Thứ Năm, 22 tháng 9, 2011

CHIỀU CHIỀU TA NHƯ CON QUẠ

Hôm kia ngồi ở nhà mình, miên di đọc hai câu thơ hắn thích: Chiều chiều ta như con quạ/ vừa bay vừa gọi tên mình. Chao ơi là nó khổ. Là cái cảnh anh vừa là mình, muốn là mình lại chả được là mình, mà có khi lý do nó rất cỏn con nhỏ bé, chả hào sảng gì cả.
Đây là chân dung con quạ ấy, qua cái nhìn của mình, tất nhiên. Có thể gọi là Hoạn lợn 2.



 
          Việc chúng tôi hay làm thêm là đi... hoạn lợn. Thực ra thì Long đi hoạn, hai thằng tôi đi theo bắt lợn, giữ chân (tôi thì dám nhìn thẳng, còn Hương Đình thì... quay mặt đi không dám nhìn Long thò ngón tay vào ngoáy lục phủ ngũ tạng lợn rồi lôi ra buồng trứng bấm cái ngoéo một phát là xong. Hương Đình là tên cao to, lại có võ Bình Định, khỏe nhất bọn, nhưng bao giờ cái chân mà y giữ cũng lỏng nhất, nhiều lần lợn xổng, phải đuổi bắt mướt mồ hôi, hư bột hư đường hết, vì nhà chủ xót heo, cương quyết không hoạn nữa, đuổi ồi ồi). Cứ hết giờ làm việc buổi chiều là đi. Hoạn khoảng năm con là chúng tôi cương quyết nghỉ, rửa tay chân để ngồi với nhau. Mà hồi ấy nhà nhà nuôi heo, người người nuôi lợn nên chúng tôi rất đắt khách. Là bởi so với mấy ông hoạn lợn rong, dẫu là “gia truyền” thì cái mác bác sĩ thú y của Long vẫn là hoành tráng

                         


