Nhưng chưa hết, sau đấy khoảng một tuần, ông sang rủ tôi uống rượu. Mồi chính là... con kỳ nhông hôm nọ. Mà không chỉ một con, có đến mấy con đã được “để dành” như thế. Mùi nó đã thum thủm và màu cũng đã chuyển xanh rồi. Tôi hỏi ông sao không ăn ngay hôm ấy, ông bảo: Mày không biết ăn rồi, phải như thế này mới ngon, phải như thế này mới lên hết chất của... kỳ nhông. Thêm nữa, phải để dành dồn lại năm sáu con ăn một lần mới đã, tính ông là rất ghét ăn cái gì cứ phải chút chút. Ông khều than ra lật đi lật lại con kỳ nhông nguyên vỏ đã chuyển vàng hườm và bốc một mùi thơm rất lạ, không phải mùi thum thủm ban nãy, lại càng không là mùi thịt tươi, nó thơm một cách bí ẩn và sâu đậm...
Hồi ấy, cách đây hơn hai chục năm, tôi vẫn là một sinh viên trẻ mới ra trường. Một hôm đang ngồi họp phòng, ông Xu Man, khi ấy tôi mới chỉ biết ông là một họa sĩ, bỗng uỳnh uỵch vùng chạy ra ngoài nhanh như một cơn gió. Tất cả chúng tôi nhốm dậy và cũng sẵn sàng... chạy. Là bởi chúng tôi luôn được căn dặn là phải cảnh giác cao độ vì bọn fulro luôn lẩn quất đâu đây. Chúng không chỉ hiện diện ở buôn làng mà còn đã có mặt ở thành phố. Mà tự nhiên ông Xu Man, một người dày dạn chiến trường và cũng thân quen với làng, lại hốt hoảng chạy vùn vụt như thế thì... chắc là fulro tấn công rồi. Mới tuần trước, hai sĩ quan biên phòng bị fulro bắt trên đường công tác, chúng dẫn các anh đi mấy ngày luồn rừng rồi treo lên cây bắn chết...
Thì ra là ông thấy một con... kỳ nhông bằng ngón chân cái bò ở bờ rào. Tụt dép ra cầm tay, ông đuổi, hú, hét một hồi thì bắt được. Xách con kỳ nhông đã bị đập bẹp đầu quăng xuống giữa bàn salon, ông xoa tay hể hả ngồi họp tiếp. Mọi người có vẻ quen rồi nên sau một chút lộn xộn lại tiếp tục triển khai công việc. Riêng tôi cứ tròn mắt nhìn ông và con kỳ nhông...
Nhưng chưa hết, sau đấy khoảng một tuần, ông sang rủ tôi uống rượu. Mồi chính là... con kỳ nhông hôm nọ. Mà không chỉ một con, có đến mấy con đã được “để dành” như thế. Mùi nó đã thum thủm và màu cũng đã chuyển xanh rồi. Tôi hỏi ông sao không ăn ngay hôm ấy, ông bảo: Mày không biết ăn rồi, phải như thế này mới ngon, phải như thế này mới lên hết chất của... kỳ nhông. Thêm nữa, phải để dành dồn lại năm sáu con ăn một lần mới đã, tính ông là rất ghét ăn cái gì cứ phải chút chút. Ông khều than ra lật đi lật lại con kỳ nhông nguyên vỏ đã chuyển vàng hườm và bốc một mùi thơm rất lạ, không phải mùi thum thủm ban nãy, lại càng không là mùi thịt tươi, nó thơm một cách bí ẩn và sâu đậm. Ở trong nhà tập thể, nhưng giữa phòng ông luôn có một bếp lửa rừng rực. Củi hồi ấy mua theo phiếu. Các nhà khác dè sẻn từng thanh, ông cứ đút cả cây to như bắp chân nghi ngút khói, lúc nào cần lửa thì thổi bùng lên. Trừ cơm xách ở bếp tập đoàn về, thứ gì ông cũng nướng...
