽ có một cơn mưa cực lớn mở đầu cho mùa mưa. Không loại trừ một trận mưa đá. Càng gió càng nóng, nóng dấm dứt. Mùa này về Ia Grai sẽ biết tay nhau. Một người bạn nói. Mà lại về tận Ia O, xã sát biên giới. Chỉ cần đến sát biên giới phía tây thôi, chưa cần đặt chân sang đến đất Campuchia thì cái nắng, cái nóng đã âm u lắm rồi. Nó hun hút như đáy giếng, nắng quần tụ, vần vũ, mà lại khô không khốc... 

          Mới mấy tháng trước, tôi vừa về lại Xã Ia Krái, quê của anh hùng A Sanh. Và đấy là nơi xa nhất của huyện biên giới Ia Grai mà tôi từng đến. A Sanh đã thành người thiên cổ sau khi sống một cách vinh quang ở cõi đời này 64 năm. Cuộc đời thăng trầm, cả vinh quang và cay đắng của người thuỷ binh bên dòng Pô Kô lịch sử ấy tôi đã có dịp trình bày trong một bài báo khác. Bây giờ, Ia O, thêm hơn chục cây nữa, ngay ngã ba một đường ra biên giới, một đường lên thẳng huyện Sa Thầy- Kon Tum. Nhiều vệt rừng nham nhở cháy, mà toàn rừng đầu nguồn của các nhà máy thuỷ điện trên hệ thống Sê San. Những thân gỗ trơ mốc chưa kịp chuyển đi ngổn ngang như thuyền gặp bão nhìn nhức cả mắt. Chả hiểu rừng đầu nguồn bị phá, bị chặt như thế thì số phận các nhà máy thuỷ điện phía dưới sắp tới sẽ ra sao. Đấy mới là ảnh hưởng trực tiếp, còn gián tiếp thì lâu nay chúng ta đã... quen rồi. Đêm sau, đứng ở sân công ty 715 chúng tôi nhìn rõ mồn một cả một vùng rừng cháy, cứ loang lổ cháy, rừng rực cháy, chả biết bao giờ mới tắt. Vùng sâu vùng xa, chợ không có, các “Công ty hai sọt” hoạt động nhộn nhịp, phục vụ nhu cầu của cả dân chúng và các cơ quan, đồn biên phòng. Ở Tây Nguyên, vào các làng dân tộc, bao giờ ta cũng gặp một hai gia đình người Kinh “định đô” ở đấy. Đi công tác về buôn làng nhiều, tôi thấy vai trò của các gia đình này là rất lớn. Đành rằng họ vào làm ăn là chính, lợi nhuận là chính, nhưng chính họ là cầu nối thông thương kinh tế văn hoá... giữa các buôn làng vùng sâu với văn minh. Họ mua hoặc đổi từ con gà, quả bí, trái bầu, củ khoai... và bán dầu đèn mắm muối và cả... thuốc chữa bệnh cho dân làng. Họ là hiện thân của đời sống văn minh, nên bà con đều đến học và hỏi, từ cách nấu ăn cho đến giặt giũ, cách đánh răng cho trắng, rửa mặt cho sạch... đến cả cách mắc màn khi ngủ, vệ sinh phụ nữ, cách... tránh thai... Bà con dân tộc rất hay đến các gia đình này chơi, nhiều khi chỉ... đứng xem, nhưng chủ yếu là mua bán trao đổi. Nhiều người Kinh dạng này chuyển hộ khẩu vào định cư hẳn trong làng và có người còn được bầu làm... cán bộ. Và loại thứ 2 hay gặp là các “công ty hai sọt”. Những người này di chuyển hàng trăm cây số mỗi ngày trên xe máy. Trong hai chiếc sọt chất trên xe là nguyên một “siêu thị” với thượng vàng hạ cám. Có thể mỗi xe chỉ một người đàn ông hoặc một người đàn bà, nhưng thường là 2 vợ chồng. Vợ ngồi vắt vẻo lênh khênh giữa 2 chiếc sọt và sẽ là người rất đắc lực... đẩy trong những khi xe bị sa lầy, lao xuống hố, chết máy, xì hơi... “công ty” này đi khắp các làng “của mình” “phục vụ” hết hàng thì về. Khi ra cũng... đầy hàng, vì đồng bào ít khi có tiền mà thường là đổi những thứ “của nhà giồng được”. Mùa mưa, những chiếc xe này như những cục bùn di động. Lăn lê bò toài nhiều khi cả buổi mới qua được nửa cây số, còn mùa khô thì người trùm kín áo mưa và nhìn xe cùng người cứ lừ lừ đúng nghĩa một cây bụi, đỏ quạch... 

