Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

PHAN THIẾT MỘT LẦN QUA

Có mấy người bạn tài hoa ở xứ này khiến tôi nghĩ hình như nắng gió ở đây đương nhiên là phải sinh ra họ, dù phần lớn họ không phải là dân Phan Thiết gốc. Ấy là một nữ nhà báo, quan báo hẳn hoi nhưng viết vẫn rất hay, rất dí dỏm, thông minh, cả văn cả báo, hoạt ngôn, hoạt chữ mà nghe nói cũng... xinh lắm...




PHAN THIẾT MỘT LẦN QUA...
VĂN CÔNG HÙNG

          Thực ra thì cách đây gần hai chục năm tôi đã có... nửa đêm ngủ ở Phan Thiết. Hồi ấy Phan Thiết còn bé tí, đang là thị xã của tỉnh Thuận Hải, nồng nã mùi nước mắm dù trời ào ạt gió. 10 giờ đêm mới đến, ăn cơm xong... ngủ ở nhà người quen là trưởng ty xây dựng thời ấy, 5 giờ sáng dậy đi tiếp. Trước đó đi từ Bắc vào Nam bằng xe đò, qua vùng đất này thấy chang chang nắng, những người đàn bà Chăm mặc quần áo kín mít màu sặc sỡ hoặc trắng đội những cái thúng ngất nghểu trên đầu đi dọc đường một, mình ngồi trong cái xe cũ kỹ nóng như lò nung, người chật như nêm mà cũng còn ái ngại cho những người đàn bà ấy. Rồi nhớ ông Nguyễn Tường Nhẫn, hồi làm chủ tịch hội Văn học Nghệ thuật Thuận Hải luôn tự trào: "Cái xứ văn chương không bằng xương cá mòi"... Vậy nhưng cái ấn tượng Phan Thiết trong tôi nó vẫn luôn nồng nã như cái mùi nước mắm mà ai đã từng ra nước ngoài chỉ cần dăm ba ngày mới thấy nó quan trọng cần thiết đến như thế nào khi... không có nó. Cái tính hay lưu giữ và gặm nhấm ký ức khiến tôi thi thoảng lại vụt nhớ đến Phan Thiết với cái đêm hôm nào ấy, với những "thi thoảng Phan Thiết" ấy. Đến trước khi quay lại lần này, Phan Thiết trong tôi còn thêm những đồi cát trắng đẹp nao lòng đã giúp rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh nước nhà thành danh. Nói luôn là quê tôi ở Huế, cũng đầy những đồi cát như thế nên chả lạ gì, nhưng không hiểu sao mà chỉ ở đây thì các nghệ sĩ nhiếp ảnh mới lột được hết chất của cát và người của biển của trời như thế. Cái đêm Phan Thiết cách đây hai chục năm ấy tôi nhớ chúng tôi ngồi ở chân cây cầu bắc ngang sông Cà Ty hưởng gió và mùi nước mắm. Chao ơi, cũng như cát, hình như gió ở đây cũng khác, nó cứ ào ạt nhưng lại mơn man, cứ như quấn như ghì lấy người, tóc tai rũ rượi, người cứ như vênh lên, như đang quều qòao bơi trong gió. Thì cứ nhớ gió nhớ đêm Cà Ty thế nên tôi quyết quay lại Phan Thiết cho bằng được. Có mấy người bạn tài hoa ở xứ này khiến tôi nghĩ hình như nắng gió ở đây đương nhiên là phải sinh ra họ, dù phần lớn họ không phải là dân Phan Thiết gốc. Ấy là một nữ nhà báo, quan báo hẳn hoi nhưng viết vẫn rất hay, rất dí dỏm, thông minh, cả văn cả báo, hoạt ngôn, hoạt chữ mà nghe nói cũng... xinh lắm. Nói thế bởi tôi mới chỉ đọc chứ chưa gặp người, có chăng là ở cái avata trên blog lờ mờ một bông lục bình tím và đôi ba lần a lô nghe khanh khách tiếng cười của một người rộng lượng và rộng lòng, cái giọng nền nã dịu dàng và cả từng trải lịch thiệp. Ấy còn là một nhà văn tên Nguyễn Hiệp ở Hàm Thuận nam, một huyện nhỏ sát Phan Thiết, nhưng văn chương vang lừng cả nước. Ông nhà văn này có nghề chính là quay phim chụp ảnh để kiếm sống nuôi con, ban đêm khi mọi người ngủ thì thu lu ngồi viết văn, thế mà văn ông nó khắc khoải nhân tình thế thái, nó mở rộng biên độ vượt lên hàng tỉnh liên tiếp đoạt các giải thưởng quốc gia. Thế mà con ông đứa nào đứa nấy lại cũng rất giỏi. Ấy còn là vài ba bạn bè làm văn chương báo chí loáng thoáng gặp nhau đọc nhau đâu đó mà cứ như thân thiết lâu ngày...
          Thế nên đang ở nhà sáng tác Vũng Tàu tôi theo xe nhà thơ Lê Huy Mậu, tác giả lời bài hát nổi tiếng "Khúc hát sông quê", ra Phan Thiết một chiều sậm của tháng hè cũng gió cũng nắng và cuối cùng là trăng và sóng và người. Ông Mậu thì đi họp còn tôi đi... chơi...