Năm 1981 lên nhận công tác ở Ty Văn hoá Thông tin Gia Lai Kon Tum, người đầu tiên tôi gặp là họa sĩ Xu Man. Ông ở phòng thứ 2 trong dãy nhà khách của sở, khu nhà nguyên là khu gia binh cũ, tôi ở phòng thứ nhất. Chiều thơ thẩn và buồn tê tái. Hồi ấy Pleiku buồn lắm, huống gì tôi, một tên sinh viên văn khoa vừa đeo ba lô từ thành phố Huế lên. Đang chần chừ nửa muốn đi dạo, nửa nằm khểnh nghỉ thì có tiếng gõ cửa. Mở cửa thấy một người đàn ông phúc hậu khoảng trên năm mươi. Ông rủ tôi sang phòng... uống rượu. Mồi là su su luộc và thịt... thằn lằn nướng chấm muối. Trước khi lên đây, tôi chưa có một ý niệm gì về vùng đất này, thích là làm đơn xung phong lên, nên tôi coi đây là dịp khám phá. Đến nửa cuộc rượu thì tôi biết ông là người Bơhnar. Một lúc nữa thì tôi biết ông là hoạ sĩ. Không có điện mà tôi lại đòi xem tranh, thế là ông thắp thêm một ngọn đèn dầu phụ thêm vào lửa và khói phập phù ở bếp, mở tranh vẽ trên giấy kroki cho tôi xem. Thực ra đấy mới chỉ là các bức ký hoạ và lại xem dưới ánh đèn lửa leo lét nên tôi chả cảm nhận được gì, chỉ thấy... rượu ngon quá, dù là rượu sắn, và thấy rất ấm lòng giữa một đêm mùa khô tháng 11 rét cắt ruột. Sau đấy tôi được phân công về phòng ông làm việc. Ông biên chế ở phòng Văn Nghệ nhưng trưởng ty hồi ấy là ông Trịnh Kim Sung chả giao việc gì cho ông, ông không phải làm cụ thể cái gì, nhất là những việc liên quan đến hành chính, cứ việc chơi, lĩnh lương rồi vẽ. Nhưng ông cũng ít ở Pleiku. Gần năm chục cây số về nhà, Plei Bông (làng Bông) thuộc xã Ayun, huyện Đăk Đoa, bây giờ là huyện Mang Yang, thế mà cứ cái xe đạp cà tàng, khung xe, dóng xe được cột thêm thanh gỗ bằng cổ tay cho chắc. Đến cái yên cũng được độn phía dưới một khúc gỗ vì cái ốc nó chờn nên yên cứ gật gà gật gù. Lốp xe thì quấn dây cao su chằng chịt, má phanh nhìn thấy là khóc ròng nên ông toàn phanh xe bằng chân, ông cứ thế đi đi về về. Việc chính của ông được giao là bồi dưỡng lực lượng họa sĩ cho tỉnh, thế nên lâu lâu ông lại rủ một nhóm hoạ sĩ trẻ về nhà ông, đèo theo lương thực thực phẩm, chủ yếu là cá khô mì tôm, một ít mì chính nữa, thế là ở cả tháng lang thang dưới làng, nhất cử lưỡng tiện...
...Sáng 28 tết mấy năm rồi, một cú điện thoại từ xã Ayun, Mang Yang lên Pleiku: Hoạ sĩ Xu Man đã mất lúc 2 giờ sáng.
Thế là ông đã về cõi, sau rất nhiều rập rịp... chuẩn bị, sau nhiều lần... đi hụt, tưởng đi rồi lại không đi, đúng hơn là... chưa đi, khiến cho những người yêu ông, những người có trách nhiệm đã vài lần hấp hửng lên xuống Pleiku - Pleibông, đã vài lần điện thoại đường dài Pleiku - Hà Nội.
Hoạ sĩ Xu Man, người Bơhnar của làng Bông, xã Ayun, người con tiêu biểu của dân tộc Tây Nguyên, người hoạ sĩ tài hoa của đất nước Việt Nam đã ra đi mãi mãi.
