VÌ MỘT HÀ NỘI THỦ ĐÔ SANG TRỌNG HƠN, VĂN HÓA HƠN
(Bài phát biểu tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng, 7.5.2011)
PHẠM XUÂN NGUYÊN
Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội
Trưởng phòng Nghiên cứu văn học so sánh (Viện Văn học)
Ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011 - 2016
Thưa các bà các ông,
Thưa các chị, các anh
Tôi vui mừng được ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội giới thiệu về bầu cử tại quận Hai Bà Trưng. Quận chúng ta là một trong những vùng đất lâu đời của thành Thăng Long, có những di tích lịch sử và văn hóa đáng quý, đáng nhớ, góp thêm cho niềm tự hào thủ đô. Nơi đây có đền thờ Hai Bà Trưng để vang vọng mãi trong lòng dân Thăng Long và dân Việt lời thề giữ nước chống ngoại xâm: “Một xin rửa sạch nước thù / Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng / Ba kêu oan ức lòng chồng / Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”. Nợ nước thù nhà phải bắt kẻ thù trả, truyền thống anh hùng bất khuất từ thời Hai Bà Trưng được giữ gìn và lưu truyền mỗi khi ta vào đền Đồng Nhân, thắp nén hương thơm tưởng nhớ tiền nhân, nhắc nhở cháu con, nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai. Nơi đây, có thái ấp của thượng tướng Trần Khát Chân đời nhà Trần, người anh hùng phá giặc Chiêm, giữ yên Thăng Long, một thái ấp với những vườn mai mát lành, xanh tốt, để lại những tên gọi phố phường còn mãi đến hôm nay Bạch Mai, Quỳnh Mai, Hoàng Mai, Tân Mai. Nơi đây có các cửa ô Đồng Lầm, Cầu Dền, Đống Mác của Thăng Long xưa nay thành những giao lộ tấp nập ngày đêm, nối tiếp với cổng parabol Đại học Bách Khoa, với mái vòm cao Cung văn hóa Hữu Nghị của Hà Nội nay, làm đẹp thêm bức tranh một thủ đô văn hiến và hiện đại. Nơi đây có cầu (Vĩnh Tuy) có cảng (Phà Đen), có công viên (Thống Nhất, Tuổi Trẻ), có nhà máy (dệt 8/3), có chợ (Hôm, Mơ), có trường (Bách Khoa), mỗi địa danh đọc lên gợi nhiều ký ức cho người sở tại và người đã một lần ghé qua.
Tôi không sinh ra ở Hà Nội, quê tôi ở miền Trung đất nước, nhưng từ 1975 tôi đã ra thủ đô học tập và làm việc. Từ đó, tôi đã thành công dân Hà Nội, nhưng tôi biết để thành người thủ đô thì không phải một sớm một chiều mà thành được ngay, vì văn hóa là sự kết đọng và bồi đắp lâu dài. Mỗi ngày sống là mỗi ngày tôi được hấp thụ chất văn hóa Thăng Long – Hà Nội, trong đó có phần góp bồi của quận Hai Bà Trưng chúng ta. Nghề nghiệp của tôi lại là nghiên cứu văn học, và rộng ra là văn hóa, cho tôi được đọc nhiều sách, nhiều thư tịch, được tìm hiểu nhiều di tích, phong cảnh, để càng biết quý trọng, nâng niu những giá trị lịch sử và văn hóa của hôm qua và hôm nay do người Thăng Long và bao lớp người Việt Nam đã đến và ở Thăng Long bồi tụ cho mảnh đất thiêng liêng này. Những giá trị lịch sử và văn hóa đó, dù là vật chất hay phi vật chất, dù là vật thể hay phi vật thể, đều có mặt trong cuộc sống của mỗi chúng ta ngày nay. Tôi hiện đang là chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, một tổ chức nghề nghiệp tập hợp hơn năm trăm nhà văn nhà thơ trải rộng từ sông Hồng sắc đỏ đến Ba Vì núi xanh, những người bằng ngòi bút của mình luôn cố gắng dồn tài năng và tâm huyết sáng tạo nên những tác phẩm văn thơ thể hiện đầy đủ và sâu sắc người và cảnh Hà Nội, xứng đáng với tầm vóc và vị thế của thủ đô một nước Việt Nam đang trong quá trình vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội giới thiệu tôi ra ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2011 – 2016 chính là mong muốn có đại diện của mình góp tiếng nói của giới mình cho công cuộc xây dựng và phát triển thủ đô trong sự nghiệp chung của cả nước.