          ...Nữ nhà báo kéo thêm mấy nhà báo nam rủ tôi ngồi ở bờ sông thưởng thức mực một nắng với bia. Có mấy món rất ngon nữa chị kêu ra đãi tôi nhưng lúc chiều trên đường ra Phan Thiết chúng tôi đã ghé nhà Nguyễn Hiệp và hai vợ chồng ông nhà văn này cũng đã tất bật ép chúng tôi một trận nhậu gấp gáp tơi bời, thế nên bây giờ món ngon hay không tôi không còn cảm nhận được, nhưng bù lại, tôi cảm được nhiều điều lớn hơn, rộng hơn những món rất ngon kia. Ấy là cái phong cách Phan Thiết, tâm hồn Phan Thiết, nhiệt tình Phan Thiết, hiểu biết Phan Thiết... từ những đồng nghiệp đang ngồi tiếp tôi kia. Những câu chuyện đứt nối, những dư ba cuộc đời, những lượm lặt vốn sống, những cảm nhận phố phường... cho tôi hiểu thêm một vùng đất với những con người nửa bí hiểm nửa chân tình, nửa hào sảng lại vẫn dịu dàng quyến rũ... Những con thuyền xếp hàng ngủ êm đềm trong trăng trong gió, mà trăng thì như dát bạc trên nhấp nhô những con sóng lăn tăn phủ phê vào tận chân đường nơi chúng tôi ngồi. Vừa nhậu vừa nghe sóng vừa ngắm trăng vừa nhìn những đôi giày cao gót đỡ những cặp chân thẳng tưng lại vừa phóng mắt vào cái thăm thẳm của mênh mông chân trời vút xa góc biển mà tưởng tượng mà bâng khuâng mà rợn ngợp trước cái bao la bí ẩn của biển. Lần trước tôi ghé, cả Phan Thiết mới có một con đường độc đạo, bây giờ, phố xá thênh thang, nhưng thú nhất ở một thành phố biển là có biển ở ngay trong phố. Bởi thế mà đêm ấy chúng tôi ngồi khuya lắm, hình như tiễn nhau trước khi về ngủ là bài thơ "Phan Thiết có anh tôi" của Hữu Thỉnh. Cũng nói luôn, Phan Thiết ngoài những điều tự mình để nổi tiếng thì bài thơ của Hữu Thỉnh cũng góp phần chắp cánh cho Phan Thiết vươn ra ngoài. "Chính ở đây anh thấy biển lần đầu.../ vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết/ Em một mình đứng khóc ở sau xe/ Chiến trường còn kia trận mạc còn kia/ vài bước nữa là đến đường số một/ vài bước nữa thế mà không thể khác/ Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi"... những câu thơ đến giờ đọc lại vẫn quặn lòng, vẫn ứa lệ, và cũng có biển, có đường, có trăng nữa, những thứ chúng tôi đang yên bình hưởng bây giờ, lúc này, cũng Phan Thiết. Thế gian biến cải, tưởng cứ mù tít  tắp, ai ngờ lại như là định mệnh xoay tròn. Tôi biết năm kia, nhà thơ Hữu Thỉnh đã vào đây tìm được và đưa anh trai mình về quê, về với người vợ: Một mình một mâm cơm/ ngồi bên nào cũng lệch/ chị chôn tuổi xuân trong má lúm đồng tiền, và nữ nhà báo này cũng đã gặp anh, làm chương trình về anh. Cái hôm Hữu Thỉnh vào Phan Thiết để tìm anh, tôi và ông cùng họp ở Tam Kỳ, từ đấy ông vào Phan Thiết và khi ra thì mang theo anh mình...
          Tất nhiên hôm sau thì phải đi, một bạn văn Phan Thiết là La Văn Tuân với một xe máy, thế là ngang dọc, từ nội đô ra đến vùng đồi cát, từ ngắm bộ xương cá voi dài 22 mét đến vào lớp ngồi tưởng tượng mình là học trò trường Dục Thanh, từ Mũi Né đến các rì soọc (resort) xanh ngằn ngặt giữa nắng gió rợn ngợp. Nếu không có La Văn Tuân tôi không thể đi được nhiều đến thế chỉ trong một buổi sáng. Cả dải nắng cát trắng phau dằng dặc từ mũi Né về lại trung tâm thành phố bây giờ dày đặc biệt thự và cây xanh tiệp với ngăn ngắt nước biển trông như một thành phố xứ nào? Cái nghề viết nó sướng một cái là luôn có bạn bắc cầu. Người này giới thiệu người kia, chỉ nửa buổi là ta có thể đề huề một "mâm" bạn hợp cạ để vừa làm việc lại vừa có thể lai rai. Ông nhà thơ Vũ Nghệ bạn cùng trại viết với tôi năm nào ơi ới gọi khi tôi đang lang thang đồi cát mũi Né, rằng có một mâm bạn nữa đang chờ tôi ở khách sạn. (mới đây tôi được nghe rằng anh Vũ Nghệ đã mất một cách rất thương tâm). Mới chưa đầy ngày, tôi đã như ở nhà, như đã là cư dân Phan Thiết.
Làm học trò trường Dục Thanh



