Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

ĐỂ MAI NÀY TA VỀ


          Trong những yếu tố văn hoá vĩ đại mà con người có thể sáng tạo được, không thể không nhắc tới tượng nhà mồ tây nguyên. Qua tháng năm, qua mưa nắng, qua những dằng dặc thăng trầm của kiếp người, những dư ba đời sống, vẫn kiêu hãnh những pho tượng mồ như chứng tích tài hoa của con người, mà cụ thể đây là những nghệ nhân tây nguyên. Tài hoa của họ khiến nhiều hoạ sĩ điêu khắc học hành bài bản kinh ngạc. Bởi họ chỉ bằng những dụng cụ vô cùng thô sơ là rìu và rựa, thế mà khắc hoạ được hết mọi trạng huống của kiếp người vào những pho tượng rất đơn giản với những vết vạc cũng đơn giản không kém.

          Một ngày giáp tết cách đây 6, 7 năm chi đó, Trường rủ tôi: Bác bỏ ra một đêm xuống làng dự lễ bỏ mả. Ở tây nguyên nhiều nhưng tin rằng bác chưa bao giờ dự một Pơ thi vĩ đại như thế này đâu? Ði thì đi, sá gì. Thành phố như cái hộp, sung sướng gì mà nhốt mãi mình vào đấy? Nhốt mình mà nào thoát bụi bặm, tiếng ồn và bao thứ phiền nhiễu khác. Trường người Quảng Bình, đã từng là cán bộ giảng dạy đại học tổng hợp Huế, khi công trình Ialy mở ra bèn xin lên và giờ làm ở ban đền bù. Trông rất trắng trẻo thư sinh, nhưng lại là người lăn lộn rất dữ với buôn làng và đời sống đồng bào dân tộc. Thì công việc đòi thế thì mình cứ thế, đến lúc mà mình trở thành người của buôn làng lúc nào không hay. Cái cuộc bỏ mả vĩ đại mà Trường nói nó như thế này: Một làng đồng bào dân tộc chuẩn bị di dời, trả đất cho lòng hồ. Thế thì phải bỏ ma thôi, mình đi phải giải phóng cho ma chứ. Thường thì nhà nào bỏ ma nhà ấy, và phải có hạn định. Ít nhất là 3 năm mới được làm lễ Pơ thi, nhưng còn tuỳ điều kiện kinh tế từng nhà, vì thế có nhà 3 năm đã làm lễ, nhưng có nhà đến... 10 năm và hơn thế nữa, bao giờ chuẩn bị xong rượu thịt, như ta hay nói là chuẩn bị xong... cơ sở vật chất. Bỏ mả thông thường đã rất lớn vì nó là một trong những lễ trọng của đồng bào tây nguyên. Thường người ta kéo dài ít nhất là 3 ngày, trung bình là 7 ngày, cao hơn đến 10 ngày, ít thì chục vài chục ghè rượu, nhiều thì hàng trăm, vài trăm, xếp dằng dặc mênh mang đầy bãi...cuộc này lại là cuộc bỏ mả tập thể, của cả làng, bỏ tuốt tuồn tuột tất cả mồ mả... vì thế nó lại càng đông vui và lớn. Pơ thi là việc buồn nhưng cũng là những ngày vui không chỉ của một gia đình, một làng, mà của nhiều làng lân cận, khách vãng lai nếu đến cũng được tiếp đón rất nhiệt tình như một thành viên cộng đồng làng. Người ta khóc, cúng, uống rượu, ăn thịt, cơm, cồng chiêng tấu khúc Atâu Pơ thi, và xoang... nhưng không chỉ thế. Nó chính là những cuộc giao lưu gặp gỡ của thanh niên trong vùng. Thì đồng bào dân tộc mấy khi ra khỏi làng nếu không có những dịp như thế này? Và như thế, Pơ thi trở thành một lễ hội vui. Tất nhiên nó còn liên quan đến quan niệm tưởng duy tâm nhưng lại rất duy vật là khi con nười chết đi nhưng chưa hẳn đã rời xa chúng ta, nói cách khác là họ chưa chết, chưa sang thế giới của A Tâu. Họ nằm đấy như một sự ngưng nghỉ quá độ, vì thế mà phải đối xử với họ như những người còn sống. Của cải chia đều mang ra nhà mồ, hàng ngày ta vẫn đem cơm ra cho người ăn, nước cho người uống, vẫn nói chuyện với người, báo cáo với người mọi công chuyện gia đình, con cái, kể cả những kỷ niệm chỉ riêng ngày xưa ta biết với nhau... Chỉ đến khi làm lễ Pơ thi thì mới chính thức ta vĩnh viễn xa nhau, ta về với cuộc đời ta còn người về với thế giới A Tâu, một thế giới đầy mới mẻ và xa lạ mà ta mới chỉ nghe nói chứ chưa bao giờ biết. Tất nhiên rồi ta cũng sẽ đến đấy, nơi cái thế giới tươi đẹp ấy cùng mình. Còn bây giờ, bỏ mả rồi, ta về lo ruộng nương con cái. Còn thương nhau thì người hãy phù hộ cho ta...
 

