Đúng 1h xe tới, mình thấy hắn, lái xe ấy, có vẻ... lờ đờ, hỏi chú không ngủ trưa à, bảo em vừa từ huyện về có tí việc gia đình chạy thẳng đến anh ngay. Bảo cứ chạy, lúc nào chú buồn ngủ thì anh lái (hi, mới học lái 2 ngày mà nổ ghê quá). Cố gắng xuống càng sớm càng tốt, mình căn thời gian lúc đi rồi tính thời gian về, làm sao để 8h sáng mai anh có mặt ở cơ quan để họp.
Xe chạy đến 6h thì tới Tuy Hòa, đã nhờ Phan Thanh Bình là bạn học cùng lớp hồi đại học đặt sẵn vòng hoa, ghé báo Phú Yên điện Huỳnh Thạch Thảo thì y nói không đi Đà Lạt nhưng có khách, lúc chiều Thảo viếng rồi. Bình đến (hắn làm ở báo Phú Yên), hắn bảo ghé đây làm ly giải mỏi đã. Là có mấy tên họa sĩ, Nghệ sĩ sân khấu, nhạc sĩ... ngồi sẵn. Mình uống 2 ly bia rồi giục Bình đi. Hắn đưa đến hàng hoa đặt sẵn lấy hoa rồi đến nhà Tô Phương. Ít người lắm. Mình vào đúng lúc đoàn báo Khánh Hòa vừa đến, có cả em Ngọc Anh học cùng mình với Bình giờ là Phó Tổng báo Khánh Hòa. Bắt tay (không ôm hôn) Ngọc Anh xong mình vào thắp hương và nói lời chia buồn. Con gái và vợ ông Tô Phương vô cùng ngạc nhiên khi thấy đại diện Hội Nhà Văn xuất hiện, lại còn tưởng mình tiện thể đi công tác ghé qua. Khi mình bảo không, tôi chỉ từ Pleiku xuống với mục đích duy nhất là viếng nhà văn Tô Phương và chia buồn với gia đình xong sáng mai lên sớm thì gia đình lại càng ngạc nhiên. Bảo là có điện cho hội (qua chị Hoàng Tuyên) nhưng không nghĩ hội lại cử người xuống. Con gái Tô Phương đang làm ở nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ HCM hỏi tên mình xong bảo em không biết anh. Hội Nhà văn em chỉ biết chú Hữu Thỉnh, chú Ma Văn Kháng và cô Hoàng Tuyên, hehe... Thú thực khi đi đường mình nghĩ việc đi của mình có khi không thiết thực lắm, nhưng xuống đến nơi mới thấy mình đi là hoàn toàn đúng...
Viếng xong quay lại vỉa hè, mình làm thêm mấy ly bia và nửa ổ mì rồi về KS ngủ. Đúng 3h sáng lại dậy vệ sinh, 3h30 xe lăn bánh trong đêm và đúng 8h đã có mặt ở Pleiku để họp, không bị ai chê trách, không bắt ai phải đợi vì lịch họp đã định từ trước...
Mình có một lần dự trại chung với ông Tô Phương, cái trại của báo Văn Nghệ Công An tổ chức, thấy ông hì hục viết tay rất khổ sở, rồi sau đó thi thoảng ông lại gửi cho mình một phong bì dày cộp bản thảo photo (he, ông cũng quay vòng gửi nhiều nơi một lúc). Mình in cho ông được vài lần vì thú thực truyện của ông chỉ hợp khi có dịp lễ lạt, mà mình thì chủ trương không làm báo kiểu lễ lạt cúng cụ...
Là mình sapo phi lộ dài dòng thế để sau đây giới thiệu bài viết của bạn mình, nhà báo Phan Thanh Bình, cái tên mà mình đã kể ở trên ấy, mà lần nào mình xuống Tuy Hòa nó cũng tận tụy ấy, nó viết về ông Tô Phương khá da diết, tất nhiên là để đăng báo Phú Yên nên nó chỉ có thể múa đến thế...
--------------
Vĩnh biệt người Anh
trong làng báo làng văn
PHAN THANH BÌNH
Nhà văn - nhà báo - phóng viên chiến trường Nguyễn Tô Phương vừa giã biệt cuộc đời ở tuổi 75, để lại ngậm ngùi về lẽ tử sinh cho các thế hệ cầm bút đàn em.
Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng bên bờ sông Cái xã Xuân Sơn, huyện Đồng Xuân, nhà văn - nhà báo Tô Phương từng là cựu học sinh ngôi trường trung học kháng chiến Lương Văn Chánh. Theo tiếng gọi non sông “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” ở tuổi 15, ông làm du kích, liên lạc ở địa phương, tham gia thiếu sinh quân và tình nguyện gia nhập quân đội năm 16 tuổi, biên chế ở Tiểu đoàn 375 Tỉnh đội Phú Yên.