Chương trình hành động của tôi, vì vậy, sẽ theo phương châm: VÌ MỘT HÀ NỘI THỦ ĐÔ SANG TRỌNG HƠN, VĂN HÓA HƠN. Nghĩa là, Hà Nội đã là thủ đô có sang trọng, có văn hóa, nhưng phải nâng cao hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa, giàu có hơn nữa. Trước nay, trên cương vị công tác của mình, tôi đã nhiều lần lên tiếng trên các diễn đàn, các phương tiện truyền thông về những vấn đề bức xúc của thành phố trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, đô thị. Gần đây nhất là dịp đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, bên cạnh niềm vui hân hoan, phấn khởi trước một sự kiện lịch sử trọng đại, tôi cũng đã bày tỏ trên báo chí và truyền hình những lo ngại về những điều chưa hay, những việc chưa tốt, những cái nên và không nên, ngay trước, trong và sau đại lễ. Hiện nay tôi đang giữ mục “Góc nhìn” ra số thứ hai hàng tuần của báo Phụ Nữ Việt Nam và mục “Sổ tay” ra số thứ bảy hàng tuần của báo Nông Thôn Ngày Nay, ở đó tôi luôn nêu lên những vấn đề về ứng xử văn hóa với cuộc sống cần được quan tâm, giải quyết. Nếu được trúng cử Hội đồng nhân dân thành phố kỳ này, tôi sẽ có thêm một diễn đàn để nói lên trực tiếp hơn những vấn đề đó. Bởi vì phát triển và văn hóa gắn liền mật thiết với nhau. Phát triển như chân ga, còn văn hóa như chân phanh. Không thể phát triển bằng mọi giá, chạy theo sự tăng trưởng kinh tế mà quên mất các vấn đề an sinh xã hội và an lành văn hóa. Phát triển mà không văn hóa là phát triển dã man. Văn hóa mà không phát triển là văn hóa chết. Tôi luôn sử dụng những cơ hội có được để nhấn mạnh điều này, và diễn đàn hội đồng nhân dân thành phố sẽ là một nơi tốt nhất để nó có được tác động và phản hồi tích cực.
Tôi sẽ đề đạt với hội đồng nhân dân và lãnh đạo thành phố quan tâm hơn nữa đến việc tạo các điều kiện vật chất và tinh thần cho giới văn học thủ đô sáng tạo những tác phẩm xứng đáng với bề dày truyền thống và tầm vóc của Thăng Long – Hà Nội trong quá khứ và hiện nay. Thủ đô là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước. Văn học thủ đô rộng hơn Hội Nhà văn Hà Nội, nhưng Hội sẽ là nơi hội tụ và tỏa phát những giá trị của khắp các vùng đất nước về làm đẹp, làm giàu cho thủ đô. Cần phải có những chính sách và việc làm cụ thể cho các văn nghệ sĩ thủ đô để họ có điều kiện tốt nhất sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ cao. Điều này tôi muốn được chuyển tải đến các cấp lãnh đạo thành phố từ trên diễn đàn của hội đồng nhân dân khi tôi là một đại biểu được bầu.
Tôi sẽ nêu lên những ý nguyện của dân, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn, lo lắng của dân tới các đại biểu và lãnh đạo thành phố, và tôi sẽ có thêm cơ hội đóng góp những kiến nghị, đề xuất của mình để cùng lãnh đạo thành phố chăm lo sâu sát, toàn diện và đầy đủ hơn nữa cho cuộc sống của người dân. Cụ thể ở đây là cuộc sống của người dân quận Hai Bà Trưng, nếu tôi trúng cử với tư cách là đại biểu của quận chúng ta. Tôi sẽ cùng các đại biểu khác được bầu trên địa bàn quận làm hết và làm tròn trách nhiệm một đại biểu của dân, do dân, vì dân, tham gia đầy đủ các khóa họp hội đồng, tích cực xây dựng và thông qua những chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của quận. Tôi sẽ là cây cầu nối hữu hiệu giữa quận và thành phố, giữa dân và các cấp chính quyền để lắng nghe, truyền đạt và tác động giải quyết những thắc mắc, khiếu nại chính đáng của dân trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Khi trúng cử, việc đầu tiên tôi làm trên cương vị đại biểu hội đồng nhân dân thành phố là lắng nghe lãnh đạo và nhân dân quận chúng ta trao đổi và đề xuất “những việc cần làm ngay” cho đời sống văn hóa của quận Hai Bà Trưng.