           Nhưng mà muốn bỏ mả thì ta phải làm tượng mồ.
 
          Cái tượng mồ này nó sẽ thay ta đi với mình mãi mãi. Từ mai mọi vui buồn sướng khổ sẽ có tượng này thay ta chia sẻ với mình. Này là hình dáng ta buồn đau ôm mặt khóc mình. Này là chú khỉ tinh nghịch sẽ cùng mình bầu bạn. Này là mẹ cha, này là hàng xóm... mình mang theo tất cả những gì lúc sống mình có để mình không lẻ loi lúc sống ở thế giới Giàng, cái thế giới chỉ nằm trong hình dung, trong tưởng tượng, trong ý nghĩ... chứ nào ai đã thấy bao giờ.
 
          Tôi đã lang thang không biết bao nhiêu lần trong các khu nhà mồ, dưới ánh chiều chạng vạng mà mê mẩn ngắm vẻ đẹp mê hồn của các pho tượng mồ. Chúng, những pho tượng mồ ấy, không chỉ là những súc gỗ vô tri vô giác, mà dưới đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân cộng với một cõi tâm thức thiêng liêng của họ, đã trở thành một tuyệt tác dân gian. Các nhà nghiên cứu lừng danh như giáo sư Từ Chi, tiến sĩ Ngô Văn Doanh... đã tốn không ít thời gian và công sức cho tượng nhà mồ tây nguyên và họ đã có những thành công bước đầu. Dưới ánh chiều, tất cả mọi pho tượng mồ như thức cả dậy, lung linh và huyền ảo, mỗi pho tượng có một sắc thái biểu cảm riêng, một đời sống riêng, hợp thành một thế giới sống động. Người ta nói rằng không phải ai và không phải lúc nào người ta cũng có thể đẽo được tượng mồ. Mỗi làng thường chỉ có vài người, và chỉ vào lúc xuất thần nhất, họ mới làm. Tất nhiên đấy là những phút xuất thần trong khuôn khổ, bởi chỉ khi nào pơ thi thì người ta mới làm tượng mồ, và những pho tượng ấy chỉ đặt ở nhà mồ. Xung quanh nhà mồ không chỉ có tượng người mà còn có tượng chim, khỉ... Chim và khỉ có thể được mang về đặt ở nhà rông hoặc nhà ở chứ người thì không bao giờ. Và những pho tượng người ấy chính là một thế giới người thu nhỏ với tất cả mọi cung bậc tâm trạng tình cảm. Những người đàn bà ôm mặt khóc, những người đàn ông đánh trống, những hình người cả đàn ông đàn bà khoả thân với bộ phận sinh dục được đặc tả và phóng đại... tất cả hiện lên sinh động rực rỡ và lộng lẫy như cuộc sống vốn vừa diễn ra trước đấy bước vào. Tất nhiên âm hưởng chung là buồn hiu hắt, nỗi buồn không chỉ toát ra từ các pho tượng, mà còn từ khung cảnh khu nhà mồ. Có một nhà báo vừa viết trên báo rằng: để chống ăn trộm, người ta phải đục thủng ghè khi mang ra nhà mồ. Ðây là một hiểu lầm tai hại. Tất cả những đồ mang ra nhà mồ chia cho người chết, không cứ ghè, mà còn nhiều đồ vật sinh hoạt khác, tôi đã trông thấy cả một chiếc xe đạp bị đập gẫy từ hồi chiếc xe đạp còn là cả gia tài, đều bị đục thủng hoặc làm hỏng đi là để phân biệt thế giới người sống và thế giới người chết, dù rằng họ quan niệm lúc này chưa chết hẳn như đã nói ở trên. Một quan niệm thô sơ nhưng duy vật và đầy chất nhân văn.
 

