Chui ra khỏi xe (từ Hà Nội vào), nhà văn Đỗ Chu, mình luôn coi là tiên chỉ, túm vai mình: đưa tao đến nhà ông Trần Vàng Sao và Nguyễn Khoa Điềm cái, đi ngay, về mới tắm.
Mình có đến nhà ông Trần Vàng Sao một lần, hồi Huế còn cúp điện lia chia, đi vào một đêm mưa, bằng xe đạp, có Trần Thùy Mai, Thái Ngọc San, Phạm Phú Phong... Trần Thùy Mai mang đến biếu Trần Vàng Sao một cái ruột xe đạp, mọi người đến mỗi người mang 1 túi nhỏ mồi hoặc bịch rượu trong bao nilon. Mình thản nhiên đi không vì đâu có biết gì???
Té ra ông Trần Vàng Sao nghèo vô cùng. Mình nhớ khi mệ (mẹ anh TVS) mang thêm một ít kiệu muối ra, ai cũng kêu: Thôi mệ, quá nhiều mồi rồi. Trong khi thực ra trên bàn chỉ có ít cục xương. Sau nay mình đọc và biết vụ bài thơ "Người đàn ông bốn ba tuổi nói về mình", nghe nói lệnh bắt đã có trong cặp nhưng người ta chưa thực hiện. Mình có thằng bạn làm công an BTT thời ấy, thời của ông đại tá mang số 7 rất kinh, và mình tranh luận với thằng này. Nó chỉ bảo: Mày giải thích cho tao là tại sao TVS không phải 43 tuổi lại làm bài thơ người đàn ông 43 tuổi u ám thế, mà năm nay là năm VN mới 43 tuổi. Huhu có mà cãi nhau với đầu gối. Sau đấy lại đọc cái hồi ký của Trần Vàng Sao trên mạng mới biết đời ông này khổ thật. Tác giả "bài thơ của một người yêu nước mình" rốt cuộc lại không được tổ chức tin, lại phải về quê sau giải phóng bằng con đường không phải của người chiến thắng trở về. Và như thế tất nhiên khi về quê (Huế) sẽ chẳng ai phân công việc. Mình cũng nghe mối quan hệ không lành lắm giữa ông Nguyễn KHoa Điềm với ông Đính (TVS). Nhưng té ra không phải thế.
Ngoằn ngoèo lắm mới tìm ra nhà ông Đính trong khi ông Đỗ Chu bảo nhà nó ở 140 Đội Cung. Đội cung là đường lớn, ông Đính mà ở đấy thì quá oách, sao lại nghèo được. Y rằng, năm bảy lần qoẹo các loại cũng tìm được nhà ông TVS. Ông đang ngồi đọc sách phật ngay ở hè nhà. Nói luôn, ông chả biết 2 lão đến tìm là ai, khi Đỗ Chu đưa cái túi có 2 gói bánh của nhà thơ Ngô Thế Oanh cho ông thì ông à lên. Sau đó ông đưa 1 quyển vở bảo ông Đỗ Chu ghi tên vào. Đỗ Chu ghi: Nhà văn Đỗ Chu, nhà thơ VCH đến thăm ngày tháng năm rồi ký vào. Khi mình và anh Đỗ Chu biếu tiền ông, ông chắp tay vái và A di đà.
Khi bảo ông chỉ đường sang nhà ông Nguyễn Khoa Điềm, ông nhảy phắt lên cái xe đạp dễ phải có tuổi với chiến dịch Điện Biên. Nói thêm, đến cổng thì gặp vợ ông, một người đàn bà khá trẻ và nền nã, vẫn còn lưu giữ sắc đẹp của một thời chưa xa. Đến nhà ông Điềm, ông tự tay luồn vào mở chốt, việc mà nếu không có ông tôi và ông Chu không dám làm. Vào sân của cái nhà thờ khá lớn có cả nhà cũ nhà mới, người phụ nữ đang làm vườn bỏ đấy săm sắn mang nước ra mời chúng tôi rồi leo lên gác báo ông Điềm. Ông TVS hỉ hả, nếu không phải tôi, bà ấy không đi kêu ngay đâu.
Ông Điềm xuống, bắt tay mọi người và ngồi ở cái đôn giữa sân. Chuyện chừng mươi phút thì ông Chu chào về, vì ông bảo: Tôi đến, và đi thăm anh ngay, giờ về phòng KS để tắm. Mai lại gặp nhau.
Say rồi, ngủ thôi. 1h ra tàu vào Đà Nẵng để 7h bay lên Pleiku. Đáng lẽ chiều nay mình đi xe đò vào Đà Nẵng và ngủ lại 1 đêm để mai bay (cái món tàu bay này hại mình. Trước nó bay lịch 8h sáng xuống Đà Nẵng và 8h tối từ ĐN bay lên, mình đi rất tiện. Giờ thằng nào xui nó đổi lịch: Pleiku- Đà Nẵng 8h30 tối, làm mình xuống phải ngủ lại ĐN mai mới ra Huế được. Khi bay lên lúc 7h làm mình lại cũng phải vào ĐN trước 1 đêm). Nhưng bạn bè kéo quá, mình quyết định ở lại Huế, mua vé tàu lúc 1h, vào ĐN là 3h, sẽ lang thang ở ĐN từ 3h đến 6h sáng mai 14/3, ai ở ĐN thương mình thì hú mình uống cà phê nhé, đừng nhậu nữa, nhậu ở Huế đủ rồi. Lên Pleiku mình mới ăn sáng.
Lạy trời đêm nay đừng ngủ quên.
5 nhận xét:
"Y rằng, năm bảy lần qoẹo các loại cũng tìm được nhà ông TVS".Chắc là vì anh nhậu say quá rồi nên vừa sợ ngủ quên lại vừa viết sai chính tả - một việc mà ít khi thấy anh mắc phải. He! He!
Sáng nay đọc bài này thì anh về pờ lêi cu mất rùi, không mời anh cà phê sáng đc. Tiếc !
Bác nhà thơ nên viết văn cũng giật cục, đọc chẳng hiểu nói gì. Hay đang phiêu?? chẳng nhẽ gặp các đại ca mà không có chuyện gì hay ho ? Bác nhờ Tuân phẹt viết cho.
Thông tin quan trọng nhất là các bác Nguyễn Khoa Điềm, Trần Vàng Sao, Đỗ Chu Vẫn rất phong độ; lại quí nhau nữa! Mừng cho đất nước!
Không bít có số phận không mà ông Điềm, ông Đính (Đều cùng vần Đ cả)lại khác nhau đến thế?
Đăng nhận xét