Có lẽ phải nói trước điều này, ấy là Xu Man rất giỏi vẽ phong cảnh, giỏi sử dụng màu nguyên, giỏi trang trí... nhưng ông lại yếu về chân dung, về khắc hoạ nhân vật. Ông rất giỏi vẽ những đám đông người Bơhnar trong tranh, không thể lẫn, nhìn vào là thấy ngay chất Bơhnar. Ðiều ấy làm nên cá tính của tranh ông. Song khi cần ký hoạ một nhân vật cụ thể thì ông lại lúng túng, ấy là bởi ông ít chú ý tới môn giải phẫu học, nhân chủng học... Thế mà, trong tranh ông, hình tượng Bác Hồ được ông miêu tả trong không dưới 100 tác phẩm, từ những bức khổ lớn hoành tráng như " Bác Hồ với nhân dân Tây Nguyên", " Nhân dân Tây Nguyên với Bác Hồ", "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng", "Ðón Bác về Tây Nguyên", " Mừng chiến thắng"... với hình tượng Bác Hồ là trung tâm, đến những bức nhỏ miêu tả cảnh sinh hoạt như "Ði học", "Ði nhà trẻ", " Lễ đâm trâu quê tôi", "Máy bay về Pleiku"... đều có hình ảnh Bác Hồ được miêu tả gián tiếp, thông qua những bức ảnh Bác treo ở những nơi trang trọng được ông đưa vào tranh. Ông tâm sự rằng, với các hoạ sĩ khác, vẽ Bác Hồ khó một thì với ông lại khó 10 vì ông rất yếu trong việc cân đong tỉ lệ hình thể. Thế nhưng khi vẽ bất cứ một bức tranh nào thì có ngay 2 hình ảnh lập tức hiện ra trong óc ông, như một sự lay động của tiềm thức, như thường trực trong tâm khảm, ấy là nhân dân quê ông và Bác Hồ. Người ta thường nói, ông nhắm mắt vẽ cũng ra người Bơhnar. Cũng như tôi đã chứng kiến hoạ sĩ thương binh hỏng mắt Lê Duy Ứng vẽ theo bản năng ngay trước đám đông một chân dung Bác Hồ rất đẹp. Nhưng ông vẽ Bác Hồ là một cuộc vật lộn. Thú thực là, nếu cân đo đong đếm, thì Bác Hồ trong tranh ông hoàn toàn chưa được chuẩn. Mặt không giống lắm, tỉ lệ tay chân chưa chính xác... Nhưng bù lại, một cảm xúc chân thành và kính cẩn hiện lên trong tác phẩm khiến người ta bỏ qua tất cả để thấy một Bác Hồ đang sống động hiện hữu trong tranh ông. Một Bác Hồ gần gũi thân thương giữa cộng đồng nhân dân Tây Nguyên. Tôi đã có lần hỏi ông rằng ông có biết là Bác Hồ trong tranh ông không giống không? Ông đã trả lời rằng: Biết, nhưng đó là Bác Hồ của Xu Man. Ông thấy và cảm nhận Bác Hồ như thế thì ông vẽ như thế. Và ai cũng nhận ra đấy là Bác Hồ. Thì chắc là lý luận nghệ thuật cũng dạy đến thế là cùng. Té ra là ông có một cách riêng để thể hiện Bác, để nói được tấm lòng ông, tấm lòng nhân dân Tây Nguyên, đối với Bác. Bác Hồ trong tranh ông, trong cảm nhận của ông không khác gì một người Bơhnar nhân từ, hiền hậu. Hồi ông đã khá yếu, tay chân đã rất run, mà trong những bức tranh cuối đời ấy, vẫn tràn trề tình yêu đối với Bác thông qua hình tượng Bác trong tranh...