          Ngày nay tượng mồ đang bị xâm hại, bị méo mó về quan niệm và bị đầu cơ. Có một thị trường buôn cổ vật trong đó có tượng mồ được mở ra rầm rộ. Ở Pleiku có một đại gia chất đống tượng mồ trong kho như chất củi. Những nghệ nhân làm tượng cũng bị mai một, tượng mới làm càng ngày càng xấu đi và có thêm bộ đội, công an, lính Mỹ, trực thăng, xe tăng... Có nhiều khu nhà mồ vừa bỏ mả xong là người ta đốt ngay để lấy đất canh tác, cả hàng nhiều chục pho tượng mới rợi cháy nghi ngút. Bức ảnh in kèm bài này là tôi chụp ở khu nhà mồ xã Yơ Ma, huyện Kon Chơro, bây giờ phẳng lỳ nương ngô tươi tốt. Và tất nhiên các khu nhà mồ khi đã bỏ xong cũng trở thành hoang hoá, tượng mục ruỗng theo thời gian. Chỉ mấy ông Kinh buôn đồ cổ to gan kia mới dám lấy về chứ người bình thường thì họ kiêng. Ðã có rất nhiều lời đồn đại về số phận của những người lấy trộm tượng mồ. Có một nghịch lý là chính quyền cấm lấy trộm tượng ở các khu nhà mồ (đã bắt mấy vụ lấy cắp bán cho đầu nậu "Văn hoá tặc"), nhưng cứ để trong các khu nhà mồ thì tự nó cũng hỏng như đã trình bày. Vậy thì cấm ăn trộm để làm gì? Phong tục là thế, làm tượng mồ để bỏ mả xong là bỏ, không đoái hoài đến nữa. Có lẽ phải có một chính sách gì đó để bảo tồn nếu xác định tượng mồ là quý, là cổ vật. Và phải bảo tồn cả nghệ nhân nữa. Công ty điện ảnh Gia Lai đã tổ chức một cuộc thi tạc tượng nhà mồ khá vui vừa để bảo tồn nghề, vừa có tượng đặt ở công viên Ðồng Xanh. Nhưng hình như nó không đúng lễ nghi lắm nên các pho tượng trông vô hồn thế nào. Ðẽo một cây gỗ thành hình người thì dễ, ai cũng có thể làm được, nhất là các nhà điêu khắc, nhưng thổi hồn vào đấy cho nó thành tượng mồ với khắc khoải những kiếp người thì chỉ nghệ nhân bản địa tây nguyên làm được trong những thời khắc nhất định. Những thời khắc loé sáng của tâm linh như những "vụ nổ tâm thức" học theo cách nói của lý thuyết hiện đại, chính là lúc con người thăng hoa nhất, nhập thân nhất, phiêu diêu với người đang nằm dưới đất đen đất đỏ kia. Người đẽo tượng thì lý giải rất tự nhiên: Giàng bảo làm. Thế thôi.
 
          Ðể mai này ta về. Hôm nay ta lo cho mình chu đáo nhất. Thì đấy. Rượu rất nhiều, thịt rất ngon, chiêng rất say, con gái con trai đẹp lộng lẫy, một cuộc sống mới lại mở ra từ ngày pơ thi này... và những pho tượng ta đã gửi cả phần hồn mình vào đấy, theo người...

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thứ nhất là Kông Chờ rờ
Thứ nhì chẳng có a tầu pơ thi
hi hi hi ...
ku nguyenphuong

Năc Danh nói...

* Đọc bài này của bác VCH mới biết bỏ ma và bỏ mả, bỏ tức là bỏ đi xóa đi. Tiếng Anh là clear hay delete hả bác?
* Tượng nhà mồ được tạo tác bằng kỹ thuật tâm linh chứ không phải bằng kỹ thuật điêu khắc thông thường, cho nên các chuyên gia nghiên cứu phê bình nghệ thuật nên miễn bình luận, góp ý. Đặc biệt là đừng tỏ ra nghiên cứu rồi đi sưu tầm loại tượng này.

taynguyen103@yahoo.com nói...

Cảm ơn anh đã có bài viết sâu sắc giới thiệu về tượng nhà mồ của người jarai. Tuy vậy tôi cũng mong anh làm nhiều hơn nữa để nhiều người biết rằng tượng nhà mồ...làm bằng gỗ, được đặt ở nhà mồ, sau khi người ta làm lễ bỏ mả. Nếu không, nhiều du khách đến Gia Lai tưởng rằng tượng nhà mồ làm bằng xi măng và đặt ở nhà rông. Anh có tin không?! Mời anh đến làng văn hóa Plei ôp ở thành phố Pleiku. Ở đó ang sẽ thấy những pho tượng 'nhà mồ' làm bằng xi măng, giả gỗ, đứng xung quanh nhà rông mái lợp tôn. Nhìn còn vô hồn và lạnh lẽo hơn những pho tượng ở Đồng Xanh.

Văn Công Hùng nói...

@ Tây Nguyên103@yahoo.com:
-------
Các tượng mồ bằng xi măng đều do các quan chức của "các ngành chức năng" thực hiện đấy bạn ạ. Biết làm sao được???