                               Quán Cà Phê biên giới

Chiều Biên giới (2 người đang đi là nhà văn Nguyễn Bình Phương và Đặng Minh Sáng)

          ...Bữa cơm chiều của lính văn phòng công ty sinh động hẳn lên khi có thêm một bóng hồng là vợ của thượng tá Phan Văn Vịnh, chủ nhiệm chính trị, lên thăm chồng nhân mấy ngày nghỉ lễ. Chị là kế toán một cơ quan ở tận Đăk Pơ, dẫn theo con gái, lặn lội đi ba chặng cả xe ô tô và xe ôm, vượt gần trăm cây số lên đây. Khổ thân, thời bình mà có khác gì thời chiến đâu. Tất nhiên là các sĩ quan vui tính “tán” về những gì sẽ... xảy ra vào đêm ấy. Một đại tá còn “xung phong” rước cháu bé về phòng mình ngủ để bố mẹ cháu... thức. Anh chị có 2 cháu. Vẫn ở nhà tập thể cơ quan vợ tại Đăk Pơ. Cháu trai lớn học lớp 8 ở nhà trông nhà, mẹ dắt em gái 5 tuổi bắt xe đò lên Pleiku, đi xe ôm lên dốc truyền hình Gia Lai đón tiếp xe đi 715, một ngày chỉ có 2 chuyến. Vài tháng anh về với vợ con được một lần, thì lại phóng xe máy về Pleiku, gửi xe lại đấy rồi đón xe đò xuôi đường 19 gần trăm cây về với vợ con. Hỏi có kế hoạch hợp lý hoá gia đình không? anh bảo: Thôi đợi... về hưu luôn. Mới dành dụm mua được miếng đất ở Đăk Pơ, về hưu sẽ vay mượn để xây một cái nhà nhỏ cho vợ con chấm dứt cảnh nhà tập thể. Thượng tá Trần Văn Công, phó giám đốc phụ trách quân sự còn “hoàn cảnh” hơn: Vợ con ở tít ngoài quê Quỳnh Lưu Nghệ An, mỗi năm anh về phép được một lần, thế mà vẫn... vui như tết... 

