Chủ Nhật, 30 tháng 1, 2011

BÀN VỀ MỘT BÀI THƠ LẠ CỦA NHÀ THƠ VĂN CÔNG HÙNG

Cuối năm, bao nhiêu việc, lưng tưng vào mạng, sửng sốt đọc một bài viết của Thuận Nghĩa. Sửng sốt là bởi để viết bài này, y phải gác lại bao nhiêu bệnh nhân, xếp lại bao nhiêu thi tứ, dẹp lại bao nhiêu bâng khuâng của chiều cuối năm xứ người...  y viết một cách miệt mài và đầy cảm hứng như đang... chữa một con bệnh mạn tính, như đang bấm huyệt sắc thuốc, như đang đánh vật với những lỗi chính tả tiếng Việt mà y thường xuyên mắc, thường xuyên hỏi ngã vô thường và... táo bạo (Nhưng ở bài này thì hình như giời cho y không mắc lỗi nào)...
Cảm động rưng rưng lôi bài này về đây và lùi bài định đăng hôm nay vào ngày mai, bài "Tết của người Tây Nguyên"- hình như cũng thú vị đấy...


BÀN VỀ MỘT BÀI THƠ LẠ của Nhà Thơ Văn Công Hùng

thuannghia | 29 January, 2011 22:52
Trong "bộ nhớ" của tôi, là bộ nhớ thật sự của tiềm thức về Thơ, chứ không phải bộ nhớ của computer. Nhà thơ Văn Công Hùng được tôi lưu trữ vào phần những nhà thơ "bảo thủ" yêu thích. Có nghĩa trong "lịch trình" với Nàng Thơ của riêng tôi. Nhà thơ "trẻ" này được tôi xếp vào hàng những nhà thơ "bảo thủ".
 
Cũng xin đừng nhầm lẫn hai chữ "bảo thủ" trong bộ nhớ của tôi với những trào lưu Thơ, những phong cách Thơ, thể loại Thơ hay là trường phái Thơ...như cách "phân"- loại về Thơ của những nhà nghiên cứu văn học đương đại. Vì với tôi Thơ chỉ là Thơ có vậy thôi. Không có "cổ điển" không có "truyền thống", không có "hiện đại", không có "hậu hiện đại". Tôi không có mấy hứng thú với cái mớ lý luận mang tính cách "học giả" này vì tôi thuộc vào týp người "đọc thật".
 
"Bảo thủ" trong tiềm thức Thơ của tôi cũng rất đơn giản. Là luôn giữ nguyên "phong cách", ít sự chuyển dịch "phong thái", luôn bảo tồn "phong độ", bền vững về sự "phong phú",  và đương nhiên là chẳng bao giờ suy giảm về khả năng "phong lưu" (he he..) có vậy thôi.
 
Điều đặc biệt chú ý nhất về "cảnh giới bảo thủ" hay nói cách khác là "cảnh giới tối cao" của sự bảo thủ ở nhà Thơ Văn Công Hùng là cảnh giới "nô lệ tình dục cho Thơ". Có nghĩa là mức độ bị Thơ hành hạ, Thơ khai thác, Thơ đày đoạ một cách triệt để về mọi phương diện tâm tư tình cảm cũng như thể xác (Cái này là định nghĩa về "nô lệ tình dục" từ ủy ban bảo vệ Phụ nữ và Trẻ em của Liên Hiệp Quốc đấy- Tư liệu do Blog Gửi hương cho gió mà Lão Hâm đọc nhầm thành "gửi xương cho chó" cung cấp).
 