          Đã không còn trong tôi cái khái niệm nắng nóng khô khát nữa, Phan Thiết hôm nay là rưng rưng nhớ như câu thơ của nhà văn Hoàng Đình Quang tặng một bạn viết Phan Thiết: "Lầu son nào đã thành hoang phế/ ông Hoàng nào đã đi về cõi xa/ Những viên gạch nằm xếp hàng đổ vỡ/ Không có em anh uống với trăng ngà...
          Là nói dỗi thế, chứ hoa Lục Bình vẫn nở bên sông Cà Ty...
                                                         Chiều 29/ 3/ 2011
                                                                   VCH.


18 nhận xét:

Nặc danh nói...

Thưa nhà thơ
Hôm qua đi đến Buoonmethuot có gử tăng nhà thơ tập thơ mới Ngọn lư & tiếng chuông bao giờ nhận được xin cho biết
Xin đưng đụng chạm người bên kia sông Ca ty
HDQ có một câu thơ rất hay: "Ngày ở lại bên này Phan Thiết
Đêm tôi về anh mới bò sang"
he he chuc vi vu

tam.lengoc@yahoo.com.vn nói...

Chào anh Văn Công Hùng. Tôi đã từng sống ở Phan Rang- Tháp Chàm gần 5 năm. Tuy Phan Thiết chỉ đi xe lướt qua, nhưng vẫn cảm nhận được hương vị của những chùm nho ngọt ngào. Trên cánh đồng lúa, những cô gái Chăm chăm chỉ làm việc và mê mãi hát. Đâu đó âm vang tiếng sóng vọng về cùng hương của biển...

Nặc danh nói...

Bác Văn giữ tên nữ nhà báo kín quá làm người đọc cứ tưởng tượng hoài ...

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc danh:
--------------
Định hỏi tên để cám ơn nhưng thôi khi nhận sách sẽ biết tên tác giả, cám ơn bạn trước nhé.

Văn Công Hùng nói...

@ Lê Ngọc Tâm:
---------------
Tôi cũng có bà con ở Phan Rang, ngày xưa nó chung tỉnh với Phan Thiết. Phan Rang nóng kinh người...

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc danh:
-----------
Vâng, tưởng tượng là phẩm chất của thi sĩ đấy...

Nguyễn Minh Tuấn nói...

Hehe, Thoạt đầu thì cứ chăm chăm tìm tên nữ "quan báo", sau một hồi thì thấy tên ngay ở cuối bài, và lại nhớ đến cái tên "Thiền Viện"...