         
          Gia Lai những năm tháng khó khăn nhất, chúng tôi mấy người viết trẻ díu vào nhau mà sống. Trong tập thơ “Gõ chiều vào bàn phím” của tôi mới xuất bản, bài đầu tiên là bài “Tự bạch của một thời” với lời đề từ: “Tặng Chiến, Long và... tôi”. Cả ba thằng chúng tôi hồi ấy đều làm thơ, mê đắm với thơ, đều là sinh viên mới ra trường và đều đang độc thân. Hương Đình, tên thật là Trịnh Đào Chiến, là giáo viên toán cấp 3. Phạm Đức Long là kỹ sư chăn nuôi, và tôi thì làm ở ty Văn hóa. Ngoài giờ làm việc cơ quan, chúng tôi kiếm việc làm thêm, không cần nhiều, chỉ cần hàng ngày đủ tiền để chiều ấy ngồi với nhau bên xị ruợu, nhẹ nhàng thì mấy hạt lạc, mấy bìa đậu, nặng hơn thì tô xương bốc mả, nặng hơn nữa thì mấy lạng thịt mỡ nhiều hơn nạc xào su su “của nhà giồng được”. Ngồi và chỉ đọc thơ, nói chuyện thơ mặc cho thiên hạ ầm ầm bàn chuyện heo ốm lợn đau, chuyện xếp hàng mua thịt mua gạo, chuyện bán tem phiếu ngoài chợ trời chỗ nào được giá, chuyện xin giấy giới thiệu mua phân hóa học, vải màn, ca pốt để bán lại kiếm lời... Rồi khuya lại mỗi thằng một góc nhà tập thể làm thơ, những bài thơ phơi phới lạc quan, cả những nỗi buồn cũng rất lạc quan. Ví dụ đây là thơ của Phạm Đức Long hồi ấy: “Khoảng trời lá thông bạn tôi vẫn đói nghèo/ thương nhau tránh cái nhìn cùng quẫn/ thương nhau giữ tròn lẽ sống/ giữa trắng đen hư thực thăng trầm”. Việc chúng tôi hay làm thêm là đi... hoạn lợn. Thực ra thì Long đi hoạn, hai thằng tôi đi theo bắt lợn, giữ chân (tôi thì dám nhìn thẳng, còn Hương Đình thì... quay mặt đi không dám nhìn Long thò ngón tay vào ngoáy lục phủ ngũ tạng lợn rồi lôi ra buồng trứng bấm cái ngoéo một phát là xong. Hương Đình là tên cao to, lại có võ Bình Định, khỏe nhất bọn, nhưng bao giờ cái chân mà y giữ cũng lỏng nhất, nhiều lần lợn xổng, phải đuổi bắt mướt mồ hôi, hư bột hư đường hết, vì nhà chủ xót heo, cương quyết không hoạn nữa, đuổi ồi ồi). Cứ hết giờ làm việc buổi chiều là đi. Hoạn khoảng năm con là chúng tôi cương quyết nghỉ, rửa tay chân để ngồi với nhau. Mà hồi ấy nhà nhà nuôi heo, người người nuôi lợn nên chúng tôi rất đắt khách. Là bởi so với mấy ông hoạn lợn rong, dẫu là “gia truyền” thì cái mác bác sĩ thú y của Long vẫn là hoành tráng. Thêm nữa Long lại rất cẩn thận, có thuốc giảm đau, thuốc sát trùng... chứ không như mấy ông lang băm kia cứ gí cái đít nồi vào vết mổ là xong. Lại thêm nữa là cả ba thằng chúng tôi đều... đẹp trai. Lại nữa có bữa giữa tiếng lợn kêu như bị... hoạn, bỗng có một cô bé xinh đẹp vòng tay: “Em chào thầy ạ”. Thế là ông chủ nhà vừa kò kè tiền hoạn, rồi đứng chê chúng tôi vụng, vội vàng nhảy vào nắm chân lợn để: “Mời thầy rửa tay uống nước”... Dân ta rất tốt, dù trong hoàn cảnh nào thì cũng đều rất quý ông thầy, kể cả khi ông ấy vừa giơ tay lấy tiền dạy thêm hay nhận tiền... hoạn lợn...
          Chúng tôi đèo đẽo chơi với nhau đã hăm mấy năm. Giờ đã mỗi thằng mỗi phận, nhưng cái nỗi đam mê thơ, đam mê văn chương thì vẫn còn hôi hổi. Long đã có đến 8 đầu sách, mà toàn sách in trong kế hoạch của các nhà xuất bản Kim Đồng, Quân Đội Nhân dân, Văn hóa dân tộc thiểu số..., tức là không phải bỏ tiền túi mà lại còn có nhuận bút. Còn Hương Đình, thì đây, tôi xin lan man về hắn...
          