Hoạ sĩ Xu Man tên thật là Siu Yơng, là Đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam, hội viên hội Mỹ Thuật Việt Nam (ông tham gia đến hai khóa chấp hành cái hồi BCH hội Mỹ thuật Việt Nam đông dằng dặc người). Ông sinh năm 1925 tại Plei Bông. Từ rất trẻ đã tham gia hoạt động cách mạng. Đến năm 1954 được ra miền Bắc học tại trường đại học Mỹ thuật Hà Nội. Tốt nghiệp chương trình Cao Đẳng khi đất nước vẫn còn bị chia cắt 2 miền, quê hương vẫn còn sống dưới gót giày ngoại xâm, ông lại xung phong trở về miền Nam, về quê hương hoạt động, vừa trực tiếp cầm súng chiến đấu như một người lính thực thụ, vừa vẽ cả tranh nghệ thuật lẫn tranh tuyên truyền cổ động với tư cách nghệ sĩ để phục vụ cán bộ, nhân dân, bộ đội. Sau ngày giải phóng Miền Nam năm 1975, ông lại ra Miền Bắc học tiếp, hoàn thành chương trình đại học Mỹ thuật hệ chính quy. Sau đó thì về công tác tại Ty Văn hoá Thông tin Gia Lai Kon Tum mà tôi đã có vinh dự sống cùng ông quãng đời sau ấy.
...Lên Tây Nguyên thì một việc không thể không làm là đi tìm để biết cây kơ nia nó như thế nào? Nhưng không phải dễ tìm dễ thấy nếu anh cứ ru rú ở thành phố. Người đầu tiên chỉ cho tôi thấy cây kơ nia là ông hoạ sĩ Xu Man. Hôm ấy hai chú cháu tôi đạp xe về làng ông dưới cái nắng gay gắt. Ông bảo ráng đi, đến gốc cây kơ nia ngồi nghỉ. Từ xa thấy một cái cây đơn độc cao vút lên, có tán hình trứng. Kơ nia đấy. Ông Xu Man bảo khi đến cái tán mát rượi rồi rút từ cái túi vải treo lủng lẳng trên ghi đông xe đạp ra một chai rượu. Chúng tôi uống rượu dưới gốc cây kơ nia lồng lộng gió một cách vô cùng hào hứng, ít nhất là tôi, thấy mình "hoành tráng" hẳn lên. Đập hạt kơ nia làm mồi, tôi mới phát hiện rằng trên cõi đời này lại có một thứ hạt làm mồi dẫn rượu thú vị và ngon đến thế. Tự nhiên mọi nỗi mệt mỏi tan biến đâu mất, tôi cảm thấy như vừa được tiếp thêm một nguồn năng lượng từ một cõi vô biên nào đó, vừa rõ rệt, vừa mù mờ. Tối ấy, dưới lập loè lửa xà nu, tôi hí húi ghi đến mấy trang về cảm xúc của mình khi lần đầu tiên nhìn thấy cây kơ nia, và lại còn được uống rượu dưới gốc nó, với một người, cũng xứng đáng là... kơ nia, thậm chí là kơ nia cổ thụ, là hoạ sĩ Xu Man. Ông Xu Man bảo: cây kơ nia rất cô độc, không mọc lung tung bao giờ, không mọc lẫn trong các loại cây khác. Nó mọc rất đều ở các khoảng đất trống, ở giữa đồng, khoảng cách là... để cho người đi bộ mệt thì lại có một cây. Ta đang ngồi ở gốc cây này, nếu đi bộ, bao giờ thấy mệt quá, nóng quá, thì lại sẽ có một cây kơ nia nữa hiện ra cho ta bóng mát ngồi nghỉ? Ấy là ông hoạ sĩ lão thành người Bơhnar nói, tôi chưa kiểm chứng, nhưng có lẽ là... đúng. Mà nếu đúng thì nó không chỉ là một loại cây bình thường, nó chính là đặc ân của trời thả xuống ban cho con người, giúp con người vượt qua khổ cực trong hành trình ngàn vạn năm đi về phía sáng, vất vả khổ đau đi tìm khát vọng hạnh phúc. Nhưng té ra cái chuyện cứ bao giờ mệt hoặc đói thì có một cây kơ nia hiện ra là có nguyên do của nó. Ấy là hạt của cây kơ nia ăn được, người ta có thể ăn thay cơm, không chỉ người Tây Nguyên, mà rất nhiều cán bộ người Kinh, ở thời điểm đói nhất trong chiến tranh và ở thời bao cấp, đã sống nhờ hạt kơ nia. Người dân bỏ hạt kơ nia trong gùi, xuất phát từ nhà hoặc rẫy, nơi đều có các cây kơ nia và đi, bao giờ đói thì ngồi lại đập hạt kơ nia ăn. Những hạt rơi vãi hoặc khi đập bị văng ra mọc thành cây. Cứ thế, nó trở thành khoảng cách chuẩn của cái đói và cơn mệt để chở che cho con người...