Trong lúc một số Nhà thơ đương đại Việt Nam đang "quay lưng ngoảnh mặt" lại với Thơ, để chuyển sang viết kịch bản truyền hình hoặc viết tản văn, tự truyện hay là làm phỏng vấn, đối thoại, và săn tin "lộ hàng"... Cũng như một số nhà hoạt động Văn hóa và Báo chí đang mắc phải hội chứng "ê ẩm với Thơ" hoặc hội chứng "dị ứng thơ" (ví dụ như Nhà báo, Bloger Trương Duy Nhất, Nhà văn, nhà Biên kịch Nguyễn Quang Lập chẳng hạn..". Thì nhà Thơ VCH vẫn cần mẫn "dâng hiến" cho Thơ một cách miệt mài như có thể. Như vậy chẳng phải "bảo thủ" là gì chứ. Hoạt động Thơ của nhà Thơ VCH vẫn đang trong chế độ "thời bao cấp". Chỉ khác hơn là không phải Nhà nước bao cấp, mà túi bên trái bao cấp cho túi bên phải, hoặc là túi vợ bao cấp cho túi chồng. Thế là bảo thủ chứ còn gì nữa.

Điều chú ý thứ hai trong "cảnh giới bảo thủ" của Nhà thơ Văn Công Hùng, là Nhà thơ này mặc dù đã "bao phen nếm mật nằm gai" với núi rừng Tây Nguyên. Ông là người "cầm chịch"  (Tổng biên tập) cho tờ báo Văn Nghệ Pleiku, một tờ báo có tính Văn Nghệ đích thực vào loại hàng đầu trong các loại báo viết đang hiện hành ở Việt Nam. Nơi tập trung nhiều tay viết cự phách, nhiều nhà hoạt động văn hóa có xuất từ cái nôi "Tam giác Văn hóa Việt": Huế-Đà Nẵng,  Bình Định- Qui Nhơn và Tây Nguyên (Kinh Việt- Chiêm Miên- Eđê Ba Na...). Đã có một thâm niên lăn lộn với tầng Văn hóa sử thi hoành tráng của núi rừng Tây Nguyên. Nhưng Thơ của Văn Công Hùng vẫn chưa nhiễm được hồn cốt của "cồng chiêng", chưa thấm chất sử thi hào hùng của "rừng xà nu" chưa cuộn chảy với "sông Ba oai hùng", chưa thênh thang hùng vĩ như K´Bang như Kan Nac, chưa huyền diễm như Kon Ka King...Thơ ông vẫn còn rất chi là "Tam Điệp", rất chi là "Đại Nội- Phú Văn Lâu".

Chính vì vậy mà tôi đã lưu trữ nhà thơ Văn Công Hùng vào bộ nhớ những nhà thơ "bảo thủ" trong tiềm thức "yêu thơ" của tôi.
 
Đương nhiên là một người hoạt động văn hóa, một nhà "lao động" Thơ thật thật đúng nghĩa. Nhà thơ Văn Công Hùng vẫn luôn luôn đi tìm cái mới, phong cách thể hiện mới, đột phá trong ngôn ngữ và cấu tứ, luôn thổi vào thơ mình một luồng sinh khí mới lạ và hấp dẫn để thoát ra khỏi "dây chuyền" sản xuất Thơ.
 
Là người đang "sống chết" với Tây Nguyên, thì trong Thơ của Văn Công Hùng tất yếu sẽ có hình ảnh của Tây Nguyên hùng vĩ. Nhưng cái chất đích thực của Tây Nguyên, của "lễ hội" của cồng chiêng vẫn chưa tỏa ra hương sắc trong chất Thơ của Văn Công Hùng.
 
Ý tôi nói là không viết về cồng chiêng, nhưng khi đọc lên thơ vẫn mang âm hưởng của tiếng cồng tiếng chiêng, không viết về thác nước những vẫn nghe tiếng ầm ì của thác đổ, không viết về hoa nhưng vẫn nghe óng ả màu hoa quì vàng...đó là mới là hồn cốt là bản sắc thấm vào chất Thơ của một vùng Văn Hóa.
 
Anh vẫn có: chiếc khố dây nhắc nhau nụ cười/ chiếc vòng đá lặn vào hạnh phúc ...những chiếc lá hát lên từ lòng ngực/ chiếc lá khát khao chiếc lá ngậm ngùi/ có gì xanh hơn thế nữa/ viên sỏi nôn nao chớp lửa vô hồn...Rừng hoang lắm/ con người soi mình vào lá/ gặp gương mặt mình/ gặp tháng gặp năm/ gặp mẫu nhau khô chôn bên bờ suối (Trường ca Lời Vĩnh Cửu).