Nếu tôi khổ một (và nhiều nhà thơ cùng cảnh nữa) vì chỉ đam mê thơ thì hắn lại gấp đôi vì còn mê toán. Có người hài hước: Khó như làm thơ còn làm được thì chả còn gì không làm được. Đừng đùa bạn ơi, còn đấy, đấy chính là toán. Nước ta (và cả thế giới nữa) có rất nhiều nhà toán học làm thơ và là nhà thơ nổi tiếng như Vương Trọng, Thạch Quỳ... Nhưng thử hỏi có nhà thơ nào làm toán chưa? Không kiếm đâu ra. Nhất là loại toán đánh đố trong sách giáo khoa hiện nay, rất nhiều nhà thơ tốt nghiệp đại học văn chính quy, không thể giải được toán lớp 3 (trong đó có tôi). Thế mà trong cái thời khó khăn ấy, sống cho đàng hoàng bằng đồng lương đã rất khó, lại còn đa mang thơ phú, in được bài thơ trên báo thì lại lõm thêm tiền túi phụ vào nhuận bút để... rửa, y lặng lẽ đi thi thạc sĩ và... đỗ. Học xong thạc sĩ, đậu loại giỏi nên lại được chuyển tiếp lên làm tiến sĩ. Thế là y vò võ mười mấy năm khoanh thân ổ trọ ở Thanh Xuân để học toán và làm toán với một trong những nhà toán học hàng đầu Việt Nam là GS Nguyễn Văn Mậu. Mà lại vẫn làm thơ, mà thơ đọc rất được, được giải thưởng “Tác phẩm tuổi xanh” thời đầu của báo Tiền Phong hẳn hoi. Thơ hắn thời ấy đây: “Tôi về xóm bụi ngồi ăn/ Bát cơm xóm bụi vẫn hăng nhọ nồi/ Bà già xóm bụi đi rồi/ Con bà xóm bụi giờ ngồi mâm trên/ Đầu hè vẫn mấy sinh viên/ Líu lo tỉnh lẻ ngoan hiền như xưa/ Cô gội đầu vẫn đẩy đưa/ Xe ôm ngáp vặt ngày chưa thuốc lào/ Cửu vạn mắc võng bên rào/ Mấy cô nói ngọng bước vào trong mưa/ Tôi về xóm bụi ngồi thừa/ Bia hơi nhấp với măng dưa thuở nào/ Bụi ngoài xóm bụi bay vào/ Tôi từ hoan lộ thấp cao bước về...”.... Cái đời trọ học, dẫu là học tiến sĩ thì vẫn khốn khổ lắm, thế mà hắn cứ phơi phới, nhẹ như lông hồng. Bảo vệ xong luận án tiến sĩ toán (tiến sĩ thật chứ không phải “tiến sĩ giấy”, tức là hoàn toàn bằng sức mình, chả tốn đồng bạc nào ngoài tiền trọ và tiền ăn của bản thân) thì hắn cũng hoàn thành một tập thơ, tập “Quán Sông”.
          Bây giờ thì như quy luật ở Việt Nam, sau khi thành tiến sĩ toán thì hắn được nhấc khỏi bục giảng để về làm... phó giám đốc sở. Lẽ ra như thông thường thì hắn yên tâm, thế là xong, từ một anh giáo quèn, làm đến phó giám đốc sở là oách rồi, giờ chỉ ngồi yên tâm mà hưởng lộc. Kiếm cái nhà cho to, chơi hoa, chơi chim, chơi cá và chơi... thơ. Nhiều người về cuối đời, có của ăn của để mới chợt phát hiện ra mình có khả năng làm... thơ. “Làm quan khó thế tao còn làm được huống gì làm... thơ”. Thế là làm thơ và in tơi tới, phát không vô tội vạ, rồi được vài tập thì thấy mình là nhà thơ thật, bèn mở chiến dịch xin vào hội nhà văn... Huống gì hắn đã có năng khiếu thơ từ nhỏ. Học cấp 2 trường huỵện đã làm thơ và tập hợp một nhóm làm thơ rồi ra... tập san chép tay. Chữ y đẹp nên luôn được phân công chép và trình bày. Cho đến hồi học đại học thì chúng tôi vẫn còn làm tập san kiểu ấy. Đói vàng mắt nhưng vẫn nhịn ăn, 3 thằng báo 2 xuất cơm, để dành một suất cuối tháng thanh toán, dồn lại thuê đánh máy thơ, đóng tập rồi về viết tít, vẽ hoa chim bướm cỏ cây sông núi vào, thế mà được chuyền nhau đọc mãi, nổi tiếng như Kim Đông Gun của phim Hàn Quốc bây giờ. Cái thị trấn Bình Định thời ấy bé lắm nhưng đã lừng lững một ông Yến Lan trong nhóm “bàn thành tứ hữu”. Sau này hậu sinh thì thêm nhà thơ Trần Thị Huyền Trang. Hương Đình cùng lứa với Trần Thị Huyền Trang và nhà của ba vị này cũng gần nhau. Ở thị trấn Bình Định có những người mê thơ kỳ lạ lắm. Toàn làm ruộng, khổ ơi là khổ, có cơm mà ăn cho no là quý rồi. Có anh nọ sáng dắt bò đi bừa. Nhà nghèo, sáng nhịn đói để trưa ăn luôn cho... tiện. Anh bừa được một đỗi thì một tứ thơ bật ra, tắc rì một hồi nữa thì xong bài. Sướng quá, đọc. Nghêu ngao vừa vung roi vừa đọc mấy lần thì, tức quá đi mất trời ạ, ta đọc ta nghe chứ... bò thì làm sao mà nghe. Tức quá, tức thật. Có bài thơ hay mà không được chia sẻ thì tức thật. Họ. Họ. Thế là cắm bừa đấy, phóc lên bờ, lao về nhà lấy cái xe đạp trần truồng long sòng sọc và... guồng. Vượt 15 cây số đến nhà bạn thơ thì cũng đúng trưa, bạn thấy bạn đến thì mừng quá, nhưng nhìn mặt mà bắt... bụng nhau, anh này thừa biết anh kia đang đói, quát vợ đổ 2 lon gạo vào nồi, hấp thêm 2 quả trứng vịt đãi bạn cho hoành tráng. Bạn nghe thế khóc òa: “Sao lại cơm, thơ chứ”. Câu này phải đúng giọng Bình Định như nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng diễn tả thì mới đáng