Hồi ấy nghèo lắm, đói triền miên. Ông Xu Man chả có đồ đạc gì trong phòng. Đâu khoảng năm 82- 83 gì đó, giáo sư Từ Chi dẫn nhà dân tộc học nổi tiếng người Pháp Condominat đến thăm ông. Tất nhiên là các thủ tục thời ấy rất cam go để một ông “Tây” dẫu là Tây đã ở và lấy vợ Buôn Ma Thuột, có thể tiếp cận hoạ sĩ Xu Man. Tôi được phân vào ban... lễ tân, làm cố vấn cho Xu Man tiếp khách. Phòng hành chính lên nhà trưởng ty (cũng ở trong khu tập thể) khuân đồ đạc xuống, từ giường, ghế, bàn, ri đô, phích, ấm chén... Tôi được cấp tiền mua 2 gói thuốc Du Lịch và... bày ông cách mở thuốc (ông nghiện thuốc nặng nhưng chưa bao giờ được mở một bao thuốc có đót. Thuốc ông hút là thuốc lá trồng lấy trong rẫy, tự thái lổn nhổn như rau lợn, nhồi vào ống tẩu bằng tre, khét mịt khét mù). Hôm ấy tôi phải bày ông cách mở, cách làm sao để chứng minh với khách là hàng ngày ông toàn hút thuốc này, hút no hút chán thì thôi. Khi Condominat vừa đi thì cả phòng hành chính lại xúm vào khiêng đồ đi trả. Mà thực ra thì ông giáo sư Từ Chi và Condominat còn “bụi” bằng mấy lần Xu Man, hồi ấy chưa hiểu, cứ nghe giáo sư là khiếp, giáo sư ta đã khiếp chứ huống gì giáo sư Tây. Ngay cử nhân ở ty Văn hoá đếm còn chưa hết một bàn tay... Khiêng đồ đi ông có vẻ thoải mái hẳn. Ông vươn vai rồi lụi cụi châm bếp. Lại phải ra đằng sau lấy mấy cục gạch và củi bị giấu ra đấy. Ông đưa tôi hai gói thuốc du lịch còn nguyên bảo mang đi trả...
Bây giờ bao nhiêu hoạ sĩ thành danh của Gia Lai và Kon Tum từng là học trò ông. Mà chả cứ hoạ sĩ, tôi luôn luôn thấy vinh hạnh và may mắn khi được là học trò ông.
...Sáng 29 tức 30 tết năm ấy, tôi cùng Phạm Đức Long và Nguyễn Xuân Phước xuống tiễn ông ra khu nhà mồ của làng. Đúng 8 giờ, ông được đặt sát sạt ngay cạnh mộ của vợ ông, đã đợi ông ở đấy gần một năm trước. Nếu là ngày thường, đám ma của ông chắc chắn sẽ đông người lắm, nhưng ngày cuối năm, thời gian ngặt nghèo quá, rất nhiều người có lòng nhưng cũng đành bất lực...
