Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

TIẾP CHUYỆN CỦA HUỆ

Hình như có một bộ phim là "Chuyện của Huệ", nhưng đây không phải là Huệ ấy, mà là Bùi Huệ, người có mặt ở entry trước (Ở ĐÂYỞ ĐÂY).
Là mình mới về tới nhà, hăm hở lôi máy ra viết ngay, dạt dào cảm xúc, dạt dào chữ, dạt dào... gõ... thì anh Thanh Thảo gọi điện rồi chuyển mail cho mình. Hôm qua tụi mình ngồi kể chuyện Lý Sơn  và Bùi Huệ cho anh nghe, và anh là người tăng số xe lăn ủng hộ bà con tàn tật đảo Bé từ 3 lên 4 chiếc. Anh bảo sẽ "chào buổi sáng" chuyện của Huệ, và nó đây, nóng sốt:



      
thanh thảo
                                        CHUYỆN CHÓ KÉO XE

Tôi xin gửi tới các bạn hai tấm ảnh: một tấm ảnh tôi lấy trên mạng về cảnh chó kéo xe trượt tuyết trong một cuộc đua kỳ thú trên vùng núi Pyrenees thuộc Tây Ban Nha. Mỗi xe đua của vận động viên được 8 chú chó kéo, dĩ nhiên là chạy với tốc độ chóng mặt trên những sườn núi tuyết. Một tấm ảnh khác cũng về chó kéo xe nhưng trượt…cát, tôi nhận được từ một nhà báo trẻ rất năng động, anh Mai Thanh Hải, cũng là một blogger nổi tiếng. Tấm ảnh này anh Hải chụp từ đảo Bé-thuộc đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Lặn lội ra đảo Bé, một đảo khá khó đi vốn là “em sinh đôi” của đảo lớn Lý Sơn, Mai Thanh Hải cùng nhóm các nhà báo và nhà thơ Văn Công Hùng đã tình cờ gặp anh Huệ (người ngồi trên xe lăn trong bức ảnh). Anh Huệ vốn là dân thợ lặn biển khá khét tiếng của đảo Lý Sơn, nhưng trong một lần lặn biển tại quần đảo Hoàng Sa để bắt hải sâm, anh Huệ đã gặp tai nạn từ độ sâu mấy chục sải nước. Về lại được đảo Bé, nhưng sau tai nạn ấy, anh Huệ bị liệt nửa người, không còn khả năng lao động được nữa.Bây giờ, anh phải di chuyển bằng xe lăn. Không có xe lăn tốt, hai cánh tay lại không còn khoẻ mạnh, anh Huệ đã xin được một chiếc xe lăn “tã”. Nhưng chàng trai mới hơn ba mươi tuổi này dẫu “tàn nhưng không phế”, anh còn nguyên một cái đầu rất năng động và nhiều sáng kiến. Anh Huệ đã huấn luyện hai chú chó nhà, và “thắng cương” cho hai chú để trở thành hai “vệ sĩ” chuyên kéo xe lăn cho anh tuần du quanh đảo. Đảo Bé Lý Sơn theo hộ khẩu thì có khoảng 500 dân, nhưng hiện tại chỉ còn hơn một trăm người thường xuyên sinh sống tại đó. Do đảo chỉ có bãi ngang suốt ngày đêm bị sóng đánh, nên rất khó khăn để dân mưu sinh bằng nghề đi biển, vì thiếu chỗ đậu thuyền. Anh Huệ bây giờ, mỗi khi nhớ biển, anh lại đu mình trên một chiếc thang từ nhà mình để nhìn ra biển. Nhìn ra với ánh mắt đầy khao khát và buồn bã. Anh khát biển, ao ước những chuyến đi khơi, nhng lần lặn biển cực nhọc và đầy nguy hiểm tại quần đảo Hoàng Sa. Nhưng bây giờ ao ước ấy đã quá xa vời, đã thoát khỏi tầm tay anh. Bây giờ, chỉ còn những cuộc “tuần du” trên những bãi cát quanh đảo Bé, anh Huệ lúc thì tự mình điều khiển chiếc “xe trượt cát” có hai chú chó kéo, lúc thì “du hành” với thêm sự trợ giúp của thằng em hay thằng cháu nhỏ chạy theo sau. Hình ảnh lạ lùng và đặc biệt xúc động này đã không lọt qua cặp mắt các nhà báo vốn nặng lòng với Lý Sơn. Các anh sau khi chụp được nhiều tấm ảnh “lạ” về cảnh anh Huệ di chuyển trên “xe trượt cát” do hai chú chó kéo, đã bàn nhau và quyết định tặng anh Huệ một chiếc xe lăn “xịn”, để anh Huệ dễ dàng hơn trong những chuyến “tuần du” quanh đảo. Tình hình biển Đông đang “nóng” lên từng ngày do những hành động cường bạo của “người anh em” Trung Quốc, nên đảo Bé vốn nghèo nàn chưa chắc còn được hai chữ “bình yên” mãi. Vì thế, người dân đảo Bé phải luôn căng mình cảnh giác. Trên chiếc xe lăn do hai chú chó kéo, anh Huệ đã tự coi mình như “cặp mắt canh biển” của đảo Bé, dù không ai phân công cho anh nhiệm vụ vốn dành cho các chiến sĩ biên phòng đó. Ngồi trên xe lăn với hai chú chó kéo, nhưng anh Huệ không phải đi chơi không không đâu! Anh canh biển. Anh biến mình thành một niềm vui nhỏ nhoi, một sự thân thiện dịu dàng mà đảo Bé muốn gửi tới các du khách, nhng người Việt yêu mến Lý Sơn- hòn đảo nay đã trở nên một cái tên và một địa chỉ vô cùng thân thương với mọi người Việt Nam yêu nước. Và, tại sao không, tôi nhìn hình ảnh người thợ lặn biển giờ tàn tật ngồi xe lăn chó kéo này như một biểu tượng của sự bất khuất, không đầu hàng nghịch cảnh, một hình ảnh của tình yêu quê hương đau đáu, hình ảnh của “một người yêu nước mình”. Yêu đảo Bé của mình, cũng là yêu nước.  



