Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

ĐÀN BÀ TÂY NGUYÊN, ĐẾN RỒI BIẾT...

Bài này tôi viết theo đặt hàng của một tờ báo, tất nhiên là cho ngày tám tháng ba, một trong những ngày "vĩ đại" đối với cả thế giới. Thôi thì chả làm sao cám ơn và bày tỏ được hết, tôi post bài này nhân hôm nay là Vu Lan như một lời chia sẻ, cảm ơn và cảm phục của tôi đối với các bà, các mẹ, các chị, các em, các cháu...


          Hồi mới lên Tây Nguyên, ấn tượng sâu đậm nhất trong tôi là giữa ánh hoàng hôn chạng vạng, từng đoàn phụ nữ đeo gùi lầm lũi đi hàng dọc trong chiều. Nhiều nhà nhiếp ảnh đã "ăn" những cái ảnh rất đẹp về hình tượng này. Không gian mênh mông thoáng đãng, những con đường tít tắp mờ chân trời, chân trần da nâu lẳn chắc, cái dáng cong về phía trước của phụ nữ Tây Nguyên nó gợi vô cùng. Chưa kể còn váy, áo ló hở vai, thậm chí là ngực trần.  Cặp vú trinh nữ cong vút như sừng dê non, nâu bóng hiên ngang chĩa vào chiều làm khối chàng đau mắt, nhiều người bị tai nạn giao thông. Mà trong cái gùi ấy không nhẹ đâu nhé. Khi thì củi, lúc thức ăn, có thể là lúa, là nước, những bầu nước suối xếp đầy và thường là đi ngược dốc, ngược nắng... nó tạo cho tôi ấn tượng về người phụ nữ Tây Nguyên gắn với... gùi. Nó đẹp nhưng buồn, cái buồn lặng lẽ cam chịu, một chút hoang vắng, một chút cô đơn, một chút nhẫn nhục...

          Ở lâu tôi mới phát hiện, làm đàn ông Tây Nguyên sướng thật. Chế độ mẫu hệ dẫu có mất "quyền làm chủ" một tí, nhưng sướng lắm. Này nhé, sáng sớm các lão chồng đang ngủ pho pho thì các bà vợ đã lặng lẽ dậy, sau khi đẩy củi vào cho bếp liu riu thêm để "chồng yêu" ngủ nướng khỏi lạnh, các bà nhặt các quả bầu khô nước xếp vào gùi xuống suối lấy nước. Làng nào gần suối còn đỡ, có làng như làng người Xê Đăng chẳng hạn, chuyên môn ở trên triền núi cao, đường xuống suối thăm thẳm và dốc ngược, trơn nhẫy. Gùi nước về xếp vào sàn thì giã gạo. Thường người Tây Nguyên ăn ngày nào giã gạo ngày ấy. Giã xong thì nấu cơm. Trong lúc chờ cơm chín thì cho lợn gà ăn. Cơm chín thì vào lay chồng con dậy, ăn xong vào rẫy thì chồng phì phèo thuốc, vác mỗi con dao đi trước với con chó véo von hát. Vợ địu con trước ngực, gùi sau lưng, tay dắt đứa lẫm chẫm vừa đi vừa chạy cho kịp chồng. Đứa trẻ được địu sau lưng có kiểu bú rất lạ: nhổm qua vai để bú, lâu dần nó không cần nhổm mà chỉ vươn tay ra phía trước là tóm được vú vắt ngược vai mẹ cho vào mồm.

          Sướng nhất là... nối dây. Vợ chẳng may mệnh hệ nào thì lập tức họ hàng nhà vợ họp lại, chọn ra một người, phần lớn là em, cháu vợ, làm vợ nối dây cho anh chồng tội nghiệp kia. Anh này chỉ được một quyền duy nhất là... chấp nhận. Tôi biết nhà văn Nguyễn Ngọc Ký cũng được... nối dây kiểu này, nhưng ở người Kinh thì hình như đây là trường hợp độc nhất, còn ở chế độ mẫu hệ Tây Nguyên, đây là việc đương nhiên. Chúng ta chắc có người đọc có người nghe tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc, trong tiểu thuyết có nhân vật H'Liêu là vợ Núp. Bà này bị chết khi Núp bắt đầu tập kết. Ra Hà Nội ông lấy vợ khác là nghệ sĩ H"ben, rồi bỏ, sau này khi về lại Gia Lai, ông nối dây lại với bà Ch'rơ, em ruột H'Liêu, và sống với bà này cho đến những ngày cuối đời.

          Nhưng có lẽ nhờ truyền thống mẫu hệ ấy mà Tây Nguyên cũng xuất hiện những phụ nữ tuyệt vời. Đấy là một chị H'noanh ở làng Bạc, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông. Trong chiến tranh chống Mỹ, chị là trung đội trưởng du kích, đánh hàng trăm trận đến nỗi bọn Mỹ ngụy nghe đến tên là khiếp đảm. Chồng chị cũng là du kích, và anh đã hy sinh trong một trận chống càn. Theo phong tục, chị nối dây với chú em chồng, cũng đang là chiến sĩ du kích trong trung đội của chị. Rồi anh này cũng hy sinh. Hai anh hy sinh để lại cho chị hai đứa con và bà mẹ chồng. Chị tiếp tục nuôi con, đánh giặc và nuôi mẹ chồng. Sau giải phóng, chị nhường hết hai suất tiêu chuẩn liệt sĩ cho mẹ chồng, còn mình làm rẫy nuôi con và làm chủ tịch phụ nữ xã. Chị sống giản dị đến mức kinh ngạc. Chúng tôi đã nhiều lần vào thăm chị, vài lần thắc mắc tại sao chị không được phong anh hùng? Nhưng chị thì không quan tâm...