Quý vị nếu bầu cho tôi, quý vị hãy tin chắc là sẽ có ở tôi một đại biểu gần dân, hiểu dân và biết nói lên tiếng nói của dân. Vì từ khi biết nhận thức cuộc sống, tôi luôn tâm niệm một tư tưởng của nhà chí sĩ vĩ đại Phan Bội Châu “dân là dân nước, nước là nước dân”. Tôi sẵn lòng cho quý vị số điện thoại của tôi 0904277117, email của tôi: tufs03@yahoo.com, blog của tôi: phamxuannguyen.vnweblogs.com để liên lạc và tiếp xúc. Mà tôi có không trúng cử đi nữa thì các ông bà, anh chị khi cần vẫn có thể liên lạc với tôi qua những địa chỉ trên nếu có những vấn đề liên quan đến văn hóa văn nghệ mà tôi có thể giúp đỡ hay đóng góp trong phạm vi và khả năng của mình.
Thưa các bà các ông,
Thưa các chị các anh,
Chiều nay tôi đến cuộc ra mắt cử tri này trên chiếc Honda 82 đã cũ. Có thể như thế là “lạc điệu” giữa dòng xe hơi đang ngày một nhiều lên trên các ngả đường thủ đô khiến giao thông tắc nghẽn mỗi ngày. Nhưng tôi thèm biết mấy được đạp xe đạp thong dong trên đường đi làm, đi chơi, trong một khung cảnh phố phường trật tự, gọn gàng, văn minh và văn hóa. Quý vị và tôi, chúng ta đang chung tay xây dựng một Hà Nội thanh bình, đẹp đẽ như vậy. Bây giờ, tôi chờ đợi các bà các ông, các chị các anh, những đại diện của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể của quận Hai Bà Trưng, chất vấn, trao đổi với tôi, trên tư cách một ứng viên đại biểu hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2011 – 2016 thay mặt cho giới văn học nghệ thuật thủ đô được giới thiệu về bầu cử ở quận chúng ta, một ứng viên mà quý vị có thể bầu hay không bầu sau cuộc tiếp xúc cử tri hôm nay. Tôi tôn trọng sự tự do lựa chọn và trách nhiệm lá phiếu của quý vị.
Xin cám ơn quý vị đã nghe tôi nói.
-----------------------
NHÀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC PHẠM XUÂN NGUYÊN:
Nếu tôi trở thành “Ông hội đồng”
Cuộc bầu cử quốc hội khóa XIII và hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đang đến gần. Trong số các ứng cử viên của kỳ bầu cử này có nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Ông được Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội giới thiệu ra ứng cử vào Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông.
* “Vì một thủ đô sang trọng hơn”
* Tâm trạng của ông thế nào khi là ứng cử viên vào vị trí “ông hội đồng” của TP.Hà Nội ?
- Thú thực, tôi không hề nghĩ là mình ở vào vai này. Như trong mọi cuộc bầu cử khác, tôi chỉ chuẩn bị làm tròn trách nhiệm cử tri của mình. Nhưng Hội Liên hiệp được phân bổ chỉ tiêu giới thiệu ứng cử viên và tôi là một người được chọn. Ban đầu tôi được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội cùng một người nữa, nhưng do nộp chậm hồ sơ theo luật định nên cũng theo luật định, tôi vẫn được Hội Liên hiệp giới thiệu ra ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, cùng với hai chủ tịch của Hội Mỹ thuật và Hội Nhiếp ảnh Hà Nội. Khi Hội Liên hiệp đã tin tưởng lựa chọn giới thiệu thì tôi nhận và cố gắng để được bầu.
* Ông đã chuẩn bị chương trình hành động của mình như thế nào để tiếp xúc cử tri?
- Tôi được phân về bầu tại quận Hai Bà Trưng, cùng năm ứng cử viên khác. Sáu ứng viên bầu lấy bốn. Chúng tôi sẽ có hai cuộc tiếp xúc cử tri: một là với mặt trận tổ quốc và các đoàn thể của quận, một là với các tầng lớp nhân dân trong quận.