Tập kết ra Bắc, ông là lính Sư đoàn 324, được quân đội đào tạo ở Trường sĩ quan Pháo binh, từng là chính trị viên Tiểu đoàn cán bộ Cục chính trị Quân khu 3, Phó tổng biên tập Báo Quân khu 3, sau đó trở thành phóng viên chiến trường, biên tập viên Báo Quân đội nhân dân. Ông là một trong những nhà báo cách mạng được cử đi B, có mặt tại dinh Độc lập ngày 30.4.1975.
Sau giải phóng, với trách nhiệm phóng viên chiến trường, ông có mặt ở mặt trận Tây Nam và biên giới phía bắc, để lại nhiều phóng sự chiến trường có tiếng vang trên Báo Quân đội nhân dân. Ông còn là nhà văn quân đội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, để lại tác phẩm Mùa hoa ô môi, một trong những điểm son của văn học cách mạng miền Nam.
Năm 1982, với quân hàm thiếu tá Quân đội nhân dân Việt Nam, ông chuyển ngành về quê hương làm Phó tổng biên tập Báo Phú Khánh (1982 - 1986), quyền Tổng biên tập, Tổng biên tập Báo Phú Khánh (10.1986 -6.1989), Tổng biên tập Báo Phú Yên (7.1989 - 6.1998), Tỉnh ủy viên dự khuyết Tỉnh ủy Phú Khánh, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Phú Yên, đại biểu HĐND tỉnh, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Phú Yên, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.
Cuộc đời cầm bút của ông đã để lại cho đời hàng ngàn bài báo và 15 truyện ký có giá trị: Mùa hoa ô môi (1979), Làng xã đánh giặc (1980), Vùng cao Lũng Vân (1980), Bà mẹ đất thép (1984), Đội nữ du kích Củ Chi (1985), Hương tràm (1986), Làng cát (1986), Hòa Hiệp anh hùng (1995), Hai mẹ con - hai anh hùng (2000), Sự hy sinh cuối cùng (2002), Những sợi chỉ đỏ (2004),Vùng cát cháy (2007)...
Đọc tác phẩm của ông, nhà thơ Phan Hoàng (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy viên BCH Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, người con của quê hương Phú Yên) nhận xét: “... Tô Phương là nhà văn xuất thân từ nhà báo. Ông từng tả xung hữu đột ở những “điểm nóng” và là một trong số ít nhà báo có mặt ở dinh Độc lập ngay trưa 30.4.1975 lịch sử. Những con người, sự kiện mà Tô Phương trực tiếp gặp gỡ, chứng kiến khi còn làm phóng viên chiến trường đã trở thành những “hạt vàng” cho trang văn âm vang lịch sử của ông, trong đó hình ảnh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng được nhà văn khắc họa khá chân thành, xúc động”.
Bút tích của nhà văn Tô Phương
Tôi, một người em của ông được ông ưu ái “rủ rê” làm báo từ lúc còn làm thư ký cho nhà thơ Văn Công (Cao Xuân Thiêm, Phó chủ tịch thường trực, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh). Nghe ông thuyết phục lọt tai, khi Cụ Văn Công chuẩn bị nghỉ hưu, tôi đề đạt nguyện vọng với Cụ xin được làm báo và được Cụ chấp nhận. Vậy là tôi về làm lính cho ông Tô Phương từ năm 1987 đến khi ông nghỉ hưu (1998) và làm báo mãi cho đến bây giờ. Tháng 8.1989, các vị lãnh đạo cũ của UBND tỉnh Phú Khánh trở về đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên có gọi tôi trở lại nghề văn phòng bởi có nhiều năm thâm niên công vụ. Anh Tô Phương tha thiết đề đạt cấp trên cho tôi ở lại báo bởi quá thiếu người. Dưới trướng ông, tôi được phân công tuyên truyền mảng “Những việc cần làm ngay” ở Báo Phú Khánh và mảng “đấu tranh chống tiêu cực” ở BáoPhú Yên. Quả thật, yêu nghề phải theo chứ lành ít dữ nhiều, quá nhiều điều phải vương mang sau mỗi trang viết như một cái nghiệp. Ông luôn hỏi tôi: “Chú có sợ không?” và tôi luôn trả lời “đã mang lấy nghiệp vào thân” không sợ gì cả. Về hưu, ông là láng giềng, thường xuyên sang tôi uống trà, tâm sự nhiều điều về nghĩa Đảng, tình dân, tình đời, tình người. Tôi quý ông là một người Anh lớn, một người lính Cụ Hồ đầy nhiệt huyết đấu tranh cộng với chút nghệ sĩ của một nhà văn, nhà báo... Cách đây vài tháng, ông gọi tôi sang nhà tặng cho nhiều sách quý mà ông đã tích lũy nhiều năm với lời gởi gắm: “Anh không còn dùng tới nữa, chú mang về đọc, có ích cho nghiệp viết”.