Hoặc:.. Ngậm tận cùng chất đắng/ vàng mơ như buổi chiều cơn mưa chợt cháy/ ước chúng mình được bên nhau/ hoa quì cuối mùa nép trong hoàng hôn/ ngơ ngác cái nhìn vu vơ/ ngơ ngác gió...(Bất chợt dã quì)

Và đây nữa: mà mãi chảy cuối trời thao thiết lắm/ sông thay người ngong ngóng vệt buồm non (Mắc nợ tháng giêng). Hoặc là: Chiều cao nguyên lạc trong đồi úp bát/ lạc trong mắt em lạc trong nỗi buồn/ lạc trong miên man dã quì im lặng/ gió lên rất chậm phía mờ trăng..(chiều Cao nguyên)

Chưa hết: Pleiku/ ta đón mùa thu vào cái đêm dã quì mất ngủ/ cỏ lân khân ướt sương/ những hạt sương tròn vo cơn mơ ngược núi...(Đón mùa thu ở Pleiku)

Còn nhiều lắm: Tôi gặp K`Bang chiều thanh bình quá thể/ như ngàn năm vẫn vậy áng mây này/ xanh đến tím Kon Ka King ẩn hiện/ trắng mờ sương ngơ ngẩn vệt chiều say..(Gửi K´Bang).....cơn gió ngả về đâu?/ lau ngả về phía ấy/ những bông dã quì quẫy vàng trời...(Cao nguyên ngày tôi mới)...Chắt đến tận cùng sự sống/ lá vàng đau úa cả chiều/ nhựa cây ứa trào như máu/ cao su oằn mình trong mưa...Chiều nay giật mình đứng lặng/ lá vàng rơi nát không gian ..( Nhìn là cao su rụng, nghĩ..)....Chỉ mấy bước hân thôi/  mà đi hoài không hết/  phương em chiều mải miết/ mưa giăng mờ Chưprông..(Cổ tích Chư Prông)....Tôi gặp một Pleiku thương mến/ mùa đang xanh biêng biếc giữa thu vàng/ cơn dốc ngắn đổ vào lòng thương nhớ/ nắng vè thông thắp lửa giấc mơ này...(Pleiku mùa thu và bạn)...Có chút gì ngẩn ngơ như bến vắng/ sông Đắc La ngái ngủ khỏa chân trần/ gùi qua phố bổng nòng nàn thổ cẩm/ mắt giao mùa thăm thẳm ngực trinh nguyên/ rồi có thể mai này nhiều điều sẽ khác/ không nắng vàng và thông chẳng còn reo/ nhưng vẫn nhớ một Bana lãng mạn/ Vẫn còn Kontum mãi mãi thu ..(Chợt Thu với Kontum)...nhạc ngựa reo hún hút tận phương nào/ ta nhịp vó về Đê Chê Giang lịch sử/ tiếng chiêng trầm hùng ngược về quá khứ/ lửa thiêng bùng trong giáng tượng vút cao...(An Khê)....
 
Nói tóm lại là hình ảnh Tây Nguyên hầu như "đi đâu" từ "Ngựa Trắng Bay Về- trường ca xuất bản năm 2002",  "Hát Rong- tập thơ xb năm 1999", "Hoa Tường Vi Trong Mưa- tập thơ xb năm 2003", "Những Cơn Mưa Ký Ức- tập thơ xb năm 2005", .."Gõ chiều vào bàn phím- Tập thơ xuất bản 2007, "Đêm Không Màu-tập thơ xb năm 2009", cho đến "Lục bát Văn Công Hùng xuất bản năm 2010", đâu đâu cũng gặp và gặp rất "đậm đặc" hình ảnh của Cao nguyên, của Pleiku, của Kontum, Đà lạt..v.v...(Khiếp..gần như mỗi năm xuất bản một tập thơ...)...
 