đồng tiền bát gạo, mới lên hết “bản sắc” . Hai vợ chồng anh kia dỗ mãi, bảo là tất nhiên thơ chứ, đương nhiên là phải thơ rồi, nhưng cơm cũng quan trọng, mà đã cơm đâu, thơ chứ, thơ xong cơm chín rồi mới ăn, tiện cả đôi đường. Thế là giữa thút thít, giữa nức nở, giữa nước mắt nước mũi... anh đọc thơ, đọc đi đọc lại, vừa đọc vừa giải thích 5 lần thì vợ bạn bưng nồi cơm và bát nước mắm dầm 2 quả trứng ra. Anh lại vừa thút thít ăn vừa quệt nước mũi. Ăn xong, giữa trưa nắng đạp 15 cây số về để bừa tiếp, thì trời ạ, con bò đã chết đứng tự hồi nào. Nắng và khát đã làm nó kiệt sức. Mà nhà nghèo lắm, hầu như tất cả anh em làm thơ ở Bình Định đều nghèo. Họ xúm lại mổ con bò, mỗi nhà lấy cho anh một phần, cuối mùa trả lúa. Khỏi phải nói, hôm ấy thị trấn Bình Định... vui như thế nào. Vì có thịt bò đương nhiên phải có rượu, có rượu thì phải thơ, lại cũng đương nhiên. Hắn sinh ra từ vùng đất ấy, nhưng hắn hơn những người bạn cùng lứa, cùng nỗi đam mê đang ở nhà làm ruộng kia là hắn lại giỏi toán, hắn đi học đại học, và giờ thì thành đạt. Nói dông dài để liên hệ rằng, hắn vẫn không thỏa mãn. Lâu lâu lại thấy lững thững vào phòng tôi, tay cầm một cuốn tạp chí nước ngoài có in bài của hắn. Hắn chơi xỏ chứ ngay tiếng Anh giao tiếp tôi còn lõm bõm, thế mà đây lại là tạp chí toán bằng tiếng Anh chuyên ngành, nghe nói tạp chí rất có uy tín trên thế giới, được in ở đấy vinh quang một đời. Nhưng hắn không sướng. Hắn chỉ sướng khi thơ hắn được in ở Văn Nghệ và Văn Nghệ Quân đội. Một năm hắn phấn đấu được in vài ba lần ở các tờ báo trên. Mới đây, số Văn Nghệ Quân đội tháng 10 vừa in của hắn một chùm, trước đó thì một chùm ở Văn Nghệ già. Bây giờ lại còn viết truyện. Văn Nghệ trẻ đã in mấy truyện ngắn của Hương Đình. Mà dẫu nghiêm khắc cũng phải công nhận là truyện của hắn ra truyện, tức là nó có truyện, có văn, có vấn đề, có nhân vật, đọc xong có dư ba chứ không như một số truyện ngắn khác, mới chỉ là chuyện và... ngắn. Hắn bảo: cứ có thời gian rỗi, đặc biệt là khi được “nhốt” để làm đề thi, hoặc là khi được mời đi dạy đại học từ xa, được mời đi phản biện luận án thạc sĩ... là hắn làm toán, khi nào bí thì làm... thơ, bí thơ lại làm toán, cứ xà guầng xà guầng thế mà mỗi lần bị cách ly ra hoặc đi dạy về là hắn lại có bài mới.
          Ở Tây Nguyên, nếu kể các cây bút trẻ bây giờ, không thể không nhắc đến Hương Đình. Một thời bộ ba Đỗ Tiến Thụy ở Kon Tum (giờ đã ra Văn Nghệ Quân đội), Hương Đình ở Gia Lai và Lê Vĩnh Tài- Đăk Lăk luôn được nhắc đến khi điểm danh đội ngũ Tây nguyên. Tôi quý Lê Vĩnh Tài, Hương Đình và cả Phạm Đức Long nữa là họ... chơi thơ. Đam mê, viết hay nhưng không màng sự... nổi tiếng. Cũng thích vào hội Nhà Văn nhưng không phát rồ lên để phải vào bằng mọi giá. Nộp đơn đấy, bao giờ đến lượt thì vào, không thì thôi. Đam mê nhưng không... lẩn thẩn. Họ vẫn làm việc của họ, không giàu để ngạo nhưng cũng không nghèo để hèn, đủ lâng lâng để làm thơ và cũng đủ nghiêm túc để làm... cán bộ...
          Lên Gia Lai cũng đã ngót nghét ba chục năm, hàng năm đều tranh thủ về lại thị trấn Bình Định, và thế nào cũng phải có một cuộc tụ tập với các nhà thơ thị trấn Bình Định. Cuộc này thường thì y đương nhiên chủ chi, bù lại thì y được ưu tiên đọc thơ thả giàn, chứ ở các chỗ khác, muốn đọc thơ phải... trả tiền. Xong lại lên Pleiku sống, làm việc và viết. Tây Nguyên trong y nó như thế này: “Cao nguyên/ Nơi này một phần tôi/ Những ngôi trường đỏ ran ký ức/ Dã quỳ vàng mắt thức/ Những mùa đông rông rốc/ Những mùa hạ ròng ròng/ Những ngày lang thang dốc/ Tôi tìm/ Khuất khuất mùa trăng... Và đêm ấy cùng chiêng cồng tôi thức/ Tiếng sấm rền vang vọng giữa mùa khô/ Hồn đá núi neo tôi vào đất/ Neo tôi vào/ Đêm ấy mịt mù mưa...”...
                                                              Pleiku 2007