Tôi đã chuẩn bị chương trình hành động của mình với phương châm: Vì một Hà Nội thủ đô sang trọng hơn, văn hóa hơn. Nghĩa là, Hà Nội đã là thủ đô có sang trọng, có văn hóa, nhưng phải nâng cao hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa, giàu có hơn nữa. Trước nay, trên cương vị công tác của mình, tôi đã nhiều lần lên tiếng trên các diễn đàn, các phương tiện truyền thông về những vấn đề bức xúc của thành phố trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, đô thị. Bây giờ nếu được trúng cử Hội đồng nhân dân thành phố kỳ này, tôi sẽ có thêm một diễn đàn để nói lên trực tiếp hơn những vấn đề đó, cùng những ý nguyện của dân, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng, những băn khoăn, lo lắng của dân tới các đại biểu và lãnh đạo thành phố, và tôi sẽ có thêm cơ hội đóng góp những kiến nghị, đề xuất của mình để cùng lãnh đạo thành phố chăm lo sâu sát, toàn diện và đầy đủ hơn nữa cho cuộc sống của người dân. Cụ thể ở đây là cuộc sống của người dân quận Hai Bà Trưng, nếu tôi trúng cử với tư cách là đại biểu của quận. Đặc biệt, việc đầu tiên tôi muốn làm trên cương vị đại biểu hội đồng nhân dân thành phố là lắng nghe lãnh đạo và nhân dân quận chúng ta trao đổi và đề xuất “những việc cần làm ngay” cho đời sống văn hóa của quận Hai Bà Trưng.
* Thế còn vai trò đại diện cho giới văn học thủ đô của “ông hội đồng” nếu trúng thì sao?
- Tôi sẽ đề đạt với hội đồng nhân dân và lãnh đạo thành phố quan tâm hơn nữa đến việc tạo các điều kiện vật chất và tinh thần cho giới văn học thủ đô sáng tạo những tác phẩm xứng đáng với bề dày truyền thống và tầm vóc của Thăng Long – Hà Nội trong quá khứ và hiện nay. Thủ đô là nơi hội tụ tinh hoa của cả nước. Văn học thủ đô rộng hơn Hội Nhà văn Hà Nội, nhưng Hội sẽ là nơi hội tụ và tỏa phát những giá trị của khắp các vùng đất nước về làm đẹp, làm giàu cho thủ đô. Điều này tôi muốn được chuyển tải đến các cấp lãnh đạo thành phố từ trên diễn đàn của hội đồng nhân dân khi tôi là một đại biểu được bầu.
* Ngồi ghế Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, ông đánh giá sự quan tâm của Thành phố đối với Hội ra sao? Còn những điều gì mà ông cho rằng sẽ tiếp tục “chuyển tải” đến thành phố từ diễn đàn của Hội đồng nhân dân nếu trúng cử?
- Thành phố đã tạo được một không gian tinh thần khá rộng rãi, thoải mái cho các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành hoạt động. Đây là một điều rất quan trọng. Nhưng về mặt vật chất, cụ thể là về cơ sở nhà cửa trụ sở, về kinh phí tiền bạc, về đầu tư trọng điểm và lâu dài cho các văn nghệ sĩ cũng như các hội nghề nghiệp của họ thì nói thực Hà Nội chưa quan tâm lắm và chưa làm được nhiều, chưa mạnh tay. Hiện nay Hội liên hiệp VHNT Hà Nội đang xúc tiến việc chuyển đổi mô hình tổ chức hoạt động sang Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật thành phố Hà Nội để cho các hội chuyên ngành được độc lập và tự chủ hơn trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Vì thế đây sẽ là một “trọng điểm” của tôi đề xuất với lãnh đạo thành phố từ diễn đàn của HĐND nếu tôi trúng cử. Mà không trúng cử thì tôi cũng sẽ phát biểu khi có dịp gặp các cấp lãnh đạo thành phố. Riêng đối với Hội Nhà văn Hà Nội, tôi đang chuẩn bị đề xuất với lãnh đạo thành phố cho phép sử dụng quảng trường Lý Thái Tổ để tổ chức ngày thơ hàng năm và việc tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ thủ đô vào năm 2012.
* Có người cho rằng, nghệ sĩ khi làm quản lý, và nhất là khi làm chính trị thì sẽ không còn nhiều thời gian tập trung cho chuyên môn sáng tác, học thuật. Ông có lo điều đó?