Nặc danh nói...

Nho NMT mach nuoc ,toi tim thay Hoalucbinh roi .

Nặc danh nói...

bắt được một tên định ăn chộm bưởi đê!!!
Tiện thể, hình ảnh người muốn quều quào bay lên rất chi là thú vị nhưng nếu bác không định thay đổi chính tả tiếng Việt thì bác đổi cái chữ "quều qoaò" thành "quều quào" hộ phát!

Văn Công Hùng nói...

@ Nguyễn Minh Tuấn và Nặc danh:
--------------
Hì hì, tinh.

Văn Công Hùng nói...

@ Nặc danh:
------------
Để "quều qoaò" có khi nó lại... "quều quào" hơn bạn ạ.

me2bong nói...

"ngồi ở bờ sông thưởng thức mực một nắng với bia".
Anh ơi, nói đến Phan Thiết, thực sự em cũng nhớ mỗi thứ này. Trùi ui. Hôm đó, trong đoàn có gã Tú béo, mồm hắn thì nhai chẹp chẹp, mực cứ gọi là theo nhau cả đàn bơi vào dạ dày, mắt hắn thì đảo như rang lạc mấy cô bé phục vụ. Sau này, hễ nói đến mực là ai cũng nhớ tới mực Phan Thiết, ngồi ở bờ sông, trong một buổi chiều tà đầy gió, và chén cả một đàn mực.

Văn Công Hùng nói...

@ Mẹ2bong:
---------
Anh cũng mới ngồi với Tú béo đây, quả là nó ăn nhiều, ngắm nhiều và... không chịu uống gì, khôn thế không biết. Một chai Chivas chỉ mỗi anh với Đỗ Tiến Thuỵ, bác Ngô Vĩnh Bình xơi cho nó nhìn và... nghĩ xấu bọn uống rượu.
Nhưng như thế thì, dẫu có ăn hết cả đại dương mực cũng chả nỗi niềm gì...

mẹ mướp nói...

Ôi kinh nhể! thằng Tú béo hát chầu văn ăn cả một đàn mực...

Văn Công Hùng nói...

@ MM:
--------
Ơ, thế là đàn chị Tú à?

Ha Thanh nói...

The Van Cong Hung Chua duoc thuong thuc mon muc mot nang khong rau a.Dac san cua Phan Thiet day.Tuyet cu meo.

Văn Công Hùng nói...

@ Hà Thanh:
--------
Ơ lại có món ấy à, oách nhỉ?

BÌNH ĐỊA MỘC (Đỗ Thanh Toàn) nói...

Đọc bài viết của anh, nhận ra văn phong nhẹ nhàng, lịch lãm nhưng rất sâu sắc, không "đao to búa lớn" thường gặp. Xin chúc mừng anh và xin được mãi mãi học tập khi có điều kiện anh nhé!