Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

CHUYỆN LẶN BIỂN Ở LÝ SƠN

Dân Lý Sơn có hai nghề chính là làm nông và đi biển. Làm nông thì trồng hành tỏi nhưng phụ thuộc vào giời, cứ mưa mới trồng được và rất công phu khi mà phải móc cát biển lên trộn với đất núi để trồng (nên ban đầu mình cứ tưởng biển Lý Sơn không có cát và không ai tắm được khi mà đá lổn nhổn như thế), những thửa ruộng  cheo leo như ruộng bậc thang phía bắc, khác là các bờ ruộng ở đây được che bằng đá chủ yếu để chắn cát khỏi bay. Ngoài đảo bé tức xã An Bình thì lại còn chả chăn nuôi được gì vì... không có nước.

ruộng ở An Bình, Lý Sơn



Nhà nào cũng có năm sáu cái lu khổng lồ bằng xi măng và bể chứa nước. Đây là tài sản quý nhất của họ:



Còn lặn biển thì kinh hoàng lắm, nhưng kiếm được tiền nhiều, một con hải sâm được từ triệu rưởi đến hai triệu, mỗi lần lặn mà trúng có khi cả tỉ, thậm chí 2 tỉ nên nhiều người rất ham. Các con nhà ông Mai Phụng Lưu, người mà bây giờ vào cụ Gúc mà kiểm tra tên có khi còn nổi hơn danh nhân, cũng có mấy đứa lặn biển như thế.

Lặn trung bình là trên năm chục mét, có khi đến bảy tám chục mét nên chuyện bị áp suất làm vỡ não là bình thường. Huệ, nhân vật ở entry trước kể, cậu đang lặn ở độ sâu chừng 40m thì thấy khó thở, giật dây cho bạn kéo lên đến nơi thì ngất, được đưa vào ngay, bí tiểu, sau khi được thông tiểu thì toàn bộ phần phía dưới bị liệt, giờ cứ ngồi hoặc đứng quỳ một chỗ, vịn vào một cái thang tự làm, mắt hướng ra biển, ngày này qua tháng khác, lâu lâu muốn đi thì người nhà đưa vào xe lăn, cái xe mượn, rồi dắt hai con chó rất khôn lại, tròng dây vào cổ là chúng biết phải làm gì. Hôm qua ngồi nhậu với nhà thơ Thanh Thảo kể ông nghe chuyện này, ông tưởng tượng ngay đến hình ảnh một người tuần đảo bằng... xe chó kéo và bảo hôm nay sẽ "Chào buổi sáng" trên Thanh niên bằng chuyện này. Nhưng thực ra thì Huệ chỉ hay ra bến tàu để... nhìn người. Ngày có hai chuyến tàu vượt biển nối đảo nhỏ Lý Sơn với đảo bé An Bình, tất tật mọi thứ của An Bình đều chở từ Lý Sơn qua, và hàng của Lý Sơn thì chở từ đất liền về. Bố mẹ đã rất già giờ ở với đứa con tàn tật, nếu ông bà khuất núi không biết cậu sẽ sống thế nào.


Huệ đứng trên chiếc thang tự tạo, trước mặt là biển, trên cột có treo một chiếc radio nhé, thông tin thế để các đồng nghiệp nhà đài phát thanh mừng hỉ, chiếc ra đio này và 2 con chó giờ là bạn thân thiết của Huệ đấy...

Tin cuối, hôm qua nhà thơ Thanh Thảo qua một vài cú điện thoại đã xin thêm được một xe lăn của Mỹ, nghe nói rất tốt, để chuyển ra đảo Bé, như thế là có tất cả 4 cái, cho cả bà cụ mù (mà có hơn 10 người con, hoành tráng chưa), và mọi người quyết định là sẽ tặng cho Huệ cái xe tốt nhất ấy, còn ba cái còn lại cho ba người còn lại.

Đến đấy là... hết rồi, viết vội cho ai đó đang uống cà phê sáng kịp đọc, còn lại để... viết báo kiếm xiền bù lỗ chứ, hihi...

3 nhận xét:

hèn đại nhân nói...

Những nét chấm phá đơn giản nhưng thật sự gây xúc động bởi phận người và tình người ở nơi đầu sóng ngọn gió xa xôi của tổ quốc ! Mới nghe cảm tưởng chính quyền địa phương quan tâm sâu sắc tới thân phận người dân Lý Sơn, song lát sau suy nghĩ : tại sao họ bị tai nạn lâu rồi mà tới nay, có nhà báo vào tận nơi mới chịu giúp đỡ - cụ thể là xe lăn ??? Nếu không được nhà báo trực tiếp "xin", xe lăn có được gởi đến ???

Thành Sơn nói...

Giá mà 3 triệu cán cuốc ,cán xẻng làm được như các bác nhỉ?

Hoàng Lâm nói...

Bác oách thật đấy! Xin ngay được mấy cái xe. Đội đi lặn đó nguy hiểm lắm, thường sâu từ 40m trở xuống là cực kỳ nguy hiểm, xuống đã nguy hiểm mà lên nhanh càng nguy hiểm hơn. Em vào Phú Quốc và Côn Đảo tận mắt thấy những trương hợp như vậy rồi nên đôi lúc cũng run phết. Được cái mình có đồ tương đối chuyên nghiệp nên đỡ sợ. Chúc bác phượt sâu hơn nữa nhé!