3 nhận xét:

hèn đại nhân nói...

Nhiều, rất nhiều thanh niên nơi thành phố tôi ở, mỗi đêm đến bar, vũ trường vung tiền triệu không mảy may chớp mắt. Đối với họ, nhìn về tương lai là câu nói mộng du và ước mơ là một khái niệm vô nghĩa. Tít ngoài biển đảo, anh Huệ ngày ngày ngóng từng con sóng bạc đầu để hoài niệm về một hành trình lao động - cực nhọc song đầy cám dỗ, đơn sơ song lại vượt khỏi tầm tay. Một lớp người mỗi sáng thức dậy có sẵn tiền triệu trong túi, và một lớp người dọc theo bờ cuộc sống của mình chỉ bằng 2 con chó cùng chiếc xe lăn. Xã hội ta còn nhiều nghịch cảnh mâu thuẫn quá ! Chẳng biết đến bao giờ mới có thể ...

Nặc danh nói...

Đừng bức xúc quá Hèn Đại Nhân ạ. Phải xem xét kỹ xem vì sao anh Huệ lại ra nông nỗi này. Rủi ro nghề nghiệp bao giờ cũng có, huống chi nghề thợ lặn. Mà có ai bắt anh ta phải lặn đến tàn tật thế đâu. Còn như nói " xã hội ta nhiều nghich cảnh mâu thuẫn quá" thì...chưa ổn, vì từ thời cổ đại đến các nước tiên tiến ngày nay, xã hội vẫn tồn tại như thế, và người ta vẫn mải miết đi tìm hai chữ công bằng.

manhtanpoem nói...

Thật cảm động. Trong khốn khó, con người phải biết vượt lên để tồn tại.