          Có khách nhưng chợ xa nên bữa ăn cũng chỉ thêm mấy chai bia, còn vẫn đạm bạc rau cải xào, trứng luộc, cá cơm kho khô... Đại tá giám đốc công ty quyết định chiều mai... ngả một con cầy đãi khách sau khi cẩn thận hỏi xem có ai không xơi được món quốc hồn quốc tuý này không. Theo sự giới thiệu kiểu “Tin thì tin không tin thì thôi” để... dọn đường của ông thì có nguyên một đội quân chuyên nghiệp trong công ty để làm việc này. Có một người chỉ chuyên... chọn cầy, vào làng đồng bào dân tộc rảo, ưu tiên “Nhất vện nhì vàng tam khoang tứ đốm”, tất nhiên đen vẫn là nhất. Nói như một sĩ quan thì là: Cầy “chân đất” mới được “quan tâm”. Xong việc, tức là mua xong mang về, có một ông chỉ chuyên... cắt tiết và thui sau khi đã được một đại uý chuyên cung cấp rơm nếp. Các quán thịt chó ở thành phố bây giờ toàn thui chó bằng đèn khò rồi quét bột nghệ như... sơn bàn ghế giường tủ, chán chết. Cứ phải là rơm nếp, tưng bừng thơm, tưng bừng vàng, tưng bừng hấp dẫn, tưng bừng nồng nàn... Nếu không rơm nếp, bét nhất cũng phải là... bã mía. Cái món bã mía này đạt được 70% yêu cầu khi bất khả rơm nếp. Thui làm sao để con chó vàng đều tăm tắp, mượt mịn không nứt, không lỏi, căng đều, toàn thân màu nắng cánh gián. Xong, rửa tay xơi nước ăn thuốc. Lại một chuyên gia bậc cao khác tiếp nhận chú cầy đã vàng ươm thơm phức để... xả thịt. Xả xong con chó mà không nghe tiếng dao chặt, từng tảng thịt kèm da óng ả nằm ngồn ngộn giữa tàu lá chuối xanh nhưng nhức. Xả xong lại giao cho một chuyên gia chuyên ướp. Giềng mẻ mắm tôm “tam hành” lặn vào từng thớ thịt theo bí quyết tỉ lệ nhà nghề mà chỉ chuyên gia này biết. “Chuyên môn hoá” cao độ nên ông Trần Quang Thống, đại tá giám đốc công ty bảo: có hôm ngồi họp, dưới bếp mới chỉ ướp thịt thôi, có một cậu vô tình mở vung ra, mùi thơm thổn thức phập phồng con tì con vị khiến mọi người... nhấp nhổm. Ông phải ra lệnh... đóng chặt vung để cuộc họp thành công. Chuyên nghiệp hoá đến thế thì quả món ăn này đã nâng lên hàng thặng thừa. Đại tá Vũ Bá Kim bảo: Ở đây thường xuyên dùng món này nên chuyên nghiệp hoá cũng phải. Chợ búa chưa có nên đây là cách tốt nhất để cải thiện. 

          ...Ở chỗ ấy bây giờ là một cái barie của bộ đội biên phòng, mấy quán cà phê lèo tèo khách. Buổi chiều chúng tôi ngồi uống cà phê, thấy dăm ba cặp vợ chồng áo thun quần sooc trông rất chuyên nghiệp chở nhau đi chơi cầu lông. Chiều biên giới miên man trong mắt khách lạ, còn bản thân người ở đấy, ai cũng hối hả với công việc của mình...

                     

9 nhận xét:

mẹ mướp nói...

cũ òy . Nhưng dù sao cũng nhờ bài này mà mỗi lần nấu giả cầy, iem lại kiếm bã mía để thui chân giò. Quả ngon hơn nhiều so với thui giấy báo, lá thông hay lá dừa. Thánh khiu bác phát (dù hơi muộn)

Đàm Quỳnh Ngọc nói...

E chỉ thấy ngon ở đoạn thui chú cầy thôi.

Đàm Quỳnh Ngọc nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Đàm Quỳnh Ngọc nói...

E chỉ thấy ngon ở đoạn thui chú cầy thôi.

Văn Công Hùng nói...

@ Đàm Quỳnh Ngọc:
Ngon quá nên nó bị thui đến... 3 lần, hơ hơ...

Văn Công Hùng nói...

Mẹ Mướp:
---
Giấy báo cũng tốt, nó cũng là xenlulo mà...

dân tộc nói...

Chủ đề của bài này là thui rừng hay thui chó nhể? nghỉ mãi không ra.!

Văn Công Hùng nói...

Là một bài bút ký dài về biên giới, thưa ông, tôi cắt lấy một đoạn đăng lên cho nó ra blog ạ. Có những cái đăng báo được nhưng k đăng blog được và ngược lại ông ạ...

Daniel nói...

So với hồi anh Hùng trổ tài nấu thịt chó với muối - riềng đãi Nguyên Ngọc và Đinh Núp thì Tây Nguyên phát triển quá nhanh.
Biết tiếng anh Hùng rất rành món tiết canh , nghe đồn tiết canh chó rất ngon và lành , có đúng vậy ko ạ ?

My iP