Tôi xúc động nhận món quà quý này và hứa với ông sẽ khai thác tốt những “dinh dưỡng” vô giá chứa đựng trong những trang sách.
Vĩnh biệt ông, một người Anh, một đồng nghiệp khả kính, tôi lần giở ra những trang sách ông tặng và thấm thía với lời tự bạch của ông - châm ngôn sống của một nhà văn - nhà báo cách mạng gần 30 năm mặc áo lính: “Gần nửa cuộc đời tôi là người lính. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi là phóng viên mặt trận, đã cùng đồng đội có mặt ở các chiến trường B, C, K, biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Nhờ quân đội, tôi đã trở thành nhà văn. Nhờ quân đội, tôi đã có một số tác phẩm viết về người lính, một vài nét về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng anh dũng của dân tộc, về sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh và vĩ đại. Tôi tự thấy mình còn mắc nợ với đồng đội, với đồng chí và đồng bào đã hy sinh, vì chưa viết được những tác phẩm xứng đáng với tầm vóc của họ. Tôi nguyện sẽ cố gắng. Viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là mục tiêu của tôi”.
Người Anh lớn của làng báo hãy yên lòng ra đi. Tâm huyết của ông đã, đang và sẽ truyền lửa cho các thế hệ kế tiếp. Đó cũng là nén nhang lòng tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng.
8 nhận xét:
Cảm nhận của PD về nhà văn Tô Phương giống như bài viết của nhà báo Thanh Bình. Chỉ sống với ông (cùng với VCH) ở Trại sáng tác Công an gần một tháng nhưng cũng nhận ra cái tâm nhiệt huyết của lớp người như ông Tô Phương với Đảng, với cộng đồng. Mặc dù chưa đọc ông nhưng chắc là các tác phẩm của ông cũng sẽ nặng đầy trách nhiệm với đất nước và dân tộc.
Oa bác Phạm Doanh, em vừa post xong bác đã vào cho chữ. Hồi ấy có bác nữa nhỉ. Ông Tô Phương thi thoảng lại mượn điện thoại của em gọi về cho vợ, chỉ hỏi ăn chưa, ngủ chưa... hì em bảo bác hỏi nhiều quá bác gái cáu đấy. Tô Phương bảo ngần này tuổi mà vẫn... nhớ chú ạ. Sau này ông gửi bản thảo cho em, thường là mấy chục trang, ngoài bì ghi: Kính gửi đồng chí nhà thơ VCH, hehe...
"Kính gửi đồng chí nhà thơ VCH", chết rồi cho qua, hư trí miễm truy cứu. Chúc đồng chí sức khỏe để chuẩn bị tiễn tiếp PD, he he.
Già rồi, đánh chữ "miễn" ra chữ "miễm", oan gia.
Có nhà thơ HHĐ vừa vào thăm nhà VCH đấy, biết ai không ?
HHĐ? là ai thế ạ?
Qua trang Web của nhà thơ Văn Công Hùng,được biết tin nhà văn Tô Phương tạ thế. Xin thắp một nén nhang tưởng nhớ. Ấn tượng của tôi về ông : một người chừng mực, khuôn thước , một nhà văn chung thủy với đề tài người lính mà ông suốt đời theo đuổi. Thang 10/2010, nhà văn Tô Phương cùng tham gia trại sáng tác văn học của Hội Nhà văn Việt Nam tại Vũng Tàu,với các nhà văn Trần Công Tấn, Nguyễn Quang Thân,... Lần đầu tiên tôi được sống ít ngày với ông,và có ấn tượng như một nhân vật găm được vào ký ức mình.Tưởng nhớ ông và mong ông siêu thoát về cõi vĩnh hằng.Cám ơn cuộc hành trình về Phú Yên đưa tiễn Tô Phương của Văn Công Hùng.
HOÀNG MINH TƯỜNG
HHĐ là cái anh chàng "chết rồi cho qua, hư trí miễn truy cứu" đấy. Chỉ có anh chàng HHĐ mới xía vô chuyện lễ nghĩa của người khác bằng cái giọng vô ý thức, thiếu văn hóa như vậy chứ !
Đăng nhận xét