          Bà Y Một, rồi bà Y Vêng, nguyên phó bí thư và bí thư tỉnh ủy tỉnh Kon Tum cũng là những nhân vật phụ nữ Tây Nguyên kiệt xuất. Các bà phụ nữ là người dân tộc thiểu số làm đến bí thư, phó Bí thư tỉnh ủy ở nước ta không nhiều. Ở phía bắc thì có bà Tòng Thị Phóng, Hà Thị Khiết, ở Tây Nguyên thì bà Một bà Vêng- Bà  Y Một còn làm đến phó chủ tịch quốc hội, Ủy viên dự khuyết trung ương Đảng. Trước đó, từ thời Tây Sơn tụ nghĩa, xuất hiện trong vai trò một thủ lĩnh có Yă Đố. Đấy là người đàn bà con của một tù trưởng người Bahnar vùng An Khê, được gả làm vợ ba của "người trời" Nguyễn Nhạc. Bà phụ trách toàn bộ việc quân lương và luyện voi. Bà đã biến vùng Tây Sơn thượng hoang sơ thành những cánh đồng trù phú được gọi là "đồng Cô Hầu" còn vết tích đến ngày nay. Ngày nay vẫn còn những bãi luyện voi, những vườn cam, vườn mít do chính bà chỉ huy làm nên để bổ sung lương thực cho nghĩa quân Tây Sơn. Và điều quan trọng là, cho đến bây giờ, trong lòng người dân vùng Tây Sơn thượng đạo, Yă Đố- cô Hầu- vợ ba của Nguyễn Nhạc vẫn còn sống mãi, hầu như không ai ở vùng này là không biết tên và công đức của bà.

          Vai trò các già làng ở Tây Nguyên là rất quan trọng. Cũng chả hiểu sao mà ở chế độ mẫu hệ nhưng hàng mấy trăm năm qua, các già làng chỉ toàn là... đàn ông. Nó quen đến nỗi nói đến già làng ta hình dung ra một lão ông quắc thước, râu trắng như cước, da đỏ như son, ngậm tẩu, nghiêm nghị, thông minh... Già làng vừa là quyền uy, vừa là tri thức, lại vừa là tâm linh, trên thông thiên văn, dưới tường địa lý để có thể xử tuốt các việc trong làng, từ lớn như quyết định dời làng lập làng, chiến tranh, cúng gọi mưa, cúng chống dịch bệnh, lý giải các giấc mơ... đến giải quyết các xích mích, cãi vã, ghen tuông, lợn gà... tóm lại phải là một người giỏi, ưu tú nhất trong cộng đồng, trong làng, thế mà gần đây ở Gia Lai đã có một... nữ già làng rất uy tín, nói dân làng nghe răm rắp. Bà là H'lâm ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông. Thực ra thì bà nguyên là thượng úy quân đội nghỉ hưu. Thời tuổi trẻ bà đã có hai năm được ra miền bắc ăn học rồi trở về quê đánh giặc. Hết giặc thì về làm dân và bà trở thành già làng chỉ vì không chịu nhìn thấy cảnh dân làng mình lạc hậu mông muội. Bà hướng dẫn nhân dân làm ăn, hướng dẫn dân làng cách sống mới, có vệ sinh và biết áp dụng các điều kiện sống mới vào cuộc sống của mình. Vì can thiệp vào các hủ tục mà đã vài lần bà suýt bị cộng đồng đuổi ra khỏi làng. Tất nhiên già làng bây giờ thì vai trò và quyền uy không còn như ngày xưa, vì còn có chính quyền và các đoàn thể, người dân cũng hiểu biết hơn chứ không như ngày xưa cái gì cũng hỏi già làng. Nhưng để được suy tôn như thế, từ xưa đến nay ở Tây Nguyên mới chỉ mình H'lâm là một...

          Còn về sắc đẹp của con gái Tây Nguyên thì...thôi chả kể nữa, các bạn có muốn tìm hiểu thì xin đọc Đăm San, Xing Nhã, và mới đây là Đăm Noi, các trường ca cổ. Mà đấy là thời cổ, chứ còn bây giờ á, thôi đến rồi biết...
                                                                             V.C.H


DSC06830[1].jpg
tạo dáng teen...

8 nhận xét:

ngoc nói...

Cuối tuần, trước kỳ nghỉ, được đọc bài như thế này thật thú vị. LIKE !

ngoc nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Nặc danh nói...

Hai thiếu nữ trong hình nhìn thấy "khỏe" quá bác Hùng ơiii...

Bùi Công Tự nói...

Văn Công Hùng đến đã lâu
Chắc là biết rõ nông sâu thế nào?

Bờm nói...

Kiếp sau bờm đã quyết rồi
Phải cưới vợ bé là người Tây nguyên

hoa nói...

anh hung co biet sao anh cu vinh lau o thay viet gi moi o

Nặc danh nói...

Trời mờ sáng đã nghe tiếng giã gạo, không biết họ thức dậy lúc nào ?
Ăn phở dùng "đũa 5 ngón", bà chủ quán không dám chan nước lèo!
Mấy em "tôn dậc" đi dạo Diệp Kính, nếu không nghe mấy em nói chuyện với nhau, cứ tưởng người Kinh, híc.
30 năm trước, tụi tui "tung hoành" trên đường 19, 14, 7. Công an trông thấy là chạy mất dép!

DacSanTayNguyen.Vn nói...

Thích bài viết của tác giả và cả comment của Bờm nữa, mượn comment của Bờm để đăng lên fb cá nhân nha!