Tranh của họa sĩ Xu Man |
khu nhà mồ ở làng ông Xu Man, mình đưa cô bé KTS đi khảo sát để định xây cho ông cái nhà mồ nhưng cuối cùng không thực hiện được... |
lỗ thông hơi nhà mồ đấy, người chết vẫn "liên lạc" với người sống qua cái lỗ này, hàng ngày người sống vẫn mang cơm nước bón cho người chết, khi nào bỏ mả thì thôi. |
Trẻ con ở làng ông Xu Man |
6 nhận xét:
Thích và ... phải đọc lại. Nếu em nhớ không nhầm thì bên vnblog anh không dùng cụm từ "gia binh của ngụy cũ" mà là "gia binh chế độ cũ"; "Thống nhất tổ quốc" thay vì "giải phóng miền Nam".
Còn đoạn này em nghi anh thêm gia vị quá "...thế nên lâu lâu ông lại rủ một nhóm hoạ sĩ trẻ về nhà ông, đèo theo lương thực thực phẩm, chủ yếu là cá khô mì tôm, một ít mì chính nữa, thế là ở cả tháng lang thang dưới làng, nhất cử lưỡng tiện..." Lý do em nhớ phải đến năm 1988 thì Gia Kon mới biết mì tôm là gì. i hi hi ..
Ps: Cả 2 đều máu mà sao chúng chưa chịu xáp vô anh ơi, e cứ 15 phút là ra rình mà k thấy gì, mẹ đúng là ngu như ... chó.
ku nguyenphuong
Hì hì hình như em đang bực anh cái gì đó mà chưa định hình?
"Chúng không chỉ hiện diện ở buôn làng mà còn đã có mặt ở thành phố"
Ở THỊ XÃ anh à. Đến 1999 Pk mình mới lên Thành phố đô thị loại ... tam.
Hí hí ...
ku nguyenphuong
1/ “Trừ cơm xách ở bếp tập đoàn về” – Bếp tập thể ơi anh, tự nhiên lại làm ku em đi lục lại Cù Lao Tràm của Nguyễn Mạnh Tuấn.
2/ “Trước khi lên đây, tôi chưa có một ý niệm gì về vùng đất này, thích là làm đơn xung phong lên, nên tôi coi đây là dịp khám phá.” – HỒI ỨC VỀ MỘT HỌA SỸ NỖI TIẾNG
“27 Nguyễn Huệ Huế- Ký túc xá sv Đại học tổng hợp Huế thời ấy- sôi sùng sục. Ai cũng thấy như là mình ra trận đến nơi. Một số đứa mang sách ra... đốt. Tất cả hè nhau viết đơn xung phong ra trận. Thằng bạn thân nhất của mình, cái thằng mà vì nó mình viết đơn lên Tây Nguyên (để 2 thằng được ở với nhau, nhưng đến phút cuối cùng mình lên xe nó tụt xuống ấy) rủ mình viết đơn bằng máu.” – BA MƯƠI NĂM TRƯỚC, NGÀY NÀY
3/ Hí hí …
ku nguyenphuong
Anh à, em sẽ bỏ ngay cái thói hoắng huýt, bố nhắng nếu anh viết một bài gì đó về bác Trịnh Kim Sung. Thật sự không bà con họ hàng gì hết, hồi xưa vì sát nhà, cô hay chăm khi ốm đau thì gọi bố Sanh mẹ Hà thế thôi.
Thêm chai CV25 anh nhé.
ku nguyenphuong
Ẩm thực Việt thì bao la lắm,tôi thấy có người để cá đồng ươn ươn lên thì mới đem kho,tôi hỏi tại sao thì bảo thế mới đậm,thế mới ngon.
Không dễ viết chân dung hay như Văn Công Hùng : đọc rất thật và xúc động mặc dù biết chắc tác giả khéo bịa. Đối lập với các bài viết chính trị xã hội (Anh hùng Vươn chẳng hạn).Nhân đây cũng xin nói một quan điểm : Ở địa phương nào cũng đầy rẫy bọn tham nhũng, sao một số người lại chửi bới nhạo báng Hải Phòng khi đề cao "anh hùng" Vươn ?
Đăng nhận xét