Quả thật là Tây Nguyên đó, Núi rừng đó, cồng chiêng đó, dã quì đó, thông đó, cao su đó, xà nu đó, khố đó, vòng đá đó, lễ hội đó...tất cả đúng là 100% Cao nguyên nhưng (lại nhưng)...Thật sự đọc lên vẫn cảm thấy là "hồn cốt" của Phong Châu của Tam Điệp của Sông Hương- Núi Ngự chứ chưa thấy "bản sắc" của cồng chiêng chưa thấy cái chất "nghe tin chàng con tê giác không dám bước lên đường, nghe tin chàng voi dữ không dám đi ngang qua trước mặt, người hùng không dám múa chiêng hơn chàng, chàng đánh đâu thắng đó, mặt chàng đỏ như men rượu nồng, giáo nhọn luôn cầm bên tay, khiên chắc luôn trên vai..(Sử Thi ca ngợi Y Khung Ju của dân tộc Êdê"...Hoặc chí ít ra cũng có âm hưởng của  "..thằng Pháp ơi, thằng Pháp ơi, mày nhầm rồi, mày nhầm rồi.." chứ.
 
Nhưng..(lại nhưng). Bài thơ mới nhất đây của nhà thơ Văn Công Hùng có rất nhiều điểm lạ. Lạ vì đó là một bài thơ rất đậm đặc chất Thi ca trong thời vụ gặt hái của mùa báo chí Tết. Lạ vì bài thơ được viết ra trong thời điểm nhà thơ đang bại tay vì nhức vai (he he...)...Lạ vì bài thơ có cái kết hết sức ngập ngừng. Và điểm lạ nhất là bài thơ hơi khác với phong cách "bảo thủ" của Nhà thơ. Bài thơ thật sự đã mang hồn cốt âm hưởng, bản sắc của Sử Thi Tây Nguyên. Đã có tiếng vọng của "cồng chiêng" trung thẳm thẳm của cấu tứ.
  
ĐI VỀ EM GẶP MỘT CHÂN TRỜI
 
đi về núi xa gặp gió
đi về cuối gió gặp mưa
đội mưa về gặp những đuôi mắt buồn thăm thẳm
đi về em gặp một chân trời
  
cuối cùng thấy nhau ở đầu dòng sông
âm u ngược nguồn
chỉ thấy cây
chỉ rừng
chỉ hoàng hôn âm ủ
chỉ một mình gió lang thang
 
giữa rừng thèm những cánh rừng
giữa cây thèm bóng rợp
giữa đêm thèm im lặng
giữa em thèm một muốt trần
giữa tất cả thấy mình thèm tất cả
  
đến một ngày không thèm gì nữa
một mình giữa rừng giữa cây giữa em và im lặng...
 
tận cùng biển gặp lại nguồn róc rách
những cánh buồm xếp gió rụng về nhau...
 
Pleiku 20/1/2011
V.C.H
  
Hai câu cuối chữ đỏ có thể được dời sang một bài thơ khác, mong các bạn đọc tinh tường cho ý kiến.(VCH)
   
Chỉ nguyên cái đầu đề "Đi về em gặp một chân trời" đã mang phong sắc cách nói của người Cao nguyên. Không phải là câu nhắc nhở "đi về đi em..". Mà là "đi về em.." là cái hướng chuyển dịch của cảm xúc, của tâm thức, của minh triết..đi về (quay về, trở về" phía em thì gặp một chân trời. Câu nói rất trung thực có chút gì đó ngây ngô nhưng hàm chứa nhiều ý tưởng ẩn dụ đã mở đầu cho một nhịp mạch rất khác lạ, huyền bí,  bi tráng và đầy những uẩn khúc đang được phát tiết ra như một tiếng gõ vọng loanh loang và lan dội ra thành tiếng ngân xa của cảm xúc.
 
đi về gió../ đi về cuối../ đi về mưa../ đi về em... chỉ còn cây../ chỉ rừng../ chỉ hoàng hôn../ chỉ một mình...giữa cây../giữa rừng.../ giữa em...giữa tất cả...(chình chình chình..choeng..) giữa tất cả nhưng thấy thèm tất cả..(choeng...) và một mình giữa rừng, giữa cây, giữa em...(choeng ..) đến một ngày không còn thèm gì nữa (chình chình..). Bi tráng đến thế là cùng cái chân trời Em khi đi về nơi đó...cái chân trời đó là vạch nối giữa em và im lặng.