5 nhận xét:

Gà con nói...

Bác Hùng này có nhìn người ta hoạn thật không đấy? Mà các bác giỏi hơn ảo thuật gia khi thò tay vào bụng thằng lợn lại móc ra được buồng trứng.Bái phục, bái phục!

Văn Công Hùng nói...

@ Gà Con:
---------
Gà con đúng là... gà con, người ta hoạn lợn là hoạn lợn cái nhé, khi nó đã tháu rồi, buồng trứng đã bắt đầu nở. Phải rạch một vết ở hông rồi thò tay vào ngắt. Còn lợn đực thì không cần thợ, vì chủ lợn đã bấm nghiến 1 nhát ngay từ khi nó vừa chui từ bụng mẹ ra, lợn đực ai cũng làm được, còn lợn cái thì phải có thợ chuyên nghiệp.
Thì ra, phải sống trước khi nói là thế.

Nặc danh nói...

Hoạn lợn cái.
Thiến lợn đực.
Thắt ống dẫn tinh gọi là thiến gián tiếp (nhưng phải mổ).
Thắt vòi trứng gọi là hoạn sự sung sướng

Gà con nói...

Ôi thế này thì em phải cảm ơn các bác rồi! Cảm ơn các bác nhé! Coi như em vào trang của bác có thu được lợi.

Đoàn nam Sinh nói...

..."Sao lại cơm, thơ chứ"...Đọc đoạn ấy bược cười đau cả bụng, ứa cả nước mắt, nước mũi. Tưởng thị trấn Bình định có ông thợ khoá Mang viên Long là kỳ tài, nay biết được thêm ông PhD. Math. hoạn lợn này nữa.
Lên GL lần tới quyết uống với ba lão hoạn một trận để nhớ đời.