- Trong cuộc sống, thêm công việc thì thêm bận rộn, thời gian phải chia sẻ nhiều hơn cho nhiều lĩnh vực. Tôi trước nay chỉ làm chuyên môn ở Viện Văn học, khi làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội thì đã phải lo các công việc sự vụ, rồi đây nếu trúng cử HĐND thành phố thì sẽ còn phải bận vào họp hành, đi cơ sở. Cố nhiên, như thế là thời gian dành cho chuyên môn nghiên cứu phê bình dịch thuật có bớt đi. Nhưng tôi thường làm việc về đêm là chính, mà đêm thường là khoảng thời gian của mình. Vả lại thời nay có máy tính, có mạng internet khắp nơi, nên đi đâu cũng có thể tranh thủ được những lúc rỗi để đọc được, viết được, dịch được. Do đó tôi tin là tuy có bận hơn nhưng tôi vẫn làm tốt công việc chuyên môn của mình.
* Hỏi thật ông, thế nếu không trúng cử thì sao?
Ồ, chẳng sao cả. Tôi được Hội liên hiệp giới thiệu ra ứng cử mà không trúng thì là do tôi không làm được cho người dân bầu thôi. Nhưng khi đó, tôi vẫn là một công dân Hà Nội, một người làm văn học văn hóa ở thủ đô, vẫn là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, thì tôi vẫn làm những việc đã nói trên cho người dân, cho các nhà văn nhà thơ, cho thành phố, trên cương vị hiện tại của mình, và với tấm lòng yêu Hà Nội của mình.
Cám ơn ông và chúc ông trúng cử
Mộc Miên thực hiện
10 nhận xét:
Gửi bác Văn!
Em cũng hoàn toàn nhất trí với bác và bài phát biểu của bác Nguyên hay và hoành tráng, đi vào trọng tâm, rõ ràng. Nếu là công dân Thủ đô em cũng bỏ cho bác ấy một phiếu!
Thương cho mái đầu bạc
chắc sẽ càng bạc thêm
Một nhiệm kỳ năm năm
Bao tính toán lo toan
Giữa việc nghị việc văn
Giữ cái hư,cái thực
Chết rồi nguyên bạc ơi!
Ngyên đã là quân đỏ.
Chăc trúng rồi Ng ơi
Giữa việc nghị,việc người
Hai việc chọn lấy một
Nếu Ng biết tu thân
Chúc Nguyên là nghị Người
Ngyên đã là quân đỏ.
Chăc trúng rồi Ng ơi
Giữa việc nghị,việc người
Hai việc chọn lấy một
Nếu Ng biết tu thân
Chúc Nguyên là nghị Người
Ái chà chà, cái anh đồng hương nhà em mà...oách nhỉ (He he, oách lây cái). PXN nhà ta phải cái hơi nhẹ cân anh nhỉ. Kể ra cũng khó tưởng tượng anh ấy ngồi họp QH hay Hội đồng thì có nghiêm ngắn được không nhỉ?
Thế này tức là lobby bằng bloger đấy! nếu ông PXN mà làm cho đường phố HN đi lại bằng xe đạp được thì cả mấy tỉnh lân cận bầu luôn chứ chả riêng người HN. Dù sao thì cũng cứ hy vọng vào ông "nghị người"
Không biết rồi PXN có dám nhuộm đen tóc như mấy vị nguyên thủ?
Nhà phê bình văn học làm nghị sĩ có lẽ hợp hơn nhà thơ lớn làm phó nguyên thủ.
Tôi cũng ủng hộ bác Nguyên, tiện thể phản đối một ứng viên HĐND tỉnh Gia lai. Cô ta được chọn vì 3 lí do: ngoài đảng (chắc 80% dân số thỏa mãn điều kiện này), là nữ (trên 50%dân số thỏa mãn điều kiện này), dưới 35 tuổi (40% dân số thỏa mãn điều kiện này). Vô tài, thất đức, chửi chồng, đánh ôsin, gây gổ suốt lượt với đồng nghiệp... thế mà được giới thiệu, chả hiểu từ đâu. Dân tình hiểu rõ thì truyền nhau và bảo là "hung tin".
ÔI thật tiếc ko ở HN để bầu cho " Lão già sành điệu " , hehe !
Đăng nhận xét