Rừng đó, gió đó, cây đó, mưa đó và em đó nhưng cuối con đường "đi về em" là..  tận cùng biển gặp lại nguồn róc rách/ những cánh buồm xếp gió rụng về nhau.

Nếu không có chữ "rụng" mang tính ẩn dụ và gợi cảm cao được xếp vào tứ thơ một cách đầy tài tình, ngoạn mục của một hồn thơ luôn chất ngất với núi rừng, thì hai câu thơ kết sẽ đi lạc ra khỏi cái "lễ hội cồng chiêng" của "chân trời em" Cao nguyên này ngay. Nhưng chữ "rụng" hiểm hóc và thần diệu này của những cánh buồm xếp gió đã không còn thuộc về biển nữa , mà nó thật sự là "suối nguồn róc rách" của những cánh rừng đại ngàn bất tận
 
Sự ngập ngừng của tác giả, khi muốn chuyển dịch hai câu kết của bài thơ này có lẽ cũng là sự ngập ngừng khi muốn chuyển dịch một tâm thức Thơ từ "Tam Điệp" đến "Chư Prông" chăng?

Tôi không biết mình sẽ muốn đọc một Văn Công Hùng "bảo thủ" như xưa nay mình đã mến mộ, hay muốn đọc một Văn Công Hùng "gặp lại nguồn róc rách" của núi rừng K´Blang với âm hưởng của lễ hội cồng chiêng. Nhưng tôi biết chắc chắn "những cánh buồm xếp gió rụng vào nhau" sẽ hứa hẹn một trường Thơ rất hấp dẫn và thú vị
 
30.01.11
TN

5 nhận xét:

Dong nói...

Bình thơ như sắc thuốc.

quan lang nói...

Dong à, để TN bình thơ chứ. TN mà sắc thơ VCH làm thuốc thì có ối vị bị ngộ độc.

Văn Công Hùng nói...

@ Dong và quan lang:
Hê hê...

quan lang nói...

toan bộ các trang NTT,NXD, THD,...khg thể mở ra neu dùng Dcom3G Viettel. Bi tui nay no thuoc roi, tuc chet duoc.

Văn Công Hùng nói...

@ Quan lang:
Em vừa mail cho một em xinh đẹp là Pgđ VTGL, nguyên văn: Em ơi, hiện nay một loạt các trang blog và web không thể vào được bằng Dcom3G Viettel, tại sao thế nhỉ, lạ nữa là cũng blogspot nhưng trang của anh: http://vanconghung.blogspot.com vào được, nhưng những người khác thì không vào được, và thông báo luôn, họ đang hò nhau... tẩy chay Viettel đấy. Nguy là anh đã cắt Internet VNPT rồi, huhu. Trang này là một ví dụ, em vào xem họ tẩy chay nhé. (Trang này anh phải vượt tường lửa đấy vì bị VT chặn, trong khi nó cùng hệ blogspot với anh):
http://webwarper.net/ww/~av/nguyenxuandien.blogspot.com/2011/01/chi-co-vinaphone-moi-em-lai-cuoc-song.html
Còn đây là một cái comment trong blog của anh: toan bộ các trang NTT,NXD, THD,...khg thể mở ra neu dùng Dcom3G Viettel. Bi tui nay no thuoc roi, tuc chet duoc.
Thôi chặn ai thì chặn, em có cách gì đừng chặn anh không?
Hê hê, tốt nhất là mua một... nắm 3G, mỗi cái dùng cho một hệ, vì cùng là nhà nước nhưng hình như họ phân công nhau mỗi mạng chặn vài trang hay sao ấy... nên có trang bị VT chặn nhưng VNPT vào được, ngược lại có trang VNPT chặn nhưng VT lại vào được. Có trời mới hiểu.